Bí quyết ôn thi đại học môn Ngữ văn- GS.TS. Lã Nhâm Thìn
"Đề thi có nhiều hình thức khác nhau, cách nói khác nhau nhưng xoay quanh
các kiến trọng tâm, cơ bản, nên khi đã nắm được các kiến thức đó các em sẽ
có thể vận dụng để làm tốt những vấn đề cụ thể của đề thi" - Thầy Lã Nhâm
Thìn (Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có những
chia sẻ gửi tới các bạn học sinh.
1. Phương pháp ôn thi
- Đầu tiên là phải xác định được trọng tâm kiến thức cho cả chương trình và mỗi
bài giảng trong chương trình đó. Đề thi bao giờ cũng thi vào những kiến thức trọng
tâm, cơ bản, những vấn đề cụ thể cũng nằm trong phạm vi kiến thức trọng tâm, cơ
bản.
Ví dụ: một trong những kiến thức trọng tâm của bài Tây tiến là cảm hứng lãng mạn
và tinh thần bi tráng. Nắm được kiến thức trọng tâm này, các em sẽ phân tích được
vẻ đẹp lãng mạn của hình tượng thiên nhiên Tây bắc: hùng vĩ, dữ dội ở đoạn 1 và
thơ mộng trữ tình ở đoạn 2. Trên nền bối cảnh thiên nhiên lãng mạn, nổi bật vẻ đẹp
lãng mạn và bi tráng của hình tượng người lính: lãng mạn và bi tráng qua dáng vẻ
oai phong lẫm liệt khác thường, qua tâm hồn nhiều "mộng" và "mơ", qua tư thế lên
đường vì lí tưởng, qua cái chết bi hùng.
- Khi nắm được các kiến thức trọng tâm, cơ bản, các em sẽ phân tích được các yếu
tố, các chi tiết cụ thể trong tác phẩm. Ở các bài giảng trên site, các thầy cô đều đưa
các kiến thức trọng tâm trong phần giới thiệu, sau đó sẽ đi phân tích những kiến
trọng tâm đó. Để làm sáng tỏ được kiến thức trọng tâm thì cần sử dụng những dẫn
chứng phù hợp, phân tích những chi tiết nghệ thuật quan trọng. Muốn vậy phải
nắm vững văn bản tác phẩm.
- Trước một tác phẩm, một vấn đề văn học, bên cạnh việc phải nắm được những
kiến thức chung về tác phẩm, về vấn đề văn học đó, cần phải phân tích được những
yếu tố, những chi tiết nghệ thuật quan trong. Ví dụ:
+ Ở văn xuôi: Chi tiết hai chị em Liên chờ tàu trong Hai đứa trẻ, chi tiết Huấn Cao
cho chữ trong nhà giam ở Chữ người tử tù, chi tiết đêm mùa xuân Mị nghe tiếng
sáo gọi bạn, đêm mùa đông Mị cắt dây trói cứu A Phủ trong Vợ chồng A Phủ, chi
tiết hai chị em Chiến và Việt khiêng bàn thờ má sang gửi chú Năm trong Những
đứa con trong gia đình….
+ Ở thơ, bên cạnh việc nắm kiến thức trọng tâm toàn bài, phải phân tích được
những đoạn thơ tiêu biểu, những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Điều này trong các bài
giảng ở Hoc360.vn các thầy cô đã nhấn mạnh.
- Các em cần lưu ý so sánh các vấn đề văn học, các tác phẩm, các giai đoạn văn
học với nhau. Điều này là rất cần thiết bởi vì khi đó các em vừa nắm vững được
những kiến thức cụ thể, vừa rút ra được những điểm chung, riêng của các tác
phẩm, thể hiện được năng lực khái quát, tổng hợp. Hình thức so sánh văn học là
dạng đề thi thường gặp.
Ví dụ: So sánh chủ đề người nông dân trong tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt. Có thể
so sánh hai tác phẩm này về các phương diện: số phận người nông dân, giá trị nhân
đạo, cách kết thúc của hai tác phẩm. Một số vấn đề về so sánh văn học đã được
trình bày trên Học 360.vn, các em cần tham khảo.
Có 2 cách làm bài so sánh, một là phân tích từng vấn đề, sau đó rút ra kết luận về
sự giống và khác nhau. Hai là so sánh song song các vấn đề với nhau. Thông
thường các em hay lựa chọn cách làm thứ nhất.
- Đối với bài nghị luận xã hội:
Có 2 vấn đề cần quan tâm mà trong các bài giảng trên Hoc360.vn đã nêu rõ: Nghị
luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng, sự kiện trong đời
sống. Kết cấu bài văn nghị luận thường gồm ba phần và cũng là ba nội dung lớn:
+ Giải thích vấn đề cần bàn luận: phần này trả lời câu hỏi: vấn đề đó như thế nào?
Tại sao lại như vậy?
+ Bàn luận vấn đề: Vấn đề đặt ra là đúng hay sai? Đúng sai tới mức độ nào? Ý
nghĩa của vấn đề tác động đến cá nhân và xã hội?
+ Bài học về nhận thức và hành động: nêu lên những suy nghĩ, hành động của bản
thân trước vấn đề bàn luận.
Khi làm bài văn nghị luận cần lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội, cũng có thể
vận dụng những kiến thức trong tác phẩm văn học để làm rõ vấn đề khi cần thiết.
2. Kinh nghiệm làm bài thi
- Thật bình tình và chủ động. Đề thi có nhiều hình thức khác nhau, cách nói khác
nhau nhưng xoay quanh các kiến thức cơ bản. Nắm vững kiến thức trọng tâm, cơ
bản, bình tĩnh vận dụng giải quyết những vấn đề cụ thể là điều có ý nghĩa rất quan
trọng trong khi làm bài.
- Làm đầy đủ các câu trong đề. Tránh việc chỉ đi sâu vào một câu nào đó còn
những câu khác lại bỏ trống.
- Diễn đạt mạch lạc, trong sáng. Điều này có mối liên hệ với việc nắm kiến thức,
chỉ khi đã nắm chắc kiến thức thì các em mới có thể mạch lạc trong tư duy, trong
diễn đạt. Đối với văn, bên cạnh yêu cầu đúng, đủ, còn cần phải hay, muốn hay, bài
viết phải có chất văn chương trong sử dụng hình tượng và ngôn ngữ. chất văn còn
thể hiện ở cách viết có cảm xúc
- Dung lượng bài thi phải thể hiện được đầy đủ nội dung, phong phú, sâu sắc. Bài
làm sơ lược không thể có kết quả tốt. Kết cấu bài viết cần mạch lạc, các ý, các nội
dung hết sức rõ ràng.