Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Tài liệu Cần Thơ có bến Ninh Kiều pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (333.54 KB, 10 trang )

Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Đã từ lâu lắm, mỗi khi nói đến Cần Thơ là ai cũng liên tưởng đến bến Ninh Kiều –
nơi bờ sông nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hoà, thơ mộng.

Nhà văn cho rằng “Cảnh lịch người xinh”. Nhà thơ lại ca ngợi :
“Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”
hay
“Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Nữ sinh tha thướt sáng chiều sang sông”
hoặc
“Ninh Kiều cảnh đẹp Cần Thơ
Bừng bừng sức sống từng giờ đổi thay”…
Không phải tả thêm cảnh sắc Ninh Kiều, bởi hai từ riêng này đã in sâu tâm khảm nhiều
người có dịp qua đây. Tuy nhiên có một anh bạn văn nghệ từ Huế vào đồng bằng Cửu
Long tìm hiểu và muốn biết “Tại sao có tên Ninh Kiều?” – Anh hỏi – “Có phải do một
chiến công của Đốc binh Kiều đánh Pháp nơi bến sông này ?”.
Tôi bèn kết hợp những gì mình đã hiểu được và tìm thêm nguồn tư liệu “sống” để xác
định rõ hơn về Ninh Kiều thay câu trả lời.
Trước hết con đường Hai Bà Trưng hiện tại, trước kia mang tên đường Lê Lợi, hẹp, chạy
dọc bờ sông cây cối sầm uất (thời Pháp cai trị đặt tên “Le quai de Commerce”, nhân dân
gọi là bến Hàng Dương hay là bến Lê Lợi), phạm vi từ Bungalow đến phía nhà lồng chợ
cá dài khoảng 440 mét. Ghe xuồng ngày đêm chuyên chở hàng hoá, trái cây khắp làng
quê chợ quận về đậu dọc bờ sông này để đưa lên chợ bán. Tàu đò chở khách ngược xuôi
sông rạch miệt sông Hậu đến rồi đi. Ngày trước trên bến này có 3 cầu tàu. Cầu tàu Hãng
nước đá, từ đường Thủ Khoa Huân ra bến; cầu tàu Lục tỉnh từ đường Ngô Quyền (chỗ
đèn ba ngọn) ra bến dành cho tàu đò khắp các tỉnh và Sài Gòn về ghé ở đây; cầu tàu chở
hàng Nam Vang (chỗ nhà lồng chợ cũ – bến đò Sân Heo) dành cho các tàu chở hàng hoá
đối lưu theo sông Hậu lên xuống Cần Thơ – Nam Vang (Campuchia).
Năm 1957 khi làm Tỉnh trưởng Phong Dinh (từ 8-4-1957 đến 3-12-1959) thời Đệ nhất
Cộng Hoà, ông Đỗ Văn Chước đã cho lập nơi bến sông này một công viên cây kiểng và


