Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Kỹ thuật nuôi treo bào ngư trên biển doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.45 KB, 5 trang )

Kỹ thuật nuôi treo bào ngư trên biển

Nguồn: vietlinh.com.vn
Trong các sinh vật biển, Bào ngư được gọi là "hoàng kim mềm" vì thịt của
chúng ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao và có giá trị kinh tế quan trọng. Hiện nay
ở Trung Quốc, bào ngư được nuôi nhiều, chủ yếu theo các phương thức nuôi vãi
(gieo) đáy, nuôi lồng bè, nuôi công nghiệp và nuôi kênh mương. Từ năm 2003, tại
tỉnh Phúc Kiến, người ta đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật nuôi treo bào ngư trên
biển và đạt được hiệu quả khả quan. Tại Việt Nam, hình thức này cũng đang bước
đầu được áp dụng, vì vậy chúng tôi xin giới thiệu kết quả nuôi thử nghiệm của
Trung Quốc để bạn đọc tham khảo.
1. Môi trường nuôi
Khu nuôi bào ngư phải tuyệt đối không có bất cứ nguồn ô nhiễm nào. Chất
nước đạt tiêu chuẩn cho nuôi trồng thuỷ sản. Dòng triều thông thoáng, giao thông
tiện lợi. điều kiện đối với các yếu tố lý hoá như sau: Ðộ sâu của nước đạt trên
10m, lưu tốc nước 0,5m/giây - 1,0m/giây, nhiệt độ nước 110C - 280C, độ mặn
30‰, ôxy hoà tan trên 4mg/l, ammonia nitrogen ≤ 100mg/l, pH 7,4 - 8,6.
2. Bố trí thiết bị nuôi
Thiết bị nuôi chủ yếu là khung lồng nuôi bào ngư kiểu nhiều tầng. Lồng
nuôi bào ngư bằng chất dẻo polyethylene màu sẫm hoặc polyvinyl chloride (PVC)
không độc. Lồng nuôi bào ngư gồm 6 tầng, kích thước mỗi tầng là 40cm x 30cm x
13cm. Khung giá tương tự như khung giá lồng nuôi cá biển, nguyên liệu làm
khung giá thường là gỗ thông, kích thước 2,5m x 3,6m. Cứ 10 khung kết thành 1
giàn. Cứ 3 giàn lại được nối với nhau bằng các chiếc lốp xe cũ để tạo thành 1 tổ
hợp. Xung quanh mỗi tổ hợp sử dụng 15 chiếc phao nổi hình cầu, mỗi chiếc có sức
nổi 75kg/chiếc.
3. Tuyển chọn, vận chuyển và thả giống
3.1. Tuyển chọn con giống: Phải tuyển chọn những con giống khoẻ mạnh,
đã được kiểm dịch và được ương nuôi tại bản địa. Chiều dài vỏ con giống bào ngư
dài hơn 1,5cm, thể hình hoàn chỉnh, ngoại hình đầy đặn, không có dị hình, hoạt
lực mạnh, lực bám mạnh.


3.2. Vận chuyển con giống: áp dụng phương pháp vận chuyển khô. Mỗi túi
lưới đựng 500 con giống, các túi được cho vào hộp xốp cách nhiệt, vận chuyển
bằng xe hoặc thuyền đến khu nuôi bào ngư. Nói chung, tỷ lệ sống vận chuyển đạt
trên 99%.
3.3. Thả giống: Cần theo dõi tình hình thời tiết trước khi thả con giống.
Tránh khi có mưa to, gió lớn và nhiệt độ quá cao. Khi thả con giống, cần chú ý tới
sự chênh lệch của nhiệt độ và độ mặn của ao ương nuôi con giống và khu thả
giống. Cần chú ý sao cho sự sai khác của nhiệt độ và độ mặn ở hai nơi này không
vượt quá 20C và 2‰. Mật độ thả là 100 con/tầng (chiều dài vỏ 1 ,5 cm). Tầng
nước nuôi treo lồng bào ngư được khống chế ở 3m - 5m.
4. Quản lý nuôi
4.1. Cung cấp thức ăn :
Thức ăn chủ yếu là tảo bẹ (Laminaria) tươi và tảo bẹ khô, tảo bẹ muối.
Trong quá trình nuôi, căn cứ vào thời vụ để lựa chọn chủng loại thức ăn thích hợp.
Từ tháng 4 đến tháng 6 (trước tết đoan ngọ) cho ăn tảo bẹ tươi; tháng 7 - 9 thức ăn
là tảo bẹ muối, có bổ sung các loại tảo tự nhiên hoặc thức ăn nhân tạo dạng bản
mỏng; tháng 10 đến tháng 3 năm sau thức ăn là tảo tía hoặc tảo bẹ muối. Lượng
thức ăn tươi cho ăn bằng 10% - 30% trọng lượng cơ thể bào ngư; có thể gia giảm
tuỳ theo nhiệt độ nước và mức độ tiếp thu thức ăn của bào ngư; nếu vào mùa hè,
nhiệt độ tăng cao thì có thể giảm lượng cho ăn, khi nhiệt độ hạ xuống vào mùa
đông có thể cho ăn tăng lên. Thường 2 - 3 ngày cho ăn 1 lần. Trước khi cho ăn
phải dọn thức ăn thừa và bùn đọng. Mùa hè nóng nên cho ăn ít đi, 3 ngày 1 lần;
Mùa đông nếu nhiệt độ thấp dưới 120C thì cũng cho ăn giảm đi, 4 ngày 1 lần.
4.2. Ðiều chỉnh mật độ nuôi:
Chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu tiến hành phân loại con giống khi
chiều dài vỏ đạt trên 3 cm. Một năm phân chia 2 lần vào cuối mùa thu và đầu mùa
xuân. Việc phân giống được tiến hành trên giàn, để bào ngư có kích thước bằng
nhau cùng trên 1 tầng, đồng thời dùng dụng cụ loại bỏ các vật bám trên lồng lưới
như hàu (Ostrea), con sum (Balanus), v.v... Mật độ nuôi thả con giống được xác
định theo loại kích cỡ của bào ngư. Bào ngư có chiều dài vỏ 2,5 cm, 3 cm, 3,5 cm,

