Chữa tắc tia sữa - những kinh nghiệm thực tế
Tình trạng viêm tắc tia sữa khá phổ biến ở những
bà mẹ sinh con đầu lòng, biểu hiện của bệnh là
hai vú cương cứng, rất đau, nóng, nhiều trường
hợp còn bị sốt vừa hoặc sốt cao. Nếu để tình
trạng này kéo dài không chữa trị kịp thời sẽ dẫn
đến áp xe vú, người mẹ mất sữa. Với những bà
mẹ trẻ, không gì tốt hơn là sự sẻ chia kinh nghiệm
từ những người “đồng cảnh ngộ”. Bài viết dưới
đây chính là những lời chia sẻ chân thành nhất
của những người có kinh nghiệm.
Sữa mẹ cung cấp nguồn dưỡng chất rất quí giá cho
trẻ sơ sinh, nhưng khi bị tắc tia sữa nặng, có thể bị mất
sữa.
Sữa được sản xuất ra từ các tuyến sữa. Sữa ở các
tuyến qua các ống nhỏ rồi đổ vào các ống lớn đi qua
đầu vú mỗi khi trẻ bú. Mỗi đầu vú có khoảng từ 5-8
ống, đây cũng chính là cửa ngõ để vi khuẩn xâm
nhập vào ống tuyến sữa. Chính vì thế việc giữ gìn vệ
sinh đầu vú là rất quan trọng. Vi khuẩn xâm nhập
hoặc sau khi trẻ bú mà vẫn chưa hết sữa, người mẹ
không chịu khó nặn cho hết lần sữa cũ cũng dễ khiến
cho ống tuyến sữa bị tắc do sữa còn thừa của lần
trước vón cục, chặn ở đầu ống sữa.
Khi thấy bầu ngực căng cứng, sờ thấy có cục gì bên
trong bầu ngực và rất đau thì đó chính là những túi
sữa còn “tồn đọng” của lần xuống sữa trước mà trẻ
bú không hết. Chúng gây tắc tia sữa, nếu không tìm
cách làm thông tuyến sữa thì người mẹ sẽ rất đau
đớn và sữa mới cũng không thể xuống để cho trẻ bú.
Để giải quyết vấn đề này, có nhiều phương cách như
massage bằng tay để bầu ngực người mẹ mềm ra, túi
sữa vón cục bên trong cũng tan đi, “mở đường” cho
sữa mới chảy ra. Đi kèm với massage là chườm
nóng, với mục đích chính là để cho bầu ngực mềm
hơn, bổ trợ cho những động tác massage để giúp
“thông đường” tia sữa nhanh hơn.
Massage là phương pháp kích thích từ bên ngoài,
bên cạnh đó còn có giải pháp như uống thuốc nam,
uống các loại lá cây, hoặc giã nhỏ các loại dược thảo
để đắp lên phầm núm vú để thông tia sữa. Đương
nhiên bên cạnh những cách thức theo phương pháp
dân gian thì y học hiện đại cũng giúp bạn giải quyết
nỗi lo này. Chiếu đèn hồng ngoại, dung máy hút chân
không để hút sữa, cho người mẹ uống thuốc cũng
giúp cho việc thông tia sữa. Tùy cơ địa, mức độ và
thời gian của tình trạng tắc tia sữa mà mỗi người sẽ
thích hợp với phương thức khác nhau. Tuy nhiên, vẫn
không thừa nếu bạn có nhiều thông tin từ kinh
nghiệm thực tế của các bà mẹ đã “từng trải”.
Cần tìm hiểu nhiều thông tin về tình trạng tắc tia sữa
để có cách chữa trị kịp thời, không gây khó chịu cho
mẹ và vẫn đảm bảo đủ sữa cho bé.
- “Tắc tia sữa thì đau lắm, hồi trước tôi cũng bị tắc tia
sữa, bà ngoại lấy quả mướp già (có xơ) về rửa sạch
và đun lấy nước uống sẽ khỏi ngay” - @: MeLanChi
Mách nhỏ cho bạn: Trong đông y cũng có bài thuốc
thông tuyến sữa bằng cách dùng quả mướp già. Tên
theo đông y là. Ty qua lạc: Là xơ của quả mướp chín
già đã được chế biến khô. . Dùng quả già khô cứng,
đập nhẹ cho rụng lớp vỏ ngoài, lắc cho rơi hết hạt, rồi
phơi nắng cho khô, có thể cắt nhỏ thành từng đoạn.
Xơ mướp vị ngọt, tính bình. Quy vào ba kinh: phế, vị,
can. Có tác dụng thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt giải
độc, lương huyết, chỉ thống, chữa đau nhức mình
mẩy, gân xương vùng ngực và sườn, làm thông tuyến
sữa. Liều dùng 5-10g, sắc uống hằng ngày
- “Hồi mới sinh mình cũng bị tắc tia sữa. Bà ngoại
lấy lá đinh lăng rửa sạch, sao vàng, hạ thổ rồi đun
nước uống, khỏi ngay. Nước này ngon, rất dễ uống.
