Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Tài liệu Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa … Sông Mã gầm lên khúc độc hành pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (216.42 KB, 7 trang )

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng: Doanh trại
bừng lên hội đuốc hoa … Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

BÀI LÀM
Tây Tiến là bài hát của tình thương mến, là khúc ca chiến trận của anh Vệ quốc
quân năm xưa, những anh hùng buổi đầu kháng chiến “Áo vải chân không đi lùng giặc
đánh” (Nhớ - Hồng Nguyên), những tráng sĩ ra trận với lời thề “Chiến trường đi chẳng
tiếc đời xanh”
Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, bên bờ
sông Đáy thương yêu: “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc – Sáo diều khuya khoắt
thổi đêm trăng” (Đôi mắt người Sơn Tây – 1940). Tây Tiến là một đơn vị quân đội
thành lập vào năm 1947, hoạt động và chiến đấu ở thượng nguồn sông Mã, miền Tây
Hòa Bình, Thanh Hóa sang Sầm Nưa, trên dải biên cương Việt – Lào. Quang Dũng là
một đại đội trưởng trong đoàn binh Tây Tiến, đồng đội anh nhiều người là những
chàng trai Hà Nội yêu nước, dũng cảm, hào hoa. Bài thơ Tây Tiến nói lên nỗi nhớ của
tác giả sau một thời gian xa rời đơn vị: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! – Nhớ về rừng
núi nhớ chơi vơi…”.
Bài thơ gồm có bốn phần. Phần đầu nói về nỗi nhớ, nhớ sông Mã, nhớ núi rừng
miền Tây, nhớ đoàn binh Tây Tiến với những nẻo đường hành quân chiến đấu vô
cùng gian khổ… Đoạn thơ trên đây gồm có 16 câu thơ, là phần hai và phần ba cảu bài
thơ ghi lại những kỉ niệm đẹp một thời gian khổ, những hình ảnh đầy tự hào về đồng
đội thân yêu.
Ở phần đầu, sau hình ảnh “Anh bạn dãi dầu không bước nữa – Gục lên súng
mũ bỏ quên đời”, người đọc ngạc nhiên, xúc động trước vần thơ ấm áp, man mác, tình
tứ, tài hoa:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Bát cơm tỏa khói nặng tình quân dân, tỏa hương của “thơm nếp xôi”, hương
của núi rừng, của Mai Châu… và của tình thương mến.
Mở đầu phần hai là sự nối tiếp cái hương vị “thơm nếp xôi” ấy. “Hội đuốc hoa”
đã trở thành kỉ niệm đẹp trong lòng nhà thơ, và đã trở thành hành trang trong tâm hồn


các chiến binh Tây Tiến:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
“Đuốc hoa” là cây nến đốt lên trong phòng cưới, đêm tân hôn, từ ngữ được
dùng trong văn học cũ: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa” (Truyện
Kiều). Quang Dũng đã có một sự nhào nặn lại: hội đuốc hoa … đêm lửa trại, đêm liên
hoan trong doanh trại đoàn binh Tây Tiến. “Bừng” chỉ ánh sáng của đuốc hoa, của lửa
trại sáng bừng lên; cũng còn có nghĩa là tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười tưng bừng
rộn rã. Sự xuất hiện của “em”, của “nắng” làm cho hội đuốc hoa mãi mãi là kỉ niệm
đẹp một thời chinh chiến. Những thiếu nữ Mường, những thiếu nữ Thái, những cô gái
Lào xinh đẹp, duyên dáng “e ấp”, xuất hiện trong bộ xiêm áo rực rỡ, cùng với tiếng
khèn “man điệu” đã “xây hồn thơ” trong lòng các chàng lính trẻ. Chữ “kìa” là từ để
trỏ, đứng đầu câu “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” như một tiếng trầm trồ, ngạc nhiên,
tình tứ. Mọi gian khổ, mọi thử thách… như bị đẩy lùi tiêu tan.
Xa Tây Tiến mới có bao ngày, thế mà nhà thơ “nhớ chơi vơi”, nhớ “hội đuốc
hoa”, nhớ “Châu Mộc chiều sương ấy”. Hỏi “người đi” hay tự hỏi mình “có thấy” và
“có nhớ”. Bao kỉ niệm sâu sắc và thơ mộng lại hiện lên và ùa về:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Chữ “ấy” bắt vần với chữ “thấy”, một vần lưng thần tình, âm điệu câu thơ trĩu
xuống như một nốt nhấn, một sự nhắc nhở trong hoài niệm nhiều bâng khuâng. Nữ sĩ
xưa nhớ kinh thành Thăng Long là nhớ “hồn thu thảo”, nay Quang Dũng nhớ là nhớ
“hồn lau”, nhớ cái xào xạc của gió, nhớ những cờ lau trắng trời. Có “nhớ về rừng núi,
nhớ chơi vơi” thì mới có nhớ và “có thấy hồn lau” trong kỉ niệm. “Có thấy”… rồi lại
“có nhớ”, một lối viết uyển chuyển tài hoa, đúng là “câu thơ trước gọi câu thơ sau”
như những kỉ niệm trở về… Nhớ cảnh (hồn lau) rồi nhớ người (nhớ dáng người) cùng

