Lạc vào thế giới thần tiên
của Nicoletta Ceccoli
Chủ nghĩa siêu thực, tưởng tượng, ảo thuật, sinh vật kỳ
lạ, những nhân vật giống như con búp bê xinh đẹp với
khuôn mặt vô tội Chắc chắn đây chỉ là một phần rất
nhỏ để nói về công việc sáng tạo của nghệ sĩ người Ý
Nicoletta Ceccoli. Những tác phẩm nghệ thuật của cô sẽ
cho bạn cảm giác như đang thuộc một thế giới khác, thế
giới vượt thời gian và không bờ bến.
Nicoletta Ceccoli là nữ nghệ sĩ Ý nổi tiếng với các tác phẩm
minh họa sách cho trẻ em. Từ năm 1995 đến nay, cô đã xuất
bản hơn 30 cuốn sách tại Mỹ, Anh và Ý.
Năm 2001, cô nhận giải thưởng Andersen Baia Delle Favole
với danh hiệu họa sĩ minh họa tốt nhất của năm tại Ý. Năm
2006, cô nhận huy chương bạc từ Hiệp hội các họa sĩ của
New York. Những tác phẩm của cô được trưng bày khắp nơi
từ Châu Âu đến các khu vực Bắc Mỹ.
Có người đã nói rằng : "Nicoletta Ceccoli vẽ thế giới cổ tích
của mình để xua đuổi đi nỗi sợ và ám ánh của tuổi thơ. Các
nhân vật trong tranh Nicoletta Ceccoli đều là những cô bé,
con cá, con lợn, con chim và là câu chuyện cổ tích có cái kết
mở. Hay đúng hơn là một lát cắt của thới giới phi thực, nơi
nhân vật đang trong chính cuộc hành trình của mình."
Henri Matisse - Sinh ra để đơn giản hoá hội họa
Henri Matisse sinh ngày 31 tháng 12 năm 1869, tại tiểu trấn
Le Cateau, miền Bắc nước Pháp. Thời thơ ấu, Matisse không
hề bộc lộ chút tài năng gì về hội họa. Ngay cả khi đã là sinh
viên trường luật ở Paris, những lần tham quan bảo tàng
Louver, đứng trước những kiệt tác như "Mona Lisa",
"Venus" Matisse vẫn không chút hứng thú.
Henri Matisse
Nhưng một "sự cố" cuộc đời đã đưa Matisse đến với hội họa,
rồi đưa ông trở thành một trong những người khởi xướng nên
một trường phái hội họa mới: trường phái "Dã thú". Tuy chỉ
tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, song trường
phái "Dã thú" đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng trong
hội họa và đưa tên tuổi Matisse vào hàng ngũ những danh
họa thế giới. Trong khoảng 60 năm cầm cọ vẽ, Matisse đã
tặng cho thế giới những cảnh tượng xinh đẹp và tươi sáng,
ánh nắng, hoa tươi, phụ nữ, những trang sức xinh đẹp
Giống như Mozart, không bao giờ Matisse để cho bóng tối
che khuất sự thuần khiết trong nghệ thuật
“Sự cố" đã đưa Matisse đến với hội họa xảy ra năm 1890.
Khi đó Matisse đang là nhân viên của một công ty luật, chẳng
may bị bệnh. Trong thời gian chữa bệnh, Matisse đã gặp một
người chuyên sao chép tranh. Thấy công việc của người này
cũng hay hay, Matisse bèn mua màu, cọ, toan và tất cả những
dụng cụ liên quan đến hội họa để sao chép tranh, với chủ ý
giết thời gian nhàn rỗi. Nào ngờ, công việc có vẻ như nhàm
chán đó đã có ma lực và hút hồn người thanh niên tưởng
chừng như không có duyên với nghệ thuật này. Từ đó,
Matisse đã cố thuyết phục bố mẹ cho phép ông từ bỏ ngành
luật và bắt đầu lại cuộc đời.
Ban đầu, Matisse theo học một trường dạy vẽ tại quê nhà.
Nhưng đây là một lớp học chỉ đào tạo những nhà thiết kế cho
ngành vải sợi, nên Matisse đã khăn gói lên Paris tầm sư học
đạo. Ông đã thi vào Học viện Mỹ thuật Paris, trở thành học
trò cưng của thầy Moro - một họa sĩ danh tiếng đồng thời là
một giáo sư ưu tú. Vị giáo sư này luôn khuyến khích các học
trò của mình tiếp xúc với tất cả các trường phái hội họa, giúp
họ phát huy sở trường cá nhân. Từ phòng vẽ tranh của ông đã
xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng, như Roueult, Marquet
Matisse đã theo học tại phòng tranh của Moro suốt 5 năm,
mở rộng tầm nhìn, nắm vững những nguyên lý cơ bản làm
nền tảng cho hội họa. Một lần xem tác phẩm đang vẽ dở của
Matisse, Giáo sư Moro đã thốt lên: "Này Henri, anh sinh ra là
để đơn giản hóa hội họa đấy"!
