NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA SƠN MÀI ỨNG DỤNG BÌNH DƯƠNG
Nghề sơn mài ở đất Bình Dương xưa ra đời trong điều kiện
lịch sử có nhiều lớp nghệ nhân từ miền Bắc, miền Trung vào
miền Đông Nam Bộ để khai hoang lập ấp. Họ đã tận dụng nguồn gỗ vô cùng
phong phú của vùng đất mới kết hợp với kỹ thuật truyền thống của cha ông để tạo
ra nhiều sản phẩm gia dụng, nhiều tác phẩm mỹ thuật trang trí phục vụ cho nhu cầu
sinh hoạt, nhu cầu thẩm mĩ của cộng đồng. Có thể nói Bình Dương - Thủ Dầu Một
là vùng đất lâu đời với nhiều điều kiện ưu đãi của thiên nhiên để phát triển các
nghề truyền thống, và đặc biệt vùng đất duy nhất này ở phía Nam (và cả nước)
chứa đựng đầy đủ 3 loại hình của sơn mài truyền thống đó là: sơn mài trang trí, sơn
mài ứng dụng và tranh sơn mài trong một không gian thống nhất nhưng lại rất
riêng biệt về ngôn ngữ tạo hình và nghệ thuật thể hiện thông qua các đặc điểm
nghệ thuật và kỹ thuật mà các nghệ nhân, họa sĩ đã khéo kết hợp giữa truyền thống
và cách tân, giữa các vùng và địa phương để tạo nên một địa danh nghệ thuật, một
thương hiệu nổi tiếng: Sơn mài Bình Dương.
Không phải ngẫu nhiên, sản phẩm sơn mài của Bình Dương lại nổi tiếng, được
khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn
chỉnh, từ gỗ nguyên liệu đến khâu cuối cùng phải qua quá trình với 25 công đoạn.
Công việc của mỗi công đoạn đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công
phu. Có công đoạn làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom,
sơn lót
Quá trình thực hiện một sản phẩm sơn mài ứng dụng của Bình Dương rất phức tạp,
công phu, trong đó, để bảo đảm độ phẳng, bóng láng nghệ thuật, người thợ phải gia
công rất kỹ lưỡng các công đoạn, trung bình mỗi sản phẩm phải mất từ 3 tới 6
tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Và trong quá trình thực hiện hệ thống quy
trình đó, trải qua nhiều thời kỳ, những bí quyết nghề nghiệp được truyền thụ cho
nhau trong từng gia đình, dòng họ, địa phương, chính nhờ vậy sản phẩm sơn mài
mới đạt được giá trị nghệ thuật cao và độc đáo so với các sản phẩm sơn mài ứng
dụng ở những nơi khác. Kỹ thuật sơn mài ứng dụng của Bình Dương vẫn giữ được
nét đẹp truyền thống, đậm đà tính cách á Đông.
Để một sản phẩm có giá trị và đảm bảo được độ bền, quy trình thực hiện cốt vóc là
yếu tố khá quan trọng. Các họa sĩ, nghệ nhân ở Bình Dương đã tuân thủ nghiêm
ngặt các bước thực hiện cốt vóc như sau:
l. Mài nhám gỗ, lót sơn sống hom sớ gỗ, làm phẳng mặt gỗ trước khi bọc vải.
2. Bọc vải lót sơn mặt gỗ: Dùng vải tám bọc sát và sơn lót lên mặt vải một lớp sơn
nữa. Bọc vải nhằm giúp cho sản phẩm không bị co rút, méo mó hoặc bị nứt.
3. Hom chu: hom chu 3 lần để tăng tính bền chắc cho sản phẩm. Lần hom thứ ba,
mài bằng đá, mực nang hoặc giấy nhám cho phẳng.
4. Lót và mài lót: Tiếp tục lót 3 lớp sơn sống, ủ khô, để tăng độ bền chắc của sản
phẩm, cuối cùng mài lớp sơn tùy theo màu nền của đề tài.
