Xử lý ra hoa cho bưởi
Hiện nay một số loại giống bưởi ngon đang được người tiêu dùng ưu chuộng,
có nhu cầu sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Tỉnh Phú Thọ có hai giống bưởi đặc sản Bằng Luân và Chí Đám được trồng và
mở rộng diện tích chủ yếu ở huyện Đoan Hùng. Những năm gần đây ở nhiều địa
phương trong tỉnh như Phú Lộc (Phù Ninh), Vĩnh Lại (Lâm Thao), Đồng Thịnh (Yên
Lập)… người dân cũng tự trồng mới một số loại cây ăn quả có múi, trong đó tập trung
chủ yếu là giống bưởi Diễn (giống bưởi có nguồn gốc từ bưởi Đoan Hùng).
Tuy nhiên, với đặc tính riêng của cây bưởi là sau trồng từ 5-6 năm cây mới cho
năng suất và chất lượng ổn định (bưởi Đoan Hùng từ 6-7 năm). Cho nên việc khắc
phục hiện tượng ra hoa, đậu quả không ổn định hàng năm đang được đông đảo người
trồng bưởi quan tâm.
Đối với diện tích trồng mới ở các vùng đồng bằng, những nơi có mực nước
ngầm cao, thoát nước kém khi mưa nhiều. Khi trồng cần phân lô, lên luống, tạo rãnh
hoặc tạo “nấm” trồng nổi để có thể chủ động tưới tiêu, chăm sóc, điều khiển được sinh
trưởng, phát triển của cây khi cần thiết như: Tạo sự khô hạn, chặn rễ, bón phân… được
thuận lợi.
Đối với những vườn cây đã vào thời kỳ kinh doanh, để cho cây ra hoa nhiều thì
ở giai đoạn phân hóa mầm hoa cây phải trong điều kiện nhất định như sinh trưởng
khỏe mạnh, bộ lá có màu xanh đậm, có một thời gian khô hạn và không được ra lộc
trong thời gian này. Tùy từng điều kiện cụ thể mà tiến hành xử lý thích hợp cho cây.
Xử lý ra hoa bằng cách tạo sự khô hạn: Đối với những vùng đất có độ ẩm cao
như vùng đồng bằng, có năm mưa nhiều. Xử lý khô hạn vào tháng 12 và tháng 1
dương lịch, thời gian khô hạn từ 15-25 ngày, tùy thuộc vào độ ẩm đất và tình trạng
thiếu nước của bộ lá mà tưới nước trở lại (khi lá héo cong lên phía trên hình lòng mo
là được). Bón phân kết hợp với tưới nước, tùy theo sức sinh trưởng và độ tuổi của cây
mà bón. Ví dụ cây 10 năm tuổi bón 0,3-0,4 kg urê, 1,2-1,5 kg supe lân và 0,3-0,5 kg
kali clorua. Trong 3 ngày đầu tưới nước liên tục, sau đó tưới cách ngày. Sau khoảng
gần một tháng cây sẽ ra hoa. Theo kinh nghiệm nhiều hộ trồng bưởi, sau khi xử lý khô
hạn tiến hành vét bùn ao đắp quanh gốc dưới tán cây 1 lớp dày khoảng 10 cm, khi thấy
nứt nẻ thì tưới trở lại. Với phương pháp này cây ra hoa tập trung, thuận lợi cho chăm
sóc.
Tác động cơ giới: Khi bón phân chuồng chặt đứt bớt rễ có đường kính < 1cm,
bằng cách đào rãnh sâu 30-40 cm quanh hình chiếu tán, bón phân rồi lấp đất. Sau 20
ngày thì tưới nước trở lại, kết hợp với bón phân NPK cây sẽ ra hoa.
