Lễ hội mùa xuân và hội hát Quan họ
Cho đến tận ngày nay, dân gian vẫn truyền nhau về những lễ hội Quan họ
nổi tiếng của một số làng Quan họ gốc như: Lim, Diềm, Bịu, ó, Nhồi, Bùi, Bò,
Nưa… với những câu ca:
“Mùng năm hội ó
Mùng sáu hội Nhồi
Mùng bẩy hội Bùi…”
Hoặc
“Mùng năm hội ó
Quan họ dồn về
Hội vui vui lắm
Chưa kịp đi tắm
Chưa kịp gội đầu
Giầu chưa kịp têm
Cau chưa kịp bổ
Miếng lành miếng xổ
Miếng lại quên vôi
Người có yêu tôi
Thì người cầm lấy”.
Giống như lễ hội của các làng khác, lễ hội của các làng Quan họ cũng có hai
phần: phần lễ và hội. Phần lễ là để thờ Thần (Thánh), Phật nhằm thỏa mãn
nhu cầu tâm linh là “cầu may”-tức cầu cho Thần, Phật phù hộ cho dân an vật
thịnh, mùa màng phong đăng hòa cốc. Phần hội là diễn ra các tục trò dân
gian vui chơi giải trí như: tuồng, chèo, ca trù, quan họ, vật… nhằm thư giãn
sức dân sau những ngày mùa vụ vất vả trong năm. Khác với lễ hội của các
làng khác, lễ hội của các làng Quan họ thường có tục hát Quan họ diễn ra cả
phần lễ và phần hội. Quan họ phần lễ là để hát những làn điệu cổ có nội
dung ca ngợi công đức của Thần, Phật cầu may cho dân làng. Quan họ phần
hội là để các liền anh, liền chị của các làng đến dự hội hát đối đáp giao lưu,
mang đậm văn hóa lễ nghĩa của một vùng quê hàng ngàn năm văn hiến.
Vào những ngày hội của các làng Quan họ, các liền anh, liền chị Quan họ
cùng quý khách thập phương nô nức đến trảy hội, bởi sức hấp dẫn của các lễ
hội Quan họ là người ta được thưởng thức văn hóa Quan họ từ lề lối sinh
hoạt cho đến lời ca tiếng hát ngọt ngào, sâu lắng tình nghĩa con người. Đối
với các làng Quan họ “kết chạ” với nhau như: Diềm-Bịu, Bồ Sơn-Y Na-Khả
Lễ… thì không những họ coi nhau như anh em ruột thịt trong cuộc sống
hàng ngày, mà những ngày đình đám hội hè là dịp để sinh hoạt giao lưu văn
hóa Quan họ, thắt chặt thêm mối quan hệ đầy tính nhân văn giữa hai làng.
Thường thì từ vài ngày trước hội, làng có hội cử đôi Quan họ sang làng Chạ
(bạn) để có nhời mời Quan họ bạn. Đúng hẹn, Quan họ chủ nhà sẽ ra tận đầu
làng đón bạn (khách) “tay bắt mặt mừng” bằng những câu ca Quan họ nghe
ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị, ví như:
“Ngày ngày ra đứng cổng làng
Trông về Quan họ mà mua lấy sầu
Ai làm mặt ủ mày chau
Ai làm đến nỗi nhớ nhau đi tìm
Ước gì đôi cánh như chim
Bay đến Quan họ để xem thế nào
Xem rằng ý ở làm sao
Nước thì không khát, nhưng
khát khao tình”.
Khi đón được bạn, khách, Quan họ chủ nhà sẽ đưa bạn vào đình, chùa hát
thờ Thần, Phật để cầu may, ví như:
“Chúng em ra tận đầu làng
Nghe lời thày dạy đón già thập phương
Lễ này có quả có hương
Dâng lên tam bảo Người biên đôi dòng
Người biên là tấm lòng thành
Mong người phù hộ an khang cửa nhà”.
Sau phần lễ là phần hội, Quan họ chủ nhà đưa bạn tham gia phần hát hội.
Các liền anh, liền chị Quan họ từng tốp hát đối đáp giao duyên say sưa bên
nhau ở sân đình, sân chùa, tràn cả xuống những vạt núi, đồi, ruộng và trên
ao hồ quanh đình, chùa và đây chính là phần hấp dẫn nhất của các lễ hội
Quan họ. Sau khi tham gia hát hội, Quan họ chủ nhà đưa bạn mình về “nhà
chứa” để hát canh Quan họ với nhau. Vào canh hát Quan họ, bao giờ Quan
họ chủ nhà cũng mời trầu nước bằng những cử chỉ, lời ca cung kính, tế nhị,
như: “Nhất niên nhất lệ, đầu xuân năm mới, hội lệ làng em được đương Quan
họ sang thăm đất nước làng em, trước là lễ Thần Phật, sau là vãng cảnh
thăm đình chùa, xin mời đương Quan họ liền anh xơi trầu, xơi nước cho chị
em chúng em được bằng lòng”. Tiếp theo Quan họ mời nhau hát rất khéo và
trong canh hát bao giờ người ta cũng hát đôi, hát đối. Giữa canh hát Quan họ
chủ nhà mời bạn xơi cơm, nước, bánh, quả. Mặc dù cỗ Quan họ rất to, nhưng
Quan họ chủ nhà mời mọc khiêm tốn, tế nhị. Không những trong khi ca hát
với nhau, mà n_ cả khi sinh hoạt ăn uống, Quan họ luôn luôn mời mọc nhau
bằng những làn điệu lời ca ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị. Sau đó Quan họ chủ
nhà sẽ mời bạn về từng thành viên trong bọn Quan họ để thăm hỏi động viên
cha mẹ, anh em và tặng quà cho nhau.
Kết thúc hội, Quan họ chủ nhà lại đưa tiễn bạn ra về tận cổng làng. ở đấy, họ
còn giùng giằng quyến luyến bằng những lời ca, tiếng hát nghe sâu nặng ân
nghĩa tình người, ví như:
“Người ơi, người ở đừng về
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…”
Như vậy, hội các làng Quan họ mặc dù chỉ diễn ra trong thời khắc, song dư
âm về sự mến mộ, cung kính, lịch thiệp, tế nhị cùng lời ca tiếng hát ngọt
ngào, sâu sắc của Quan họ chủ nhà đã mãi mãi đi vào tình cảm của các làng
Quan họ bạn, cũng như quý khách thập phương. Và đầu xuân năm mới với
những lễ hội của các làng Quan họ đã trở thành biểu tượng của văn hiến xứ
Kinh Bắc - Bắc Ninh.