Đến nay, qua khảo sát thực tế, kỹ thuật sơn mài Bình Dương bao gồm 7 hình thức
thể hiện sau đây:
l . Vẽ màu vàng bạc:
a. Dát vàng làm nền: Sau khi sản phẩm được chuẩn bị xong phần cốt vóc, mài
quang phẳng mịn xong đến giai đoạn tra sơn phủ hoặc sơn cẩm sách lên họa tiết
thật mỏng, đem ủ cho ráo mặt sau đó dùng vàng hay bạc dán lên sản phẩm, là đến
giai đoạn vẽ hoạ tiết lên. (Minh họa H. 1 và H. 2)
b. Dát vàng trên họa tiết: Sản phẩm đã được chuẩn bị phần cốt vóc, mài quang
phẳng mịn, đánh bóng xong thì đến giai đoạn tra sơn phủ hoặc sơn cẩm sách (còn
gọi là cẩm sắc) lên họa tiết thật mỏng, đem ủ cho ráo mặt sau đó dùng vàng hay
bạc dát lên họa tiết, ủ khô vẽ chi tiết lên hoạ tiết .
2. Vẽ phủ (còn gọi là Vẽ phủ mỏng):
Dùng lớp sơn trong phủ lên để hình ảnh và màu sắc chìm dưới lớp sơn này. Tạo
cho tranh cảm giác ẩn hiện, thường được áp dụng trong những đề tài như cá vàng,
chim trĩ, hoa điểu. (Minh họa H. 3)
3. Vẽ lặn :
a. Vẽ lặn mỏng: Sau khi lót, mài lót là in mẫu và vẽ hoạ tiết lên thật mỏng và đều,
sau đó phủ lớp sơn cánh dán hoặc đánh lên một lớp verni.
b. Vẽ lặn phức tạp: là hình thức gồm nhiều chất liệu như vỏ trứng, ốc, vàng lá, bạc
lá, cách thực hiện gồm nhiều giai đoạn: in mẫu, cẩn trứng, cẩn ốc, vẽ màu, theo các
bước sau:
- Đặt mẫu vẽ lên sản phẩm.
- Đặt giấy can có rắc bột phấn vào giữa.
- Dùng bút chì cứng hoặc vật nhọn để đồ theo mẫu vẽ, vẽ nét phấn lại bằng cọ,
chạm sơn đen, xong đem ủ khô. Phần nào cẩn trứng, cẩn ốc thì dùng dao cắt khoét
xuống cẩn ốc, để khi vẽ lên tranh được bằng phẳng. ủ khô dùng sơn hoặc màu lót
lên phần ốc và trứng rồi mài cho bằng phẳng, kế đến vẽ màu, tạo chất liệu vàng bạc
cho bức tranh và làm phông. Sau khi hoàn chỉnh đem ủ khô, phủ mài đánh bóng.
Cách thể hiện này có khác với cách thể hiện nhiều lớp màu theo từng mảng của
truyền thống nhưng vẫn đạt hiệu quả trong suốt của chất liệu do vẽ bằng sơn ta và
đáp ứng được thời gian thực hiện nhanh, mặt tranh luôn phẳng bóng có thể áp dụng
trên nhiều loại sản phẩm như án gió, xa lông, bình soa, liễn thờ
Mài: Dùng giấy nhám mịn mài đều, nhẹ tay, lúc mài phải luôn có nước, xoa đều
cho đến khi tranh phẳng và đúng theo mẫu, đây là công đoạn quan trọng quyết định
giá trị sản phẩm.
Đánh bóng: Đầu tiên dùng bột than, bột chu gói trong túi vải thưa, chà sát đều sản
phẩm, sau đó dùng lòng bàn tay chà sát thật mạnh cho đến khi mặt phẳng hơi nóng,
cuối cùng lau dầu bóng (Minh họa H. 4).
