Đề tài
“Cảm hứng nhân văn trong ba vở hài
kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ
mười hai, Người lái buôn thành
Vơnidơ của Sêcxpia”
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
2. Lịch Sử vấn đề.
3. Mục đích yêu cầu.
4. Đối tượng nghiên cứu.
5. Phương pháp nghiên cứu.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT
1.1. Thời đại
1.1.1. Bối cảnh lịch sử
1.1.2. Chủ nghĩa nhân văn và cảm hứng nhân văn
1.2. Tác giả
1.2.1. Tiểu sử
1.2.2. Sự nghiệp
1.3. Tác phẩm
1.3.1. Đôi nét về ba vở hài kịch, “Giấc Mộng Đêm Hè”, “Đêm Thứ 12”, “Người
lái buôn thành Vơnidơ”.
1.3.2. Tóm tắt tác phẩm
CHƯƠNG 2: CẢM HỨNG NHÂN VĂN QUA BA VỞ HÀI KỊCH, GIẤC MỘNG ĐÊM HÈ,
ĐÊM THỨ MƯỜI HAI, NGƯỜI LÁI BUÔN THÀNH VƠNIDƠ
2.1. Cảm hứng ca ngợi
2.1.1. Ca ngợi vẻ đẹp con người
2.1.2. Ca ngợi những khát vọng cao đẹp của con người
2.1.3. Ca ngợi và khẳng định cuộc sống nơi trần thế
2.2. Cảm hứng phê phán
2.2.1. Phê phán chế độ phong kiến lạc hậu
2.2.2. Phê phán những mặt trái của xã hội thời tích lũy nguyên thủy tư bản chủ
nghĩa
CHƯƠNG 3: ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT QUA BA VỞ HÀI KỊCH, GIẤC MỘNG ĐÊM HÈ,
ĐÊM THỨ MƯỜI HAI, NGƯỜI LÁI BUÔN THÀNH VƠNIDƠ
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.1.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình
3.1.2. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật
3.2. Nghệ thuật kết hợp tính hiện thực và tính lãng mạn trong ba vở hài kịch thể hiện qua:
3.2.1. Giọng điệu trữ tình
3.2.2. Nghệ thuật dựng truyện
3.2.3. Nghệ thuật dựng cảnh
3.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
3.3.1. Đối thoại
3.3.2. Độc thoại
PHẦN MỞ ĐẦU
2. Lý do chọn đề tài
Sêchxpia là ngôi sao sáng trong nền kịch Anh và cũng là người đại diện vĩ đại của nền văn
nghệ Phục hưng. Ông được nhìn nhận là “Linh hồn của thời đại, kì tài của sân khấu”
(Bêlinxki). Từ lâu sáng tác của ông đã vượt ra ngoài phạm vi nước Anh trở thành tài sản
chung của thế giới. Chính vì thế mà chúng ta biết đến Sêcxpia qua cái nhìn của nhiều nhà
nghiên cứu văn học, những chuyên gia về Sêcxpia; qua những bài viết hàng nghìn trang với
những lời nhận xét, đánh giá quý báu. Tuy nhiên để hiểu biết sự nghiệp to lớn của Sêchxpia
và những gì ông để lại cho đời bấy nhiêu thôi theo người viết vẫn chưa đủ. Cần phải có
nhiều công trình nghiên cứu về ông hơn nữa, đặc biệt là ở thể loại hài kịch. Vì thế, người
viết xin tìm hiểu một vấn đề nhỏ trong hệ thống sáng tác của ông đó là “Cảm hứng nhân văn
trong ba vở hài kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành Vơnidơ
của Sêcxpia”
Ngay từ lúc học phổ thông người viết đã có dịp tiếp xúc với những vở hài kịch, bi kịch kinh
điển của Sêchxpia như: Romeo & Juliet, Hamlet, Người lái buôn thành Vơnidơ Những vở
kịch của ông không chỉ cuốn hút người viết bởi những tình tiết hấp dẫn mà nó còn mang lại
cho người viết những bài học vô giá về tình yêu, về ý thức, trách nhiệm của con người trong
xã hội. Và cho đến khi lên đến đại học, người viết lại được học và nghiên cứu sâu về
Sêchxpia, về tác phẩm của ông. Người viết rất ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của ông trong quá
trình lao động và học tập, bằng con đường tự học mà ông đã vươn lên trở thành một thiên
tài về văn chương được mọi người khắp thế giới kính trọng và nể phục. Đồng thời khi tìm
hiểu tác phẩm của ông người viết cảm thấy rất thú vị, nó giúp cho người viết có một cách
nhìn và cách suy nghĩ sâu sắc hơn về những vấn đề trong cuộc sống. Chính vì thế mà đến
năm thứ tư của đại học người viết đã chọn mảng văn học nước ngoài để làm đề tài luận văn.
Sêchxpia viết thành công ở cả ba thể loại: bi kịch, hài kịch, kịch lịch sử. Nhưng người viết
đặc biệt tâm đắc với những vở hài kịch của ông. Bởi vì nó không những mang đến tiếng
cười mà nó còn giúp cho con người có cái nhìn lạc quan trong cuộc sống. Nếu có được cái
nhìn lạc quan con người sẽ vững tin trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Bởi vì trong cuộc
sống có rất nhiều những khó khăn, thử thách mà con người cần phải vượt qua. Hơn thế nữa,
những vở hài kịch của ông còn giúp cho chúng ta nhận ra và biết trân trọng những tình cảm
cao đẹp trong cuộc sống như: tình cha con, tình anh em, tình yêu, tình bạn để từ đó con
người cảm nhận cuộc sống này rất vui, rất đáng sống. Từ những điều tâm đắc cùng với sự
giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ hướng dẫn người viết đã chọn đề tài: “Cảm hứng nhân văn
trong ba vở hài kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành Vơnidơ
của Sêcxpia” qua đề tài này người viết hi vọng sẽ tích lũy được nhiều kiến thức quý báu khi
có dịp tìm hiểu cuộc đời và tác phẩm của Sêcxpia một cách công phu và hệ thống. Bên cạnh
đó, khi tiến hành nghiên cứu đề tài trên người viết còn học hỏi được những giá trị nhân văn
được tác giả gửi gắm trong ba tác phẩm và có được kinh nghiệm trong qua trình nghiên một
đề tài khoa học.
Do năng lực và thời gian có hạn, sự tìm tòi và nghiên cứu của người viết trong khi thực hiện
đề tài chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết. Mong thầy cô và các bạn giúp đỡ
điều chỉnh cho những sai sót mắc phải của người viết, để luận văn được hoàn chỉnh.
2. Lịch sử vấn đề
Sêchxpia được thế giới tôn vinh là nhà soạn kịch thiên tài, một trong những con người
khổng lồ của thời đại Phục hưng. Bởi vì trong khoảng 20 năm cầm bút ông đã để lại cho đời
những kiệt tác bất hữu có cả bi kịch, hài kịch và kịch lịch sử. Thế nhưng theo quá trình tìm
hiểu và nghiên cứu của người viết thì đa số các nhà nghiên cứu đều tập trung vào thể loại bi
kịch. Vì thế các bài nghiên cứu về thể loại hài kịch còn tương đối ít. Chính vì thế người viết
đã chọn đề tài: “cảm hứng nhân văn trong ba vở hài kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười
hai, Người lái buôn thành Vơnidơ” để góp phần khẳng định giá trị tư tưởng trong tác phẩm
hài kịch của Sêchxpia; đồng thời góp phần làm phong phú thêm các đề tài nghiên cứu về hài
kịch của ông. Trong điều kiện nghiên cứu của mình người viết đã thu thập được một số tài
liệu nghiên cứu có liên quan đến đề tài nghiên cứu như sau:
Công trình đầu tiên phải kể đến quyển “Lịch sử văn học Phương Tây”,tập 1 của nhóm tác
giả Trần Duy Châu - Nguyễn Văn Khỏa - Lương Duy Trung – Nguyễn Trung Hiếu – Phùng
Văn Tửu, Nxb Giáo dục, 1979. Trong quyển này các tác giả cho chúng ta nhiều thông tin
quý báu về Sêchxpia và về những vở kịch của ông. Nhóm tác giả trên còn cho thấy được cái
nhìn bao quát về điều kiện lịch sử Anh, tiểu sử tác giả cùng với các giai đoạn sáng tác của
ông và đặc điểm của từng thể loại kịch mà ông sáng tác như:bi kịch, hài kịch, kịch lịch sử.
Nhóm các tác giả nêu lên những nhận định về hài kịch của Sêchxpia như sau: “Tiếng cười ở
đây chính là thoát lên từ cái không khí lạc quan, yêu đời của thời đại Phục hưng. Đề tài của
những vở hài kịch này thường xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa những đôi nam nữ.
