Kỹ Thuật Nuôi Cá Mú
Lồng Trên Biển
1. Bảo quản, chăm sóc cá mú giống khai thác từ tự nhiên.
Cá mú con mới bắt ngoài biển được lưu giữ tạm thời trong bể hoặc trong
thùng cao 30cm có sục khí. Dùng các hộc lưới có kích cỡ mắt lưới khác nhau
để phân loại cá thành các cỡ như sau:
- Hậu ấu trùng có kích cỡ nhỏ hơn 2,5cm;
- Cá bột nhỏ: 2,5 - 5cm;
- Cá bột lớn: 5 - 7,5cm;
- Cá giống nhỏ 7,5 - 10cm;
- Cá giống trung bình: 10 - 12,5cm.
Cá sau khi phân loại được tắm bằng nước ngọt từ 15 - 30 phút để diệt các vi
sinh vật có hại, sau đó được vận chuyển về lồng ương nuôi nếu ở cự ly gần.
Những con cá bị thương cần được tách riêng thả trong bể hoặc lồng để chúng
hồi phục lại mới chuyển đi.
Cách vận chuyển và đóng gói cá: Trước khi vận chuyển, cá cần dưỡng trong
bể có chỗ trú ẩn và sục khí liên tục, không cho cá ăn 24 giờ trước khi vận
chuyển. Bên cạnh đó, cần phòng bệnh cá bằng cách tắm cá trong nuớc ngọt
sạch từ 10 - 15 phút hoặc tắm cá trong nước pha thuốc tím có nồng độ từ 10 -
15ppm. Dùng 2 bao nhựa Plastic vuông có đáy bằng để đóng cá. Đổ vào bao
khoảng 8 lít nước biển sạch được làm lạnh ở nhiệt độ từ 20 – 22oC. Đóng cá
với mật độ như sau: Cá khoảng 2,5cm, mật độ 100 - 150 con/lít nước; cá 5cm,
mật độ 30 - 50 con/lít nước; cá 7cm, mật độ 10 - 15 con/lít nước. Cần bơm
Oxy trước khi buộc chặt miệng túi. Sau đó cho túi cá giống vào thùng xốp và
để các bao nuớc đá xung quanh làm mát cá. Dùng băng keo dán kín thùng và
xếp thùng lên xe. Nên vận chuyển cá bằng xe có máy điều hòa nhiệt độ. Cá
vận chuyển đến chỗ nuôi tốt nhất vào thời điểm lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
Đến nơi, đem thùng cá vào trong phòng có ánh sáng mờ, nhẹ nhàng mở
thùng, tránh cá giật mình. Cân bằng nhiệt độ, độ mặn trong 10 - 15 phút trước
khi thả cá. Nếu gặp chất lượng nước kém hoặc dòng chảy mạnh thì không thả
cá vào lồng, cần lưu cá trong bể, khi gặp chất lượng nước tốt mới thả.
2. Lồng nuôi cá mú:
Lồng nuôi cá mú nên đặt ở chỗ nước trong, sạch, kín, ít sóng gió, ít chịu ảnh
hưởng do dao động của thủy triều, không bị ô nhiễm. Nơi đặt lồng nuôi có độ
sâu tối thiểu 3m. Vùng nuôi nên gần cơ sở hậu cần trên đất liền. Có hai loại
lồng nuôi:
- Lồng nuôi cố định trên khung cố định trên nền đáy (lồng găm): Lồng có thể
có lớp lưới đáy lơ lửng. Dùng chì neo các góc khung lưới. Kích thước lồng
3x3x2m hoặc 5x5x2m.
- Lồng bè nổi: Khung lồng bè làm bằng những vật liệu chịu được độ mặn cao,
chống hàu đục phá như tre, gỗ, xi măng, ống nhựa PVC. Phao nổi được gắn
chặt vào khung lồng để giữ cho lồng nổi. Thùng phuy nhựa, thùng xốp, can
nhựa thường được làm phao lồng. Dùng dây neo giữ lồng ở một vị trí nhất
định. Lưới có mắt lưới tùy thuộc vào kích cỡ cá. Nên sử dụng loại lưới
Polyethylen có ưu điểm bền chắc, đàn hồi và chống được các loài sinh vật
bám lưới. Lưới không có gút và trơn để không làm cá bị thương do thường
xuyên phải cọ sát lồng. Lồng có 4 - 8 ngăn.