4. Cẩn ốc: Không phải là khâu chính trực tiếp tạo ra sản phẩm, tuy nhiên cẩn ốc
cũng giúp cho sản phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật mỹ thuật. Thợ khảm dùng
nguyên liệu là gỗ (thường là loại tốt), sơn ta (dùng để gắn) và vỏ trai, vỏ ốc để tạo
ra những sản phẩm, những mặt hàng cao cấp về thủ công mỹ nghệ. (minh họa H. 5,
H. 6 và H. 7).
Người thợ khảm tiến hành nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, mài, cưa, chạm, hạ mặt,
mài dũa, đánh bóng vỏ ốc, trai.
a. Cẩn chìm: Trước đây, theo lối truyền thống ở Hà Nội thì cẩn sau giai đoạn mài
lót, dùng dao khoét sâu chỗ cẩn phủ sơn sống để giữ dính xà cừ đặt vào, lót thêm
hai hoặc ba lớp sơn để phủ kín chỗ hở. Sau này, nghệ nhân Bình Dương nghiên
cứu cẩn ốc vào sau giai đoạn mài hom, và tiếp tục hom cho bằng mặt ốc, dùng
nhám và nang mực mài cho mặt ốc hơi cao hơn mặt sơn hom một ít, sau đó dùng
sơn lót lên mài cho bằng phẳng quang hoặc phủ là xong. Như vậy sẽ giảm được
nhiều công đoạn và tiết kiệm công và vật tư.
b. Cẩn nổi: Cẩn lên trên lớp sơn hom đã mài phẳng, sau đó lót tiếp vài nước sơn
sống cho bằng mặt với xà cừ, ủ khô, mài phẳng. Sản phẩm khi hoàn chỉnh mặt ốc
cao hơn mặt tranh. Thể loại này thực hiện nhanh ít tốn công và vật tư.
5. Cẩn vỏ trứng: Dùng vỏ trứng kết hợp với kỹ thuật sơn mài truyền thống (sơn ta),
nhưng khác ở chỗ vỏ trứng trên nền sơn phẳng không chỉ tạo mảng màu trắng mà
có thể cẩn riêng thành một thể loại hay đề tài như chân dung, phong cảnh, cảnh
sinh hoạt, lao động v.v Cẩn vỏ trứng có nhiều kỹ thuật: cẩn úp, cẩn ngửa, trứng
rây với nhiều sắc độ bằng cách chuyển đậm nhạt hoặc nướng vỏ trứng trước khi
cẩn, hay tạo nhiều mảng vỏ trứng lớn nhỏ khác nhau. Vỏ trứng còn kết hợp với vẽ
màu tạo ra nhiều hiệu ứng quý. Các cơ sở sơn mài ứng dụng Bình Dương đã thực
hiện nhiều sản phẩm lớn như đĩa tròn đường kính 1,5m, bình cao 2,4m cẩn vỏ
trứng với đề tài phong cảnh, hoa văn trang trí Cách cẩn mới của các họa sĩ là vỏ
trứng được phủ hầu như toàn bộ sản phẩm, không thành mảng tách bạch, mà nó
vừa lấn át một cách kín đáo trên bề mặt rộng, vừa ẩn sâu trong mọi vật, đem lại
những hiệu quả bất ngờ (Minh họa H. 8 và H. 9).
6. Khắc trũng: Là hình thức được khách hàng yêu thích nhiều, được thực hiện trên
tranh, bình, hũ, hộp. Sau khi làm bóng, can mẫu, dùng dao, đụt bén nhọn khắc
trũng xuống, hoặc xủi lên họa tiết rồi tô màu. Có thể tô màu dầy lên bằng phông
rồi đánh bóng sau, đề tài thường được thể hiện là hoa điểu, phong cảnh, đền chùa
(Minh họa H. 10).
7. Đắp nổi: Sau khi làm bóng, dùng chu trộn sơn thành chất dẻo để đắp nổi lên.