Thông qua đề tài đó, Sêchxpia lên án những gì phản lại tự nhiên, cổ hữu, áp chế con
người, nghĩa là những luân lý đạo đức, những thành kiến cũ của chế độ phong kiến. Đồng
thời, cũng qua những vở hài kịch này, Sêchxpia lên tiếng tố cáo xã hội tư bản, cái xã hội
trong đó đồng tiền đã chế ngự tất cả mọi giá trị vật chất và tinh thần, đè nặng lên số phận
của con người như một định mệnh.” [3; tr.117]. Bên cạnh đó nhóm tác giả còn chứng minh
cho những nhận định trên qua ba vở hài kịch: Đêm thứ mười hai và Giấc mộng đêm hè
nhóm tác giả nhận định Sêchxpia viết hai tác phẩm trên để thể hiện “Sự chiến thắng của
tình yêu và lòng chung thủy”.[3; tr.118]Còn trong vở Người lái buôn thànhVơnidơ các tác
giả nhận định: “Là vở hài kịch có ý nghĩa nhất trong giai đoạn sáng tác này. Ở đây vang lên
gay gắt lời tố cáo đồng tiền, thói tàn nhẫn và nền pháp lý bên vực cho quyền tư hữu của xã
hội tư bản. Ở đây là sự chiến thắng vẻ vang của tình yêu, tình bạn, của chính nghĩa và của
lòng nhân đạo.” [3; tr.118-119]. Tất cả những lời nhận định trên của nhóm tác giả đã cho
thấy tác phẩm của Sêchxpia đầy tính nhân văn và những điều nói trên người viết sẽ tập
trung làm sáng rõ ở phần nội dung chính của đề tài.
Kế đến là quyển “Văn học Phương Tây” của nhóm tác giả Đặng Anh Đào - Hoàng Nhân
- Lương Duy Trung - Nguyễn Đức Nam - Nguyễn Thị Hoàng - Nguyễn Văn Chính - Phùng
Văn Tửu, “Văn học Phương Tây”, Nxb Giáo dục, 1997 cũng là nguồn tài liệu quý báu giúp
cho chúng ta có một cái nhìn khái quát về Sêchxpia và tác phẩm của ông. Các tác giả của
quyển này đã cho chúng ta cái nhìn tổng quát về thời đại của ông đang sống, về cuộc đời và
các giai đoạn sáng tác của ông. Một điều quan trọng nữa là trong quyển sách này các tác giả
còn thêm các nhận định, đánh giá, khẳng định giá trị sáng tác của Sêchxpia cũng như những
cống hiến to lớn của ông đối với nền sân khâu thế giới. Đặc biệt là ở thể loại hài kịch các tác
giả có nhận xét về hài kịch của Sêchxpia nói chung và ba vở hài kịch trên nói riêng như sau:
“Sêchxpia viết hài kịch nhằm trước hết là mua vui cho công chúng nước Anh thời bấy giờ.
Xuyên suốt các vở hài kịch của ông là chủ đề tình yêu đôi lứa. Hài kịch của ông khẳng định
rằng tình yêu là chất men cuộc sống, là hạnh phúc tuyệt vời trên trần thế này. Tình yêu giúp
con người thêm thông minh, sáng suốt, dũng cảm. Nó là nguồn sức mạnh có khả năng chiến
thắng tất cả những gì và tất cả những ai chống lại nó, chống lại con người” [5; tr.203]. Lời
nhận xét trên cho chúng ta thấy Sêchxpia viết hài kịch không chỉ đơn thuần là để mua vui
cho khán giả mà nó còn ca ngợi tình cảm riêng tư của con người đó là tình yêu. Đồng thời
tác giả còn khẳng định tình yêu sẽ là nguồn sức mạnh to lớn giúp con người chiến thắng tất
cả những thế lực phản tiến bộ. Đây là một trong những tư tưởng mang đậm giá trị nhân văn
của tác giả sẽ được người viết làm rõ ở phần nội dung chính của đề tài. Bên cạnh đó, nhóm
tác giả trên còn chỉ ra điểm nổi bật về nghệ thuật trong các vở hài kịch của Sêchxpia đó là
“Tính hiện thực kết hợp với tính lãng mạn bay bổng. Giới nghiên cứu coi Sêchxpia là người
sáng tạo ra hài kịch “lãng mạn” và thường lấy các vở Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười
hai làm dẫn chứng nhưng chất lãng mạn, chất thơ ấy không chỉ có ở hai vở kịch này. Nó
có ở hầu hết ở các vở hài kịch của Sêchxpia, chỉ khác ở độ đậm nhạt” [5; tr.204]. Điều này
người viết sẽ tập trung làm sáng rõ ở phần phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ba tác
phẩm: Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành Vơnidơ.
Cùng với hai quyển sách trên thì quyển “Tuyển tập tác phẩm William Shakespeare”,
Nxb Sân khấu trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cũng cho người viết có hiểu biết sáng
rõ hơn về thời đại tác giả sống, con người, quá trình sáng tác các vở kịch, tư tưởng, nghệ
thuật và phong cách của Sêcxpia. Trong quyển sách này các tác giả có lời nhận định về hài
kịch của ông như sau: “Nhưng thử hỏi ở đâu mà cuộc sống tưng bừng, mà con người thoải
mái, mà cái cười hồn nhiên, đắc thắng như trong các vở hài kịch của Sêcxpia? ở đâu có con
người tự hào khoan khoái, tin vào tương lai, tin vào mình như trong trong Những bà vợ vui
vẻ ở Uynxo, Giấc mộng đêm hè. Ở đâu cái không khí trong sáng tươi mát như trong Đêm
thứ mười hai. Điều mới mẻ mà Sêcxpia đem đến cho chúng ta là cuộc đời này rất vui và
đáng sống, dù cho tạm thời cái vui phải nhường bước trước thực tế xấu xa, nhưng cái vui,
cái đẹp không bao giờ chết được. Chính quan niệm này đã sản sinh ra một phương pháp
nghệ thuật mới của ông là phối hợp cái vui với cái buồn trong những vở kịch buồn thảm
nhất. Đây không phải là “gượng cười”, “đổi sầu làm vui”, hay “tìm cái vui để lẩn tránh
cái thực tế xấu xa trong cuộc sống”. Cái vui này xuất phát từ chính nghĩa, từ lẽ sống, không
phải từ một cách “ngụy biện”để lừa dối mình.” [7; tr.24]. Với lời nhận xét trên các tác giả
cho chúng ta thấy trong các vở hài kịch của Sêcxpia chứa đựng nội dung lớn của chủ nghĩa
nhân văn đó là ca ngợi và khẳng định cuộc sống nơi trần thế. Điều đó chứng tỏ Sêcxpia có
sự tiếp thu tư tưởng cao đẹp của chủ nghĩa nhân văn và những tư tưởng đó đã tạo nên nguồn
cảm hứng mãnh liệt để ông viết thành công các vở hài kịch. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn
nhận xét thêm về nghệ thuật của các vở hài kich “Khung cảnh quen thuộc của hài kịch là
“nước Anh xanh tươi”với những đồng cỏ, những cánh rừng, với những con người sống để
mà yêu bất chấp uy quyền cha mẹ, như trong Giấc mộng đêm hè, Tùy theo ý muốn. Tình yêu
của họ tuy bị trắc trở nhưng cuối cùng họ đều được toại nguyện. Chính vì vậy, hài kịch của
ông rất phong phú tính trữ tình và rất lôi cuốn, nên thơ.” [7; tr.18]. Trong quyển sách này
các tác giả còn cho chúng ta biết thêm về những chủ đề chính trong các vở hài kịch của ông:
“Chủ đề của hài kịch là ca ngợi sự thắng thế của tư tưởng nhân đạo đối với những thành
kiến Trung cổ. Đó là lời ca ngợi sự xuất hiện của con người mới, tự do, sung sướng. Bên
cạnh việc ca ngợi sự đắc thắng của tư tưởng nhân đạo, việc chế nhạo cảnh tan rã của chế
độ phong kiến phân quyền cũng là một chủ đề của hài kịch.” [7; tr.18]
Tóm lại, trên đây là những ý kiến, nhận định mà người viết thu thập được trong quá trình
nghiên cứu tài liệu. Tuy đây chỉ là những nhận định mang tính tổng quát, chưa đi sâu vào
phân tích, trình bày, hoặc chứng minh cụ thể vấn đề nhưng nó sẽ là những định hướng quan
trọng trong quá trình triển khai đề tài của người viết.
3. Mục đích yêu cầu
Đề tài: “Cảm hứng nhân văn qua ba vở hài kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai,
Người lái buôn thành Vơnidơ của Sêchxpia”đã đặt ra cho người viết những yêu cầu sau:
Một là: tìm hiểu về thời đại phục hưng và tư tưởng trung tâm của thời đại là chủ nghĩa
nhân văn. Để biết được cơ sở tư tưởng tạo nên cảm hứng cho Sêcxpia viết ba vở hài kịch
Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành Vơnidơ.
Hai là: tìm hiểu về ba vở hài kịch trên để nắm được nội dung cốt lõi của ba vở hài kịch.