bến dạo mát rất đẹp: dọc bờ sông kè đá thẳng tắp; trên bờ có khu công viên trồng cây
kiểng, những lối đi tráng nhựa với lề xi măng len lỏi vào sân cỏ trông đẹp mắt. Những
băng đá mài nhẵn bóng để khách ngồi nghỉ chân ngắm cảnh dọc bờ sông. Trong công
viên có những trụ đèn, bên dưới cũng đặt băng đá mài, đêm đêm ánh sáng toả xuống
thảm cỏ xanh mượt mà êm ả. Những cây cau kiểng đặt trong chậu xi măng rất đẹp, lá tủa
ra lung linh theo từng cơn gió sông Hậu thổi vào… Mỗi cây kiểng có tàng cắt uốn vén
khéo rất kỹ thuật; xung quanh có con đường tròn với ba lối đi vào nơi đặt bốn chiếc băng
đá đâu lưng nhau. Vào những buổi chiều, du khách tha hồ vào đây dừng chân ngồi nghỉ
mát, mắt nhìn ra dòng sông Hậu hiền hoà với những con đò đưa rước khách sang sông.
Và phía bên kia sông là Xóm Chài nhà cửa đủ loại đủ kiểu chen trong những rặng cây
nhấp nhô soi bóng dưới dòng nước hiền hoà thắm đậm phù sa mà mỗi buổi chiều từ bên
này bến nhìn sang cho ta cảm nhận một nét đẹp tuyệt vời và cũng gợi trong lòng ta cái
thoáng hiện mong manh vì “mịt mờ nhân ảnh”. Bởi những chiếc đò chèo đưa rước khách
lướt nhẹ như sương như khói trên mặt sông trữ tình, đến nỗi thi sĩ Kiên Giang khi viết bài
thơ Tình Trắng nói lên mối tình thời học trò ở Cần Thơ có đoạn:
Xóm Chài ửng nét duyên thôn nữ
Gió thổi lồng bay áo túi hồng
Cô lái đò ngang cười chúm chím
Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông…
Cũng hình ảnh những con đò dật dờ trên sông nước đưa rước khách sang sông mà nhà thơ
Kiều Diễm Phượng khi đối diện với cảnh sắc hữu tình đã trang trải lòng mình trong bài
Lỡ Chuyến Đò :
Tây Đô sóng nước lặng lờ trôi
Một chiếc thuyền con tách bến rồi
Thấp thoáng bên sông người vẫy gọi
Lạnh lùng đò vẫn lướt ra khơi.
Đôi mắt trông theo vời vợi buồn
Cúi đầu lặng bước bóng chiều buông
Đò đời lỡ chuyến thôi đành vậy
Chẳng biết đò duyên có lỡ không ?

Thêm một hàng dương giống loại cây tùng, thẳng đứng, xếp thành đường thẳng dọc theo
lề đường Lê Lợi như trơ gan cùng mưa nắng. Ban ngày, bến Ninh Kiều còn là nơi hành
nghề của những nhà nhiếp ảnh. Du khách sẽ bắt gặp biết bao kiểu ảnh mới xinh đẹp của
bến Ninh Kiều gắn trên các bảng quảng cáo của các nhiếp ảnh viên Văn Kỉnh, Văn Mười,
Hoàng Xuân Sít, Trần Văn Bé v.v… Về đêm, các bé gái, bé trai đội từng xề mía, rổ đậu
phộng rang mời khách. Ở đây du khách sẽ nếm được chất ngọt ngào của mía Cần Thơ,
của trái cây đặc sản miền phù sa sông Cửu.
Năm 1966, nhà thơ Phan Yến Linh (tức Phan Trần Duyên) có về Cần Thơ. Chúng tôi gặp
nhau trong thân tình văn nghệ, khi rời nơi đây, anh đã gởi lại bài thơ TỪ BIỆT NINH
KIỀU, bài thơ nầy đăng trên nhật báo Miền Tây, xin trích lại để giới thiệu cùng quý bạn
đọc tình cảm của một văn thi sĩ trước bến Ninh Kiều vào những tháng năm chiến tranh
tàn khốc và tình hình giới nghiêm thường xuyên được ban ra trong lòng thành phố Cần
Thơ.
TỪ BIỆT NINH KIỀU
Tôi đến đây năm hôm rồi em
Lang thang qua phố mưa buồn thêm
Ninh Kiều bến đợi ai xa lạ
Tôi chỉ mình tôi ngắm bóng mình.

Thuốc đóm loè như đèn trên sông
Thuyền ai về đó có xuôi dòng!
Tôi người xa xứ đi phương lạ,
Đến chẳng ai mừng – đi cũng không.

Làm khách năm hôm làm khách trọ,
Gió mang ý lạc nhớ cô phòng.
Ở đây son phấn lên từng đợt,
Đã bẩn bao nhiêu đời trắng trong?

Mai nầy giã từ Tây Đô ơi!

