"Săn" việc khi chưa tốt nghiệp sao cho hiệu
quả?
1. Viết đơn xin việc rõ ràng, chính xác
Một vài sinh viên mới ra trường cố gắng khỏa lấp sự thiếu hụt kinh nghiệm
bằng cách “tống” vô tội vạ những lời lẽ bóng bảy vào hồ sơ xin việc. Số
khác lại dùng font chữ thật to hoặc giãn dòng gấp 3 bình thường để bản
resume trở nên ấn tượng hơn theo suy nghĩ của họ. Bạn hãy bỏ qua
những mưu chước sơ đẳng này đồng thời quên luôn cả những từ đồng
nghĩa có vẻ màu mè, diêm dúa đi. Một hồ sơ xin việc được viết ngắn gọn,
nhẹ nhàng với ngôn ngữ chính xác, sáng sủa sẽ tốt hơn nhiều so với một
cái đầy rẫy những cụm từ hoa mỹ và rẻ tiền.
2. Trau chuốt hồ sơ xin việc
Lẽ dĩ nhiên, hồ sơ xin việc của bạn sẽ được chuyển tới nhà tuyển dụng, vì
thế, hãy đảm bảo nội dung của nó phải được tổ chức thật rõ ràng và
không có lỗi. Nếu ở đại học, thầy giáo có thể châm trước các lỗi chính tả
cho bạn thì với nhà tuyển dụng, đó lại là điều không thể tha thứ. Vì vậy,
bạn hãy kiểm tra lại hồ sơ thật kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến của bạn bè,
chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong cả vấn đề nội dung và sự rõ ràng,
rành mạch của hồ sơ.
3. Tùy biến hồ sơ xin việc
Nếu bạn đã có sẵn một bộ hồ sơ xin việc dày dặn và đầy đủ thông tin cần
thiết gửi tới nhà tuyển dụng, hãy “tùy biến” nó thật hợp lý với từng công ty
bạn ứng tuyển. Điều này nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng đây lại là bước rất
hệ trọng. Hãy nghiên cứu tìm hiểu về công ty bạn nộp đơn, lưu ý tới
những từ ngữ họ sử dụng trong thông báo tuyển dụng và tùy cơ sử dụng
khi thích hợp. Hãy nhấn mạnh những ưu điểm của bạn sao cho phù hợp
và liên quan nhiều nhất tới vị trí công việc đang ứng tuyển. Chẳng hạn, với
vị trí này, có thể bạn phải nhấn mạnh các kỹ năng sử dụng phần mềm,
nhưng với vị trí khác, bạn lại phải khẳng định kỹ năng thương thuyết và
tinh thần làm việc nhóm của bạn, v.v
4. Đừng quên thư xin việc
Bạn cho rằng việc viết thư xin việc là thao tác đã lỗi thời ư? Hãy nghĩ lại.
Theo một cuộc điều tra của Robert Half, có tới 91% nhà tuyển dụng được
phỏng vấn đã cho biết, thư xin việc là yếu tố rất có giá trị khi họ đánh giá
về ứng viên. Thư xin việc cần chứng tỏ sự hiểu biết của bạn về công ty và
mở rộng thêm về những ưu điểm vượt trội nhất của bạn. Hãy nghĩ tới nó
như một sự đề dẫn cho hồ sơ xin việc của bạn. Chỉ với độ dài chừng 2
hoặc 3 đoạn, một bức thư xin việc có thể được viết khá nhanh, vì vậy, bạn
không có lý do gì để bỏ qua nó.
5. Đánh bóng hình ảnh trên mạng Internet của bạn
Bạn hãy hình dung nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm thêm thông tin về bạn trên
Internet. Do đó, hãy dọn dẹp những “rác rưởi” của bạn còn rải rác đâu đó
trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay blog. Theo đó, bạn
hãy xóa bỏ những nội dung gây ngờ vực cho người đọc và thiết lập lại các
cài đặt bảo mật cá nhân.
6. Chia sẻ rộng rãi nhu cầu tìm việc của bản thân
Có một sự thật trong câu nói, “việc bạn bạn biết gì không quan trọng, quan
trọng là bạn biết ai”. Nhưng tất nhiên mọi người sẽ chẳng thể giúp gì được
bạn nếu họ không biết các mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Do đó, đừng
chờ đợi tới khi có được tấm bằng trong tay rồi mới nói ra điều đó. Hãy trò
chuyện với tất cả những ai có thể, các thành viên trong gia đình lớn, bạn
bè, hàng xóm, các chuyên gia tư vấn và thậm chí là một ai đó thân thiện
ngồi cạnh bạn ở một điểm công cộng nào đó về chuyện tìm kiếm việc làm
của bạn. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết ai sẽ đưa tới cho bạn những thông tin
quý báu và giá trị cho sự nghiệp của mình.
7. Tiếp cận các công ty cung cấp nhân sự
Các chuyên gia cung cấp nhân sự thường biết rất rõ những vị trí cần tuyển
dụng không được công bố rộng rãi và tất nhiên, bạn cũng sẽ chẳng bao
giờ được nghe nhắc tới. Họ có thể giúp bạn định hướng chính xác nỗ lực
tìm việc với các cơ hội nhiều hứa hẹn, giúp bạn tăng cường khả năng tiếp
thị bản thân và kỹ năng chuẩn bị cho phỏng vấn. Hơn nữa, họ cũng có thể
mách bạn những công việc tạm thời để tích lũy thêm kinh nghiệm nghề
nghiệp và thiết lập các mối quan hệ trọng yếu để bạn tìm kiếm một vị trí
vững chắc về sau.
8. Dành thời gian cho giao lưu, gặp gỡ
Mặc dù Internet giúp chúng ta có được cách thức liên hệ với người khác
rất dễ dàng nhưng những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp theo truyền
thống vẫn rất quan trọng. Bạn hãy tham gia các cuộc hội họp trong lĩnh
vực nghề nghiệp của mình, các tổ chức doanh nghiệp chung ở thành phố
và các nhóm, hội trong trường. Hãy coi đó là những cách giúp bạn rèn
luyện và phát triển không chỉ những kiến thức nghề nghiệp nền tảng mà
còn là những thành tựu và mối quan tâm tới sự nghiệp của bạn.
9. Tìm kiếm những người ủng hộ bạn
Các nhà tuyển dụng tận tâm có thể sẽ muốn có thêm những nguồn thông
tin tham khảo về ứng viên của họ. Bạn đừng chờ tới phút cuối mới cuống
cuồng đi tìm người giúp mình trong việc này, hãy lên kế hoạch và thực
hiện ngay từ lúc chưa ra trường. Hãy chọn ra từ 3 đến 5 người có thể nói
những điều họ hiểu biết và đầy thiện chí về bạn, về những ưu điểm của
bạn. Đó có thể là người từng quản lý bạn trong công việc part-time hay
trong những công việc bạn đã tham gia trại hè, một nhà điều phối thực tập
sinh, một nhà quản lý ở trường đại học hay một giáo sư bạn có quan hệ
tốt. Nếu họ ưng thuận, bạn có thể gửi họ một bản sao hồ sơ xin việc và
cho họ biết vị trí công việc cũng như công ty bạn đang hướng tới. Hãy nhớ
thường xuyên thông báo cho những người đó về quá trình tìm việc của
bạn sau khi ra trường.