Ba là: tìm hiểu những biểu hiện cụ thể của “Cảm hứng nhân văn” qua ba vở hài kịch Giấc
mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành Vơnidơ là cảm hứng ca ngợi và phê
phán. Cảm hứng ca ngợi được biểu hiện qua ba yếu tố: ca ngợi vẻ đẹp của con người, ca
ngợi những khát vọng cao đẹp của con người, ca ngợi cuộc sống nơi trần thế. Cảm hứng phê
phán được biểu hiện qua việc phê phán xã hội phong kiến đang trên đà suy tàn và phê phán
những mặt trái của xã hội thời tích lũy nguyên thủy tư bản.
Bốn là: tìm hiểu những nghệ thuật đặc sắc được tác giả sử dụng trong ba vở hài kịch để từ
đó thấy được giá trị cả về nội dung và hình thức của tác phẩm.
2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Sêcxpia đã để lại cho nền văn học thế giới nhiều kiệt tác
văn chương tuyệt vời nhưng ở bài viết này người viết chỉ tập trung nghiên cứu ba vở hài
kịch tiêu biểu của ông là: Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành
Vơnidơ. Bên cạnh đó, người viết còn tìm hiểu các tài liệu có liên quan đến đề tài và các tài
liệu nói về thời đại Phục Hưng ở Châu Âu và ở Anh.
Phạm vi đề tài là: người viết sẽ tập trung vào tìm hiểu các biểu hiện của “Cảm hứng nhân
văn” và những nghệ thuật đặc sắc trong ba vở hài kịch trên. Sau đó, người viết sẽ tiến hành
phân tích, đánh giá, tổng hợp các biểu hiện đó và sử dụng cơ sở dữ liệu trong ba vở hài kịch
để chứng minh cho những điều trên.
5. phương pháp nghiên cứu
Trong quá tình thực hiện đề tài “Cảm hứng nhân văn trong ba vở hài kịch Giấc mộng đêm
hè, Đêm thứ mười hai, Người lái buôn thành Vơnidơ của Sêchxpia” người viết sử dụng một
số phương pháp nghiên cứu chủ yếu như sau:
Trước hết, người viết tập hợp tài liệu: văn bản của ba vở hài kịch và những tài liệu có liên
quan đến đề tài.
Kế đến là tập hợp những ý kiến của các nhà nghiên cứu đã đề cập đến các vấn đề có liên
quan tới đề tài làm cơ sở và định hướng cho người viết trong việc nghiên cứu. Sau đó bổ
sung những phát hiện mới trong quá trình nghiên cứu của người viết để luận văn được tốt
hơn.
Sau khi tổng hợp tài liệu và tổng hợp các ý kiến cũng như đã tham khảo qua đề tài người
viết tiến hành các bước như sau:
6. Lập dàn ý đại cương
7. Lập dàn ý chi tiết
8. Viết bản thảo
9. Đọc sửa chữa, hoàn chỉnh bài viết
Một thao tác xuyên suốt trong quá trình thực hiện đề tài này là phần phân tích những biểu
hiện của: “Cảm hứng nhân văn” trong ba vở hài kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai,
Người lái buôn thành Vơnidơ và những nghệ thuật đặc sắc của ba vở hài kịch. Như vậy, để
hoàn thành đề tài này người viết đã sử dụng các thao tác như: tổng hợp, phân tích, chứng
minh, diễn dịch, quy nạp đó là con đường giúp người viết tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài.
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 THỜI ĐẠI
1.1.1 Bối cảnh lịch sử:
Trong hai thế kỉ XV, XVI, ở Châu Âu đã dấy lên một cuộc vận động tư tưởng và văn hóa
mới rất mực hào hứng và quyết liệt. Mở ra một thời đại mới đó là thời đại Phục Hưng. Đầu
tiên, ngọn gió mới thổi lên từ đất Italia. Tiếp đó nó lan rộng ra các nước ở Tây Âu và Trung
Âu. Trong đó, nước Anh bước vào thời kì Phục Hưng muộn hơn so với Italia và một số
nước Tây Âu, trong hai thế kỉ XV và XVI lại bị hai cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề về
kinh tế và chịu sự chia rẻ sâu sắc. Cuộc khủng hoảng chính trị của xã hội phong kiến đạt
đến đỉnh cao trong cuộc nội chiến của các hầu tước phong kiến. Người ta gọi nội chiến đó là
cuộc chiến tranh “Hai hoa hồng” (1445-1485). Hai tập đoàn phong kiến York và Lencaxtơ
tranh giành quyền thống trị, cuối cùng cả hai cùng kiệt sức. Họ Tiudo lên nắm chính quyền.
Từ cuối thế kỉ XV trở đi, Anh mới có thể chăm lo cho đến việc khôi phục và phát triển kinh
tế, mở mang văn hóa.
Có thể nói, dưới triều đại Tiuđo đầu tiên, nước Anh đã phát triển mạnh mẽ về chính trị và
kinh tế xã hội. Những bước tiến này rất lớn mạnh đến cần thiết chuẩn bị đưa nước Anh đến
một hình thái kinh tế mới (Tư bản chủ nghĩa). Cùng với xu thế lịch sử chung ở Tây Âu bấy
giờ là tiến lên CNTB, nước Anh cũng tiến lên theo xu hướng đó.Từ thế kỉ XVI trở đi nó
nhanh chống đuổi kịp rồi vượt lên những nước đi trước nó. Quan hệ sản xuất TBCN từng
bước được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở miền Nam nước Anh. Công thương nghiệp ở
đây vốn dĩ đã có truyền thống. Mặt hàng chủ yếu để xuất khẩu của Anh lúc này là len dạ, vì
vậy phải phát triển mạnh chăn nuôi cừu. Bọn địa chủ mới ở Anh được chính quyền nhà vua
hỗ trợ bằng các đạo lực cho phép rào đất cướp ruộng của hàng vạn nông dân ra khỏi làng
mạc, nhà của, ruộng đất của họ, biến những nơi đó thành những bãi cỏ nuôi cừu. Các đạo
luật khoanh điền đẫm máu đã đẩy hàng vạn nông dân phải đi lanh thang kiếm ăn.Và để biến
những người nông dân bị phá sản đó thành nhân công rẻ mạt cho các xí nghiệp công trường,
chính quyền ban bố đạo luật “Cấm lang thang” với hình thức phạt rất tàn ác. Bị bắt lần đầu
thì bị đóng dấu bằng sắc nung đỏ lên bả vai rồi đuổi về nguyên quán. Nếu tái phạm thì bị
chặt đầu hoặc treo cổ. Kết quả là dưới triều đại của Hen-ri VIII, có đến 72000 nông dân bị
xử tử sau khi đã bị đuổi ra khỏi nhà của ruộng đất của mình Đây là giai đoạn Tô-mat Mô-
rơ đã tố cáo “Cừu nuốt sống cả người ”.
Chính vì thế, ở thời kì này có rất nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra. Đặc biệt quan
trọng là cuộc khởi nghĩa 1607 lôi cuốn hầu như cả miền Trung nước Anh. Các cuộc khởi
nghĩa này đều bị dìm trong máu lửa. Có thể nói rằng nước Anh thời Sêcxpia tua tủa những
thớt chặt đầu và những giá treo cổ.
Thợ thủ công cũng khốn khổ không kém. Họ bị bòn rút đến kiệt sức trong các hầm mỏ,
công trình, xí nghiệp. Ngày làm việc không có giới hạn, thường từ 12 đến 14 giờ với tiền
công rẻ mạt nữ giới tiền lương ít hơn nam giới. Chính vì thế mà các cuộc khởi nghĩa của
nông dân thường được hỗ trợ và liên kết của thợ thủ công.
Tư sản mới cùng với lớp quý tộc mới được chính quyền nhà vua giúp đỡ đã đền đáp công
ơn bằng cách ủng hộ chính quyền này chống bọn lãnh chúa phong kiến nhằm thống nhất
quốc gia, thực hiện việc thống nhất thị trường trong nước và bành trướng thế lực ra bên
ngoài. Kết quả là nước Anh đã trở thành một quốc gia thống nhất về chính trị, kinh tế dưới
triều đại Tuiđo. Đến thời nữ hoàng Êlizabet, đã trở thành một cường quốc cạnh tranh với
Tây Ban Nha là nước mạnh nhất lúc bấy giờ. Sau chiến thắng hạm đội “Acmađa vô địch”
của Tây Ban Nha (1558), Anh thành bá chủ mặt biển. Việc giao thông buôn bán với các
nước, việc tìm kiếm thị trường mới và thuộc địa của Anh bấy giờ ngày càng được đẩy
mạnh.