Duyên em còn ửng nét môi cười.
Hãy quên tóc rối người lang bạt,
Đừng nhắc chung tình, hẹn lứa đôi.

Cho nước Tiền Giang êm thắm chảy,
Hậu Giang cũng ngọt chuyến đò xuôi.
Nửa đêm quán trọ ngùi tâm sự,
Mai lại làm thân én cuối trời.
(thơ Phan Yến Linh)

Do đề xuất của ông Ngô Văn Tâm, Trưởng ty Nông Nghiệp, đồng thời phụ trách đoàn
Thanh Niên 4T (tức Khuyến Nông), ông Đỗ Văn Chước đã đệ trình lên Tổng Thống Ngô
Đình Diệm xin đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều. Ông đã dựa vào lịch sử Việt Nam,
lấy tên một địa danh lịch sử chiến thắng quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn
do Lê Lợi thống lãnh : “Cho nên đánh trận đầu ở Trà Long mà lấy lại được đất Nghệ An,
Thanh Hoá; đánh trận nữa ở Ninh Kiều mà thu lại cõi bờ nước Đại Việt” (1). “Tuy Động
thây phơi đầy đất, Ninh Kiều máu chảy thành sông” (2). Ninh Kiều chính là một địa danh
đã diễn ra trận đánh ác liệt và cũng là chiến thắng lớn đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn
kể từ khi mở cuộc hành quân ra đất Bắc. Trận đánh diễn ra vào ngày 12 tháng 8 năm
Bính ngọ (tức ngày 13-9-1426), khi nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, Đô Bí Lý
Triển và Trịnh Khả mai phục giặc ở Ninh Kiều và đã chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt trên
2.000 quân Minh. Tướng giặc là Trần Trí phải tháo chạy về Đông Quan (Hà Nội ngày
nay) chờ quân cứu viện. Sau trận này Trần Trí bị cách chức Tổng binh. Chính trận Ninh
Kiều đã tạo ra tiền đề cho trận đại thắng ở Tốt Động vào ngày mùng 7 tháng 10 năm Bính
ngọ (7-11-1426) tiêu diệt hơn 60.000 quân Minh.
Ta có thể hình dung địa thế nơi đó : “Để tiến công quân ta ở gần Đông Quan, 10 vạn quân
Minh đã bố trí theo thế cánh quạt ở phía Tây và
Tây Nam Đông Quan, quân của Vương Thông tiến ra vùng Cổ Sở (nay là vùng An Sở
ven sông Đáy) làm căn cứ xuất phát, từ phía Bắc đánh xuống Ninh Kiều; quân của Mã
Kỳ lấy bàn đạp cầu Thanh Oai, tiến công từ phía Đông. Kế hoạch tiến công từ ba căn cứ