5 cm, 6 cm, 7 cm thì mật độ mỗi tầng tương ứng sẽ là 60 con, 45 con, 35 con, 25
con, 20 con, 15 con.
4.3. Quản lý hàng ngày:
Kiểm tra tình trạng bắt mồi (ăn) của bào ngư. Kịp thời điều chỉnh lượng
cho ăn và ghi chép đầy đủ, thường xuyên kiểm tra và làm sạch các dị vật và địch
hại xung quanh lồng nuôi bào ngư. Khi cho ăn cần quan sát tình trạng hoạt động
của bào ngư, phát hiện những bào ngư dị thường hoặc đã chết, tìm nguyên nhân và
áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp. định kỳ xác định các chỉ tiêu chất nước
như nhiệt độ nước, độ mặn, pH, độ ôxy hoà tan, nitrogen ammonia v.v? và ghi
chép cẩn thận. Thường xuyên kiểm tra lồng lưới, khung giàn có an toàn vững
chắc? Ðề phòng trường hợp cửa lồng chưa được đóng chặt khiến bào ngư có thể
thoát ra ngoài.
4.4. Phòng trừ bệnh :
Phòng bệnh là chính. Khi chọn vị trí nuôi, cố gắng chọn nơi xa nguồn ô
nhiễm, có dòng triều thông thoáng, chất nước trong sạch. Tăng cường công tác
quản lý, bảo đảm mật độ nuôi thích hợp. Cố gắng sử dụng thức ăn tươi, cấm sử
dụng thức ăn đã thối rữa và đã biến chất. Ðịnh kỳ loại thải và tẩy sạch các sinh vật
có hại trên lồng lưới? và một số tảo tạp, phòng tránh trường hợp các mắt lưới bị bịt
kín không cho dòng nước thông suốt từ trong ra ngoài lồng lưới, đồng thời với
việc phân loại bào ngư vào mùa xuân và vào mùa thu. Trong quá trình nuôi bào
ngư, chủ yếu thường xuất hiện bệnh mụn nhọt (pustuls) do một số loại vi khuẩn
thuộc giống khuẩn Vibrio gây ra, thời gian mắc bệnh này kéo dài, tỷ lệ chết cao,
tính nguy hại lớn. Phương pháp phòng trị chủ yếu hiện nay là sử dụng văcxin
kháng khuẩn Vibrio.
5. Kết quả
Thời gian nuôi nghiên cứu bắt đầu từ tháng 5-2003 và được kết thúc vào
tháng 10-2005, tổng cộng thời gian nuôi là 29 tháng. Chiều dài vỏ bào ngư từ 1,5
cm tăng trưởng đạt khoảng 8 cm, tăng trọng bình quân đạt 70 gam, tỷ lệ sống đạt
55%. Giá trị đạt 1 triệu nhân dân tệ, khấu trừ vốn 550 nghìn nhân dân tệ, lợi nhuận
đạt 450 nghìn nhân dân tệ (tương đương chín trăm triệu đồng VN). Hiệu quả kinh

tế rất rõ ràng.
6. Những điểm cần lưu ý
6.1. Cần bố trí kế hoạch vận chuyển con giống chu đáo để nâng cao tỷ lệ
sống. Mật độ con giống vận chuyển khô phải hợp lý, đừng để chúng đè ép lẫn
nhau. Nên bảo đảm độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, định thời gian tưới nước, phòng
tránh ánh nắng chiếu thẳng và mưa ướt, định thời gian vận chuyển đến địa điểm
theo yêu cầu. Nếu vận chuyển ướt, máy bơm cần phải liên tục hoạt động, mật độ
con giống vừa phải, không để giống chồng lên nhau nhiều, mức chênh lệch nhiệt
độ nhỏ và kịp thời loại trừ các tạp chất và thay đổi nước biển mới.
6.2. Kích cỡ con giống bào ngư nhỏ nên khả năng chịu đựng nhiệt độ cao
kém, vì vậy nên cố gắng thả giống sớm trước khi mùa nóng đến. Con giống đạt
kích cỡ tương đối lớn thì khả năng chống nhiệt cao và có thể nâng cao được tỷ lệ
sống. Vùng Phúc Kiến (Trung Quốc), thời gian thả giống thích hợp là trước trung
tuần tháng 4.
6.3. Cần cung cấp đầy đủ thức ăn cho bào ngư. Thường xuyên kiểm tra tình
hình tiêu thụ thức ăn của bào ngư và kịp thời điều chỉnh. Nên chú ý là khi môi
trường có nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá sẽ không thích hợp đối với sự sinh
trưởng của bào ngư, vì vậy thời gian này không nên cho ăn nhiều, nếu thả quá
nhiều thức ăn sẽ dẫn đến hiện tượng bào ngư chết hàng loạt.

×