3. Nuôi cá mú thương phẩm:
Trước khi thả cá giống vào lồng cần kiểm tra lại tình hình sức khỏe của cá,
tắm lại cá trong nuớc có pha kháng sinh từ 10 - 15 phút. Mật độ thả bình quân
25 con/m3 nước. Có thể tùy theo kích cỡ cá mà điều chỉnh mật độ thả cho phù
hợp. Không nên thả cá ở mật độ cao vì sẽ dễ phát sinh dịch bệnh. Lượng chất
thải nhiều sẽ làm giảm lượng Oxy và làm cá bị sốc.
Thức ăn chủ yếu cho cá mú là cá tươi tạp (tôm, cá, cua, ghẹ nhỏ…). Khẩu
phần cho ăn hằng ngày bằng 3 - 10% trọng lượng cá. Cho cá ăn ngày 2 lần,
vào lúc sáng sớm và chiều tối. Cho cá ăn nguyên con hay băm nhỏ còn tùy
thuộc vào cỡ mồi và cỡ cá nuôi. Nên cho thức ăn từ từ vào trong lồng để cho
cá lao lên đớp mồi. Cho thức ăn vào cho đến khi cá thôi lao lên thì dừng lại.
Trước khi cho cá ăn cần bổ sung thêm 0,5% vitamin và khoáng premix vào cá
mồi. Tuyệt đối không được dùng cá hư thối hoặc cá muối mặn.
Thường xuyên lặn kiểm tra lưới. Dùng bàn chải có cán dài chà rửa và vêï sinh
lồng. Có thể thả 15 - 30 con cá dìa để cá ăn các loài rong tảo bám vào lưới.
Định kỳ nên thay lưới lồng mới để diệt tảo, sò, hàu, rong… bám vào. Thường
xuyên kiểm tra sức khỏe của cá, kiểm tra mức độ tiêu thụ thức ăn. Hàng tháng
dùng vợt mềm phân kích cỡ cá nhằm cho cá lớn đều, tránh được tình trạng
chúng ăn thịt lẫn nhau. Thời gian nuôi cá từ 4 - 7 tháng, tùy theo nhu cầu của
thị trường. Thông thường, cá đạt kích cỡ 0,4kg/con trở lên thì có thể thu
hoạch. Lồng nuôi cá cần chuyển sang địa điểm mới sau 2 - 3 năm nuôi, để
môi trường nuôi có điều kiện phục hồi.
4. Thu hoạch và bảo quản sản phẩm:
Không cho cá ăn 1 - 2 ngày trước khi thu hoạch. Kiểm tra lưới lồng. Nâng
lưới chầm chậm để dồn cá về một góc. Dùng vợt có lưới mềm để bắt cá.
Tránh làm trầy vảy hoặc tổn thương cá khi thu hoạch, vì cá bị thương sẽ
không bán được. Cá bắt lên cần tiến hành cân trọng lượng, nhốt trong bể có
chứa nước sạch để cá nhả bớt chất bẩn. Sau đó cho cá vào bể sục khí, dùng túi
nước đá hạ nhiệt độ xuống còn 20oC, sau đó đóng cá vào túi có chứa nước
biển đã bơm Oxy. Buộc miệng túi và để túi vào thùng xốp, xung quanh bỏ các
túi nước đá. Dán kín thùng vận chuyển bằng ô tô hoặc máy bay. Thời gian
vận chuyển không quá 8 giờ. Có thể dùng thùng nhựa có sục khí để vận
chuyển cá hoặc dùng thuyền thông thủy có hệ thống nước tuần hoàn để vận
chuyển cá sống đi nước ngoài.