Cổ Sở, Sa Đôi, Thanh Oai cùng một lúc tiến vào Ninh Kiều hợp vây tiêu diệt quân ta ở
vùng Chương Mỹ (Hà Đông ngày nay)” (3). Qua khảo sát thực địa, trận địa này diễn ra từ
xóm Phù Ninh (làng Yên Duyệt) đến xóm Đồng Kiều (làng Tốt Động) gọi là trận Ninh
Kiều ở vào khoảng gần giữa xã Tốt Động ngày nay. Xóm Phù Ninh và Đồng Kiều cách
nhau khoảng 1.500 mét đường chim bay, phía Đông và Nam tiếp cận với “Suối Ninh
Kiều”, phía Tây giáp sông Bùi, phía Bắc giáp sông Vạc (nơi có chim vạc đến làm tổ sinh
sống). Như thế tên Ninh Kiều là ghép hai tên xóm Phù Ninh và Đồng Kiều thuộc xã Tốt
Động, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
Việc chọn tên Ninh Kiều để đặt cho một bến và công viên mới thành lập dọc theo đường
và bến Lê Lợi rõ ràng là có ý nghĩa và phù hợp với chiến tích lẫy lừng của người anh
hùng áo vải đất Lam Sơn mà người địa phương trước đây đã chọn đặt cho một tên đường
dọc theo một bến sông hiền hoà sông nước, màu mỡ phù sa ven thành phố Cần Thơ.
Ngày 4 tháng 8 năm 1958, ông Lâm Lễ Trinh, người quê quán Cái Răng (Cần Thơ), Bộ
Trưởng Nội Vụ thời Đệ nhất Cộng Hoà, đã từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng
khánh thành, đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Ninh Kiều theo đề nghị của ông Đỗ
Văn Chước (4). Sự có mặt của tên bến Ninh Kiều chỉ đơn giản như vậy. Nơi bến sông
này chưa hề xảy ra trận đánh ác liệt và lịch sử nào (ngoại trừ khu vực Tham Tướng có
diễn ra trận đánh giữa Lý Chính hầu Mạc Tử Sanh (con của Mạc Thiên Tứ) đánh nhau
với quân Tây Sơn nơi Trấn Giang và đã tử trận ở con rạch này năm Ất mùi 1775 – Tham
Tướng là chức vụ của Mạc Tử Sanh, vì vậy con rạch nơi ông tử trận được chính quyền và
triều đình nhà Nguyễn đặt tên rạch Tham Tướng; trước năm 1975 con đường từ cầu
Tham Tướng đi Cái Răng được mang tên Mạc Tử Sanh). Bến Ninh Kiều nhanh chóng trở
nên quen thuộc với người địa phương và du khách khắp nơi có dịp đến Cần Thơ, có lẽ do
cảnh trí địa lý và khi hậu ôn hoà của miền Hậu Giang sông nước. Một nhà văn có lời giới
thiệu mời gọi thật quyến rủ : “Bạn có về Miền Tây nhớ ghé thăm cảnh đẹp Tây Đô, một
thành phố giàu sang, xinh đẹp, nằm cạnh dòng sông Bassac dịu hiền”. Tây Đô được xem
là thủ phủ Miền Tây, cũng là Cần Thơ cảnh lịch người xinh, trong đó có Bến Ninh Kiều
là niềm hãnh diện của mỗi người dân Cần Thơ!

Có một thời gian dài, nhất là sau năm 1975 đến nay, bến Ninh Kiều thiếu sự chăm sóc.