Các sử gia tư sản Anh thường ca ngợi thời kì nữ hoàng Êlizabet I là “thời kì nước Anh vui
vẻ”. Khách quan mà nói đó là thời nước Anh trở thành cường quốc số một ở Châu Âu đang
ra sức bành trướng thế lực của nó. Hạm đội Anh dẫn đường các thương thuyền giông buồm
đến các thị trường ở Châu Mĩ rồi Châu Á, Châu Phi để xâm chiếm thuộc địa và kiếm thị
trường buôn bán mới. Vàng bạc và của cải của các nước như Tây Ban Nha, Bố Đào Nha,
cướp được ở Châu Mĩ, trên đường về, một phần đáng kể đã bị hạm đội Anh cướp lại. Thị
trường trong nước Anh nhờ hoạt động thương mại kích thích lúc này cũng phát triển mạnh
tạo bộ mặt phồn vinh cho đất nước. Đô thị ngày càng tập trung sầm uất. Luân Đôn kinh đô
của nước Anh chẳng những là một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước mà còn
là một trung tâm văn minh của Châu Âu nữa. Triết học, khoa học kĩ thuật, văn học, và nghệ
thuật nước này Anh lúc này phát triển mạnh vượt lên chiếm vị trị tiên tiến ở Châu Âu.
Tuy nhiên, đằng sau bộ mặt phồn vinh “vui vẻ” đó một xã hội đang trải qua những biến
động dữ dội của thời kì quá độ từ chế độ phong kiến lên CNTB, là một xã hội chất chứa
những mâu thuẫn giai cấp gay gắt luôn luôn sẵn sàng bùng nổ thành những cuộc đấu tranh
quyết liệt. Và đặc biệt là sự phồn vinh và “vui vẻ” đó được xây dựng trên xương máu của
quần chúng nông dân, thợ thủ công Anh cũng như sự áp bức và bóc lột trắng trợn nhân dân
thuộc địa vừa chinh phục được. Chính vì thế mà nước Anh dù phát triển rực rỡ về mọi mặt
nhưng bên trong lại tiềm tàn nhiều sự đỗ vỡ.
Về phương diện tôn giáo, đây cũng là thời kì mà nước Anh xây dựng nền quốc giáo của
mình, thoát khỏi ách thống trị của giáo hội La Mã. Tuy nhiên, cũng như phong trào cải cách
tôn giáo ở bất kì nước nào, quá trình xây dựng Anh quốc giáo cũng là quá trình đấu tranh đổ
máu. Ngay dưới triều đại Êlizabet, các tín đồ theo Cơ đốc giáo vẫn nhiều lần nổi dậy và các
cuộc khởi nghĩa đó đều bị dìm trong bể máu.
Tất cả những chuyển biến về kinh tế, chính trị, xã hội nói trên lá cơ sở tốt đẹp cho nước Anh
tiếp thu trào lưu nhân văn chủ nghĩa
1.1.2 Chủ nghĩa nhân văn và cảm hứng nhân văn.
* Chủ nghĩa nhân văn
Thời đại Phục hưng là một thời đại vĩ đại và to lớn. Nổi bật ở thời đại này là cuộc cách
mạng văn hóa tư tưởng do giai cấp tư sản lãnh đạo đã đưa đến thắng lợi rực rỡ đánh dấu
bước nhảy vọt của tư tưởng con người trong quá trình tự giải phóng. Và tư tưởng trung tâm
của thời đại Phục hưng là chủ nghĩa nhân văn. Đây là trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất, tạo nên
giá trị sáng ngời của nền văn nghệ Phục hưng.
Chủ nghĩa nhân văn tìm thấy ở thời cổ đại đặc biệt là ở cổ đại Hi Lạp tinh thần trân trọng
con người, coi con người là quí, cuộc sống nơi trần thế là đáng trân trọng. Chủ nghĩa nhân
văn đã tiếp thu tinh thần đó và đã phát triển nó cho phù hợp với con người thời đại mình.
Tất cả những cái gì chống lại con người kìm hãm tự do của con người đều bị lên án. Mặt
khác, nó còn ca ngợi những gì thuộc về quyền sống tự nhiên của con người. Chính vì thế,
chủ nghĩa nhân văn được định nghĩa như sau:
Theo Vôn ghin, chủ nghĩa nhân văn: “là toàn bộ những quan điểm đạo đức, chính trị bắt
nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên kì ảo, từ những nguyên lý ngoài nhân loại mà chính
từ con người tồn tại thực tế trên trái đất, với những nhu cầu và khả năng trần thế và hiện
thực của nó. Những nhu cầu, những khả năng ấy đòi hỏi phải được phát triển đầy đủ và
thỏa mãn”. [8; tr.41]
Tư định nghĩa trên cho thấy sự tiến bộ của tư tưởng này, chủ nghĩa nhân văn đã giúp cho
con người thời đại nhận ra Trung cổ phong kiến và nhà thờ truyền bá một thứ nhân sinh
quan rất mực đen tối và thê lương. Nhằm thống trị con người về mặt tinh thần họ truyền bá
tư tưởng diệt dục, xem cõi đời là bể khổ, con người khi sinh ra đã mang tội lỗi. Chính vì thế
con người phải sống khổ hạnh chịu đọa đày phần xác để cứu lấy phần hồn. Và Họ cho rằng
cõi đời là “một thung lũng nước mắt”, “Thiên đường” mới là cuộc sống đáng hướng tới. Đó
là những tư tưởng phản tự nhiên nhằm chống lại con người. Chính vì vậy, con người cần
phải nhận ra và tiêu diệt nhân sinh quan phản tiến bộ đó.
Chính từ những nhiệm vụ trên mà chủ nghĩa nhân văn xoay quanh hai nội dung chính đó là
tấm lòng trân trọng con người như Prôtagôrax thâu tóm trong định nghĩa nổi tiếng: “con
người là kiểu mẫu và kích thước để đo lường vạn vật”. Con người đáng được tin yêu, như
nhân vật Hamlet đã nói: “kì diệu thay là con người, Nó cao quý làm sao về mặt lý trí, vô tận
làm sao về mặt năng khiếu, về hình dung và dáng điệu nó mới giàu ý nghĩa làm sao. Về
hành động nó thật như thiên thần, về nhận thức nó chẳng kém gì thượng đế, thật là vẻ đẹp
của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” [8; tr.42]. Bên cạnh đó chủ nghĩa nhân văn còn ca
ngợi trần gian là thực tế đáng sống: con người phải sống lạc quan yêu đời. Văn học Phục
hưng là văn học lạc quan và tin vào con người.
Cũng như các nước Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha nước Anh cũng tiếp thu trào lưu tư
tưởng tiến bộ trên nhưng chủ nghĩa nhân văn ở Anh phát triển chậm hơn so với các nước
trên. Nhưng chính vì vậy mà nước Anh lại có điều kiện tiếp thu những tinh hoa của nền văn
học các nước đi trước. Chính điều đó đã mang lai cho nền văn hóa Phục hưng Anh nói
chung và văn học nghệ thuật nói riêng có những bước phát triển rực rỡ vượt bật so với các
nước đi trước.
Cùng với xu thế chung của thời đại văn hóa Phục Hưng Anh cũng mang những tính chất
như mọi phong trào văn hóa Phục Hưng đã phát triển trên lục địa Châu Âu: tinh thần chống
chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa giáo điều kinh viện Trung cổ nhằm giải phóng cho trí tuệ con
người, tinh thần khẳng định cuộc đời trần thế, sự đòi hỏi quyền tự do cho cá nhân con
người, niềm phấn khởi trước những chân trời rộng mở nhờ những cuộc phát kiến về thiên
văn và địa lí đưa lại, niềm say mê trước vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật văn nghệ cổ đại Hi
Lạp vừa được phát hiện Nhưng bên cạnh những tính chất chung đó, văn nghệ Phục hưng
Anh còn biểu hiện những đặc trưng riêng biệt khác, do đặc điểm của sự phát triển lịch sử
dân tộc và truyền thống văn học nghệ thuật nước Anh chi phối. Một đặc điểm nổi bật hơn cả
đó là tính mâu thuẫn, tính đối kháng gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp ở Anh. Chính vì thế
văn học Phục Hưng Anh là không những chống phong kiến mà còn chống cả tư sản. Bên
cạnh đó nước Anh thế kỉ XVI đã trở thành một quốc gia tư bản chủ nghĩa điển hình nên ở
đây qui luật cạnh tranh, sự phân hóa xã hội, sự cách biệt giàu nghèo, sức mạnh của đồng
tiền làm biến đổi nhân tâm, nhân phẩm và nhân tính con người đã diễn ra hết sức khốc
liệt. Nhưng bên cạnh đó,chủ nghĩa tư bản là phương thức sản xuất tiến bộ nên nó đã kích
thích mạnh mẽ sản xuất vật chất và tinh thần, sự phát triển của khoa học kĩ thuật, tạo ra
bước ngoặt trên mọi lĩnh vực kinh tế, tư tưởng và văn hóa.
