Một số lưu ý khi chụp ảnh
Đã có một bài hướng dẫn cách chụp ảnh mô hình khá tỉ mỉ, nhưng em vẫn xin
bổ sung thêm một vài chú ý nhỏ.
Nhiều bác thắc mắc tại sao chụp máy bay chỉ rõ phần đầu mà đến đuôi thì mờ.
Vấn đề này liên quan đến ĐỘ MỞ CHẾ QUANG, được ký hiệu trên máy là f = x.x
hoặc f/x.x (ví dụ f = 2.0 hoặc f/2.0)
Con số này có ý nghĩa thế nào? Khi giá trị f càng nhỏ (ví dụ 2.0 < 5.6) thì ĐỘ
MỞ CHẾ QUANG càng lớn, tức là ống kính máy ảnh nhận nhiều ánh sáng hơn và
đồng nghĩa với việc độ nét sâu sẽ giảm.
Nếu các bác thấy khó hiểu, có thể hình dung như sau: khi đặt f/2.0 thì ảnh sẽ nét
mỗi buồng lái máy bay, phần mũi về trước và thân về sau sẽ nhoè hết. Khi ta "khép
khẩu", tức là tăng giá trị f lên (máy du lịch thường max là 8.0 - f/8.0) thì ảnh sẽ nét từ
đầu đến đuôi máy bay.
Nhưng khi thay đổi giá trị f thì lượng ánh sáng vào ống kính ít hơn. Để đảm bảo
ảnh đủ sáng, cần phải giảm tốc độ (thường ký hiệu là 1/xx s, ví dụ 1/30s là 1 phần 30
giây).
Tốc độ chụp chậm có nghĩa là màn trập (cái màn che chip cảm biến của máy) sẽ
mở ra rồi khép lại chậm hơn, lượng ánh sáng vào chip nhiều hơn và ảnh đủ sáng.
Máy du lịch hiện nay đều có chức năng căn giờ chụp. Các bác trang bị một chân
máy nhỏ, và chụp với chức năng này thì sẽ không bị rung khi chụp với tốc độ chậm.
Tại sao chụp chậm lại rung? Vì tay các bác không thể giữ máy không giao động
trong 1 giây được. Thậm chí chụp với tốc độ 1/30s thì tay vẫn rung (máy nhỏ, cầm
không chắc), và khi máy rung thì hình sẽ nhoè (gọi là vibration, khác với motion blur
là chỉ có vật chuyển động nhoè).
Như vậy, nếu các bác bỏ qua chỉ số ISO (chỉ độ nhạy sáng), thì phải cân bằng
hai chỉ số TỐC ĐỘ và ĐỘ MỞ CHẾ QUANG để ảnh vừa đủ sáng lại vừa đủ nét.
Chụp mô hình thường dùng chân máy nên em khuyên các bác nên "khép khẩu" hết cỡ
(đặt f/8 hoặc f/11, tóm lại mẫu số càng to càng tốt).
Nếu bác nào thắc mắc là ISO để làm gì, thì em nói luôn: ISO là chỉ số đo
SENSITIVITY, là ĐỘ NHẠY SÁNG. Giả sử các bác "mở khẩu" hết cỡ (f/2.0 chẳng
hạn), tốc độ chậm hết cỡ luôn (1 giây chẳng hạn), tức là lượng ánh sáng vào ống kính
tối đa rồi mà ảnh vẫn cứ tối thì các bác có thể tăng ISO lên để ảnh đủ sáng.
Ở ISO 200, ánh sáng vào nhiều gấp đôi ISO 100, ISO 400 gấp đôi ISO 200.
NHƯNG, các bác chú ý rằng ISO càng cao thì NOISE (nhiễu - hạt) càng nhiều.
Vì thế, em khuyên các bác đặt ISO càng thấp càng tốt. Có 100 để 100, có 50 để 50.
Chân máy sẽ giúp ảnh không nhoè.
Chúc các bác có ảnh đẹp.
Thêm một vài mẹo như sau
REFLECTOR TIP
Khi sơn mô hình, nếu các bác sơn bóng và dùng đèn chiếu vào thì sẽ thấy có
ánh sáng phản chiếu. Chụp với tốc độ chậm rất có thể sẽ khiến đốm sáng phản chiếu
đó lan rộng ra, làm xấu tấm ảnh. Cũng có khi ảnh chụp lên thấy nguyên cái bóng đèn
in lên trên mô hình.
