VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
----------
NGUYỄN PHƯỚC VINH
TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT
NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM TỪ THỰC TIỄN
TỈNH ĐỒNG NAI
Ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự
Mã số : 8.38.01.04
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Hà Nội, năm 2021
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tơi. Các số
liệu, kết quả đề cập trong Luận văn là trung thực, có nguồn gốc trích dẫn rõ ràng và
chính xác.
Tác giả luận văn
Nguyễn Phước Vinh
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .............................................................................................................................. 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH
VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ............................................... 9
1.1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy
cấp, quý, hiếm ...................................................................................................................... 9
1.2. Quy định của pháp luật hình sự về tội phạm và hình phạt đối với hành vi vi
phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm ................................................. 18
1.3. Phân biệt Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm với
tội phạm có liên quan ......................................................................................................... 26
Chương 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
TRONG XỬ LÝ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT
NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI ........................... 30
2.1. Khái quát các yếu tố tự nhiên, xã hội của tỉnh Đồng Nai có ảnh hưởng đến
việc xử lý Tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm ......... 30
2.2. Thực tiễn xử lý Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý,
hiếm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ....................................................................................... 39
2.3. Khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh và áp dụng hình phạt đối với
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm từ thực tiễn tỉnh
Đồng Nai ............................................................................................................................. 53
2.4. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc ........................................................ 59
Chương 3: GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI
VIỆC XỬ LÝ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT
NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM .............................................................................................. 63
3.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật ................................................................................... 63
3.2. Giải pháp tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật .......................................... 66
3.3. Giải pháp khác ............................................................................................................. 69
KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 71
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...................................................................... 73
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO
VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
1.1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa Tội vi phạm quy định về bảo vệ động
vật nguy cấp, quý, hiếm
1.1.1. Khái niệm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
* Tội phạm và các thuộc tính của tội phạm
- Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật
hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực
hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc
phịng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm
phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơng dân, xâm phạm những
lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật
hình sự phải bị xử lý hình sự.
- Trước khi có Bộ luật hình sự năm 2015, pháp luật hình sự Việt Nam khơng
xác định TNHS của pháp nhân thương mại vì cho rằng pháp nhân thương mại
khơng có lỗi, chủ thể của tội phạm chỉ có một loại duy nhất đó là cá nhân. Việc Bộ
luật hình sự năm 2015 bổ sung TNHS của pháp nhân thương mại đã đánh dấu một
bước phát triển mang tính đột phá về tư duy và chính sách hình sự của Việt Nam
đáp ứng u cầu thực tiễn đòi hỏi phải xử lý các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế
vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế và bảo vệ mơi trường. Mặc
dù có rất nhiều loại pháp nhân khác nhau nhưng Bộ luật hình sự chỉ truy cứu TNHS
đối với pháp nhân thương mại.
- Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự khơng loại trừ trách
nhiệm hình sự của cá nhân.
- Để xác định có tội phạm hay khơng thì phải căn cứ vào hành vi, đây là dấu
hiệu đầu tiên để nhận biết tội phạm. Tuy nhiên, hành vi này phải luôn gắn với một
trong hai chủ thể đó là hành vi của cá nhân và hành vi của pháp nhân thương mại.
9
- Hành vi của cá nhân là những biểu hiện ra bên ngồi của một cá nhân đó
dưới dạng hành động hoặc không hành động.
- Hành vi của pháp nhân thương mại dựa trên hành vi của người đại diện
pháp nhân thương mại, hay nói một cách khác đó là những biểu hiện ra bên ngoài
của một hoặc nhiều các nhân đại diện cho pháp nhân thương mại.
- Các hành vi của pháp nhân thương mại sẽ chỉ bị coi là tội phạm khi có đủ
các điều kiện:
+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.
+ Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại
+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận
của pháp nhân thương mại.
+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định.
- Những gì mới chỉ trong suy nghĩ, tưởng tượng bên trong của một cá nhân
mà khơng được bộc lộ ra bên ngồi bằng một hành vi thì chưa thể có tội phạm do cá
nhân thực hiện hay pháp nhân thương mại thực hiện.
- Nếu như hành vi là yếu tố bên ngoài giúp nhận biết tội phạm thì khi tội
phạm xảy ra, hành vi không bao giờ tồn tại độc lập mà ln gắn bó mật thiết với
thái độ lỗi bên trong của chủ thể thực hiện hành vi đó.
+ Khi tội phạm do cá nhân thực hiện thì hành vi của cá nhân ln gắn bó mật
thiết với thái độ lỗi bên trong của cá nhân đó.
+ Khi tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện thì thái độ lỗi của pháp
nhân thương mại chính là thái độ lỗi bên trong của người đứng đầu hoặc người đại
diện của pháp nhân thương mại đó và ln gắn bó, biển hiện ra bên ngoài cùng với
hành vi của người này.
- Khi đã là tội phạm thì bao giờ cũng có bốn thuộc tính đó là: Tính nguy
hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự và tính phải chịu trách nhiệm
hình sự. Trong đó:
+ Tính nguy hiểm cho xã hội: Là thuộc tính cho thấy hành vi do cá nhân
hoặc pháp nhân thương mại thực hiện không phù hợp với chuẩn mực hoặc đạo đức
10
xã hội. Chính sự khơng phù hợp này đã đe dọa hoặc gây thiệt hại cho các quan hệ
xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ như độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ Tổ quốc; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phịng, an
ninh, trật tự, an tồn xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền
con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơng dân; những lĩnh vực khác của trật tự
pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự nguy hiểm cho xã hội ở đây phải là nguy
hiểm đáng kể còn hành vi mà tính nguy hiểm khơng đáng kể thì chỉ coi là vi phạm.