Chính tình hình đó đã ảnh hưởng đáng kể đến nền văn học nghệ thuật Anh và để lại dấu ấn
trong nền văn nghệ Anh. Tiêu biểu là ở thể loại kịch và kịch là thể loại văn học có truyền
thống lâu đời ở Anh. Từ thời Trung cổ, nền kịch dân gian Anh đã thu được nhưng thành tựu
đáng kể. Dòng kịch tôn giáo của Anh cũng khá phát triển. Sang thế kỉ XV, các tác phẩm văn
nghệ của La Mã cổ đại, của Italia, Pháp thời Phục hưng được dịch ngày một nhiều sang
tiếng Anh . Nền kịch Anh nhờ tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của các tác phẩm trên đã
tạo cho kịch Anh những bước phát triển mới. Kịch cổ đại nêu cho kịch Anh thấy kịch tính
gay gắt, những dục vọng ghê gớm, cuộc đấu tranh của con người chống lại định mệnh khắc
nghiệt. Còn kịch Italia hiện đại mà chủ yếu là hài kịch đưa vào kịch Anh không khí tưng
bừng, vui vẻ tươi mát của buổi bình minh thời đại Phục hưng, những đề tài và chủ đề mới
mẽ phản ánh cuộc sống trần thế. Và từ năm 1580 cho đến 1642, nền kịch Anh phát triển hết
sức mạnh mẽ phong phú. Trước khi Sêcxpia bước vào kịch trường, nền kịch Anh có hai xu
hướng chính:
Jôn Lyly và Rôbơc Gin chuyên chú ý mô tả những cái êm dịu, nhẹ nhàng, vui vẻ. Họ
thường đưa lên sân khấu nhưng cuộc tình duyên ban đầu éo le trắc trở nhưng kết thúc vui
vẻ. Bên cạnh đó, họ còn khai thác các truyện thần thoại hoặc truyền thuyết. Họ tạo ra lối văn
đối thoại ý vị, giàu chất trữ tình.
Khuynh hướng của Thô-mơx Kit (1558-1594) và Crixtôp Maclôvơ (1564-1593) thì ngược
lại. Kit cũng như Maclôvơ thường dựng lên những cảnh tượng rùng rợn, hải hùng đầy máu
và nước mắt. Họ mang đến cho Kịch Anh hai chủ đề mới: chủ đề thù hận và khát vọng. Với
chủ đề thù hận người xem sẽ thấy trên sân khấu những cảnh tượng đầy máu và nước mắt bởi
các cuộc thanh toán hận thù một cách quyết liệt của các nhân vật trong vở kịch. Còn ở chủ
đề khát vọng, người xem sẽ tiếp xúc với các nhân vật có dục vọng ghê gớm, phi thường sẵn
sàng làm mọi thứ để thỏa mãn dục vọng của mình. Kit và Maclôvơ là hai nhà soạn kịch lớn
của nước Anh trước Sêcxpia.
Đến thời Sêcxpia ta thấy trong các vở kịch của ông đã có sự tiếp thu, vận dụng và phát huy
những thế mạnh của mỗi xu hướng; đồng thời ông còn kết hợp cả hai lại tạo ra một phong
cách nghệ thuật kịch đặc sắc làm rạng rỡ kịch Anh.
Tóm lại phong trào văn nghệ Phục hưng ở nhiều nước Tây Âu thế kỉ XIV đến thế kỉ XVII
nói chung và ở nước Anh nói riêng là phong trào văn hóa của giai cấp tư sản. Giai cấp tư
sản đã dùng sức mạnh của mình phá vỡ những ràng buộc của sự chuyên chế về văn hóa thời
kỳ Trung Cổ, phong kiến mở ra một ở một thời kỳ mới giải phóng tư tưởng, phát triển văn
nghệ và khoa học.Đăc biệt là chủ nghĩa nhân văn một tư tưởng tiến bộ đã góp phần thức
tỉnh con người phải đấu tranh chống lại những quan niệm phản tiến bộ chống lại con người
và thấy rằng cuộc sống nơi trần thế là đáng sống đáng trân trọng. Chính những điều đó đã
góp phần khẳng định thời đại Phục Hưng là thời đại khổng lồ.
* Cảm hứng nhân văn
Khái niêm về cảm hứng:
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Cảm hứng là cách gọi tắt của cảm hứng chủ đạo. Lúc
đầu để chỉ yếu tố nhiệt tình say sưa diễn thuyết, sau chỉ trạng thái mê đắm khi xuất hiện tứ
thơ. Về sau lý luận văn học xem cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung
nghệ thuật, của thái độ tư tưởng xúc cảm của nghệ sĩ đối với thế giới được miêu tả” [;
tr.36]. Do đó còn được xem là: “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác
phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác
động đến cảm xúc người tiếp nhận” [ ;tr.36]
Bê-lin-xki thì coi đây là điều không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi
nó “biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu tư tưởng, một tình
yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [; tr.36] nhằm: “đem lại cho tác phẩm một không
khí xúc cảm tinh thần nhất định, thống nhất tất cả các cấp độ và các yếu tố của nội dung
tác phẩm…mà nhờ đó nghệ sĩ khẳng định các nguyên tắc thế giới quan của mình trong tác
phẩm” [; tr.36]
Còn thuật ngữ nhân văn trong tiếng Anh là Human culture. Trong đó Human là con người,
những gì thuộc con người. Còn Culture là văn hóa, nền văn hóa. Như vậy, Human culture là
văn hóa của con người, thuộc về con người. Mà nói đến văn hóa là nói đến những gì tốt đẹp,
đặc trưng nhất cần được gìn giữ, phát huy. Do đó, Human culture còn được hiểu là khái
niệm dung để nói đến vẻ đẹp, nét đẹp của con người.
Còn trong từ điển Hán Việt thì nhân văn được chiết tự như sau: nhân là người, văn là vẻ
đẹp. Vậy, nói đến nhân văn chính là nói đến vẻ đẹp của con người.
Như vậy thuật ngữ Cảm hứng nhân văn là một thuật ngữ dùng trong văn chương mà nó lấy
nét đẹp con người làm đối tượng chủ yếu để thể hiện. Nó đề cao vẻ đẹp của con người và
lấy nó làm tiêu chuẩn để nhìn nhận, đánh giá về sự vật, hiện tượng theo xu hướng bảo vệ cái
đẹp, cái cao cả của con người. Nó xuất phát từ tấm lòng yêu thương, tin tưởng và ca ngợi vẻ
đẹp của con người về cả ngoại hình lẫn nhân cách, về trí tuệ lẫn tâm hồn, về ước mơ lẫn
hành động. Xem đó như là khởi nguồn cho mọi ý tưởng sáng tạo.
Có thể nói từ định nghĩa về chủ nghĩa nhân văn và cảm hứng nhân văn cho chúng ta thấy cả
hai có những điểm tương đồng và dị biệt. Điểm tương đồng là cả hai cùng hướng đến việc
ca ngợi vẻ đẹp của con người và khẳng định cuộc sống nơi trần thế. Còn dị biệt là chủ nghĩa
nhân văn được xem “là một trào lưu văn hóa, tư tưởng nảy sinh ở Italia và một số nước ở
Châu Âu vào thời kì Phục hưng. Những người khởi xướng trào lưu này thường được gọi là
nhà nhân văn. Họ chủ trương giải phóng văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói
chung ra khỏi sự bảo trợ của nhà thờ Cơ đốc giáo và giải phóng con người. Họ quan niệm
không phải thần linh mà là con người tự định đoạt lấy thân phận của mình. Con người có
khả năng vô tận để hoàn thiện môi trường của mình.”[tdtnvh; tr.75]. Còn cảm hứng nhân
văn dù không phát triển rầm rộ, cao trào để hình thành trào lưu, trường phái như chủ nghĩa
nhân văn nhưng nó tồn tại rất lâu từ khi văn học ra đời. Bởi vì chức năng chính của văn học
là hướng con người đến chân, thiện, mĩ thì cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của con người chính là
nhân tố hàng đầu để giúp văn học thực hiện chúc năng trên. Dó đó, cảm hứng nhân văn là
yếu tố luôn thường trực trong văn học và tùy vào từng thời kỳ, giai đoạn mà nó biểu hiện ít
hay nhiều.
1.2 TÁC GIẢ
1.2.1 Tiểu sử
UYLIAM SÊCXPIA nhà viết kịch, nhà thơ, nhà nhân đạo vĩ đại của văn chương nghệ thuật
Anh thời Phục hưng. Ông sinh ngày 23/04/1564 ở Stratford trên sông Evon. Đây là một thị
trấn nằm ở miền Trung nước Anh. Ông sinh ra trong một gia đình thị dân khá giả, cha là
thương nhân len dạ, có thời kì được nhân dân tính nhiệm bầu làm Thị trưởng luôn mấy
nhiệm kì nhưng dần dần sa sút.
Lên 7 tuổi, ông học trường Grammar school ở ngay thị trấn. Đây là loại trường Tiểu và
Trung học kết hợp, khá phổ biến thời đó ở Anh. Trường dạy các kiến thức phổ thông, tiếng
Hi Lạp, tiếng La Tinh, ngữ pháp và một ít văn chương cổ đại Hi Lạp, La Mã. Nhưng
Sêcxpia không theo được hết chương trình. Năm 14 tuổi vì gia đình sa sút nợ nần, bố cũng
đã mất chức Thị trưởng. Từ đây, Sêcxpia phải tự mình lăn lộn với đời để kiếm sống và nâng
cao trình độ học vấn bằng con đường tự học. Ông tự học trong sách vở và cuộc sống ngoài
xã hội.