Để tránh hiện tượng này mà vẫn dùng sơn bóng thì các bác nên chiếu đèn qua
một tấm vải trắng để tản sáng, làm ánh sáng dịu hơn.
Để làm mô hình có thêm chiều sâu, có hình khối, các bác có thể dùng một thiết
bị gọi là REFLECTOR, tức là thiết bị phản quang. Nói nghe hoành tráng, nhưng thật
ra chỉ cần dùng một tờ giấy trắng vò nhàu rồi mở ra (vò lại để ánh sáng phản chiếu
không đều), đặt đúng hướng chiếu đèn.
Ánh sáng từ đèn mạnh chiếu vào giấy sẽ phản lại yếu hơn. Như vậy một mặt
mô hình được chiếu rất rõ, mặt kia được chiếu tối hơn.
Nếu các bác hút thuốc thì giữ lại giấy bạc trong bao thuốc, vò nhàu, rồi mở ra
và dán lên một tấm bìa. Thiết bị tự chế này sẽ cho hiệu quả rất cao.
ZOOM-IN TIP
Máy ảnh du lịch bao giờ cũng có ống kính zoom. Các bác không cần quan tâm
nhiều đến tiêu cự của nó, chỉ cần hiểu rằng khi các bác không zoom mà đặt máy vào
gần thì rất ảnh thường bị bẹt, mặt người thường méo, hình ảnh không thật.
Để tránh hiện tượng này, các bác lùi máy ra xa và zoom hết cỡ vào mô hình.
Góc nhìn sẽ giống khi đặt máy gần. Độ nét sâu sẽ mỏng đi một chút, nhưng như đã nói
ở bài trước, khẩu độ f/8 - f/11 sẽ đủ để nét cả mô hình. Quan trọng nhất là hình sẽ
không bị bẹt.
Nếu phông nền nhiều chi tiết, các bác có thể kéo nó ra xa mô hình một chút.
Cùng với việc "zoom-in", ảnh của các bác sẽ có chủ thể nét và nền mờ. Ở đây em chú
thích rằng độ nét sâu trong ảnh phụ thuộc vào khẩu độ, vào tiêu cự (hiểu đơn giản là
zoom càng nhiều x thì nét càng mỏng, zoom 12x nét mỏng hơn zoom 4x) và khoảng
cách giữa ống kính với chủ thể.
Các bác lấy nét vào mô hình và kéo phông ra xa thì sẽ làm phông mờ đi, nhờ
vậy tập trung vào mô hình, làm nổi bật chủ thể so với bối cảnh. Cách này hữu dụng khi
nền nhiều màu sắc hoặc sa bàn nhiều lính, cây cối, mỏm đá,
Tiếc là tạm thời em chưa có điều kiện thử. Em sẽ cố gắng gửi ảnh lên sớm để
tiện theo dõi.
Chúc các bác có ảnh đẹp.
Dân chơi mô hình nhà mình ít người xài máy ống kính rời, do đó ảnh thường
flash đánh thẳng vào mô hình, rất xấu.
Có hai cách hạn chế như sau:
1. Chiếu thêm đèn và đánh flash. Nhưng trước khi chụp thử tìm trong máy tuỳ
chọn FLASH OUTPUT. Tuỳ chọn này cho phép chỉnh lại độ sáng của flash. Giảm nó
xuống là flash sẽ đánh dịu hơn nhiều. Bổ sung thêm đèn chiếu vào sẽ giúp ảnh đủ
sáng.
2. Không giảm cường độ flash mà che một tờ giấy trắng mỏng trước flash. Giấy
cũng sẽ giúp tản sáng để đèn chiếu vào mô hình trông "mềm" hơn.
Bác nào có bàn kính thì có lựa chọn thứ 3: chiếu sáng từ dưới lên. Đây là một
cách rất hay và có thể tạo hiệu ứng rất lạ mắt nếu biết dùng đúng lúc. Lưu ý duy nhất
là nến để đèn chiếu quá mạnh từ dưới lên thì máy sẽ đo sáng sai bét. Các bác có thể
dán một tờ giấy trắng (hoặc vải trắng) xuống dưới lớp kính rồi chiếu đèn hắt lên.
Nhớ đừng quên chiếu đèn theo các hướng khác. Nếu để xung quanh tối thui, chỉ
có một nguồn chiếu từ dưới lên thì phải chụp nhiều rồi mới ra ảnh đẹp được :D.
Chúc các bác vui.