Để xác định thế nào được coi là nguy hiểm đáng kể, thì có trường hợp ngay chính
điều luật đã được mơ tả rõ, có tiêu chí cụ thể, có định lượng; nhưng cũng có những
trường hợp chỉ mang tính định tính, phải căn cứ vào tổng thể các tình tiết của hành
vi để nhận định. Thuộc tính này là một trong số những cơ sở để phân biệt giữa hành
vi phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức bị coi là tội phạm (phân
biệt giữa tội phạm và vi phạm) và có ý nghĩa giúp phân hóa trách nhiệm pháp lý khi
áp dụng.
+ Tính có lỗi: Là một thuộc tính bắt buộc của tội phạm, lỗi đó chính là thể
hiện sự sai trái khi thực hiện hành vi được thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý, là yếu
tố bắt buộc để xác định tội phạm của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại. Lỗi thuộc
về yếu tố chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội hoặc thuộc về yếu tố chủ
quan của người đại diện cho pháp nhân thương mại phạm tội. Do vậy, khi xác định
nguyên tắc lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ là cơ sở để giáo dục cải tạo đối
với chính những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm;
người đại diện, người đứng đầu pháp nhân thương mại hoặc những người khác.
+ Tính trái pháp luật hình sự: Là việc xử lý tội phạm ln bắt buộc phải có
một điều luật mơ tả hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể bị coi là tội phạm. Khi một
hành vi bị coi là tội phạm thì việc áp dụng chế tài để xử phạt đối với hành vi đó chỉ
có thể là các hình phạt được mơ tả trong chính điều luật cụ thể của BLHS. Thuộc
tính này địi hỏi các Cơ quan tiến hành tố tụng không được phép áp dụng nguyên tắc
“pháp luật tương tự” để xác định một người hay pháp nhân thương mại là có tội hay
khơng có tội mà phải được xác định bằng một điều luật cụ thể được quy định trong
11
BLHS. Tính được quy định trong BLHS cịn thể hiện một hành vi được thực hiện bị
coi là tội phạm trước khi BLHS được ban hành và có hiệu lực thi hành thì cá nhân,
pháp nhân thương mại nếu có thực hiện hành vi đó thì cũng khơng phải chịu TNHS,
các chủ thể này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ phạm vào một điều của bộ
luật hình sự do họ thực hiện hành vi bị coi là tội phạm kể từ khi bộ luật đó được ban
hành và có hiệu lực pháp luật. Nói cách khác khơng áp dụng hồi tố đối với hành vi
bị coi là tội phạm.
+ Tính phải chịu trách nhiệm hình sự: Là thuộc tính thể hiện một hậu quả
pháp lý bất lợi mà người thực hiện hành vi phạm tội bị coi là tội phạm phải gánh
chịu từ hành vi mà họ đã thực hiện. Nói cách khác, bởi tội phạm là hành vi nguy
hiểm cho xã hội nên nó phải ln chịu sự đe dọa bị áp dụng một trong số các loại
hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự. Mặc dù khơng phải là thuộc tính bên
trong của tội phạm nhưng đây là hệ quả tất yếu kéo theo khi chủ thể thực hiện hành
vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và không phải chịu hình phạt nếu khơng
thực hiện hành vi bị coi là phạm tội. Tính phải chịu tránh nhiệm hình sự cịn thể
hiện một hành vi khơng phải chịu trách nhiệm hình sự nữa nếu đã hết thời hiệu truy
cứu trách nhiệm hình sự. Có những trường hợp nhất định khi có trách nhiệm hình sự
thì cá nhân hoặc pháp nhân thương mại luôn phải bị đe dọa, bị áp dụng một hình
phạt được quy định trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế có thể họ khơng
bị áp dụng bởi họ được miễn trách nhiệm này. Trong Bộ luật hình sự, các điều luật
cụ thể ln có những hình phạt cụ thể đi kèm, đây cũng là một trong những cơ sở để
phân hóa tách nhiệm hình sự. Trong bốn loại trách nhiệm pháp lý (trách nhiệm hình
sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật Nhà nước và trách nhiệm dân sự),
thì trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất.
Nếu hiểu theo một nghĩa rộng về hậu quả pháp lý bất lợi mà cá nhân, pháp
nhân thương mại phạm tội phải gánh chịu do thực hiện hành vi phạm tội thì đó là
nghĩa vụ phải gánh chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự
(các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo Bộ luật tố tụng hình sự), chịu bị kết tội,
chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp,
12
các biện pháp giám sát, giáo dục) và mang án tích. Theo cách hiểu này, trách nhiệm
hình sự phát sinh từ thời điểm cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội thực
hiện hành vi phạm tội. Từ thời điểm này; cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội
có nghĩa vụ phải gánh chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự,
chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự và mang án tích.
Trách nhiệm hình sự chấm dứt khi cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội đã chấp
hành xong bản án và được xóa án tích; được miễn trách nhiệm hình sự (trường hợp
khơng bị áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục); hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự.