Hoặc đắp nổi lên tranh sau đó mài phẳng là đến giai đoạn làm phông, quang, mài
phẳng và vẽ. (Minh họa H. 11 và H. 12)
Yếu tố kỹ thuật trước hết phải kể đến khâu pha chế nhựa sơn. Để có được một kỹ
thuật độc đáo, nghệ nhân và họa sĩ Bình Dương đã không ngừng tìm tòi sáng tạo ra
một phương pháp, một cách thức thể hiện riêng để phục vụ cho các thể loại, sản
phẩm mỹ thuật ứng dụng. Kỹ thuật thể hiện phong phú qua nhiều thể loại, việc pha
chế sơn cũng đòi hỏi có những kỹ thuật khác nhau, mỗi thể loại cần một cách pha
chế riêng. Ví dụ như khắc trũng là loại tranh phần lớn được quang bóng xong mới
khắc xuống nên lớp sơn phía dưới phải dẻo, bền chắc, không dòn và có độ dày đều
nhau, do đó, khi pha chế sơn Phú Thọ các nghệ nhân và họa sĩ Bình Dương đã pha
trộn thêm sơn Nam Vang có tính dẻo vào để khi khắc xuống không bị bể, nứt hoặc
hư nét. Sơn dùng phủ cá vàng khi pha chế phải trong, bóng, có như vậy khi mài ra
mới thấy rõ từng vảy cá ẩn hiện dưới làn nước. Sơn quang đen, quang son, cần độ
dẻo, sơn tỏa khi quang không bị trằn, quánh đặc, không đều. Nhiều sản phẩm quá
lớn lại tranh thủ làm ban đêm cho nên các nghệ nhân tìm cách làm cho sơn chín và
tỏa để có thể quang cả ban đêm. Với kỹ thuật quang sản phẩm tủ, án gió lớn phải là
thợ có tay nghề cao vì yêu cầu ra sơn phải thật đều, nhanh tay, mặt sơn phải thật
đều và tỏa, yêu cầu không bụi, không sọc thép, không dày hoặc mỏng, có như thế
khi mài quang mới đạt, nếu có sơ xuất thì phải phủ lại toàn bộ.
ở phía Bắc thế mạnh là những sản phẩm nhỏ, yêu cầu về số lượng, phần lớn tranh
thủ thời gian nông nhàn nên tiến độ thi công rỗi rãi hơn. Pha chế bằng sơn Phú
Thọ, độ trong nhiều và sơn mau khô hơn. Sơn Bình Dương pha chế thường có
thêm sơn Nam Vang nên sơn thêm độ dẻo và ấm (nâu đậm) hơn. Cách pha chế của
mỗi miền và nghệ nhân đều khác nhau, nhưng mỗi cách pha chế có ưu điểm riêng
nhằm đạt đến hiệu quả tốt nhất. Khi thực hiện phải tính toán chu đáo từng lớp để
tiết kiệm thời gian và vật tư mà sản phẩm vẫn đẹp. So với những sáng tác tạo hình
của các họa sĩ Hà Nội thì cách thực hiện của sơn mài Bình Dương đơn giản hơn,
chất liệu và phương pháp tạo hình mang tính ước lệ, thực tế và mang tính ứng
dụng. Nên việc thực hiện thuận lợi và nhanh. Từ đó có thể giải quyết được số
lượng lớn sản phẩm cho nhu cầu khách hàng.
