Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Tài liệu Phân tích đối chiếu ngôn ngữ trong việc dạy và học tiếng (phần 1) docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (209.96 KB, 10 trang )




Phân tích đối chiếu ngôn ngữ trong
việc dạy và học tiếng (phần 1)


Mục đích của nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ là làm sáng tỏ những nét tương đồng
và không tương đồng hoặc chỉ làm sáng tỏ những nét không tương đồng của hai
hay nhiều ngôn ngữ. Nguyên tắc nghiên cứu chủ yếu của đối chiếu ngôn ngữ là
nguyên tắc đồng đại.
Dẫn Nhập
Trong quá trình sử dụng ngoại ngữ và dịch thuật, văn bản là công cụ không thể
thiếu. Hiện nay, các thể loại văn bản tiếng Việt và tiếng Anh đang được sử dụng
nhiều nhất trong giao tiếp. Ngữ pháp văn bản tiếng Việt và tiếng Anh là mục tiêu
và đối tượng cần chú ý nhất trong quá trình dạy và học tiếng Anh, cũng như dịch
thuật Anh - Việt và Việt - Anh.

Theo các nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, cần thiết phải có các tài liệu ngữ pháp
đối với các văn bản mang đặc tính chuyên ngành dưới dạng đối chiếu giữa tiếng
mẹ đẻ và ngoại ngữ được học hoặc nghiên cứu nhằm giúp người học hoặc nghiên
cứu tiếp nhận một cách nhanh chóng các kiến thức tiên tiến bằng ngoại ngữ. Hơn
thế nữa, trên cơ sở ngữ pháp được học, người học có thể nâng cao trình độ kiến
thức chuyên môn bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình và làm phong phú thêm ngôn
ngữ dân tộc.



Thực tế lịch sử phát triển của tri thức khoa học thể hiện một quá trình liên tục và có
tính kế thừa. Nội dung của các thuật ngữ về nghiên cứu đối chiếu cũng được xác
định trong quá trình phát triển biện chứng lịch sử đó.



Thuật ngữ "đối chiếu" thường được dùng để chỉ phương pháp hoặc phân ngành
nghiên cứu lấy đối tượng chủ yếu là hai hay nhiều ngôn ngữ. Mục đích của nghiên
cứu đối chiếu ngôn ngữ là làm sáng tỏ những nét tương đồng và không tương đồng
hoặc chỉ làm sáng tỏ những nét không tương đồng của hai hay nhiều ngôn ngữ.
Nguyên tắc nghiên cứu chủ yếu của đối chiếu ngôn ngữ là nguyên tắc đồng đại.

Trong các tài liệu bằng tiếng Nga, thuật ngữ "đối chiếu ngôn ngữ" (phương pháp
đối chiếu, ngôn ngữ học đối chiếu) được đưa vào sử dụng khá sớm bởi các nhà
ngôn ngữ học như E.D.Polivanov (1933), V.D.Arakin (1946), V.H.Jaxeva (1960),
V.G.Gak (1961), N.P.Fedorov (1961), O.C.Akanova (1966) và v.v. Từ 1970 đến
nay, trong ngôn ngữ học hiện đại, thuật ngữ được sử dụng nhiều hơn cả là "ngôn
ngữ học đối chiếu" (contrastive linguistics.

Trong các tài liệu bằng tiếng Anh, lúc đầu được phổ biến là thuật ngữ "so sánh"
(comparative) với nội dung đối chiếu. Từ năm 1960 trở về đây, thuật ngữ "ngôn
ngữ học đối chiếu" (contrastive linguistics) bắt đầu được sử dụng phổ biến, dần
dần thay thế cho thuật ngữ "so sánh" (comparative). Tuy nhiên, trong ngôn ngữ
học Anh, các thuật ngữ truyền thống được dùng tương đối lâu dài. Ví du, trong các
công trình của Haliday, Mackintơn, Tơrevưn và một số tác giả khác, thuật ngữ "so
sánh" (comparative) vẫn được sử dụng đến năm 1961, còn Elie đã dùng thuật ngữ
"comparative" với nghĩa đối chiếu cho đến năm 1966.

Theo từ điển nhiều tập Oxford (1933), tính từ "comparative" được định nghĩa căn
cứ vào cách dùng của từ này khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nội dung
nghĩa thường nhấn mạnh đối chiếu những điểm khác nhau giữa hai hoặc hơn hai
đối tượng được khảo sát, theo thời gian, thuật ngữ "đối chiếu" được sử dụng với
nghĩa mở rộng để chỉ đúng hiện thực nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ.