Bà ngoại bảo nó còn làm cho sữa thơm, hấp dẫn em
bé nữa.” - @: MTV
- “Mình cũng đã từng bị tắc sữa ngay sau khi sinh, 2
ngày liền, đau và khổ sở lắm. Mẹ đẻ mình lấy viên
men rượu, giã nhỏ, cho thêm rượu vào, bôi vào bầu
ngực và ủ khăn lại. Mấy tiếng sau lại dùng cơm nóng
chườm và xoa bóp liên tục, hai ngày sau mới hết”. -
@: Nghebo0105
- “Mình sinh mổ nên lúc mới sinh chưa cho con bú
ngay được, vì thế mà cũng bị tắc sữa, sau đó phải
chữa mãi mới được. Mình có mấy lưu ý thế này: Chịu
khó nắn và massage ngực để bầu ngực mềm ra,
những chỗ sữa đóng cục sẽ tan đi. Cách làm như
sau: hai tay đặt lên trên bầu ngực, một tay phía trên,
một tay phía dưới, day đều. Bắt đầu từ quầng núm vú
dần dần lên trên. Vừa day vừa vắt bớt sữa ra. Cách
này đau nhưng có hiệu quả. Thêm một cách nữa là
chữa mẹo: hái lá mít (9 lá nếu là con gái, 7 lá nếu là
con trai) nướng lên hoặc cho vào cốc nước sôi, sau
đó vuốt xuôi theo bầu ngực hoặc ấp lá nóng lên bên
vú bị đau. Cần nhớ là khi con bú không hết, phải vắt
hết chỗ sữa thừa để tạo sữa mới và sữa cũ không bị
vón cục”. - @: Me_chipxinh
Con lớn nhanh, khỏe mạnh từ nguồn sữa mẹ là điều
mang đến hạnh phúc lớn cho những người làm mẹ.
- Bị tắc tia sữa đau lắm, nếu mới tắc thì nên chườm
bằng nước ấm cục sữa đó sẽ tan. Nếu tắc lâu rồi và
vẫn còn cương cứng thì nên mua vảy tê tê về nấu
cháo ăn. Có đợt mình cũng bị nặng cũng phải làm
vậy đỡ ngay, bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn bị tắc
sữa, nhưng mới chớm là mình chườm nước nóng
ngay và cho bé bú nhiều bên phần ngực bị tắc, dù là
đau nhưng như vậy sẽ nhanh hết”. – @: Babychip05
Mách nhỏ cho bạn: Vảy tê tê cũng là một vị trong
những bài thuốc đông y. Nó có tên gọi Xuyên sơn
giáp, tê tê là loài động vật có vú, sống hoang dại ở
vùng đồi núi các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh
Hóa, Nghệ An Xuyên sơn giáp mùi hơi tanh, vị mặn,
tính hơi lạnh quy vào kinh can, vị. Có tác dụng phá
huyết, thông kinh lạc, tiêu thũng, bài nùng, lợi sữa.
Dùng chữa các chứng bệnh phong hàn, tê thấp, đau
nhức khớp xương, tắc tia sữa, mụn nhọt sưng tấy,
đậu không mọc được. Liều dùng 5-10g.
- Mình cũng bị tắc sữa, suýt chút nữa bị áp xe, phải
đi trích ra, rất đau. Theo mình, vẫn cần ăn các món
lợi sữa nhưng nên cho thêm Thông thảo vào để
thông tia sữa. Thông thảo nhẹ như bấc, cho vào nồi
đun, dung vật gì đó chặn cho nó chìm xuống, đun
khoản 20 phút thì vớt bỏ đi, lấy nước đấy nấu
cháo/canh Nếu bé bú ít thì trước khi cho bú vắt bớt
sữa ra để tủ lạnh, bé bú xong lại vắt hết sữa cuối đi
(sữa cuối nhiều chất béo rất dễ gây tắc). Lúc nào mẹ
thiếu sữa thì lại lấy sữa đấy ra hâm nóng lại cho bé
bú. Tắc sữa cũng do cơ địa mỗi người. Có người rất
hay bị tắc nên nếu đã bị tắc thì tốt nhất là cho con bú
xong phải vắt thật hết.” - @: Vukhuc
Mách nhỏ cho bạn: Thông thảo là lõi thân khô (phần
bấc) của cây Thông thảo còn gọi là cây Thông thoát,
họ ngũ gia bì Araliaceae. Thông thảo là loại cây nhỏ
cao 3-4m, thân cứng nhưng giòn, bên trong có lõi xốp
trắng. Cây càng già thì lõi càng đặc và chắc hơn. Cây
mọc hoang ở vùng núi như Cao Bằng, Lào Cai, Đăk
Lăk
Thông thảo vị ngọt, tính lạnh, vào hai kinh phế, vị. Có
tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt làm xuống sữa.
Dùng chữa các bệnh tiểu tiện khó khăn (ngũ lâm),
thủy thũng, tắc tia sữa. Liều dùng 2,5-5g sắc uống.
Phòng chống tắc tia sữa
“Cửa ngõ” để sữa chảy ra chính là đầu vú, đây là
phần mà vi khuẩn dễ xâm nhập và làm tắc tia sữa.
Chính vì thế, điều quan trọng cần chú ý là luôn vệ
sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là phần đầu vú, các kẽ
của phần đầu vú. Dùng khăn sạch, nhúng nước ấm
để lau sạch đầu vú. Trước khi cho bé bú, bạn cần lau
sạch đầu vú, vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi rồi hãy cho bé
bú. Sau đó, nếu trẻ bú không hết sữa, cần nặn hết
sữa ra để đảm bảo không có sữa đọng lại bên trong,
dễ vón cục gây tắc tuyến sữa. Lau sạch đầu vú khi bé
đã bú và vắt hết sữa thừa.
Bạn có thể thử các phương cách trên nếu bị tắc tia
sữa sau khi sinh con, nhưng nếu thấy có dấu hiệu bất
thường hoặc cần những chẩn đoán chính xác để đảm
bảo an toàn thì nên đến bác sĩ chuyên khoa sớm.
Những kinh nghiệm trên được trích từ kinh nghiệm
của các thành viên trên diễn đàn Webtretho. Nếu bạn
muốn tìm hiểu thêm nhiều thông tin về viêm tắc tia
sữa và những kinh nghiệm trong thực tế, bạn có thể
tham khảo tại đây.