Năm ba mươi tuổi, Matisse vẫn chưa tốt nghiệp Học viện Mỹ
thuật Paris, nhưng ông đã tạm gác việc học hành để lấy vợ và
hai người đã đưa nhau đi hưởng tuần trăng mật ở London và
miền Nam nước Pháp trong vòng hai năm trời. Khi họ quay
trở lại Paris, Giáo sư Moro đã qua đời. Học viện Mỹ thuật lấy
cớ Matisse đã lớn tuổi để đuổi học ông. Thêm vào đó, Pierre
Puvis Chavannes - chủ một Salon mà Matisse thường gửi
tranh bán, cũng qua đời trong năm đó, khiến hai vợ chồng
Matisse lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Dẫu vậy, Matisse vẫn luôn tìm tòi sáng tạo, quyết không
đánh đổi lý tưởng nghệ thuật của mình để vẽ những tác phẩm
rẻ tiền. Ông tập trung nghiên cứu những tác phẩm của các
nhân vật đại biểu cho trường phái "ấn tượng", như Cezanne,
Van Gogh, tiếp thụ những tinh túy của những tác phẩm đó và
phát sinh sức mạnh sáng tạo mới.
Khi nghiên cứu tác phẩm của các bậc tiền bối, Matisse rất
tâm đắc tranh của Van Gogh và câu nói mang tính tuyên
ngôn nghệ thuật của ông: "Thay vì cố thể hiện cái tôi thấy
trước mắt, tôi sử dụng màu một cách tùy tiện để diễn đạt trọn
vẹn bản thân tôi". Đi theo con đường của Van Gogh, Matisse
tâm niệm: "Phải dùng màu sắc để làm chất nổ mở đường đi
về hiện đại. Dùng màu sắc để truyền đạt tình cảm ". Nhưng
cái màu ấn tượng nhất, "chóe" trong hội họa là màu vàng thì
Van Gogh đã "chọn" mất rồi. Còn lại là màu đen, màu xanh,
màu lam, màu tím, màu đỏ , Matisse sẽ chọn màu gì làm
gam màu chủ đạo cho tranh của mình, thực là một câu hỏi
hóc búa.
Từ thử nghiệm đầu tiên là màu lam, với những "Chân dung
Matisse phu nhân", "Khung cửa sổ mở", "Cô gái lõa thể màu
lam" , cuối cùng Matisse đã lấy màu đỏ làm gam màu của
riêng mình. Ông cũng từ bỏ truyền thống tạo hình lập thể và
hình tượng không gian ba chiều vẽ tranh giống như thật để
tập trung thể hiện tình cảm. "Điều mà tôi ao ước đạt được là
một loại nghệ thuật hài hòa, thuần túy, tĩnh lặng. Nó tránh đi
những đề tài làm cho người ta cảm thấy phiền muộn, đau
khổ. Nó cũng giống như một chiếc ghế thư giãn, giúp cho
thân thể đang mệt mới có được một sự nghỉ ngơi"
Tên tuổi của Matisse chỉ thực sự được xác lập một cách vững
vàng khi ông sáng tác "Hòa âm màu đỏ", năm 1908. Khi vẽ
"Hòa âm màu đỏ", Matisse đã đem tất cả người và vật trong
tranh sắp xếp trên một bình diện, một cách hoàn toàn tự do,
phóng khoáng. Vách tường và khăn trải bàn chiếm một diện
tích lớn trong bức tranh được Matisse tô phẳng bằng màu đỏ
để tạo nên gam màu chính của tác phẩm mà hoàn toàn không
để ý đến trạng thái chân thực của chúng trong không gian.
Lấy màu đỏ làm nền tảng, Matisse đã phối trí với những đồ
vật màu vàng, nâu, lam, lục, trắng Mỗi một mảng màu có
một độ sáng khác nhau, có hình dạng dị biệt đã tương hỗ, bổ
sung cho nhau. Khi tia mắt của người xem hướng vào một
mảng màu nào đó, thì hồi âm của nó sẽ rơi vào một vị trí
thích hợp đang chờ đợi nó, khiến cho tia mắt của người xem
được bổ sung, sản sinh ra một khoái cảm về thẩm mỹ.