Năm 18 tuổi ông cưới vợ là một phụ nữ lớn hơn ông 8 tuổi, có ba con. Năm 1585 ông rời
quê lên Luân Đôn đang lúc kịch trường Luân Đôn tới hồi sôi nổi.
Bước đầu ông sinh làm chân giữ ngựa, soát vé ở cổng hí kịch. Sau đó làm nghề nhắc tuồng,
thợ sửa bản in, dần dần lên làm diễn viên, đạo diễn và nhà viết kịch. Lợi tức từ rạp hát là
nguồn sống suốt đời của ông. Khi đời sống đã khá giả, ông củng cố địa vị bằng cách mua
một chức quý tộc nhỏ. Cũng thời gian này, Sêcxpia quen biết bá tước Southamton là người
hào hiệp giúp đỡ ông rất nhiều. Và đặc biệt ông đã quen được một người bạn Ý là Giovani
Florio. Ông này đã giúp ông hiểu thêm văn học Phục hưng ở Pháp và Ý cuộc sống đang êm
đềm thì xảy ra biến cố vụ án Esex và Southamton (1601). Southamton bị kết tội dấy loạn
chống triều đình nữ hoàng Êlizabet, do đó Sêcxpia cũng bị tình nghi dính líu và việc đó diễn
ra trước hôm vở Richard II được trình diễn. Essex bị chặt đầu còn Southamton bị tù chung
thân. Còn Sêcxpia trốn biệt. Đến năm 1603 Elizabet chết, jaque VI lên ngôi, xưng là james.
Sau đó, Southamton được trả tự do và trọng dụng. Sêcxpia xuất hiện trở lại ông về với đoàn
kịch của mình là Nhà hát Địa cầu được thành lập năm 1599. Mười năm sau (1609), ông cho
diễn kịch ở rạp hát có mái che Blachfơraiơ (Blackfriars), đó là những sự kiện quan trọng, vì
trước đó kịch thường biểu diễn ở ngoài trời. Khoảng 1612, Sêchxpia từ giã sân khấu về sống
ở quê nhà. Sự nghiệp sáng tác của Sêchxpia khá đồ sộ. Về thơ có: Vinơt và Ơđâunit (1593),
Vụ cưỡng hiếp Lucrixơ (1594), tập thơ trữ tình gồm 154 bài xonê (1593 - 97), in năm 1609.
Về kịch có 37 vở.
Năm 1612 Sêcxpia rời Luân Đôn sau ¼ thế kỷ hoạt động sân khấu. Trở về Stratford để sống
những năm cuối đời. Ông mất ngày 23/4/1616.
Có thể nói, Sêcxpia xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội và không có điều kiện học
tập. Nhưng bằng nghị lực của mình ông đã không ngừng tự học và vươn lên trong cuộc sống
để trở thành nhà viết kịch thiên tài, người đại diện vĩ đại cho nền văn học Phục hưng Anh.
Chính điều đó, Sêcxpia đã làm cho con người cùng thời ông phải bất ngờ và thán phục.
Đồng thời ông cũng là một tấm gương về tinh thần lao động và học tập nghiêm túc cho mọi
thế hệ học tập và nôi theo.
1.2.2. Sư nghiệp
Sêcxpia không chỉ là ngôi sao sáng trong nền văn nghệ nước Anh mà còn là cây đại thụ của
nền văn học thế giới. Trên con đường sáng tác của mình ông đã để lại cho nền văn học nhân
loại nói chung và kịch Anh nói riêng gần 40 vở kịch, 2 bản trường ca, một tập 154 bài
xonnê. Quá trình sáng tác của ông chia làm ba gia đoạn :
*Giai đoạn 1 (1590-1600):
Đây là giai đoạn của những hài kịch hay nhất thể hiện cái nhìn lạc quan yêu đời, yêu cuộc
sống. Không khí lạc quan nhân văn chủ nghĩa bao trùm lên tất cả các sáng tác của ông trong
giai đoạn này. Đồng thời thể hiện niềm tin vào khả năng con người có thể giải quyết những
mâu thuẫn trong xã hội và cuộc sống theo hướng tươi sáng tích cực nhất. Các vở hài kịch
tiêu biểu: Hài kịch của những hiểu lầm (1592), Giấc mộng đêm hè (1595), chàng thương
gia thành Vơnizơ (1596), Ầm ĩ vì chuyện không đâu (1598), Những bà vui tính ở Uynxo
(1598), Đêm thứ mười hai (1600).
Bên cạnh các vở hài kịch ở giai đoạn này ông còn sáng tác các vở kịch lịch sử phản ánh quá
trình đấu tranh chống phong kiến địa phương để tiến tới xây dựng nền quân chủ chuyên chế.
Đồng thời, qua các vở kịch lịch sử cũng thể hiện khá rõ quan điểm chính trị của Sêcxpia là
tán thành chính thể quân chủ chuyên chế vì nó là biểu hiện của sự thống nhất quốc gia mở
ra thời kì “nước Anh vui vẻ” điều mà ông và cả nhân dân Anh chờ đợi . Các vở kịch lịch sử
tiêu biểu của giai đoạn này như: Hen-ri IV (1590-1591), Ri-Sơt III (1592),Ri-sơtII
(1595),Vua Giôn(1596), Hen-ri V(1598), Hen-Ri VI (1597),
Đặc biệt ở cuối giai đoạn này ông còn cho ra đời vở bi kịch “Rômêô và Jiuliet”. Đây là một
trong số những vở bi kịch vĩ đại của ông góp phần khẳng định vị thế của Sêcxpia trong kịch
trường thế giới nói chung và nước Anh nói riêng.
*Giai đoạn 2: Từ 1601-1608
Đây là giai đoạn trải qua những chấn động dữ dội của đời sống xã hội, nên không khí lạc
quan yêu đời, yêu người không còn nữa mà thay vào đó là sự phê phán những mặt đen tối,
những cái xấu xa, lên án tội ác cường quyền, bạo lực và nêu bậc sự khủng hoảng bế tắc của
xã hội thời đại. Nếu như giai đoạn đầu Sêcxpia giải quyết những mâu thuẫn bằng sự hài hòa
và lòng tin vào khả năng đạt được sự hài hòa ấy, thì sang giai đoạn này lí tưởng đó không
mất đi nhưng những mâu thuẫn đã gấy gắt hơn, kịch liệt hơn và bế tắc hơn thậm chí dẫn đến
bi kịch. Đây là giai đoạn ra đời các vở bi kịch tuyệt tác của ông. Tuy nhiên dù tất cả những
xung đột bi kịch trong thời kì này dường như bế tắc nhưng không dẫn đến sự bi quan trong
ông. Trái lại Sêcxpia say sưa tìm kiếm những lối thoát cho bi kịch của mình. Bởi trong
Sêcxpia luôn tồn tại một niềm tin, niềm tin vào con người, vào sự thắng lợi cuối cùng của
những nguyên lí tốt đẹp trong đời sống. Và hướng giải quyết các mâu thuẫn đó không dừng
lại ở sự hài hòa nữa mà nó đòi hỏi sự đấu tranh đến cùng để phân chia ranh giới rạch ròi.
Sáng tác trong giai đoạn này có các tác phẩm bi kịch tiêu biểu như: Hămlet (1601), Tơ-rôi-
lơt va Cre-xi-da, Mọi việc tốt lành nếu kết thúc tốt lành (1602), Mẹo đối mưu, Ô-ten-
lô(1604), Vua Lia, Măcbet (1605), Antôni và Cleopat (1606), Cô-ri-ô-la-nơx, Tai-mơn ở
Aten (1607), Pê-ri-cơ-lex (1608).
Tóm lại, trong giai đoạn này, cái nhìn của Sêcxpia về xã hội thật u ám. Sêcxpia như hụt
hẫng với quyền lực của xã hội. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn thấy trong ông niềm tin vào
cuộc sống vẫn luôn bùng cháy. Chính niềm tin đó đã gieo vào tác phẩm của ông một ngọn
gió mới báo hiệu sự bùng nổ của cuộc cách mạng sẽ diễn ra đó là cuộc cách mạng tư sản
Anh.
*Giai đoạn 3: Từ 1609-1613
Đây là giai đoạn Sêcxpia quay trở về con đường tìm kiếm một giải pháp lạc quan cho các
mâu thuẫn xã hội. Nhưng vì hiện thực cuộc sống thời Sêcxpia không có tiền đề trực tiếp cho
sự thắng thế của công lí và điều thiện. Vì vậy những tác phẩm của giai đoạn này là những
vở mang màu sắc mơ màng, thần thoại, kết thúc vui vẻ nhưng tính chất bi kịch vẫn còn đậm
nét, vẫn mang nội dung phê phán xã hội nhưng kín đáo, nhẹ nhàng hơn.
