Tải bản đầy đủ (.pdf) (21 trang)

Tài liệu Yogia, nơi lưu giữ những báu vật Indonesia docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (206.28 KB, 21 trang )



Yogia, nơi lưu giữ những
báu vật Indonesia

Ở Indonesia, nếu Jakarta là nơi phồn hoa đô hội nhất, Bali là
nơi phong cảnh nên thơ hữu tình nhất thì Yokjakarta - cố đô
của đất nước này, mà người Indonesia thường gọi một cách
trìu mến là Yogia - nổi danh vì sở hữu hai di sản văn hóa thế
giới được UNESCO công nhận.

Nằm ở trung tâm đảo Java, cách Jakarta khoảng 800km về
phía Đông, kinh đô xưa vẫn còn nguyên không khí êm đềm
và nhịp sống chậm rãi như bao đời nay.

Ngôi chùa lớn nhất thế giới


Một mặt của ngôi chùa vuông Borobudur

Chúng tôi đến Yogia vào một buổi sáng sớm, ban mai miền
xích đạo nắng bỏng chân trời, nhưng thành phố nhìn từ trên
cao trông thật dịu mắt với những dãy phố lợp ngói đỏ ẩn hiện
dưới tán cây xanh mát rượi bên đường, gợi nhớ đô thị ở Việt
Nam năm xưa cũng có một thuở đường xanh ngói đỏ, trước
khi mái tôn lô xô và nhà ống lên ngôi. Trước khi Indonesia bị
Bồ Đào Nha xâm chiếm và đặt trụ sở hành chính ở Jakarta
vào năm 1619, Yogia đã có một thời gian dài là kinh đô của
đất nước này. Như một định mệnh, lịch sử thành phố gắn với
sự phát triển và suy tàn của những tôn giáo lớn.


Hiện nay hơn 90% dân số Yogia theo đạo Hồi, nhưng xưa
kia, đạo Phật rồi đạo Hindu đã phát triển hết sức rực rỡ ở đây.
Mỗi tôn giáo đều ghi lại dấu ấn của mình bằng những công
trình kiến trúc nghệ thuật vĩ đại. Phật giáo được truyền đến
Yogia vào khoảng năm 450 dưới thời trị vì của vương triều
Sailendra. Từ khoảng 770 đến 825, ba vị vua vương triều này
nối nhau xây chùa Borobudur cách trung tâm thành phố hiện
nay 40km.

Nhìn từ xa, Borobudur như một quả đồi vuông vức được tạc
bằng đá, rộng 2.500m2, cao 43m. Kiến trúc được chia thành
ba phần, gồm năm tầng bên dưới hình vuông rồi đến ba tầng
trên hình tròn. Trên cùng là một bảo tháp lớn. Vật liệu được
sử dụng toàn là đá núi lửa. Trong ba tầng hình tròn thì số bảo
tháp ở tầng thứ nhất là 32, tầng thứ hai là 24, tầng thứ ba là
16. Các bảo tháp này đều được khoét rỗng, bên trong có một
bức tượng Phật đang ngồi thiền. Riêng bảo tháp lớn nhất ở
tầng trên cùng với đường kính 15m thì trống không, tượng
trưng cho tánh Không và sự giác ngộ.


Các bảo tháp ở trên cùng

Cửa vào Borobudur nằm ở phía Đông, đi qua các tầng bằng
các bậc thang xây theo chiều kim đồng hồ. Những tầng thấp
nhất tượng trưng cho Dục giới, gồm những bức tranh đá mô
tả cảnh tượng của thế giới tham dục, gồm những tham sân si,
khổ lụy của chúng sinh. Các tầng giữa khắc họa cuộc sống
của thánh nhân ở Sắc giới, rồi đến cảnh tượng Vô sắc giới
của các thiên nhân. Những tầng trên cùng kể lại cuộc đời và

các huyền thoại xung quanh đức Phật.

Nhận thức của con người bắt đầu bằng những buồn vui, sân
hận đời thường nhưng qua quá trình tu tập có thể đạt đến
trạng thái tự do tinh thần tuyệt đối, có thể thấy hành trình đó
được diễn tả một cách thông minh, sâu sắc bằng nghệ thuật
kiến trúc. Borobudur có 602 pho tượng, 1.460 bức điêu khắc
bằng đá và hơn một ngàn hình ảnh trang trí tạc trên đá.
Những trang kinh tạc trên đá diễn tả khái niệm về vũ trụ, thế
giới loài người bằng hình ảnh hết sức sống động và chân
thực.