con thuyền độc mộc “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Hình ảnh “hoa đong đưa” là
một nét vẽ lãng mạn gợi tả cái “dáng người trên độc mộc” trôi theo trên thời gian và
dòng hoài niệm. Đoạn thơ gợi lên một vẻ đẹp mơ hồ, thấp thoáng, gần xa, hư ảo trên
cái nền “chiều sương ấy”. Cảnh và người được thấy và nhớ mang nhiều man mác,
bâng khuâng. Bút pháp, thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn để lại dấu ấn tài hoa qua
đoạn thơ này.
Giữa những “bến bờ”, “độc mộc”, “dòng nước lũ” là “hồn lau”, là “dáng
người”, là “hoa đong đưa” tất cả được phủ mờ bởi màn trắng mỏng của một “chiều
sương” hoài niệm. Tưởng là siêu thực mà lãng mạn, tài hoa.
Phần một bài thơ nói về đoàn binh Tây Tiến. Quang Dũng sử dụng bút pháp
hiện thực để tao nên bức chân dung những đồng đội thân yêu của mình. Phần một nói
về con đường hành quân vô cùng gian khổ để khắc họa chí khí anh hùng các chiến sĩ
Tây Tiến. Phần hai, đi sâu miêu tả vẻ đẹp lãng mạn của những chiến binh hào hoa,
yêu đời. Trong phần ba, người đọc cảm thấy nhà thơ đang nhớ, đang ngắm nhìn, đang
hồi tưởng, đang nghĩ về từng gương mặt thân yêu, đã cùng mình vào sinh ra tử, nếm
trải nhiều gian khổ một thời trận mạc. Như một đoạn phim cận cảnh gợi tả cái dữ dội,
cái khốc liệt một thời máu lửa oai hùng. Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc hun đúc qua
4.000 năm lịch sử được nâng lên tầm vóc mới của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
trong thời đại Hồ Chí Minh:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Những vần thơ ngồn ngộn chất hiện thực, nửa thế kỉ sau mà người đọc vẫn cảm
thấy trong khói lửa, trong âm vang của tiếng súng, những gương mặt kiêu hùng của
đoàn dũng sĩ Tây Tiến. “Đoàn binh không mọc tóc”, “Quân xanh màu lá”, tương phản
với “dữ oai hùm”. Cả ba nét vẽ đều sắc, đều có góc cạnh, hình ảnh những “Vệ túm”,
“Vệ trọc” một thời gian khổ được nói đến một cách hồn nhiên. Quân phục màu xanh
lá, nước da xanh và đầu không mọc tóc vì sốt rét rừng, thế mà quắc thước, hiên ngang,
xung trận đánh giáp lá cà “dữ oai hùm” làm cho giặc Pháp kinh hồn bạc vía “Tam