Trong nghề sơn cổ truyền hay hiện đại, kỹ thuật pha chế sơn đóng vai trò đặc biệt
quan trọng. Sơn là nguyên liệu chính và cũng là yếu tố hàng đầu quyết định chất
lượng sản phẩm. Bằng phương pháp sản xuất hiện đại, sử dụng sơn keo hóa học
kết hợp với sơn ta, một số nghệ nhân, họa sĩ trẻ Bình Dương vẫn đang tìm tòi thể
nghiệm để tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng dựa trên kỹ thuật sơn
mài truyền thống. Điều này cũng là tất yếu trong cơ chế kinh tế thị trường, của
cạnh tranh khốc liệt mà Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong
cả nước. Chúng ta chấp nhận thực tế sinh động này như là yếu tố ngoại sinh mà
PGS - TS Nguyễn Tri Nguyên đã viết: “Di sản văn hóa mà cốt lõi của nó là truyền
thống văn hóa, đóng một vai trò rất quan trọng với tư cách là nguồn lực nội sinh
cho quá trình tiếp biến văn hóa. Trên con đường hiện đại hóa văn hóa, xã hội và
con người, một sự phát triển nội sinh của văn hóa dân tộc, - xuất phát từ những nhu
cầu và điều kiện bên trong, có vai trò động lực. Truyền thống văn hóa dân tộc đã
chuẩn bị cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại. Chỉ với một sự phát triển như
thế mới có thể vừa đổi mới, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc của văn hóa. Trong sự phát
triển đó, yếu tố giá trị được gia tăng” (“Văn hóa - tiếp cận lý luận và thực tiễn”,
NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội 2006, tr. 235).
Tóm lại, có thể khẳng định yếu tố kỹ thuật đã tạo nên nét độc đáo của sơn mài ứng
dụng Bình Dương qua việc tiếp thu kỹ thuật sơn mài truyền thống. Với lịch sử phát
triển hàng mấy trăm năm, nghề sơn mài ở đất Bình Dương đã trở thành vốn quý về
mỹ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương. Nó kế thừa nghề sơn truyền
thống của dân tộc, phát huy đến đỉnh cao chất liệu truyền thống và nghệ thuật thể
hiện, tiếp cận với các xu thế mỹ thuật hiện đại. Nghề sơn mài Bình Dương đã tồn
tại và truyền từ đời này qua đời khác bằng bàn tay, khối óc và tâm huyết của biết
bao thế hệ, nó đã để lại dấu ấn trong đời sống qua biết bao sản phẩm, góp phần vào
di sản truyền thống mỹ thuật Việt Nam.
Ngày nay, trong điều kiện mới, cuộc sống, con người và nghề nghiệp, ở lĩnh vực
nào cũng có thể có cơ hội đồng thời có thách thức mất còn. Trong làn sóng công
nghiệp hóa của xã hội hiện đại với kiểu sản xuất hàng loạt, tiêu dùng ồ ạt, một số
người làm sơn mài theo kiểu “hàng chợ”, khiến cho nhiều sản phẩm không còn giữ
được vẻ đẹp của sơn mài truyền thống. Người ta chạy theo thị hiếu khách hàng với
sự hào nhoáng của nhiều loại chất liệu “phi sơn ta” dẫn đến tình trạng sơn mài giả
hiệu, kém phẩm chất đầy rẫy ở các cửa hàng, nhà sách, khu du lịch. Cũng bắt đầu
có dư luận chê cái kỹ thuật theo truyền thống là cổ hủ và một loạt sản phẩm, tranh
sơn mài phủ bạc dập các màu xanh đỏ rồi phủ lên một lượt sơn bóng Nhật Bản đã
xuất hiện làm cho vàng thau lẫn lộn. Nghề sơn mài truyền thống đã dần bị mai
một.
Một số họa sĩ trẻ và nghệ nhân đã đóng góp đáng kể cho sơn mài ứng dụng Bình
Dương trong thập niên 90 bằng sự ra đời một dòng sản phẩm mỹ nghệ theo kỹ
thuật mới. Dầu vậy, so với danh tiếng sơn mài Thanh Lễ hay Trần Hà những năm
60 về chất lượng không thể bằng được. Sơn mài ứng dụng Bình Dương cũng còn
nhiều hạn chế cần được khắc phục. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật
sơn mài ứng dụng của Bình Dương làm cơ sở nhận thức để các họa sĩ (nhất là các
họa sĩ trẻ), các nghệ nhân hãy cùng góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề
sơn mài Bình Dương trong tương lai.