Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (92.58 KB, 3 trang )

Những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ
Cách định nghĩa ngôn ngữ của chúng tôi giả định rằng chúng tôi gạt ra ngoài
ngôn ngữ tất cả những gì xa lạ đối với cơ chế của nó, đối với hệ thống của nó, tóm
lại là tất cả những gì mà người ta gọi là “ngôn ngữ học ngoại tại”. Ấy thế nhưng
ngành ngôn ngữ học này đảm đương những việc khá quan trọng và đó chính là
những việc được người ta nghĩ đến nhiều hơn cả, khi bắt tay vào nghiên cứu hoạt
động của ngôn ngữ.
Trước hết, đó là tất cả những điểm mà ngôn ngữ học tiếp giáp với dân tộc học,
tất cả những mối liên hệ có thể có giữa lịch sử của một ngôn ngữ với lịch sử của
một chủng tộc hay nền văn minh. Hai thứ lịch sử này đan xen lẫn vào nhau và có
những mối quan hệ qua lại với nhau. Điều này có phần nhắc nhở những sự tương
ứng đã nhận thấy giữa các hiện tượng ngôn ngữ hiểu theo đúng nghĩa của nó.
Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một
chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc.
Thứ đến, phải ghi nhận những mối liên hệ giữa ngôn ngữ và lịch sử chính trị.
Những sự kiện lịch sử lớn như cuộc chinh phục của người La-mã, đã có một tầm
quan trọng khôn lường đối với vô số sự kiện ngôn ngữ. Việc xâm chiếm thuộc địa,
vốn chỉ là một hình thức chinh phục, di chuyển một ngôn ngữ đến nhiều môi
trường khác nhau, và điều đó gây nên những sự thay đổi trong ngôn ngữ ấy. Để
làm bằng chứng, có thể dẫn ra nhiều sự kiện thuộc đủ các loại: chẳng hạn, nước
Na-uy đã tiếp nhận tiếng Đan-mạch khi sáp nhập nước Đan-mạch vào đất nước
mình về phương diện chính trị; quả tình thì ngày nay, người Na-uy đang cố gắng
thoát ra khỏi cái ảnh hưởng của ngôn ngữ này. Chính sách nội trị của các nhà nước
không kém phần quan trọng đối với sinh hoạt của các ngôn ngữ: có những chính
phủ, như nhà nước Thuỵ-sĩ, thừa nhận sự chung sống của nhiều ngôn ngữ; lại có
những chính phủ, như nước Pháp, cố vươn tới sự thống nhất ngôn ngữ. Một trình
độ văn minh cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một số ngôn ngữ
chuyên môn (ngôn ngữ pháp lí, thuật ngữ khoa học, v.v…).
Điều này dẫn ta đến một điểm thứ ba: những mối quan hệ giữa ngôn ngữ với
những thiết chế thuộc đủ các loại như nhà thờ, nhà trường, v.v… Những thiết chế
này lại gắn bó khăng khít với sự phát triển văn học của một ngôn ngữ, và hiện