Trong các tài liệu bằng tiếng Pháp, việc sử dụng thuật ngữ "đối chiếu" cũng diễn ra

tương tự: thời kì đầu sử dụng thuật ngữ "comparée" và các từ phái sinh của nó. Sau
đó, thuật ngữ "contrastive" được thay thế cho "comparative" mang nghĩa đối chiếu
và ngày càng được sử dụng rộng rãi (Potie 1971, Duboa 1973, Gato 1974, Pioro
1977 và v.v.). Hiện nay, trong các tài liệu bằng tiếng Pháp thường sử dụng phổ
biến thuật ngữ "linguistique contrastive" (hoặc differentielle). Tương ứng với thuật
ngữ này, trong các tài liệu tiếng Nga thường sử dụng "контративная
лингвистика" của các tác giả V.G.Gak và A.B.Fedorov.

Đối chiếu các ngôn ngữ
Đối chiếu các ngôn ngữ cho khả năng xác định không chỉ các dữ kiện và hiện
tượng có các chức năng tương tự trong các ngôn ngữ được đối chiếu, mà còn xác
định vị trí của chúng trong các hệ thống theo chức năng.
Ví dụ:
khi đề cập đến hệ thống các phương tiện mang nghĩa chỉ hành động, có thể nói
rằng trong tiếng Anh tiếp tố -er chắc chắn là hạt nhân của hệ thống chức năng các
phương tiện tạo ra danh từ chỉ vật mang hành động, hơn nữa, tiếp tố này có khả
năng to lớn trong việc tạo lập các danh từ trên cơ sở một động từ bất kì. Trong
tiếng Việt, nhân tố được dùng để tạo từ chỉ người hành động thường là từ riêng biệt
và được gọi là từ tố, ví dụ "viên" trong các từ nhân viên, sinh viên, viên chức và
v.v.

Nghiên cứu đối chiếu ngữ pháp trong văn bản khoa học giải quyết các quan hệ
tương đồng và không tương đồng về cấu trúc và hoạt động của ngôn ngữ khoa học.
Trong phân tích đối chiếu ngôn ngữ, các hiện tượng ngôn ngữ càng giống nhau thì
càng có nhiều tương đồng về cấu trúc và hoạt động của ngôn ngữ được đối chiếu.
Ví dụ:
khi đối chiếu tiếng Việt với tiếng Hán hoặc với tiếng Thái thì mức độ giống nhau
nhiều hơn là đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Nga hoặc tiếng Bun. Trong
trường hợp đối chiếu các ngôn ngữ rất khác nhau về loại hình thì sẽ tìm thấy nhiều
điểm khác nhau về cấu trúc và hoạt động của ngôn ngữ. Sự khác nhau này có tính

hệ thống, khái quát (thanh điệu trong tiếng Việt, cách trong tiếng Nga v.v.).

Nếu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh thì sẽ tìm thấy nhiều điểm giống nhau hơn
trong ngôn ngữ (cùng là các ngôn ngữ phân tích tính, trật tự câu rõ ràng v.v.).
Trong các ngôn ngữ khi đối chiếu luôn tồn tại sự không tương đồng về ngữ pháp,
ngữ nghĩa hoặc tuyến dẫn xuất nghĩa phái sinh. Ví dụ, từ loại tiếng Việt và tiếng
Anh có sự không tương đồng về số lượng và loại hình.

Sự không tương đồng về nghĩa thể hiện cả ở khái niệm ngữ nghĩa của từ, ví dụ, các
sắc thái về mầu sắc là không như nhau trong cả hai ngôn ngữ Anh và Việt: từ blue
tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt với hai nghĩa xanh lơ và xanh nước
biển. Mầu sắc trong tiếng Việt được thể hiện bằng các từ theo mô hình hợp nghĩa,
phụ nghĩa và láy lại để tạo ra hàng loạt đơn vị ngôn ngữ với sắc thái chi tiết hơn so
với từ chỉ mầu sắc trong tiếng Anh, ví dụ: xanh - xanh xanh, xanh nhạt, xanh thắm,
xanh da trời, xanh nõn chuối, xanh nước biển, xanh biếc (biêng biếc), xanh lè, xanh
lục, xanh thổ cẩm, xanh cẩm thạch, xanh rêu

Trong hệ thống ngữ pháp tiếng Anh hiện đại không tồn tại phạm trù cách và giống,
không có khái niệm hai động từ đối lập nhau: chưa hoàn thành thể / hoàn thành thể,
ví dụ như trong tiếng Nga. Phần lớn các cụm từ tiếng Anh được thể hiện ở dạng
cụm từ chính phụ, chính xác hơn, ở dạng cụm từ cố định hoặc thành ngữ (phrases).