Và một ngàn ngôi đền thiêng


Mặt trước quần thể Prambanan

Borobudur hoàn thành chưa được bao lâu thì đến thế kỷ thứ
IX, vương triều Sanjaya ở một vương quốc láng giềng vốn rất
sùng đạo Hindu, hay còn gọi là Ấn giáo đã chiến thắng nhà
Sailendra. Từ đó Ấn giáo dần dần thay thế Phật giáo ở Java
và cũng để lại nhiều công trình. Còn tồn tại đến ngày nay là
Prambanan, được đánh giá là quần thể đền Hindu đẹp nhất
thế giới, nằm cách trung tâm Yogia 17km, được xây dựng từ
giữa thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ X.

Chuyện rằng trên vùng đất này xưa kia là một vương quốc
hòa bình, nhưng một ngày vó ngựa xâm lăng của vị vua láng
giềng có tài sai khiến ma quỷ Bandung Bondowoso đã tràn
đến đây. Bạo chúa giết quốc vương, nhưng đem lòng yêu và

cầu hôn công chúa xinh đẹp Roro Jonggrang. Hận kẻ giết cha
nhưng nếu từ chối lời cầu hôn thì đất nước của Roro sẽ phải
chịu tang tóc, công chúa ra điều kiện nếu muốn lấy nàng,
Bandung phải xây xong 1.000 ngôi đền trong một đêm.

Bandung chấp nhận và gọi âm binh xây đền. Qua nửa đêm,
khi thấy 999 ngôi đền đã xây xong, Roro sai cung nữ đốt lửa
giã gạo, ra vườn hái hoa. Âm binh thấy vậy tưởng đêm đã
tàn, Mặt trời sắp mọc nên hoảng hốt biến mất, bỏ lại công
trình còn dang dở. Đến sáng, thấy kế hoạch thất bại, Bandung
giận dữ biến công chúa thành ngôi đền thứ một ngàn.


Các trang trí trên đền Shiva

Hiện nay quần thể chỉ còn lại 244 ngôi đền, trong đó có ba
ngôi đền chính là đền thờ thần Vishnu (thần Bảo tồn), thần
Brahma (thần Sáng tạo) và thần Shiva (thần Hủy diệt) đều
quay mặt về hướng Đông. Ngôi đền Shiva cao nhất, tới 47m,
chia làm nhiều tầng, có bậc thang đi lên. Mỗi ngôi đền chính
có một ngôi đền phụ quay mặt về phía Tây để thờ linh vật
của các vị thần. Các ngôi đền cũng được xây dựng bằng đá
và được chạm khắc bởi trình độ thẩm mỹ cao với nguồn cảm
hứng sáng tạo từ những câu chuyện trong bộ kinh Vệ Đà.

Phía sau khu đền là một sân khấu ngoài trời lớn, nơi diễn
Ramayana - bộ sử thi bất hủ của Ấn giáo xoay quanh chuyện
tình của đức vua Rama và hoàng hậu Sita. Xung quanh đền là
một công viên rộng lớn nhiều bóng cây cổ thụ được chăm sóc
rất cẩn thận.


Sự vĩ đại về quy mô xây dựng và tính mỹ thuật trong kiến
trúc của các công trình tôn giáo này luôn gây ấn tượng mạnh
cho du khách. Các bức tượng, phù điêu được tạc rất tinh tế và
có hồn. Có thể thấy những nghệ nhân xưa đã làm việc với
niềm tin và cảm xúc tôn giáo thật sự. Các phế tích đặc biệt uy
nghi vào lúc chiều tà và những đêm trăng. Dưới ánh tà huy,
khi lòng người thường hoang hoải trong khoảnh khắc giao
thoa giữa ngày và đêm, đền đài trông càng uy nghi và huyền
bí.

