Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Tài liệu Việt sử giai thoại: Lược truyện Trưng Nữ Vương pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.11 KB, 3 trang )

Việt sử giai thoại: Lược truyện Trưng Nữ Vương

Tất cả sử sách của nước nhà, bất kể là cũ hay mới, bất luận là viết
ở đâu, hễ có giới thiệu về thời Bắc thuộc là thế nào cũng dành
những lời trang trọng để nói về Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng
đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước ta, vùng lên
đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán và lập nên nền độc
lập, tự chủ trong vòng gần ba năm.
Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí
hiên ngang và khí phách quật cường của
cả dân tộc. Nay, xin theo những đoạn ghi
chép tản mạn của sách Đại Việt sử kí
toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, từ tờ 1-b đến
tờ 4a) mà dựng lại lược truyện về Hai Bà
Trưng như sau:
“Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định dùng chính sự tham lam tàn
bạo. Trưng Nữ Vương dấy binh để đánh” (tờ 1-b).
“Mùa xuân, tháng hai năm Canh Tí 40, vua khổ vì thái thú Tô Định
dùng pháp luật hà khắc để trói buộc, lại thêm thù Tô Định đã giết
chết chồng của mình là Thi Sách, bèn cùng với em là Trưng Nhị
nổi binh, đánh vào trị sở của châu. Tô Định chạy về nước. Các
quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng,
Trưng Nữ Vương lấy được sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Nam rồi tự
lập làm vua” (tờ 2a và tờ 2b).
“Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương lại dấy quân đánh vào các
vùng biên thùy, bèn hạ lệnh cho các nơi như Trường Sa, Hợp Phố
và cả Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu cống, khai thông
khe núi và tích chứa lương thực, đồng thời, phong cho Mã Viện
làm phục ba tướng quân, phong cho Phù Lạc Hầu là Lưu Long làm
phó tướng, đem quân sang xâm lược” (tờ 2b).
“Mùa xuân, tháng giêng năm Nhâm Dần 42, Mã Viện đi men theo


ven biển mà tiến vào nước ta, san núi làm đường đến hơn một ngàn
dặm, đánh nhau với vua (chỉ Trưng Nữ Vương) ở Lãng Bạc (phía
Tây của La Thành gọi là Lãng Bạc). Vua thấy thế giặc mạnh, tự
thấy quân mình ô hợp, khó có thể chống nổi, bèn lui về giữ Cấm
Khê (cũng có sách chép là Kim Khê). Quân sĩ cho vua là đàn bà,
chẳng thể cầm cự được, bèn bỏ chạy. Quốc thống từ đó lại đứt” (tờ
2b).
LỜI BÀN:
Về Hai Bà Trưng, xin được mượn hai lời bàn của hai sử gia tiền
bối lỗi lạc là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên thay cho lời bàn của tác
giả. Cả hai lời bàn này đều có trong sách Đại Việt sử kí toàn thư
(ngoại kỷ, quyển 3).
-
Lời của Lê Văn Hưu như sau: “Trưng Trắc và Trưng Nhị là
đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và
Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc
dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết
hình thế nước Việt ta có thể dựng nghiệp bá vương được. Tiếc
thay, trong khoảng hơn ngàn năm, từ sau họ Triệu (chỉ Triệu Thị
Trinh) đến trước họ Ngô (chỉ Ngô Quyền), bọn đàn ông chỉ biết
cúi đầu khoanh tay làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng là
xấu hổ với hai chị em đàn bà người họ Trưng hay sao? Ôi, như thế
cũng có thể nói là tự vất bỏ mình rồi vậy” (tờ 3a).
Lời của Ngô Sĩ Liên như sau: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán
bạo ngược, liền vung tay hô một tiếng mà khiến cho quốc thống
của nước nhà có cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng đâu phải
chỉ khi sống thì dựng nước xưng vương, mà còn cả ở khi chết còn
có thể ngăn chặn tai họa. Phàm gặp những tai ương hạn lụt, cầu
đảo không việc gì là không linh ứng. Cả đến Trưng Nhị cũng vậy.
Ấy là vì đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, cho nên, khí hùng dũng

ở trong khoảng trời đất chẳng vì thân đã chết mà kém đi. Bọn đại
trượng phu há chẳng nên nuôi lấy khí phách cương trực và chính
đại đó hay sao?” (4a).
Bạn nghĩ gì về hai lời bàn này?
(Theo “
Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo
Dục)


×