Du khách về tới Cần Thơ muốn ra dạo bến Ninh Kiều, đã phải tiếc rẻ bởi sự “xuống cấp”
trầm trọng của nó. Hình ảnh xinh đẹp nên thơ hữu tình vang tiếng một thời chỉ còn trong
những tấm ảnh của các nhà nhiếp ảnRead more…h Trần Văn Bé, Hoàng Xuân Sít, Văn
Kỉnh, Văn Trắng, Văn Mười… mà theo thời gian và số phận của từng tác giả cũng đã
chìm sâu trong quên lãng cuộc đời.
Một anh bạn, năm 1988, từ miền du lịch Nha Trang cát trắng vào chơi, có nêu suy nghĩ :
“Nếu khu công viên cây kiểng được chăm sóc vén khéo, băng ghế đá, bờ đá kè dọc theo
bờ sông luôn giữ được sạch đẹp… nhất là ngăn chận được mọi tệ nạn trà trộn, xâm nhập
nơi đây, bến Ninh Kiều mới thật sự “đẹp”, “nên thơ”, mới xứng đáng mang tên một trận
đánh lịch sử hào hùng của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn: Bình định vương Lê Lợi.
Con đường đổi tên hai Bà Trưng, dù là nhân vật lịch sử rất đáng tôn kính, nhưng nếu trả
về tên Lê Lợi như ngày trước thì phù hợp với tên công viên và bến hơn. Chừng đó, mỗi
du khách dù người trong nước hay ngoại kiều đến với Cần Thơ, với thành phố thủ phủ
Miền Tây nằm ven sông Hậu, khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, bốn mùa
khí hậu hiền hoà, mới mạnh dạn cho rằng “Cần Thơ có bến Ninh Kiều”…
Câu nói chí tình của anh bạn phương xa đối với nơi mình sinh ra và lớn lên đã gợi trong
lòng tôi nỗi ray rứt bởi thực tế của nhiều năm qua. Bây giờ công viên Ninh Kiều dù đã
từng bước được chỉnh trang, nhưng cần có kế hoạch đầu tư xây dựng và quy hoạch nâng
cấp cao hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu thưởng ngoạn của du khách. Các cửa hàng buôn
bán, quán cà phê đã mọc lên trong khu vực công viên cũng nên dời đi nơi khác, kể cả
tượng đài, vì nó làm kém đi mỹ quan của cảnh trí nơi đây : cần một không gian thoáng
rộng, để mỗi đêm khi cả thành phố lên đèn, ánh điện sẽ soi bóng nhấp nhô dưới dòng
nước trong lành. Đứng trên bến Ninh Kiều mắt ta nhìn sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu
ở đầu vàm sẽ thấy một dãi cù lao mập mờ cây lá, tạo cho ta niềm rung cảm dạt dào.
Ngược lại nếu đứng từ bên kia Xóm Chài nhìn sang sẽ thấy toàn cảnh Ninh Kiều và phố
sá rực rỡ ánh đèn soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp lánh như rắc ánh vàng thật lung
linh tuyệt đẹp giữa trời nước bao la, không khí trong lành nhờ cơn gió từ dòng Hậu Giang
đưa vào. Còn các tệ nạn thì sao ? Câu hỏi cần lời đáp, để một ngày không xa, du khách về
đây với niềm vui : “Cần Thơ có bến Ninh Kiều”… Và riêng tôi dù sống xa đến nửa vòng
trái đất, dù đường về còn mù mịt, nhưng từ trái tim mình hình ảnhquê hương yêu dấu vẫn

mãi đậm sâu khó thể phai mờ. Thật sự nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người chính là quê
hương trong trí nhớ. Tôi không hề quên câu nói nằm lòng của anh Kiên Giang : “Người
ta có thể tách bước rời khỏi quê hương nhưng không thể tách rời con tim khỏi quê hương
được”.
Tháng 12 năm 1998 có dịp trở lại Cần Thơ, tôi thấy sự đổi khác của công viên Bến Ninh
Kiều. Toàn cảnh từ trại Yết Kiêu cũ chạy dài đến cầu tàu lục tỉnh (tức chỗ đèn ba ngọn –
đầu đường Ngô Quyền và đường Hai Bà Trưng (Lê Lợi cũ) hoàn toàn là một công viên
thứ tự, ngăn nắp, trồng nhiều cây cảnh mỹ thuật. Dọc mé sông là lan can bằng sắt có đặt
và trồng nhiều chậu cây kiểng, ghe xuồng khắp nơi không còn đậu bừa bãi. Nhiều cây
cảnh xếp đặt ngăn nắp trong khu công viên. Tất cả các lối đi tráng xi măng phẳng lỳ.
Nhiều thùng rác công cộng đặt tại những vị trí cần thiết, với hình tượng con chim cánh
cụt đang há miệng, bên dưới có hàng chữ “xin cho tôi rác” – hàng chữ khôi hài nầy đã tác
động được ý thức mọi người, nên công viên ngày nay khá sạch sẽ ngoài tưởng tượng của
nhiều người có dịp trở lại đây. Tất cả hàng quán bề bộn năm nào đã hoàn toàn biến mất.
Các cô gái mãi dâm, các người ăn xin, ngủ lang thang, bụi đời… không còn lảng vảng
quanh đây. Mỗi khuya sớm, rất đông người lớn tuổi tập trung trong khu công viên nầy để
tập “dưỡng sinh”, hít thở không khí trong lành ban mai từ sông Hậu hiền hoà thổi vào là
hình ảnh khao khát thanh bình của dân tộc.

×