Thật ra, cả hai công trình lớn đều từng bị lãng quên trong
thời gian dài. Khi Borobudur được một người Anh tìm ra
theo lời kể của dân địa phương, ngôi chùa này đã bị bao phủ
bởi rừng già và tro bụi núi lửa. Còn Prambanan đến cuối thế
kỷ XIX đã gần như hoàn toàn đổ nát. Nhưng người Indonesia
đã bảo tồn và phục chế rất tốt những công trình này. Ngay
sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Indonesia khi
đó dù có hơn 90% dân theo Hồi giáo nhưng vẫn ý thức được
giá trị của các công trình này nên đã bỏ ra ngân sách rất lớn,
mời được nhiều nhà khảo cổ uyên bác và cả UNESCO giúp
sức trùng tu.

Bất ngờ hoàng cung


Gian phòng lộng lẫy nhất của hoàng cung

Hoàng cung cũng là nơi gây bất ngờ cho hầu hết du khách,
nhưng bởi sự quá giản dị của nó. Không nguy nga lộng lẫy,

không lầu gác đền đài, không kỳ hoa dị thảo, nơi đây chỉ có
một khu nhà rộng với kiến trúc đơn sơ. Giá trị có lẽ chỉ ở một
số ít ỏi hiện vật và hình ảnh về hoàng gia. Bên ngoài bức
tường thấp là khu phố cổ buôn bán sầm uất. Có thể thấy ngày
xưa, nhà vua nơi đây sống không quá cách biệt với người
dân. Nay vua vẫn tồn tại trên danh nghĩa, vẫn sống trong
hoàng cung và nhận được sự tôn kính của người dân.

Người gác cổng hoàng gia cho biết anh ta làm việc ở đây vì
muốn được sống dưới bóng che chở của đức vua, chứ lương
mỗi ngày chỉ đủ cho một bữa ăn. Sau sáu tiếng đứng gác, anh
ta phải làm thêm buổi tối mới đủ sống nhưng vẫn cảm thấy
hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống, không cầu mong gì
hơn. Đối diện hoàng cung là căn nhà của hoàng thân (em trai
đức vua) hiện cũng đưa vào kinh doanh du lịch bằng cách
phục vụ du khách ăn trưa trong tiếng nhã nhạc cung đình.


Những trang trí được tạc trên đá

Sở hữu nhiều di tích như vậy nhưng Yogia chưa phát triển
mạnh về du lịch, hầu như chưa có những dịch vụ giải trí phục
vụ du khách như nhà hàng, bar… Tuy nhiên ngành du lịch
Yogia đã làm được một việc mà chưa nơi nào ở Việt Nam
làm được, đó là việc đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống
vào chương trình tour. Ca múa nhạc cung đình, mà tiêu biểu
nhất là vở tuồng Ramanaya được diễn hàng đêm.

Sân khấu xem nghệ thuật biểu diễn Ramayana khá đơn sơ,
chỉ là một khoảng sân, xung quanh là những dãy ghế xi

măng, nhưng chương trình thì được dàn dựng nghiêm túc.
Diễn viên trang điểm, phục sức lộng lẫy, biểu diễn với tất cả
tài năng và lòng yêu nghề.

Ban đầu đoàn chúng tôi - với phần lớn là những người trẻ,
không hứng thú lắm với những tuồng tích cổ. Thế nhưng chỉ
sau 15 phút, cả đoàn thật sự bị sân khấu mê hoặc, không hiểu
ngôn từ nhưng vẫn bị lời hát, lời thoại đầy cảm xúc lôi cuốn.
Từng cử chỉ bước đi, từng cái liếc mắt của nghệ sĩ đều rất
biểu cảm. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, vở diễn kết thúc, sân
khấu vang tiếng vỗ tay của khán giả đủ quốc tịch. Rất đông
khán giả lên chụp hình với diễn viên, nhiều người còn đợi
đến lúc các nghệ sĩ lui hết vào hậu trường rồi mới ra về. Triết
lý về chân thiện mỹ của bộ sử thi hơn hai ngàn năm tuổi đã đi
vào lòng người bằng những hình ảnh đẹp lung linh.