Ngược lại hiểu theo một nghĩa hẹp thì trách nhiệm hình sự được hiểu là hậu
quả pháp lý của việc phạm tội, do đó từ khi cá nhân, pháp nhân thương mại phạm
tội chính thức bị kết tội bởi bản án có hiệu lực của Tồ án thì những hậu quả đó mới
gọi là trách nhiệm hình sự.
Trong trách nhiệm hình sự thì hình phạt đóng một ý nghĩa quan trọng, bởi vì
hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định
trong BLHS, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương
mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân
thương mại đó, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Những hình phạt
chính có thể áp dụng đối với cá nhân như: Phạt tiền, cảnh cáo, cải tạo không giam
giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình; hình phạt bổ sung có thể áp
dụng đối với cá nhân như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công
việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản,
phạt tiền (khi khơng áp dụng là hình phạt chính), trục xuất (khi khơng áp dụng là
hình phạt chính). Hình phạt chính có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại
như: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình
phạt bổ sung có thể được áp dụng đối với pháp nhân thương mại là: Cấm kinh
doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền
(khi khơng áp dụng là hình phạt chính).
13
* Động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm và quy định pháp luật về
bảo vệ động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm
- Quần thể đa dạng sinh học tự nhiên trên thế giới có thể chia thành hai loại
chính là động vật và thực vật. Trong đó, các lồi động vật trong tự nhiên không chịu
sự tác động của con người hoặc sự tác động là khơng đáng kể thì trong tài liệu này
gọi là động vật hoang dã. Tác giả đồng tình với cách hiểu được đề cập tại khoản 13,
Điều 3, Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 về loài hoang dã
đó là “lồi động vật, thực vật, vi sinh vật và nấm sinh sống và phát triển theo quy
luật” một cách tự nhiên, nó bao gồm các lồi động vật thủy sinh và động vật cạn
sinh. Căn cứ vào nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và mất bản tính tự nhiên của lồi, có
thể chia ĐVHD thành “ĐVHD thơng thường khơng chịu sự kiểm sốt khi bn
bán”, “ĐVHD phải chịu sự kiểm sốt khi bn bán”, “ĐVHD khơng mang tính
chất thương mại” [30, tr 24].
- Trong số các lồi ĐVHD thì có loại đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt
chủng rất cao trong tự nhiên nên việc bảo vệ là rất cần thiết và cấp bách. Sự đe dọa
tuyệt chủng của các loài này là lớn nhất, cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, các loài
ĐVHD này quốc tế và Việt Nam xác định khơng có tính chất thương mại theo Công
ước quốc tế và được gọi bằng tên gọi khác là “ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu
tiên bảo vệ”.
- Quy định về bảo vệ động vật hoang dã là những quy định của pháp luật
nhằm chống lại các hành vi xâm hại, duy trì sự phát triển bình thường các lồi
ĐVHD trong mơi trường sống tự nhiên của chúng. Mục tiêu của bảo vệ ĐVHD là
ngăn ngừa sự tuyệt chủng của lồi, góp phần đảm bảo thế giới tự nhiên sẽ được bảo
vệ để che chở cho các thế hệ tương lai và giúp con người nhận ra tầm quan trọng
trong cân bằng sinh thái giữa ĐVHD với mơi trường tự nhiện hoang dã có ý nghĩa
vơ cùng quan trọng với con người và các loài khác nhau trên hành tinh này. Quy
định về bảo vệ ĐVHD cũng có nghĩa là quy định chống lại các hành vi săn bắt, giết,
nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép đối với cá thể, bộ phận cơ thể,
sản phẩm của các loài ĐVHD.
14
+ Săn bắt là hành vi của con người dùng sức mạnh cá nhân, các loại bẫy để
bắt giữ, khống chế, hạn chế cuộc sống tự nhiên của ĐVHD từ mơi trường tự nhiên
mà nó đang sinh sống.
+ Giết tức là hành vi tác động trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc thông qua công
cụ, phương tiện, điều kiện do con người tạo ra... để các cá thể ĐVHD không thể tiếp
tục sự sống một cách tự nhiên mà phải bị chết trái với quy luật tự nhiên.
+ Nuôi, nhốt là việc khống chế cá thể ĐVHD trong một phạm vi sống khơng
được tự do lựa chọn các hồn cảnh như địa điểm, phương thức kiếm ăn, sinh hoạt...
mà trước đó hoặc theo quy luật tự nhiên các ĐVHD này thực hiện.
+ Buôn bán ĐVHD là hoạt động thương mại thông qua việc mua sau đó bán
lại ĐVHD cịn sống hoặc đã chết, các bộ phận, sản phẩm từ ĐVHD nhằm thu lợi
nhuận. Buôn bán ĐVHD được thể hiện dưới các hình thức như: xuất khẩu, tái xuất
khẩu (xuất khẩu bất kỳ một mẫu vật nào mà chúng đã được nhập khẩu trước đó),
nhập khẩu và nhập nội từ biển (vận chuyển đến một quốc gia những mẫu vật của bất
kỳ lồi nào mà chúng được khai thác từ mơi trường biển không thuộc quyền quản lý
của bất kỳ nước nào) hoặc mua, bán trong nội địa của quốc gia, vùng lãnh thổ.
+ Tàng trữ ĐVHD là trường hợp sử dụng địa điểm, phương tiện do mình sở
hữu, quản lý để cất giữ, trông coi, ngăn cản người khác di chuyển ĐVHD, bộ phận
cơ thể hoặc sản phẩm của chúng từ một địa điểm này đến một địa điểm khác.