quân tì hổ khí thôn Ngưu” là hình ảnh các tráng sĩ “Sát Thát” đời Trần; “Tướng sĩ kén
tay tì hổ - Bề tôi chọn kể vuốt nanh” là tầm vóc các nghĩa sĩ Lam Sơn. “Quân xanh
màu lá dữ oai hùm” là chí khí lẫm liệt hiên ngang cùa anh bộ đội Cụ Hồ trong chín
năm kháng chiến chống Pháp. Gian khổ và ác liệt thế, nhưng họ vẫn mộng vẫn mơ:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, mộng giết giặc, đánh tan lũ xâm lăng “xác thù
chất đống xây thành chiến công”. Trên chiến trường, trong lửa đạn thì “mắt trừng”,
giữa đêm khuya trong doanh trại có những cơn mơ đẹp: “đêm mơ Hà Nội dáng kiều
thơm”. Ba chữ “dáng kiều thơm” từng in dấu vết trong văn lãng mạn thời tiền chiến,
được Quang Dũng đưa vào vần thơ mình diễn tả thật “đắt” cái phong độ hào hoa, đa
tình của những chiến binh Tây Tiến, những chàng trai của đất nghìn năm văn vật, giữa
khói lửa chiến trường vẫn mơ, vẫn nhớ về một mái trường xưa, một góc phố cũ, một
tà áo trắng, một “dáng kiều thơm”. Ngòi bút của Quang Dũng biến hóa, lúc thì bình dị
mộc mạc, lúc thì mộng ảo nên thơ, và đó chính là vẻ đẹp hào hùng, tài hoa của một
hồn thơ chiến sĩ.
Bốn câu thơ tiếp theo ở cuối phần ba, một lần nữa, nhà thơ nói về sự hi sinh
oanh liệt của những anh hùng vô danh trong đoàn quân Tây Tiến. Câu thơ “Chiến
trường đi chẳng tiếc đời xanh” vang lên như một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh”. Có biết bao chiến sĩ đã ngã xuống nơi góc rừng, bên bờ dốc vì độc lập, tự do
của Tổ quốc. Một trời thương nhớ mênh mang: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Các
anh đã “về đất” một cách thanh thản, bình dị; yên nghỉ trong lòng Mẹ với giấc ngủ
nghìn thu.
Chẳng có “da ngựa bọc thây” như các tráng sĩ ngày xưa, chỉ có “áo bào thay
chiếu anh về đất”, nhưng Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn các anh. Tiếng
thác sông Mã “gầm lên” như một loạt đại bác nổ xé trời, “khúc độc hành” ấy đã tạo
nên không khí thiêng liêng, bi tráng và cao cả:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Các từ Hán Việt xuất hiện bất ngờ trong đoạn thơ (biên cương, viễn xứ, chiến

trường, áo bào, khúc độc hành) gơi lên màu sắc cổ kính, hùng tráng và uy nghiêm. Có
mất mát hi sinh, có xót xa thương tiếc nhưng không bi lụy yếu mềm, bởi lẽ sự hi sinh
đã được khẳng định bằng một lời thề: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Biết bao
xót thương và tự hào ẩn chứa trong vần thơ. Quang Dũng là một trong những nhà thơ
đầu tiên của nền thơ ca kháng chiến nói rất cảm động về sự hi sinh anh dũng của các
chiến sĩ vô danh. Hơn hai mươi năm sau, những thi sĩ thời chống Mĩ mới viết được
những vần thơ cảm động như thế:
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Những tháng năm chiến tranh đã đi qua. Đoàn binh Tây Tiến những ai còn mất,
những ai đã “lấy đá ven rừng chép chiến công”? “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?” –
xưa nay, buổi chiến tranh, mấy ai chinh chiến còn trở về?
Đoạn thơ trên đây cho thấy cái tâm đẹp và cái tài hoa của Quang Dũng. Nếu
Chính Hữu qua bài Đồng chí đã nói rất hay về người nông dân mặc áo lính, thì Quang
Dũng, với bài thơ Tây Tiến đã dựng lên một tượng đài hùng vĩ uy nghiêm về những
chàng trai Hà Nội “mang gươm đi giữ nước” dũng cảm, can trường, trong gian khổ
chiến đấu hi sinh vẫn lạc quan yêu đời. Anh hùng, hào hoa là hình ảnh đoàn binh Tây
Tiến.
Hai đoạn thơ trên đây thể hiện cốt cách và bút pháp lãng mạn, hồn thơ tài hoa
của Quang Dũng. Nếu “thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”
thìTây Tiến đã cho ta cảm nhận về ấn tượng ấy. Tây Tiến đã mang vẻ đẹp độc đáo của
một bài thơ viết về người lính – anh bộ đội Cụ Hồ những năm đầu kháng chiến chống
Pháp. Bài thơ hội tụ mọi vẻ đẹp và bản sắc của thơ ca kháng chiến ca ngợi chủ nghĩa
yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

×