Thời gian làm phai nhạt những niềm tin, tôn giáo cũng thay
đổi theo thời cuộc. Theo quan niệm của đạo Hindu, phải có
thần Hủy diệt để có thần Sáng tạo, nhưng cũng phải có thần
Bảo tồn để giữ lấy cái đẹp. Là một đất nước yêu cái đẹp,
Indonesia đã sáng tạo và gìn giữ được nhiều công trình nghệ
thuật độc nhất vô nhị qua ngàn năm vật đổi sao dời.
Yogja quyến rũ

Java, hòn đảo trung tâm, trái tim của Indonesia, là hòn đảo
không thuộc loại lớn nhất của đất nước này, nhưng là nơi cư
ngụ của hơn phân nửa dân số Indonesia. Nếu thủ đô Jakarta
được mệnh danh là thành phố của hi vọng, vùng đất hứa của
Indonesia với dân số 15 triệu người nằm ở rìa biển phía tây
của hòn đảo thì thành phố nhỏ Yogyakarta (được gọi thân

thuộc là Yogja) nằm ở trung tâm hòn đảo được coi như một
cố đô, một trung tâm lịch sử, văn hóa và triết học.

Thành phố của vua


Yogyakarta là cung điện hoàng gia Keraton của dòng họ
Sultan, dòng họ đã cai trị công quốc này trước đây. Yogja
hiện vẫn còn có vua. Vua kiêm luôn chức vụ tỉnh trưởng.
Đây là vị vua thứ 10 của dòng họ Sultan. Ông vẫn sống trong
cung điện cổ mà cha ông mình đã xây dựng cách đây hai thế
kỷ. Không giống những vị vua trước, ông chỉ có một vợ
(trong khi đàn ông đạo Hồi bình thường được phép cưới đến
bốn vợ) cùng cai quản một hoàng cung khiêm tốn hơn cả
hoàng cung Huế, nhưng có nhiều lâu đài nhỏ được xây dựng
theo tín ngưỡng truyền thống của Java.

Keraton vừa là thủ phủ của vương quốc vừa là trung tâm của
vũ trụ, là biểu tượng của triều đại và tính thiên định của một
xứ sở Hồi giáo ôn hòa, nơi có những công trình xây dựng
tuyệt tác của đạo Phật và đạo Hindu. Hai bên cổng vào khu
dinh thự vua ở có đặt tượng hai vị thần Thiện và Ác - rõ ràng
là chịu ảnh hưởng của Phật giáo! Theo lời người hướng dẫn,
phần đất thuộc sở hữu hoàng gia Sultan hiện nay là 1km2.
Trên các con phố bao quanh hoàng cung là những dãy cửa
hàng và nếu ai cần thuê để buôn bán, hãy tìm đến hoàng gia!

Và đền đài



Yogja có rất nhiều di sản đền đài. Chỉ trong phạm vi bán kính
20km của TP này đã có hai ngôi đền vĩ đại. Đền thờ Phật
Borobudur (cách trung tâm Yogja 40km) và đền thờ Hindu
Prambanan (cách Yogja 17km) được xây bằng đá từ giữa thế
kỷ 8 và 9, trước cả Angkor Wat đến 300 năm. Đến Indonesia
mà không viếng thăm Borobudur và Prambanan cũng giống
như đến Campuchia mà không đặt chân đến Angkor vậy.

Borobudur là một quần thể đá hình vuông rộng 125m2 xây
nhọn dần từ dưới lên trên. Phải mất hai giờ đồng hồ tôi mới
tham quan xong một vòng trên xuống dưới ngôi đền này. Để
lên đến chóp tháp lớn chứa tượng Phật, phải leo 171 bậc
thang đá. Có 72 chóp tháp chứa tượng Phật nhỏ hơn quây
quần chung quanh tháp lớn.

Không kể những quần thể phù điêu, chỉ riêng số tượng Phật
bằng đá có ở ngôi đền này là 504 vị mà hiện nay có nhiều vị
đã bị mất đầu. Người ta tính rằng để xây được công trình này,
30.000 thợ cắt đá và điêu khắc đã làm việc ròng rã trong 75
năm với 15.000 tàu chuyên chở đá đến từ khắp nơi.

Cũng giống như Angkor, sau một thế kỷ hoàn thành,
Borobudur bị quên lãng một cách bí mật và chỉ được phát
hiện trở lại vào đầu thế kỷ 19 nhờ một người Anh tên
Thomas Stamford Raffles. Trải qua nhiều lần tôn tạo, nhất là
trong 10 năm từ 1973-1983, với sự kêu gọi của Unesco, công
trình đã được phục chế lại như hôm nay với kinh phí 25 triệu
USD. Có một hòn đá to trong khuôn viên đền, ghi lại lời của
Tổng thống Suharto trong buổi lễ khánh thành Borobudur
năm 1983: “Bây giờ, chúng ta có thể hi vọng Borobudur tồn

tại thêm 1.000 năm nữa”. Cũng như Vạn lý trường thành của
Trung Quốc, với người dân Indonesia hôm nay “bất đáo
Borobudur phi hảo hán”.