+ Vận chuyển ĐVHD là trường hợp di chuyển ĐVHD, bộ phận cơ thể hoặc
sản phẩm của chúng từ một địa điểm này đến một địa điểm khác [30, tr 24 – 27].
Từ những phân tích trên có thể đưa ra Khái niệm Tội vi phạm quy định về
bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm như sau:
“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi
nguy hiểm đáng kể cho xã hội bị coi là tội phạm và được quy định bằng một tội
danh trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp
nhân thương mại thực hiện bằng việc thực hiện một trong các hành vi săn bắt, giết,
nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán một cách bất hợp pháp đối với cá thể, bộ
phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm nên đã đe dọa đến sự phát
15
triển bình thường, theo quy luật tự nhiên của các loài động vật thủy sinh hoặc cạn
sinh trong khi các loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và thuộc đối tượng
được các quốc gia bảo vệ ở mức độ nghiêm ngặt nhất nhằm bảo tồn loài”.
1.1.2. Đặc điểm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là tội phạm
được BLHS nước ta quy định thuộc Chương XIX - Các tội phạm về môi trường,
nên Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm cũng có đầy đủ
các đặc điểm của tội phạm nói chung và tội phạm về mơi trường nói riêng. Tuy
nhiên tội phạm này có những đặc điểm riêng biệt như sau:
- Thứ nhất, về khách thể bị xâm hại gồm có 03 nhóm: Động vật thuộc Danh
mục lồi nguy cấp, q, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Nghị định số
64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ: Sửa đổi Điều 7 Nghị
định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 về tiêu chí xác định loài và
chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
Động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm
IB được quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của
Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi
Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Động
vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang
dã nguy cấp (CITES).
- Thứ hai, lỗi của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý,
hiếm là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là trong tất cả các trường hợp người phạm tội hoặc
pháp nhân thương mại đều nhận thức rõ rằng hành vi của mình là nguy hiểm cho xã
hội, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các loài động vật nguy cấp, quý,
hiếm được pháp luật bảo vệ, nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi xâm hại.
- Thứ ba, Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là
tội áp dụng các quy định pháp luật mang tính chất viện dẫn. Tức là muốn xác định
được hành vi của một người, pháp nhân thương mại có phải đã, đang vi phạm quy
định về bảo vệ động vật nguy cấp, q, hiếm thì cần có các văn bản quy phạm pháp
16
luật quy định Danh mục các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của
pháp luật Việt Nam.
- Thứ tư, Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm chỉ
có thể bị xử lý khi có kết luận giám định về lồi đúng với loài được quy định trong
Danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp kết luận giám định chưa rõ, phát sinh vấn đề mới hoặc có nghi ngờ về
kết quả giám định lần đầu khơng chính xác thì Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu
giám định có quyền trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại. Kết luận giám định
của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giám định chính là cơ sở pháp lý để
Cơ quan tiến hành tố tụng xử lý đối với loại tội phạm này.
1.1.3. Ý nghĩa Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
- Về mặt pháp lý: Thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc nghiêm cấm
các hành vi gây tổn hại đến sự tồn tại và phát triển của những loài động vật nguy
cấp, quý, hiếm. Là căn cứ để ban hành và hoàn thiện các quy định pháp luật cũng
như tăng cường khả năng thực hiện và áp dụng pháp luật về bảo vệ động vật rừng
nguy cấp, quý, hiếm trên thực tế. Căn cứ vào tính chất mức độ hành vi, hậu quả
thiệt hại để xác định chính xác khung hình phạt, loại hình phạt đối với tội phạm này
là thể hiện ý chí quyết tâm của Nhà nước trong việc phòng, chống các hành vi phạm
tội liên quan đến động vật nguy cấp, quý, hiếm ngày một mạnh mẽ và quyết liệt,
nhằm thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về buôn
bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp [24].
- Về mặt kinh tế: Tội phạm về động vật hoang dã trong đó có động vật nguy
cấp, quý, hiếm bao gồm các hành vi: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển,
buôn bán là hoạt động mang lại lợi nhuận phi pháp cao xếp thứ tư trên thế giới; sau
bn ma túy, bn vũ khí và bn người. Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động
vật nguy cấp, quý, hiếm cũng tác động xấu đến nền kinh tế vì hoạt động này đi kèm
với hành vi trốn thuế, ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch và hệ sinh thái. Tiếp xúc với
các loài động vật ngoại lai trong việc vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt, săn bắn…
17
khi khơng có sự kiểm tra, chăm sóc thú y có thể gây ra các loại dịch bệnh nguy
hiểm cho sức khỏe con người, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế.
- Về mặt chính trị: Để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ
Công ước CITES, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách về bảo vệ và
bn bán động, thực vật hoang dã tương đối đầy đủ ở nhiều mức độ từ chính sách,
văn bản luật và dưới luật. Hệ thống chính sách, quy định pháp luật về bn bán
động, thực vật hoang dã đã được ban hành tương đối sớm và ln được bổ sung,
hồn thiện để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam và phù hợp với các Công
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng hành
lang pháp lý để làm cơ sở cho việc thực thi Công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn
đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà Việt Nam là một trong những thành viên
tích cực, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Về mặt xã hội: Việc quy định Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật
nguy cấp, quý, hiếm là một trong những chuỗi hành động thể hiện quan điểm của
Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ “Tăng trưởng xanh” – Tức là xây dựng và
phát triển kinh tế đất nước nhưng phải chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ
môi trường đây là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam nhằm
gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ tương lai một hệ sinh thái phong phú với những nguồn
gen quý, hiếm và các loài sinh vật đa dạng có được từ tự nhiên.
