Trẻ nói dối - Nguyên nhân & cách xử trí
Tại sao các cháu tuổi mẫu giáo nói dối?
Khi bạn bắt gặp con mình đang thêu dệt một câu chuyện khó tin hay phủ
nhận một việc chắc chắn bé đã làm thì không có nghĩa là bé đang cố tình lừa
dối bạn đâu. Ở lứa tuổi này, hầu hết những lý do dẫn đến nói dối là:
-Tính hay quên: Các bé lứa tuổi mẫu giáo thường có trí nhớ kém. Con bạn
có thể đã gây ra cuộc loạn đả trên sân trường vì giật đồ chơi của bạn, nhưng
khi bạn hỏi tội thì bé chối ngay. Bé không cố tình láu cá đâu, mà có thể bé
đã không còn nhớ việc mình lấy đồ chơi đó nữa.
-Mong ước điều ngược lại: Khi con bạn chối phăng việc làm vỡ cái bình sứ
của bạn thì không phải là bé cố tình trốn tội đâu. Bé chỉ mong rằng điều đó
đã không xảy ra mà thôi và bé cũng tin rằng mình chẳng thể làm khác được.
- Khả năng sáng tạo tích cực: Ở tuổi này, trẻ em thường có đời sống giàu sự
tưởng tượng. Sự sáng tạo của con bạn cũng đạt mức đỉnh điểm và bé có thể
tin rằng tất cả những điều tưởng tượng trong đầu mình đều đúng. Mà xét cho
cùng thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến hoà bình thế giới. Dù sao thì
cũng chẳng có ai cưỡi tên lửa để lên chơi mặt trăng cả.
- Lẩn tránh sự phản đối: Con bạn biết rằng làm việc xấu thì bạn sẽ thất vọng.
Cho nên bé thà nói dối còn hơn phải đương đầu với sự bực mình của bố mẹ.
- Cảm giác tự thoả mãn: Việc dựng nên một câu chuyện có thể khiến bé cảm
thấy mình trở nên quan trọng hơn. Khi bé nói rằng bé đã tự mình bơi qua bể
bơi cỡ thi đấu Olympic thì tức là bé muốn được mọi người tán thưởng tài
nghệ (mặc dù không có thật) của mình chứ không hẳn là sự dối trá một cách
chủ ý.
- Mong muốn được chú ý: Bé nhà bạn có thể nhận ra rằng khi bịa một câu
chuyện khó tin thì chắc chắn sẽ nhận được sự đáp lại của bố mẹ. Mà bé cũng
chẳng quan tâm bố mẹ sẽ phản ứng như thế nào. Điều quan trọng là bé thu
hút được sự chú ý của bố mẹ. Đây là một dạng “nói dối thăm dò”
-Cảm giác tự chủ: Khi bé qủa quyết một việc không có thật là chính mình đã
cứu em gái khi em ngã khỏi xích đu, thì có thể là bé muốn lấy lại cảm giác
tự làm chủ của bản thân mình.
-Nhu cầu kiểm tra giới hạn: Mặc dù ngay khi đi học về, bé đã được xem TV
rồi. Bé vẫn đến bên bạn xin phép xem TV và nói không chớp mắt rằng cả
ngày hôm nay bây giờ con mới xem lần đầu tiên. Dẫu có thấy bực mình đến
mấy thì bạn cũng nên bình tĩnh vì cái kiểu “giả bộ” như thế này là bình
thường thôi. Bé đến 5 tuổi thì đã qúa quen với việc thử thách giới hạn chịu
đựng của bố mẹ và quyền lực của chúng đối với cha mẹ rồi.
Phải làm gì khi trẻ nói dối
Hãy bình tĩnh. Dù không ai khuyến khích việc nói dối nhưng cách tốt nhất để
giải quyết vấn đề này là bỏ qua cho bé. Bạn có thể thất vọng với những câu
chuyện bịa của bé nhưng nên nhớ rằng nói dối là bằng chứng của việc bé
đang học điều tốt từ cái xấu, lương tâm bé cũng đang phát triển và bé càng
ngày càng hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng. Cuối cùng
là nếu bé không nghĩ rằng mình mắc lỗi thì tại sao bé lại phải bận tâm để che
giấu?
-Cố gắng tìm lý do bé nói dối. Ví dụ như con bạn thích bịa đủ thứ chuyện
khác nhau thì có thể bé muốn thoả mãn một nhu cầu rất bình thường của con
người, đó là: cảm thấy mình quan trọng và được đánh giá cao. Trong trường
hợp đó, bạn có thể ngăn chặn việc nói dối bằng cách khen tặng bé bất cứ khi
nào bé nỗ lực làm tốt công việc nào đó.
-Không buộc tội. Giảm bớt lời trách mắng sẽ khuyến khích sự thú nhận, chứ
không phải sự chối tội. Bạn có thể nói: “Mẹ tự hỏi làm thế nào mà những
cây nến lại vương vãi khắp phòng khách thế này? Ước gì có ai giúp mẹ nhặt
hết nến lên nhỉ?”