Prambanan thờ các vị thần của đạo Hindu là một sự vĩ đại
khác. Trong vùng đất trũng đầy dấu tích của núi lửa mà
người ta gọi là “thung lũng của các vị vua” này, một quần thể
gồm 240 ngôi đền đá đã được xây dựng và hoàn thành vào
năm 856. Phần lớn trong số đó đã bị đổ sụp theo thời gian
(vẫn còn lại những đống đá hôm nay), chỉ còn lại khoảng 10
ngôi đền lớn nhỏ trong khuôn viên 110m2.

Candi Siva Mahadeva, cao 47m là ngôi đền lớn nhất thờ thần
Siva. Để giải thích cho việc xây dựng kỳ diệu này, có một
truyền thuyết kể rằng: một vị thần đã xuống cầu hôn công
chúa; vua cha ra điều kiện sính lễ là xây ngôi đền trong vòng
một đêm. Nét đẹp tuyệt vời của Prambanan chỉ được cảm
nhận lãng mạn nhất là dưới ánh trăng. Một nhà hát ngoài trời
Trimurti được xây kế bên, lấy phông tự nhiên là những ngôi
đền sừng sững hiện lên dưới nền trời trong những đêm trăng
sáng.

Hương liệu, bầu cử & những thứ khác


Buổi sáng, từ khung cửa tầng bảy của khách sạn năm sao
Sheraton, ngọn núi lửa Merapi cao gần 3.000m hiện ra với
cái miệng nhả khói lên bầu trời xanh. Ngọn núi biểu tượng
của trung Java này vẫn đang hoạt động và một trạm nghiên
cứu địa chất đặt ở sườn núi vẫn luôn canh chừng hoạt động

của nó.

Ở Yogja, khách sạn nào cũng có bày hương liệu trong phòng
sảnh lobby, trong phòng ngủ. Có những cửa hàng bán đủ các
loại cánh hoa trên đường phố. Có lẽ đây là đất vua nên Spa
(massage) được coi như một nghệ thuật và tất cả khách sạn
đều chú ý đến nghệ thuật này.

Đến Yogja mà không thưởng thức Spa với đủ thứ hương liệu
dược thảo thì quả là uổng phí, nhưng một suất Spa nghiêm
chỉnh sáu giờ ở Sheraton có giá bằng 2,8 triệu đồng VN!

Trong những ngày tôi ở đây, việc cổ động bầu cử đang trong
giai đoạn quyết liệt. Các đường phố treo đầy cờ phướn của
các đảng phái, và hàng đoàn cổ động viên với các sắc áo
đồng phục nẹt bô ầm ầm trên đường phố, vui và náo nhiệt.
Đường phố không thấy bóng cảnh sát, họ chỉ có mặt khi cần
giải quyết sự cố. Chỉ có những bức tượng cảnh sát y như thật
được dựng tại các ngã tư trung tâm. Cứ đi trong phạm vi bán
kính 1km, bạn sẽ bắt gặp một trường đại học. Yogja có tới
120 trường và viện đào tạo đại học, trong đó có Trường đại
học quốc gia Gadjah Mada lớn nhất nhì Indonesia, nơi cho ra
lò nhiều chức sắc lãnh đạo quốc gia. Trường có đến 55.000
sinh viên, trong số này có 13 sinh viên VN.

Đạo Hồi ở Yogja ôn hòa và bao dung hơn so với Hồi giáo
mạnh mẽ ở đảo Aceh. Riêng đảo Bali với số đông người theo
Ân giáo nên thoáng mở hơn trong kinh doanh du lịch không
thua gì Thái Lan. Sau Bali, Yogja là nơi đáng đến nhất ở
Indonesia, nhưng du khách không thể tìm thấy một quán

nhậu cũng như cơ sở kinh doanh tình dục nào ở xứ sở này
của đạo Hồi. Nếu muốn uống bia chỉ còn cách tìm vào các
bar buồn thiu ở khách sạn với giá rất cao.

×