Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tài liệu Thành công nhờ... học vẹt doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (249.84 KB, 6 trang )




Thành công nhờ học
vẹt
Trong kinh doanh, nhiều khi bắt chước cũng là cả một nghệ thuật - cầu kỳ và
tinh vi không kém gì sự sáng tạo.

Thành công nhờ học vẹt
Ít ai biết rằng năm nào cũng vậy, Les Wexner, ông chủ giàu có của hãng bán
lẻ đồ lót Victoria’s Secret dành nguyên một tháng trời không làm gì ngoài
việc đi “vi hành” vòng quanh thế giới.

Chẳng phải ông rảnh rỗi đến mức thiếu việc để làm hay thừa tiền để tiêu mà
đơn giản là ông đi “tầm sư học đạo”, nghe ngóng ý tưởng thiết kế của các
công ty ở khắp mọi nơi trên trái đất này. Triết lý của Wexner phải nói là rất
“thoáng”: làm kinh doanh thì nên biết cách bắt chước.

Phương pháp “xấu xa”

Quan điểm đó rất dễ bị xếp vào hàng “phản động”. Bởi đâu đâu người ta
cũng ngợi ca sự sáng tạo. Vô số giải thưởng sinh ra chỉ để tôn vinh sự cách
tân. Các doanh nghiệp luôn hô to khẩu hiệu “Đổi mới hoặc phá sản”. Chỉ có
những “kẻ xấu xa” mới đi bắt chước.

Ấy thế mà thực tế lại chứng mình rằng nhiều công ty chấp nhận làm “bản
sao” của người khác mà vẫn “phất” lên như thường. iPod không phải là
chiếc máy nghe nhạc kỹ thuật số đầu tiên của loài người, cũng như iPhone
không phải là chiếc smartphone “đời đầu” hay iPad không phải là chiếc máy
tính bảng ra đời sớm nhất. Apple đơn giản là rất “chịu khó học hỏi” sản
phẩm của những công ty khác, nhưng quan trọng hơn cả là đã biết cách nâng


nó lên một tầm cao mới.

Tốc độ và mật độ xuất hiệncủa tình trạng “sao chép” đang diễn ra ngày một
nhanh và dày đặc trong những năm gần đây. Ở Đức có 3 anh em nhà
Samwer là Alexander, Oliver và Marc bỗng chốc trở nên giàu có nhờ việc
đem các mô hình internet từ Mỹ đi “truyền bá” khắp nơi và một trong những
“thành tựu” mới nhất có tên Pinspire, trang chia sẻ hình ảnh có bố cục, màu
sắc và tính năng na ná Pinterest, một hiện tượng đang gây cơn sốt trong thế
giới mạng.

Lịch sử cho thấy, thật trớ trêu là chính những “chuyên gia vay mượn” lại
thường giành được vinh quang sau cùng. Còn có ai nhớ đến cái tên Chux,
nhãn hiệu tã trẻ em dùng một lần, đầu tiên trên thế giới, hay lúc nào cũng chỉ
biết có Pampers? Ray Kroc, cha đẻ của McDonald đã rất nhanh tay “noi
gương” White Castle khi ông này phát minh ra chiếc bánh burger. Và đến tờ
tạp chí Playboy tiếng tăm hóa ra cũng là một loại ấn phẩm “đã từng thấy ở
đâu đó”.

An toàn để thu lợi

Việc sao chép thành quả của người khác không chỉ lấn át các thành tựu đổi
mới kinh doanh mà còn là một cách an toàn hơn để gặt hái lợi nhuận và tăng
trưởng. Nhiều nghiên cứu cho thấy những doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”
thường làm ăn hiệu quả tương đương, thậm chí phát đạt hơn bản thân các
doanh nghiệp “tự thân vận động”. Lý do được đưa ra là kẻ đi sau thường tốn
ít chi phí nghiên cứu hơn, rủi ro thất bại cũng ít hơn vì sản phẩm đã được thị
trường kiểm nghiệm trước đó. Ước tính, những doanh nghiệp “chân chính”
chỉ chiếm có 7% thị trường của sản phẩm mà chính họ có công tạo ra.

Dù bị “bắt quả tang” thì cũng hiếm có công ty nào thừa nhận mình là “kẻ

trộm”. Lý do trước tiên, đương nhiên là vì danh dự,vì cái tôi quá lớn của các
ông chủ. Kế đến là rủi ro vướng vào vòng lao lý. Apple kiện Samsung vì
“cái tội” bắt chước lộ liễu sản phẩm của mình khi cho ra đời smartphone và
máy tính bảng Galaxy; còn Samsung cũng chẳng phải tay vừa, ngay lập tức
kiện ngược lại Apple.

Việc “đi mượn” ý tưởng kinh doanh có thể chưa bị coi là nghiêm trọng nếu
các công ty không cả gan cướp khách của “người tiền nhiệm”. Chính vì thế
mà hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines của Mỹ chẳng buồn có ý kiến
gì khi ở đất nước Ailen xa xôi có một Ryanair nào đó “nhân bản vô tính” mô
hình kinh doanh của mình mà không thèm xin phép.

Những người ủng hộ phe “photocopy” sẵn sàng kể ra nhiều hạn chế của việc
tự lực cánh sinh, nhất là khi đổi mới không phải lúc nào cũng song hành với
lợi nhuận.

Thời thế có nhiều đổi thay, hiện tượng bắt chước lẫn nhau đã trở nên tương
đối phổ biến trong giới kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều công ty loay hoay
không biết làm thế nào để thực hiện nó một cách hiệu quả, nhất là các công
ty Mỹ - chỉ chăm chăm nghiên cứu cách cải tiến, đổi mới trong khi nhiều
đồng nghiệp châu Á nổi tiếng đã đạt đến trình độ “photocopy” bậc thầy.

Tất nhiên, cái gì quá thì cũng không tốt. Việc lạm dụng hành vi sao chép có
thể tác động xấu đến toàn xã hội. Nếu những nhà phát minh chân chính
không được hưởng lợi gì từ những đứa con tinh thần của mình chỉ vì tiền đã
“trót” chảy hết vào túi những kẻ “học mót”, họ sẽ đầu tư ít hơn cho công tác
nghiên cứu – cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Thế nhưng đó không phải là mối bận tâm lúc này của các doanh nghiệp. Sự
“học” là vô bờ chừng nào họ vẫn tiếp tục giàu lên nhờ nó.


×