1.2. Quy định của pháp luật hình sự về tội phạm và hình phạt đối với
hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Thứ nhất: Quy định của pháp luật hình sự về Tội vi phạm quy định về bảo
vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
* Quy định trước khi có Bộ luật hình sự 2015
- Năm 1985, Quốc hội ban hành Bộ luật hình sự, trong đó Điều 181 quy định
tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” bao gồm các hành vi khai
thác trái phép cây rừng và săn bắt trái phép chim, thú rừng, chưa có quy định về
động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Những lần sửa đổi BLHS 1985 vào các
18
năm 1989, 1991, 1992, 1997 thì Điều 181 của BLHS 1985 vẫn giữ nguyên không
sửa đổi, bổ sung.
- Tháng 3/1973 Công ước CITES được ký tại Washington D.C. Hoa Kỳ là
Cơng ước quốc tế giữa các chính phủ với mục tiêu nhằm kiểm sốt hoạt động bn
bán quốc tế mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã một cách bền vững
trên tồn thế giới, có hiệu lực từ ngày 01/7/1975. Ngày 20/01/1994, Việt Nam gia
nhập Công ước CITES và chính thức trở thành thành viên thứ 121 của Công ước
vào ngày 20/4/1994. Đến nay, Công ước CITES đã có 178 quốc gia thành viên.
Cơng ước có 25 Điều đề cập đến các nguyên tắc chung, các biện pháp và nghĩa vụ
của các nước thành viên. Công ước CITES quy định bảo vệ gần 30.000 loài động
vật, thực vật ở các mức độ khác nhau bằng các quy định kiểm sốt hoạt động bn
bán quốc tế các mẫu vật của chúng. Mỗi loài được bảo vệ ở một trong ba danh sách
được gọi là Phụ lục. Các Phụ lục này thể hiện mức độ đe dọa của từng lồi và sự
kiểm sốt được áp dụng trong khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cụ thể:
+ Phụ lục 1: Gồm 1.200 lồi, là những lồi có nguy cơ bị tuyệt chủng, cấm
buôn bán thương mại giữa các nước trên thế giới. Trường hợp khơng mang tính chất
thương mại (như quà tặng, trao đổi giữa các vườn động vật) thì phải xin giấy phép
xuất và nhập khẩu.
+ Phụ lục 2: Gồm khoảng 21.000 lồi, là những lồi có nguy cơ bị tuyệt
chủng do buôn bán quốc tế quá mức mà khơng được kiểm sốt và điều chỉnh kịp
thời. Các lồi ghi trong Phụ lục 2 được phép bn bán quốc tế thơng qua việc kiểm
sốt và hạn chế của các nước thành viên (phải có giấy phép xuất và nhập khẩu).
+ Phụ lục 3: Gồm khoảng 170 loài được các nước thành viên sử dụng để
kiểm soát việc bn bán các lồi động thực vật hoang dã của nước họ, mà những
loài này chưa được ghi vào Phụ lục 1 hoặc Phụ lục 2 [11].
- Năm 1999, Quốc hội đã sửa đổi cơ bản BLHS 1985, ban hành BLHS 1999.
Trong lần sửa đổi này, tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” quy
định tại Điều 181 BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, BLHS 1999
đã tách tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” thành 02 điều: Điều
19
189 tội “Hủy hoại rừng” và Điều 190 tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật
hoang dã quý hiếm”. Theo quy định tại Điều 190 BLHS năm 1999 thì tất cả các
hành vi liên quan đến động vật hoang dã đều bị xử lý theo Điều luật này [30,tr 19 –
22].
* Quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Năm 2015, Quốc hội đã sửa đổi BLHS 1999, ban hành BLHS 2015. Trong
đó, đối tượng là ĐVHD đang điều chỉnh tại Điều 190 BLHS 1999 được thiết kế
thành 02 điều luật mới liên quan đến việc quản lý, bảo vệ ĐVHD là Điều 234 và
Điều 244. Trong đó:
+ Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc về
Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và hình sự hóa các hành vi
săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc sản
phẩm động vật nguy cấp, q, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II Cơng ước
CITES [35, tr 224 – 227].
+ Điều 244: Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, q, hiếm.
Trong đó sửa đổi tình tiết định khung “Gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt
nghiêm trọng” quy định trong Điều 190 BLHS 1999 bằng quy định về số lượng cá
thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật nguy cấp, quý, hiếm bị
săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán để tính mức độ phạm tội.
Đối với sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm như ngà voi, sừng tê giác được
quy định bằng khối lượng kilơgam để tính mức độ phạm tội. Hình sự hóa hành vi
“tàng trữ” cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài
động vật nguy cấp, q, hiếm. Tăng mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất lên đến
15 năm, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đối với động vật
thuộc nhóm IB và Phụ lục I Cơng ước CITES là những động vật cấm buôn bán nên
quy định trong Chương XIX Các tội xâm phạm về môi trường [35, tr 250 – 252].