Các cụm từ này được tạo thành trên cơ sở liên kết phụ thuộc, bao gồm hai thành tố:
thành tố chính (hạt nhân) - kernel và thành tố phụ (bổ sung từ) - adjunct. Cũng như
tiếng Việt, trật tự các thành phần của cụm từ tiếng Anh có ý nghĩa chủ yếu: một
danh từ bất kì đứng trước một danh từ khác đều thực hiện chức năng định ngữ.
Ví dụ:
An air-flow meter - khí cụ đo lưu lượng không khí
Anticorrosive paint - sơn chống gỉ
Liên kết chính phụ không chỉ được thể hiện ở cụm danh từ, mà còn ở cụm động từ

(to work hard, to fly a plane, to decide to stay, to begin singing, to wait for
news ), cụm tính từ (very difficult, proud of his son, ).

Có thể thấy rõ rằng trong tiếng Việt và trong tiếng Anh cấu trúc câu cùng tuân thủ
một trật tự là C - P - O. Thành phần chính của cấu trúc câu trong cả hai ngôn ngữ
Việt và Anh là chủ ngữ S và vị ngữ V, hạt nhân của cấu trúc câu là vị ngữ V. Vị
ngữ là thành phần thiết yếu, không thể thiếu trong cấu trúc một câu bất kì, bởi vì
nếu thiếu vị ngữ thì không tồn tại tính vị ngữ của cấu trúc câu, nghĩa là không tồn
tại sự biểu thị các quan hệ thông báo đối với hiện thực. Chủ ngữ cũng là thành
phần cần thiết trong phần lớn các cấu trúc câu, bởi vì nó chỉ nghĩa sự vật của lời
nói hoặc văn bản tạo nên cơ sở nội dung trần thuật, và do đó, tạo nên nội dung giao
tiếp. Câu có cấu trúc gồm cả chủ ngữ và vị ngữ thì được gọi là câu hai thành phần.

Trong tiếng Việt và tiếng Anh, vị trí các thành phần của câu đều có vai trò quan
trọng trong cấu trúc câu. Việc thay đổi vị trí của vị ngữ (vật mang thông tin chủ
yếu của câu) đối với chủ ngữ, nghĩa là thay đổi trật tự từ trong cấu trúc câu thường
dẫn đến việc nội dung thông báo của câu bị thay đổi, hơn nữa, có thể dẫn đến sự
thay đổi cả hình thức cấu trúc câu và sắc thái của nó.

Vị trí của vị ngữ đối với chủ ngữ có thể rất đa dạng ở các ngôn ngữ khác nhau.
Phần đối chiếu này không hạn chế trong phạm vi hai ngôn ngữ Việt - Anh. Nghiên
cứu có thể được mở rộng hơn đối với các ngôn ngữ khác để trên cơ sở này người
học có thể phát triển nghiên cứu đối chiếu không chỉ hai ngôn ngữ Việt - Anh, mà
còn đối với các ngôn ngữ khác.

Phạm vi đối chiếu có thể được phân định theo các nguyên tắc sau:
- Làm sáng tỏ đặc điểm thể hiện các phạm trù ở ngôn ngữ được nghiên cứu như
thời, thể, xác định, không xác định, phạm trù giống, số, cách, đa nghĩa, đồng âm,
đồng nghĩa, trái nghĩa v.v.
- Đối chiếu các đặc điểm cấu tạo âm vị, hình vị, từ loại, cú pháp v.v.

- Đối chiếu các đặc điểm hoạt động, hành chức của các hiện tượng, phạm trù ngôn
ngữ trong giới hạn các cấp độ.
- Đối chiếu các phong cách chức năng.
- Đối chiếu tiến trình phát triển nhằm làm sáng tỏ các quy luật phát triển và quá
trình biến đổi xảy ra trong nội bộ các ngôn ngữ được nghiên cứu.

(còn tiếp)


×