Xử lý bằng hóa chất: Việc xử lý bằng hóa chất cần thận trọng vì có thể gây hại
cho cây. Nếu chưa có kinh nghiệm nên làm thử 1 vài cây với nồng độ xử lý từ thấp đến
cao. Vào tháng 12 dương lịch quan sát thấy nếu cây có khả năng ra lộc, dùng Ethrel
nồng độ 500 ppm để kìm hãm sinh trưởng dinh dưỡng. Phun dung dịch lên lá hoặc
tưới vào gốc vào ngày không có nắng hoặc buổi chiều. Sau 30 ngày thì phun chất kích
thích ra hoa: Thiorê (0,3%), Nitrate kali (1%). Để tiện cho quá trình chăm sóc, bón
phân NPK trước khi phun chất kích thích ra hoa 1-2 ngày. Sau phun tiến hành tưới
nước sẽ giúp cây ra hoa.
Lưu ý: Để việc xử lý ra hoa được thành công thì trước giai đoạn xử lý cây
không được bón quá nhiều phân có hàm lượng đạm cao; trong thời gian xử lý trên cây
bưởi không được mang quá nhiều quả hoặc quả đang ở các giai đoạn phát triển khác
nhau; cây trong tình trạng khỏe mạnh, có bộ lá màu xanh và không được có lộc non.
Trung tâm khuyến nông: Tổ chức hội nghị tham
quan mô hình gieo vãi đậu tương
Vừa qua, TTKN Phú Thọ đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả mô
hình gieo vãi đậu tương tại xã Hợp Hải (Lâm Thao). Đến dự hội nghị có lãnh đạo Sở
NN và PTNT, UBND huyện Lâm Thao, các cán bộ khuyến nông, cán bộ các xã có
điều kiện mở rộng diện tích đậu tương tại 4 huyện (Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba,
Tam Nông) và các hộ nông dân tham gia mô hình trình diễn.
Mô hình gieo vãi đậu tương được triển khai trên đất sau 2 lúa với quy mô 11ha.
Giống đậu tương đưa vào trình diễn là giống DT84, giống đã được trồng phổ biến tại
địa phương từ nhiều năm nay và giống DT2001, giống đậu tương mới của Viện Di
truyền Nông nghiệp để xem xét, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của giống
khi áp dụng biện pháp canh tác cải tiến. Vụ đông năm nay mặc dù điều kiện thời tiết
khô hạn đầu vụ, lượng mưa ít nhưng các hộ nông dân đã tuân thủ đúng các biện pháp
kỹ thuật gieo vãi như dập rạ bằng bánh lồng, đảm bảo độ ẩm cho hạt nảy mầm tốt giai
đoạn đầu… nên hai giống DT84, DT2001 sinh trưởng, phát triển tốt. Giống đậu tương
DT84 có thời gian sinh trưởng 85 ngày, phân cành nhiều, quả chín tập trung đặc biệt
có khả năng chịu hạn tốt, năng suất DT84 đạt 50kg/sào. Giống đậu tương DT2001 có
thời gian sinh trưởng 90 ngày (dài hơn DT84 khoảng 5 ngày), phân cành nhiều, kháng
bệnh gỉ sắt, đốm nâu, lở cổ rễ khá, năng suất DT2001 đạt 60kg/sào. Thu lãi trung bình
từ 300.000-400.000đ/sào.
Mô hình trồng đậu tương bằng phương pháp gieo vãi là một biện pháp kỹ thuật
mới được áp dụng, nhưng được sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành
nên mô hình bước đầu đã thu được kết quả tốt: Giảm 25-30 công lao động/ha khắc
phục được tình trạng thiếu lao động, chủ động được thời vụ gieo, giảm đầu tư, cải tạo
đất, thời gian thu hoạch ngắn. Có thể thay thế cho các cây vụ đông khác kém hiệu quả.
Qua mô hình có thể khẳng định đây là giải pháp hữu hiệu nhằm giải phóng sức
lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; từ đó làm thay đổi cách suy
nghĩ và tập quán canh tác của nông dân.