Nếu như để xác định ĐVHD nào thuộc Phụ lục I, II, III thì căn cứ vào Phụ
lục của Cơng ước CITES, cịn để xác định các lồi ĐVHD nào thuộc phụ Nhóm IB
hay IIB thì phải căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ, gồm:
20
+ Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về
quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được thay thế bằng Nghị
định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ. Theo quy định
của Nghị định này thì động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai
nhóm là Nhóm IB và Nhóm IIB. Trong đó, Nhóm IB có 92 lồi động vật rừng là
nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những lồi
động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, mơi trường hoặc có giá trị cao về kinh
tế mà số lượng cá thể cịn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng và các
lồi thuộc Phụ lục I CITES phân bổ tự nhiên ở Việt Nam. Nhóm IIB có 82 lồi
động vật rừng có giá trị về khoa học, mơi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, chưa
bị tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý
chặt chẽ; hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ
lục II CITES phân bổ tự nhiên ở Việt Nam [5, tr 2 – 10].
+ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ
về tiêu chí xác định lồi và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý,
hiếm được ưu tiên bảo vệ được sửa đổi, bổ sung Điều 7 bằng Nghị định số
64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ; trong đó quy định tiêu
chí để đánh giá và xác định lồi ĐVHD được đưa vào Danh mục loài nguy cấp,
quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, lồi được đưa vào Danh mục loài nguy
cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nếu (i) Số lượng cá thể cịn ít hoặc đang bị đe
dọa tuyệt chủng và (ii) Là loài đặc hữu có một trong các giá trị đặc biệt về khoa
học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc có giá trị về văn hóa – lịch
sử. Ví dụ như: Chồn bay, Cu li lớn, Cu li nhỏ, Voọc bạc Đông Dương, Voọc Cát
Bà… Nghị định cũng quy định nguyên tắc bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý,
hiếm được ưu tiên bảo vệ và quy định cơ chế quản lý chặt chẽ việc khai thác, trao
đổi, mua bán, tặng, cho thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật; ni trồng và cứu hộ
lồi thuộc Danh mục lồi được ưu tiên bảo vệ [8, tr 1 – 12].
+ Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi
21
phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định
về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó có
các nội dung hướng dẫn quan trọng như: Hướng dẫn cách hiểu thế nào là cá thể
động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống; sản phẩm của động vật hoang
dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm… hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định khung
hình phạt như: Săn bắt trong khu vực bị cấm; săn bắt vào thời gian bị cấm; sử dụng
công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm
khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định khơng được phép sử dụng để săn bắt…
Hướng dẫn về việc xử lý vật chứng như: Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã,
động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng… Thẩm quyền, trình tự,
thủ tục xử lý vật chứng là động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc
sản phẩm của chúng [18].
+ Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2019 sửa đổi Điều 7
nghị định số 160/2013/ NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu
chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm
được ưu tiên bảo vệ. Cụ thể, thay vì quy định 17 lồi thực vật nguy cấp, quý, hiếm
được ưu tiên bảo vệ thì Nghị định 64/2019/NĐ-CP quy định 28 loài được ưu tiên
bảo vệ, trong đó bổ sung một số lồi như: Thơng đỏ nam (Thơng đỏ lá dài, Thanh
tùng), Hồng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài), Lan
hài xanh, Lan hài chân tím, Lan hài trân châu... Nghị định số 64/2019/NĐ-CP cũng
bổ sung thêm một số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như:
Voọc bạc Trường Sơn, Vượn má vàng Trung Bộ, Vượn siki, Cơng, Trĩ sao, Rẽ mỏ
thìa, Choắt mỏ vàng, Tắc kè đuôi vàng, Thằn lằn cá sấu... đưa tổng số loài động vật
nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ 83 loài lên 99 loài. Nghị định nêu rõ:
Định kỳ 3 năm một lần hoặc khi cần thiết, Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ
sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của
Bộ Tài nguyên và Môi trường [18, tr 1 – 14].
22
Các dấu hiệu pháp lý của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy
cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 BLHS gồm:
Dấu hiệu mặt khách thể: Tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý, bảo vệ
động vật nguy cấp, quý, hiếm của Nhà nước; xâm phạm nghiêm trọng đến môi
trường sinh thái tự nhiên và tính đa dạng sinh học, gây ra những ảnh hưởng nghiêm
trọng khác trong các quan hệ của đời sống xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
Dấu hiệu mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm gồm các hành vi
săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, bn bán trái phép động vật thuộc
Danh mục lồi nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật
rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I của Cơng ước về
bn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Hậu quả
của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là đe dọa sự mất
cân bằng sinh thái, tính đa dạng sinh học, dẫn đến tuyệt chủng các loài động vật
quý, hiếm trong tự nhiên. Điều 244 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “gây
hậu quả” bằng tình tiết định lượng như: Số lượng động vật, bộ phận cơ thể không
thể tách rời sự sống, khối lượng sản phẩm để làm căn cứ xử lý hình sự; trong đó
khoản 1 tương ứng với tội phạm nghiêm trọng; khoản 2, khoản 3 tương ứng với tội
phạm rất nghiêm trọng. Mối quan hệ nhân quả của tội phạm là mối quan hệ giữa
những hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá
thể động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống
hoặc sản phẩm của các loài động vật với hậu quả thực tế xảy ra. Trong đó:
- Khoản 1 quy định các hành vi như: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển,
buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên
bảo vệ; tức là chỉ cần thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với 01 cá thể
động vật thuộc Danh mục quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng
07 năm 2019 của Chính phủ. Tàng trữ, vận chuyển, bn bán trái phép cá thể, bộ
phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh
mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tức là chỉ cần thực hiện một
trong các hành vi nêu trên đối với cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống
23
hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục được quy định tại Nghị định số
64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2019 của Chính phủ. Tàng trữ, vận chuyền,
bn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilơgam đến dưới 20 kilơgam; sừng
tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01kilôgam. Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận
chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng
nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các
loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; tức là thực hiện một trong các hành vi
trên đối với động vật thuộc Nhóm IB quy định tại Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22
tháng 01 năm 2019 của Chính phủ hoặc động vật thuộc Phụ lục I Cơng ước CITES
được quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-NNPTNT ngày 24 tháng 02 năm 2017
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp
thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật lớp khác.
Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời
sự sống của từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ
10 đến 15 cá thể động vật lớp khác đối với động vật thuộc Nhóm IB hoặc động vật
thuộc Phụ lục I Công ước CITES. Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán
trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ
thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức
quy định nêu trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi
thuộc quy định này hoặc đã bị két án về tội này, chưa được xóa án tích mà cịn vi
phạm.
- Khoản 2 và khoản 3 là các tình tiết định khung tăng nặng với các hành vi
được mô tả trong cấu thành tội phạm tại cấu thành cơ bản ở khoản 1 nhưng tính chất
nguy hiểm hơn thể hiện bởi các yếu tố thuộc mặt chủ quan và khách quan khác như:
Số lượng cá thể động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống nhiều hơn,
có tổ chức, sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm, săn bắt trong khu vực
bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; buôn bán, vận chuyển qua biên giới; đặt biệt
khoản 2 và khoản 3 còn quy định số lượng cá thể động vật bị xâm hại là voi, tê giác,
gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của các loài này.
24
Dấu hiệu mặt chủ thể: Chủ thể của tội phạm là người có đủ năng lực trách
nhiệm hình sự, từ 16 tuổi trở lên và pháp nhân thương mại. Đối với pháp nhân
thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện: Người đại diện
pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội đã nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi
ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp
nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm
2017). Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự khơng loại trừ trách
nhiệm hình sự của cá nhân.
Dấu hiệu mặt chủ quan: Về lỗi khi thực hiện tội phạm là lỗi cố ý cả trực tiếp
và gián tiếp; động cơ không phải là yếu tố bắt buộc; mục đích của Tội vi phạm quy
định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thường là vì vụ lợi hoặc mục đích
khác nhưng cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm
này.
Thứ hai: Quy định của pháp luật hình sự về hình phạt đối với Tội vi phạm
quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Về hình phạt đối với cá nhân phạm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật
nguy cấp, quý, hiếm gồm: Tại khung cơ bản (khung 1) có hình phạt tiền từ 500 triệu
đồng đến 02 tỷ đồng; phạt tù có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Khung tăng nặng
được quy định tại khoản 2 có mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khung tăng
nặng tiếp theo thuộc khoản 3 có mức hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Hình phạt
bổ sung đối với cá nhân người phạm tội là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu
đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01
năm đến 05 năm. Ví dụ: Kiểm lâm viên có hành vi phạm Tội vi phạm quy định về
bảo vệ động vật nguy cấp, q, hiếm thì ngồi hình phạt tiền, phạt tù là hình phạt
chính có thể bị phạt bổ sung là cấm làm công việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật
hoang dã trong khoảng thời gian từ 01 đến 05 năm. [35, tr 242 – 245].
Về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm Tội vi phạm quy định về
bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm: Phạt tiền từ 01 tỷ đến 05 tỷ (theo khoản 1); từ
05 tỷ đến 10 tỷ (theo khoản 2); từ 10 tỷ đến 15 tỷ hoặc đình chỉ hoạt động có thời
25
hạn từ 06 tháng đến 03 năm (theo khoản 3). Hình phạt bổ sung có thể bị phạt tiền từ
300 triệu đồng đến 600 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số
lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, cịn có
hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn [35, tr 245 – 246].
1.3. Phân biệt Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý,
hiếm với các tội phạm khác có liên quan
1.3.1. Phân biệt Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý,
hiếm với Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quy định tại Điều
234 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
- Điều 234 - Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc
Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế còn Điều 244 Tội vi phạm
quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Chương XIX - Các tội
phạm về môi trường tức là Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã xâm
phạm quan hệ xã hội bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân
còn Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm xâm phạm đến
chế độ quản lý của nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm
nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác
cho đời sống xã hội.
- Về đối tượng tác động của tội phạm: Đối tượng tác động của Tội vi phạm
quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là: Các loại động vật nguy cấp,
quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh
mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I
Công ước về buôn bán quốc tế các lồi động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Cịn
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có đối tượng tác động là các loại
động vật hoang dã thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý,
hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Cơng ước về bn bán quốc tế các lồi động vật,
thực vật hoang dã nguy cấp và các loài động vật hoang dã khác theo quy định của
pháp luật.
26
- Nếu Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định chỉ xử lý
đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật,
thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc các lồi động vật hoang dã khác; thì Tội vi phạm
quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm xử lý đối với những hành vi vi
phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được
ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I Cơng
ước về bn bán quốc tế các lồi động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.
- Nếu động vật thuộc Nhóm IIB và Phụ lục II của Cơng ước về bn bán
quốc tế các lồi động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp là những lồi hoang dã nguy
cấp thơng thường và vẫn được phép sử dụng, trao đổi, buôn bán thương mại, nhưng
có kiểm sốt; thì động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên
bảo vệ; động vật thuộc danh mục Nhóm IB hoặc động vật thuộc Phụ lục I của Công
ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp là những
loài nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.