tượng này càng có tính chất bao quát hơn nữa vì chính nó vốn gắn chặt với lịch sử
chính trị. Ngôn ngữ văn học vượt ở khắp nơi những giới hạn mà nền văn học
dường như đã vạch ra cho nó; ta cứ thử nghĩ đến ảnh hưởng của các xa-lông, của
triều đình, của các viện hàn lâm. Mặt khác, nó đặt ra một vấn đề lớn là sự xung đột
nổi lên giữa nó với các phương ngôn; nhà ngôn ngữ học cũng phải khảo sát những
mối quan hệ qua lại giữa ngôn ngữ của sách vở với ngôn ngữ thông thường, vì lẽ,
vốn là sản phẩm của văn hoá, ngôn ngữ văn học nào cũng đều đi đến chỗ tách rời
lĩnh vực tồn tại của mình ra khỏi lĩnh vực tự nhiên, tức là lĩnh vực của khẩu ngữ.
Cuối cùng, tất cả những gì liên quan đến sự phát triển địa dư của các ngôn ngữ
và đến sự phân chia thành phương ngôn đều thuộc phạm vi của ngôn ngữ học
ngoại tại. Dĩ nhiên, chính ở điểm này, sự phân biệt giữa nó với ngôn ngữ học nội
tại có vẻ ngược đời hơn cả, vì hiện tượng địa lí vốn liên hệ hết sức chặt chẽ với sự
tồn tại của mọi ngôn ngữ; thế nhưng, thật ra nó không động chạm đến cơ chế bên
trong của ngôn ngữ.
Người ta đã từng khẳng định rằng không thể nào tách tất cả những vấn đề đó ra
khỏi việc nghiên cứu ngôn ngữ thật sự. Đó là một quan điểm đã chiếm ưu thế, nhất
là từ khi người ta đã nhấn mạnh tới những "Realia" ấy. Nếu cái cây bị biến đổi bên
trong của nó do những nhân tố ngoại lai như đất, khí hậu, v.v thì có thể ngữ pháp
chẳng luôn luôn lệ thuộc vào những nhân tố bên ngoài của sự chuyển biến ngôn
ngữ đó sao? Hình như thật khó cắt nghĩa được các thuật ngữ chuyên môn, các từ
mượn vốn nhan nhản trong ngôn ngữ, nếu không xét nguyên lai của nó. Có thể nào
phân biệt sự phát triển tự nhiên, hữu cơ của một ngôn ngữ với những hình thái
nhân tạo của nó như ngôn ngữ văn học, vốn do những nhân tố bên ngoài quy định,
và do đó, không có tính chất hữu cơ? Chẳng phải người ta vẫn thấy một ngôn ngữ
cộng đồng phát triển bên cạnh các ngôn ngữ địa phương đó sao?
Chúng tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ bên ngoài có thể
đạt nhiều kết quả rất mĩ mãn, nhưng không thể nói rằng không có nó thì không
hiểu được cơ chế ngôn ngữ bên trong: nói như vậy là sai. Ta cứ lấy việc vay mượn
từ nước ngoài làm dẫn chứng; trước hết có thể nhận thấy rằng đây tuyệt nhiên
không phải là một yếu tố thường xuyên trong sinh hoạt của một ngôn ngữ. Trong

một vài thung lũng hẻo lánh, có những thổ ngữ có thể nói là chưa bao giờ tiếp thu
lấy một từ nhân tạo đưa từ bên ngoài vào. Liệu có thể nói được rằng những ngôn
ngữ như vậy không ở trong điều kiện bình thường của hoạt động ngôn ngữ và
không thể cho ta một khái niệm gì về những điều kiện ấy được, liệu có thể nói
rằng chính những ngôn ngữ này yêu cầu được nghiên cứu như một "quái tượng" vì
chúng chưa bị pha trộn không? Nhưng cái chính là một từ mượn không còn có thể
coi là một từ mượn nữa, khi nó được nghiên cứu trong lòng hệ thống; nó chỉ tồn
tại nhờ sự liên quan và sự đối lập giữa nó với những từ tương ứng, cũng giống như
bất cứ tín hiệu nào trong bản ngữ. Nói chung, không bao giờ cần phải biết đến
những hoàn cảnh trong đó một ngôn ngữ đã phát triển. Đối với một số ngôn ngữ
như tiếng Zend và tiếng cổ Slave, thậm chí người ta cũng không biết được chính
xác những dân tộc nào đã nói thứ tiếng ấy; nhưng điều đó không làm cho ta vướng
mắc chút nào trong khi nghiên cứu các ngôn ngữ ấy từ bên trong và tìm hiểu
những sự chuyển biến mà nó đã trải qua. Dù sao thì tách biệt hai quan điểm cũng
là việc nhất thiết phải làm, và càng tuân thủ việc đó một cách nghiêm ngặt bao
nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

×