Giai đoạn này có các sáng tác phẩm tiêu biểu như: Xim-bơ-lin (1609), Câu chuyện mùa
đông (1610), bão táp (1612).
Có thể nói, cả ba giai đoạn sáng tác trên đều phản ánh thế giới quan của Sêcxpia trước thời
đại. Ở giai đoạn đầu thể hiện không khí vui vẻ tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, vào con
người và thể hiện sự ủng hộ của ông đối với chính quyền chuyên chế. Vì ở giai đoạn này,
dưới triều đại Tuiđo nước Anh trở thành một quốc gia thống nhất và tiến lên xây dựng nước
Anh thành một quốc gia hùng mạnh. Và đến thời Êlizabet thì nước Anh trở thành cường
quốc số một thế giới mở ra thời kì “nước Anh vui vẻ”. Chính vì thế mà Sêcxpia tin tưởng và
kì vọng về một tương lai tươi sáng thế nhưng càng về sau ông càng hụt hẫng trước niềm tin
đó. Điều này được nói rõ ở giai đoạn thứ hai. Ở giai đoạn này nhà văn đầy tinh thần nhân
đạo chủ nghĩa Sêcxpia đã phản ánh một cách chân thật và sinh động mâu thuẫn giữa một
bên là lý tưởng nhân văn chủ nghĩa tốt đẹp, một bên là tình trạng bần cùng khốn khổ của
nhân dân, giữa lý tưởng tự do và giải phóng con người và thực tế là con người đang rơi vào
xiềng xích trói buộc mới. Chính vì thế mà trong các vở bi kịch đã mô tả rất đậm nét cuộc
đấu tranh của cá nhân con người chống đối lại các thế lực đen tối của xã hội. Sau khi
Êlizabet chết, Giắc lên ngôi đã có những cải cách mới đã mang lại niềm hy vọng mới cho
ông nhưng niềm hy vọng đó cũng mong manh. Vì vậy ở giai đoạn ba các vở kịch có kết
thúc vui vẻ nhưng vẫn mang tính chất bi kịch.
Để có cái nhìn tổng thể về quá trình sáng của Sếcxpia, chúng ta thể hiện lại toàn bộ các tác
phẩm của ông theo trình tự thời gian trong bảng niên đại sáng tác sau. Tuy nhiên việc xác
định niên đại sáng tác của Sêcxpia đặc biệt khó khăn, vì thời gian in lần đầu tiên của các vở
kịch không trùng khớp với thời gian sáng tác và dựng trên sân khấu. Nhờ một quá trình
nghiên cứu công phu và lâu dài người ta lập ra được một các gần đúng bảng niên đại sáng
tác sau:
1590 Henri VI, phần thứ hai
Henri VI, phần thứ ba
1591 Henri VI, phần thứ nhất
1592 Ri-Sớt III
Hài kịch của những hiểu lầm
1593 Tai-Đrê-Ni-Cơ X
Cô nàng đáo để đã thuần rồi
1594 Hai chàng công tử ở Hê-rô-na
Công cốc vất vả với tình
Rô-mê-ô và Ju-li-et
1593 Ri-Sơt II
Giấc mộng đêm hè
1596 Vua Giôn
Người lái buôn thành Vơ-ni-đơ
1597 Hen-ri IV, phần thứ nhất
Hen-ri IV, phần thứ hai
1598 Ầm ĩ chuyện không đâu, Hen-ri V
Mấy bà vui tính ở Uynxơ
1599 Giu-li-ux Xe-da
Xin tùy thích
1600 Đêm thứ 12
1601 Hăm-let
1602 Tơ-rôi-lơxvaf grê-xi-đa
Mọi việc đều tốt lành nếu kết thúc tốt lành
1604 Mẹo đổi mưu
Ô-ten-lô
1605 Vua Lia
Măc-bet
1606 Antony và Cleopatra
1607 Cô-ri-ô-la-nơx
Tai-mơn ở Aten
1608 Pe-ri-ca-lex
1609 Xin-bơ-lin
1610 Câu chuyện mùa đông
1612 Bão táp
Hen-ri VIII
1.3. TÁC PHẨM
1.3.1 Đôi nét về ba vở hài kịch Giấc mộng đêm hè, Đêm thứ mười hai, Chàng thương gia
thành Vơnidơ.
Ba vở hài kịch trên đều được Sêcxpia sáng tác ở giai đoạn thứ nhất (1590-1600). Đây được
xem là giai đoạn của những vở hài kịch hay nhất và mang đậm màu sắc nhân văn chủ nghĩa.
Ba vở hài kịch trên được Sêcxpia viết trong bối cảnh lịch sử nước Anh thống nhất về mọi
mặt và đang vươn lên thành một cường quốc số một ở Châu Âu. Bên cạnh đó là sự thắng
thế của phong trào văn hóa Phục hưng ở Châu Âu nói chung và ở nước Anh nói riêng đã
góp phần tiêu diệt những tư tưởng phản tiến bộ của Trung cổ phong kiến và nhà thờ. Mở ra
thời đại mới đó là thời đại Phục hưng. Ở thời đại này, con người được giải phóng về tinh
thần, được sống với những gì thuộc về quyền lợi cá nhân con người và con người cũng nhận
ra rằng cuộc sống nơi trần thế đáng quý. Chính những điều nói trên đã mang lại không khí
lạc quan vui vẻ, yêu đời trong các vở hài kịch được Sêcxpia sáng tác trong thời kì đầu nói
chung và ba vở hài kịch trên nói riêng.
Ba vở hài kịch trên tập trung thể hiện đề tài tình yêu. Nhưng bên cạnh đề tài tình yêu các vở
hài kịch này còn thể hiện một số đề tài khác như: trong vở “Giấc mông đêm hè” còn thể
hiện thêm đề tài về hôn nhân, về người phụ nữ; còn trong vở hài kịch “Đêm thứ 12” ngoài
đề tài về tình yêu tác giả còn nói đến đề tài về tình anh em; còn vở hài kịch “chàng thương
gia thành Vơnizơ” Sêcxpia viết về đề tài tình bạn và đề tài hôn nhân, chủng tộc,…Đó là
những đề tài chính được tác giả thể hiện qua ba vở hài kịch trên.
Thông qua những đề tài trên tác giả đề cập đến các chủ đề như: lên án những gì phản lại tự
nhiên, cổ hủ, áp chế con người đó là những luân lý đạo đức, những thành kiến cũ của chế độ
phong kiến. Đồng thời tác giả còn thể hiện chủ đề tố cáo xã hội tư bản, xã hội mà đồng tiền
có sức mạnh chi phối mọi giá trị vật chất và tinh thần. Và nổi bật trong ba vở hài kịch trên là
chủ đề thể hiện sự thắng thế của những tình cảm cao đẹp như tình yêu thủy chung, tình bạn,
tình anh em trước những cái cũ, cái bạo lực. Chính những điều nói trên đã góp phần làm nên
giá trị và sức sống lâu bền của ba vở hài kịch trên nói riêng và của hài kịch Sêcxpia nói
chung.
2.1.1. Tóm tắt văn bản
* Giấc mộng đêm hè:
Bối cảnh của câu chuyện là ở kinh thành Aten và trong một khu rừng gần thành phố. Câu
chuyện mở đầu trong lâu đài của Thidiơx về việc báo tin về cuộc hôn nhân sắp tiến hành và
kết thúc cũng chính trong lâu đài của Thidiơx.Và cuộc hôn nhân giữa quận công Aten và nữ
chúa bộ tộc Amadôn là khung cảnh của toàn bộ câu chuyện. Câu chuyện xoay quanh tình
yêu của các nhân vật chính là: Laixanđơ, Hecmiơ, Đimitriơx, Hêlen. Laixanđơ yêu Hecmiơ
và họ đã đính ước cùng nhau. Nhưng cuộc tình duyên của họ không được cha nàng Hecmiơ
đồng ý vì ông muốn gả nàng cho Đimitriơx. Còn Đimitriơx vì yêu nàng Hecmiơ nên hờ
hững với Hêlen, người chỉ yêu chàng. Tình yêu của Laixanđơ và Hecmiơ không được cha
nàng và luật lệ kinh thành Aten đồng ý nên họ quyết định bỏ trốn khỏi kinh thành. Cuộc
trốn chạy của họ được nàng Hêlen biết và nàng liền báo tin này cho Đimitriơx vì nàng hi
vọng sau khi biết tin này chàng sẽ từ bỏ tình yêu với nàng Hecmiơ và trở về với nàng.