1.3.2. Phân biệt Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy
cấp, quý, hiếm với Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, quy định tại Điều 190
BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
- Khách thể của Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là xâm phạm trật tự quản
lý kinh tế mà cụ thể là xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước trong quản lý,
sản xuất, kinh doanh một số loại hàng hóa.
Cịn khách thể của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý,
hiếm là xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp,
quý, hiếm; xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả
nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội.
- Đối tượng tác động của Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là các loại hàng
hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh; cấm lưu hành, cấm sử dụng; chưa được phép lưu
hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể là: Pháo nổ các loại, các loại đồ
chơi nguy hiểm, thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, dịch vụ môi giới hôn nhân;
27
một số mặt hàng, dịch vụ được quy định trong danh mục do Chính phủ quy định.
Cịn đối tượng tác động của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp,
quý, hiếm là: Các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp,
quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy
cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài
động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
- Hành vi khách quan của Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm bao gồm: Hành
vi sản xuất hàng cấm là người phạm tội sử dụng thủ công hoặc bằng công nghệ làm
ra hàng cấm, có thể tham gia vào cả q trình sản xuất hoặc chỉ tham gia vào một
cơng đoạn nào đó như: chuẩn bị địa điểm, tìm nguồn nguyên liệu, tổ chức sản
xuất… Hành vi buôn bán hàng cấm: người phạm tội thực hiện bằng cách mua đi
bán lại hàng cấm dưới nhiều hình thức khác nhau. Cịn hành vi khách quan của Tội
vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại khoản
1 Điều 244 BLHS.
- Mục đích của người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là dấu hiệu bắt
buộc trong mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thu lợi từ hoạt động sản
xuất, buôn bán hàng cấm. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm
cách trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng như: Hải quan, Biên phòng…
Còn mục đích của người phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp,
quý, hiếm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm này.
28
Tiểu kết Chương 1
Trong Chương 1 của luận văn, tác giả đã nghiên cứu những vấn đề lý luận về
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của
pháp luật hình sự hiện hành để đưa ra được khái niệm Tội vi phạm quy định về bảo
vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tác giả nhận thức được rằng pháp nhân thương
mại không phải là chủ thể thực hiện tội phạm mà pháp nhân thương mại chỉ là chủ
thể chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp,
quý, hiếm. Từ đó, rút ra đặc điểm, ý nghĩa của tội phạm này trên cơ sở nghiên cứu
lý luận và thực tiễn. Trong Chương 1 của luận văn, tác giả cũng nghiên cứu, phân
tích quy định của pháp luật hình sự về tội phạm và hình phạt đối với Tội vi phạm
quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; cụ thể phân tích các dấu hiệu
pháp lý về mặt khách thể; mặt khách quan; dấu hiệu chủ thể của cá nhân người
phạm tội và vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; dấu hiệu mặt
chủ quan của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tác
giả đã so sánh Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm với
các Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Tội sản xuất, buôn bán
hàng cấm. Những nội dung được tác giả nghiên cứu, đánh giá trong Chương 1 đã
gợi mở và làm tiền đề để tác giả xây dựng và triển khai các nội dung tiếp theo tại
Chương 2 của luận văn khi tác giả đánh giá những vấn đề thực tiễn áp dụng các quy
định của pháp luật trong xử lý đối với Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật
nguy cấp, quý, hiếm từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai.
29
Chương 2
THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG
XỬ LÝ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY
CẤP, QUÝ, HIẾM TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
2.1. Khái quát các yếu tố tự nhiên, xã hội của tỉnh Đồng Nai có ảnh hưởng
đến việc xử lý Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
2.1.1. Các yếu tố tự nhiên của tỉnh Đồng Nai có ảnh hưởng đến việc xử lý
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Việt Nam được thế giới công nhận là 1/16 quốc gia có tính đa dạng sinh học
cao, trong đó có hệ động vật hoang dã. Sự đa dạng của hệ sinh thái nước ta chính là
điều kiện cần cho các hành vi xâm hại động vật hoang dã, đặc biệt là loài động vật
quý, hiếm. Ở khu vực miền Đơng Nam Bộ thì Đồng Nai được coi là địa phương có
những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của các hệ sinh thái, trong đó
có số lượng các lồi động vật nguy cấp, q, hiếm tương đối lớn. Các yếu tố tự
nhiên này đã có tác động đến Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp,
quý, hiếm và việc xử lý đối với tội phạm này, cụ thể như sau:
- Về vị trí địa lý: Vị trí địa lý là yếu tố tự nhiên đầu tiên có ảnh hưởng đến
việc xử lý Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể:
Đồng Nai thuộc vùng Đơng Nam Bộ, có tọa độ địa lý từ 10°29’58” đến 11°34’57”
vĩ độ Bắc, từ 106°43’56” đến 107°36’46” độ kinh Đơng. Theo tính tốn sơ bộ, đến
nay Đồng Nai có diện tích tự nhiên 5.907,24 km2, dân số khoảng 2.905,85 nghìn
người, mật độ dân số khoảng 491,91 người/km2, đứng thứ 02 về diện tích và dân số
so với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có 11 đơn vị
hành chính, trong đó có 02 thành phố và 09 huyện gồm: thành phố Biên Hòa, thành
phố Long Khánh và 09 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất,
Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú. Đồng Nai tiếp giáp với các
tỉnh, thành phố: Phía Đơng giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đơng Bắc giáp tỉnh Lâm
30