-Hãy tỏ ra thông cảm. Nếu bé lén lấy trộm một thanh kẹo và chối rằng mình
không ăn nó (trong khi miệng vẫn còn nhoe nhoét sô cô la) thì không hẳn bé
là đứa trẻ xấu xa, đơn giản là bé đang “chối loanh quanh”. Tại vì không phải
tất cả những gì bé thích đều thuộc về bé. Bạn có thể nói:” Mẹ cam đoan rằng
con rất thèm ăn thanh kẹo đó. Cho nên khi ăn rồi, con mới nhận ra mình gặp
rắc rối và phải nói dối.” Từ đó trở đi, bé sẽ hiểu rằng bé cần hỏi xin thứ mình
muốn trước khi tự mình lấy nó, và nói thật bao giờ cũng đỡ rắc rối hơn nói
dối. Nếu bạn nổi giận và làm cho bé sợ hãi vì lỗi lầm vượt giới hạn của bé,
thì bé khó mà tiếp thu được những lời bạn giáo dục, và bé cũng sẽ học cách
“chùi mép” kỹ sau mỗi lần “ăn vụng”.
-Đưa ra những hình phạt nhẹ nhàng. Nếu bé nói dối với mục đích thoát được
sự trừng phạt thì điều quan trọng là bạn nên đưa ra những hình phạt nhẹ
nhàng, tránh thô bạo. Ví dụ như cấm xem TV ngày hôm sau nếu bé nói dối
để được xem tiếp một chương trình nữa. Bằng cách này bé sẽ nhận ra rằng “
vải thưa khó mà che mắt thánh” và lần sau không dám làm như thế nữa.
-Giải thích tại sao sự chân thật là quan trọng. Con bạn có thể nói nói rằng
con biết nói dối là xấu nhưng chưa chắc bé đã thực sự hiểu giá trị đạo đức
đối với tính không thật thà. Bạn có thể giúp bé hiểu bằng cách kể câu chuyện
ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu và con sói“ của La Fon ten, giải thích với bé sự
quan trọng của lòng tin và cho bé biêt rằng nói dối có thể gây nhiều hậu quả
nghiêm trọng. Một cuốn sách hay cũng về chủ đề này nhưng kết thúc có hậu
là “Sam, Bangs, and Moonshine”, của tác giả Evaline Ness.
-Tỏ thái độ tích cực chứ đừng trừng phạt. Nếu bạn mong muốn con mình nói
thật khi bé mắc lỗi thì đừng đáp lại sự chân thật của bé bằng cách trút cơn
giận lên đầu bé. Nếu bạn xử sự như vậy thì lần sau bé có dám nói thật lỗi
lầm của mình nữa không? Ở lứa tuổi này, một sự trừng phạt thô bạo vì nói
dối sẽ khó đem lại kết quả như mong đợi: Đứa trẻ bị trừng phạt nặng nề với
lỗi nhỏ sẽ dẫn đến sự cực đoan, trở thành người cực kỳ nghiêm khắc hoặc kẻ
nổi loạn tý hon. Bạn không mong muốn điều đó xảy ra, đúng không? Vậy thì
thay vào đó, bạn hãy khen trẻ khi bé nói thật. Sự động viên tích cực thì có
tác dụng hơn nhiều sự trừng phạt để khuyến khích trẻ cố gắng trung thực.
-Cam đoan với bé là bạn vẫn luôn yêu bé cho dù bé có mắc lỗi gì đi nữa. Khi
chẳng may bé làm vỡ cái đèn ngủ của bạn, bé có thể phủ nhận vì sợ rằng bạn
sẽ không yêu bé nữa. Hãy giải thích rằng Bố và Mẹ vẫn luôn yêu con mặc
dù bé đã làm một việc mà bạn không muốn.
-Xây dựng lòng tin. Cho bé thấy rằng bạn tin bé và bạn cũng đáng được bé
tin cậy. Nếu bé phải tiêm chủng trong lần khám định kỳ sắp tới thì đừng dối
bé rằng nó sẽ không đau. Hãy cố gắng giữ đúng lời hứa của mình, khi không
thể làm vậy, bạn hãy xin lỗi vì đã thất hứa.
-Nói cho bé biết bạn mong đợi gì ở bé. Đưa ra các tình huống khác nhau để
dạy bé những cách ứng xử phù hợp. Ví dụ, thiết lập những giới hạn bằng
cách nói cho bé biết rằng, trước khi lấy một chiếc bánh trên đĩa người khác
thì cần phải hỏi xem có được phép hay không. Vạch rõ những giới hạn là
một trong những cách tích cực nhất mà bạn có thể làm cho bé. Thậm chí là
bé có thể tự đánh giá mình và cách cư xử của mình có phù hợp hay không.
Một đứa trẻ hiểu những giới hạn có lợi cho mình sẽ trở thành người lớn biết
tôn trọng những giới hạn đó.