Nhưng Đimitriơx vẫn không từ bỏ tình yêu với Hecmiơ chàng liền đuổi theo Laixanđơ và
Hecmia, thấy Đimitriơx chạy đi nàng Hêlen cũng chạy theo chàng. Và tất cả họ đều gặp lại
nhau trong khu rừng gần thành phố Aten. Cùng lúc đó có một nhóm thợ thủ công cũng vào
đây tập một vở kịch để diễn trong ngày thành hôn của quận công. Rừng này do tiên vương
Obêrơn và tiên hậu Titania cai quản. Thông cảm với đôi lứa yêu nhau, tiên ông sai Pơc chú
tiên đồng nghịch ngợm làm nhiệm vụ se duyên. Chú được trao cho một bông hoa và khi ép
bông hoa này vào mắt người đang ngủ thì khi tỉnh dậy người ấy sẽ yêu tha thiết người mà
mình trông thấy đầu tiên. Chuyện tưởng được giải quyết tốt đẹp nào ngờ sự nhầm lẫn của
chú tiên đồng càng gây thêm rắc rối. Mở mắt ra hoàng hậu Titania lại trông thấy Bottơm
anh thợ thủ công đang đội một cái đầu lừa và nàng yêu say đắm Bơttơm mà quên mất
Obêrơn. Laixanđơ giờ đây không yêu Hecmiơ mà yêu Hêlen và Đimitriơx cũng yêu Hêlen.
Vì thế cả hai cùng tranh giành tình yêu của nàng Hêlen rất kịch liệt. Và ghen tuông đã xảy
ra hai chàng tìm nhau đấu kiếm trong rừng. Ngay tiên vương cũng đau khổ vì bị bỏ rơi.
Cuối cùng thì Pơc lại phải ép bông hoa đó một lần nữa để đôi nào trở về với đôi ấy. Lần này
thì Đimitriơx yêu say đắm Hêlen. Trong những đôi lứa ấy thì Hêlêna xứng đáng nhất với
phần thưởng này vì nàng có một tình yêu chung thủy nồng nàn và cao cả nhất.
*Đêm thứ mười hai
Câu chuyện xảy ra trong thế giới trần gian ở Iliria dưới bầu trời rực rỡ của phương Nam
ngào ngạt hương hoa, vào những đêm trăng thì cảnh vật càng lung linh huyền ảo, chẳng
khác gì thế giới thần tiên.
Công tước Orxinô yêu say đắm quận chúa Ôlivia đến khắc khoải đêm ngày. Chàng đang cần
bạn tri kỉ để giải bài tâm sự cũng như cần một sứ giả tình yêu làm cầu nối với Ôlivia. Vừa
lúc đó Viôla một cô gái cải nam trang và lấy tên là Xêzariô để tìm Xêbaxchian anh trai
nàng. Và nàng đã xin vào hầu cận công tước Orxinô, tưởng nàng là một chàng trai Orxinô
đã tâm sự hết chuyện tình cảm mà chàng dành cho Ôlivia cho Viôla nghe. Viôla vô cùng
xúc động trước mối tình nồng nàn say đắm của Ocsinô nên nàng nhận lời làm sứ giả tình
yêu cho chàng. Nàng đã đem hết tài năng của mình ra để thuyết phục Ôlivia và thật là nguy
thay khi Ôlivia lầm tưởng Viôla là chàng trai thật và đem lòng yêu vị sứ giả này hơn là yêu
công tước Orxinô. Viôla rơi vào tình thế rất khó xử. Nàng phải cố giấu kĩ thân phận thật sự
của mình và càng chứng tỏ là trai thì càng khiến quận chúa yêu nàng hơn. Và như vậy là
nàng không làm tròn bổn phận của người sứ giả. Càng chứng kiến nỗi đau khổ của công
tước Orxinô bao nhiêu, thì nàng lại càng xúc động và yêu chàng bấy nhiêu. Trong lúc này
nàng phải vừa phải thuyết phục quận chúa, nàng lại vừa lo sợ quận chúa lại quay sang yêu
công tước Orxinô. Sự xuất hiện của Xêbaxchiên anh trai nàng đã gỡ hết mọi nút thắt của câu
chuyện. Chàng và Viôla là anh em song sinh, giống nhau đến nỗi quận chúa cũng nhầm. Và
Xêbaxchiên cũng đáp lại tình cảm của quận chúa. Bấy giờ Viôla cũng không cần che giấu
mình là gái giả trai cung như che giấu tình yêu của mình dành cho công tước Orxinô nữa.
Công tước cũng vô cùng sung sướng ngỏ lời cầu hôn nàng vì chàng chẳng những thấy rõ
Viôla là người con gái xinh đẹp, thông minh mà còn có tấm lòng hết sức cao quý. Bên cạnh
những chàng trai cô gái đáng yêu này tác giả còn đưa vào những nhân vật gây cười. Đó là
ngài Tôbi chú của Ôlivia thích chè chén say sưa khoác lác. Đó là ngài Anđru là kẻ cầu hôn
quận chúa một nhân vật điên rồ thực sự. Đó là Fext vai hề nhộn. Và đáng buồn cười nhất là
Malvôliô tên quản gia của quận chúa tiêu biểu cho những con người nịnh trên, nạt dưới, ngu
si mà lại trổ tài chinh phục quận chúa.
* Chàng thương gia thành Vơnizơ
Baxaniô là một quý tộc trẻ, có học. Bạn thân là Antôniô một thương gia giàu có và hào hiệp
ở Vơnizơ. Baxaniô cần tiền để cưới vợ là công nương Porxia xinh đẹp và anh đã đến nhờ
Antôniô giúp đỡ. Antôniô không sẵn tiền mặt vì tất cả tài sản của chàng đang lên đênh trên
ba chiếc thuyền buôn chưa về. Vì thế, Antôniô đành phải đến vai tiền của lão Sailôc một gã
Do Thái nổi tiếng là keo kiệt và tàn nhẫn với số tiền là 3000 đuyca. Sailôc xưa nay vẫn căm
ghét Antôniô vì theo hắn Antôniô đã làm hắn thua thiệt rất nhiều vì chàng sẵn sàng cho vay
tiền mà không lấy lãi, hơn nữa chàng còn tỏ ra khinh bỉ hắn, làm nhục hắn, nhổ nước bọt
vào hắn, xúc phạm đến dân tộc hắn. Chính vì thế hắn cho Antôniô vay tiền không lấy lãi
nhưng chàng phải chấp điều kiện vô cùng độc ác của hắn là nếu sau ba tháng không trả
được nợ thì Sailôc có quyền xẻo một livrơ thịt trên thân thể người vay nợ.
Nàng Porxia là một người con gái hiếu thảo mặc dù nàng đã yêu Baxaniô nhưng nàng vẫn
thực hiện đúng chúc thư của cha là để cho những người đến cầu hôn phải chọn đúng cái
hòm bên trong đựng chân dung nàng mới được kết duyên cùng nàng. Ông hoàng Marốc
chọn cái hòm vàng, mở ra chỉ thấy cái đầu lâu và một tờ thư châm biếm. Ông hoàng xứ
Aragông chọn cái hộp bạc, trong chỉ có chân dung thằng ngốc với một bài thơ hài
hước.Baxaniô chọn hòm chì, mở ra đó là chân dung nàng Porxia xinh đẹp và hạnh phúc đã
thuộc về chàng.
Hạn nợ đã đến mà Antôniô không có tiền trả vì những chiếc thuyền buôn đều bị gặp nạn.
Sailôc kiện ra tòa. Ở tòa, mọi người đều khuyên hắn nên có lòng thương người nhưng hắn
vẫn khăng khăng đòi thi hành đúng bản cam kết, nghĩa là để hắn xẻo thịt Antôniô. Nghe tin
Antôniô gặp nạn Baxaniô cùng Graxianô tức tốc về Vơnidơ và anh về đúng lúc phiên tòa
đang bế tắc, Baxaniô đồng ý trả gấp đôi thậm chí gấp mười lần số tiền Antôniô vay của
Sailôc nhưng hắn vẫn không đồng ý. Được ông anh họ viết thư ủy nhiệm, Porxia cải trang
thành tiến sĩ luật khoa, nàng Nêrixa cải trang thành viên thư ký. Hai nàng đã được thống
lĩnh mời vào ghế quan tòa. Porxia sau nhiều lần khuyên Sailôc nên dùng tình người đối với
người vay nợ nhưng không thành, nàng tuyên bố cho Sailôc thực hiện đúng văn khế và lưu
ý phải cắt đúng một cân thịt không hơn không kém trên thân thể Antôniô mà không làm
chảy một giọt máu nào. Sailôc thua kiện bị ghép vào tội âm mưu hãm hại một công dân
thành Vơnidơ bị tòa tuyên bố tịch thu toàn bộ tài sản.
Kết thúc phiên tòa hai vị luật sư và thư ký khéo léo xin được nhẫn của Baxaniô và
Graxianô. Trở về đời thường hai nàng hỏi đức lang quân về nhẫn đính hôn và tỏ ý giận dỗi.
Cuối cùng Porxia đưa thư ủy nhiệm của anh họ thì Baxaniô mới biết rõ sự thật, bàng hoàng
khâm phục người yêu. Cùng lúc đó thì tin ba thuyền buôn của Antôniô cập cảng, thuyền đầy
ắp hàng hóa.