Ghi vào sổ tay trước khi gửi
thiệp cưới
Làm ra được chiếc thiệp cưới như ý đã là chuyện khó, công đoạn lên danh sách, gửi
thiệp lại còn khó và nhọc nhằn hơn nhiều. Làm sao kế hoạch tốt nhất cho khâu gửi
thiệp cưới này, mời các bạn cùng dõi theo một bài viết chia sẻ sau, hy vọng sẽ mang
đến một vài gợi ý hữu ích trong mùa cưới sắp tới
Ghi chú nhanh vào sổ tay kế hoạch cưới của bạn một vài điểm sau trước khi gửi thiệp
cưới cho họ hàng gần xa bạn nhé!
Thời gian gửi thiệp, khi nào là vừa?
[1] Với khách mời là bà con thàn thuộc, người lớn trong gia đình, đang ở gần nơi bạn
tổ chức tiệc >> nên gọi điện thoại thông báo trước và chính tay mình gửi thiệp đến từng
người trong khoảng 1,5 tuần trước ngày cưới. Tiếp theo 1 tuần trước ngày cưới bạn có thể
nhờ bố mẹ, anh chị hỗ trợ bằng cách gọi điện đến người lớn để xác nhận sự hiện diện và
nhắc nhở thời gian.
[2] Với khách mời là bạn bè học hay làm việc chung >> đa phần những người trẻ luôn
bận rộn với những dự định, cuộc đi chơi hay lịch làm việc, bạn nên có 2 động tác cùng
một lúc:
- 3 tuần trước ngày cưới >> gửi thông tin về ngày, địa điểm cưới qua email (save-the-
date-card) để bạn bè ghi chú lại trong lịch của họ và tránh xa các cuộc đi chơi khác trùng
ngày.
- 2 tuần trước ngày cưới >> gửi thiệp mời đến tận tay họ, kèm theo lời dặn dò về thời
gian, địa điểm và trang phục yêu cầu.
- 1 tuần trước ngày cưới >> gọi điện đến bạn bè để xác nhận lại lần nữa thông tin về sự
hiện diện của họ trong ngày cưới và cũng đồng thời nhắc nhớ về thời gian.
[3] Với khách mời là những người ở đất nước khác, và thiệp mời được gửi qua đường
bưu điện, bạn nên sắp xếp gửi đi trong vòng 6-4 tuần trước ngày cưới, và gửi theo
phương thức bảo đảm để phòng trừ những trường hợp không nhận được thiệp do trục trặc
dọc đường đi. Song song đó, cũng là 4 tuần trước ngày cưới, bạn có thể gửi email để mời
những vị khách này và thông báo khoảng thời gian họ có thể nhận được thiệp mời qua
đường bưu điện.
Ghi chú quan trọng khi gửi thiệp cưới:
[1] Kiểm tra cẩn thận lần cuối danh sách gồm họ tên và địa chỉ, số điện thoại của từng
tấm thiệp (so với danh sách khách mời cưới bạn đang cầm trong tay) để đảm bảo không
một sai sót nào phát sinh trong quá trình ghi thiệp bằng tay.
[2] Nếu thiệp cưới gửi qua đường bưu điện và có đi kèm một thiệp ghi chú nhỏ (RSVP
card) để khách mời gửi thông tin xác nhận lại cho bạn, thì kiểm tra luôn xem tem bưu
điện đã được dán sẵn vào tấm thiệp RSVP đó chưa? Tất cả đều mang lại sự thuận tiện tốt
nhất cho mỗi người khách của bạn.
[3] Sàng lọc kỹ những trường hợp tế nhị để phân ra hình thức gửi thiệp: gửi thiệp tận tay
cho người thân và người lớn trong gia đình, nhờ bố mẹ gửi thiệp nếu trường hợp đó là
bạn bè của bố mẹ, gửi thiệp tận tay đến những người bạn thân đang ở gần bạn, gửi thiệp
qua đường bưu điện nếu đó là đồng nghiệp (vì không phải tất cả các đồng nghiệp đều
nhận được thiệp mời của bạn).
[4] Thiệp mời qua email (save-the-date-card) luôn luôn có tác dụng tốt trong việc đặt lịch
của mọi người để dành sự ưu tiên lớn nhất cho ngày cưới của bạn, nhưng không bao giờ
có tác dụng thay thế cho một chiếc thiệp cưới đúng nghĩa. Thiệp cưới cầm trên tay sẽ
luôn là ấn tượng đầu tiên và cảm giác được trân trọng từ mỗi người khách mời.
[5] Gọi điện thoại trước khi đến tận nơi gửi thiệp. Việc này sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro
khi đến tận nơi mà không tìm được người nhận thiệp.
[6] Lên lịch trình và ngày giờ cụ thể cho việc phát thiệp. Khâu này sẽ chiếm khối thời
gian và công sức của bạn, và có thể sẽ ngốn hết 5-6 cuối tuần của bạn trước ngày cưới.
Lên kế hoạch chặt chẽ để còn sức phân phối cho những việc chuẩn bị khác trong ngày
cưới.