Xóa trần chi phí quảng cáo, nên hay không
Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, bà
Đinh Thị Mỹ Loan, chia sẻ một góc nhìn xung quanh vấn đề nên xóa bỏ giới hạn
về chi phí quảng cáo khuyến mại, vốn đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh
nghiệp trong thời gian gần đây.
Bà nói:
- Một văn bản quy định pháp luật có thời điểm áp dụng cách đây 13 năm, thì theo
tôi cần có sự xem xét lại, sửa đổi bổ sung cho thích hợp với thời điểm hiện tại, với
bối cảnh mở cửa hội nhập kinh tế, gia nhập WTO. Thế nhưng văn bản này sau 13
năm chưa có thay đổi. Cụ thể, nói về mức khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại
thì tôi cho là đã lỗi thời và cần xem xét để sửa đổi.
Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ giới hạn về chi phí quảng cáo
khuyến mại là việc cần thiết nhưng phải có lộ trình, bà có bình luận gì về vấn đề
này?
Đây là một quy định xuất phát từ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng ta cũng
biết rằng muốn sửa đổi một văn bản pháp luật ở cấp độ cao như vậy sẽ được dự
kiến sửa đổi vào kỳ họp Quốc hội năm 2013. Thời gian từ bây giờ đến lúc đó còn
khá dài, bởi vậy nên rất nhiều doanh nghiệp và thành viên hiệp hội bán lẻ Việt
Nam, cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác, cùng có ý kiến cho rằng
trong lúc chờ văn bản pháp luật này được sửa đổi thì Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài
chính nên xem xét để nâng mức trần lên cao hơn mức 10% cho tất cả doanh nghiệp
chứ không phải chỉ các doanh nghiệp mới như trong quy định trước đây.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có rất nhiều kiến nghị rất hợp lý là mở rộng phạm
vi các hoạt động được phép khấu trừ trong chi phí khuyến mại quảng cáo.
Từ góc độ của ngành công nghiệp bán lẻ thì phải nói rằng các hoạt động doanh
nghiệp, đặc biệt là hoạt động khuyến mại hiện nay đang được coi là hoạt động hiệu
quả, nhất là trong bối cảnh nền kinh té đang suy giảm như hiện nay.
Các hoạt động khuyến mại nhằm kích cầu, tăng sức mua của người dân hiện nay
đang xuống rất thấp. Để có thể sống sót vượt qua giai đoạn khó khăn này thì các
hoạt động khuyến mại với rất nhiều hình thức không chỉ bao gồm trưng bày hay
giới thiệu sản phẩm mà còn có cả các sản phẩm dùng thử…
Tôi nghĩ rằng những loại chi phí này rất cần thiết được khấu trừ trong chi phí
quảng cáo khuyến mại và không nên bị bỏ ra ngoài.
Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng rất cần các hoạt động
quảng cáo khuyến mại của doanh nghiệp để người tiêu dùng có thể giảm bớt phần
nào chi tiêu, giá cả không thích hợp. Chúng tôi cho rằng rất thích hợp nếu các chi
phí như thế này được khấu trừ.
Vấn đề này đã được cộng đồng doanh nghiệp nêu lên từ lâu, theo bà vì sao vẫn
chưa được giải quyết?
Những ý kiến như thế này đã được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lần,
tuy nhiên rất tiếc chưa có một câu trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan chức
năng, mà trực tiếp là Bộ Tài chính. Đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp
mong mỏi nhận được trả lời chính thức về lộ trình giải quyết vấn đề này.
Tôi nghĩ vấn đề này rất bức thiết cho các doanh nghiệp, không chỉ là các doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay những nhà đầu tư đang chuẩn bị vào thị
trường Việt Nam, mà còn cho cả các doanh nghiệp Việt Nam với mong muốn
thương hiệu của mình được khẳng định không chỉ trên thị trường bán lẻ nội địa mà
còn trên cả thị trường quốc tế. Nếu chúng ta không có quảng cáo, không có khuyến
mại thì chúng ta không thể đạt được những mục đích đó.
Đối với riêng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, nếu giữ nguyên mức trần
như hiện nay thì sẽ gây ra những tác động gì, thưa bà?
Đối với các doanh nghiệp thì có thể có rất nhiều mức độ khác nhau. Cũng có
những doanh nghiệp sẽ không sử dụng chi phí đến mức trần đó, có thể chỉ từ 5-7%
thôi. Nhưng đồng thời có nhiều doanh nghiệp có ước muốn vươn lên chiếm lĩnh thị
trường thì không thể nói chi phí 10% là đủ. Đặc biệt chi phí dành cho các sản phẩm
dùng thử thì hiện nay không được khấu trừ chi phí và kể cả chiết khấu cho người
mua với số lượng lớn trong ngành bán lẻ. Chúng tôi cho rằng mức trần 10% là
không đủ để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, không chỉ ở trong nước mà còn
trên thị trường quốc tế.
Nếu Bộ Tài chính thông qua việc nâng mức trần theo lộ trình tăng dần, trong khi
một số doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hết mức trần 10% thì các doanh nghiệp này
sẽ chịu tác động gì với sự thay đổi mức trần này hay không?
Cũng như câu nói không có chiếc áo vừa cho tất cả mọi người, những doanh
nghiệp không sử dụng hết mức trần thì đấy là quyền của họ. Bởi mỗi doanh nghiệp
khi hoạt động trên thương trường đều phải có sự tính toán rất cẩn thận trong việc
đầu tư như thế nào, chi phí bao nhiêu để có hiệu quả tốt nhất. Vì vậy, có thể tại thời
điểm này họ chỉ sử dụng hết 5% hay 7% thôi nhưng ở một thời điểm khác, khi họ
cần mở rộng thị trường và cạnh tranh với các đối thủ, thì việc tăng lên 15% là
quyền của họ. Tôi nghĩ rằng nên mở rộng quyền doanh nghiệp hơn là giới hạn tất
cả các doanh nghiệp trong một chiếc áo chật hẹp.
Nếu bỏ khống chế này, mức thuế doanh nghiệp phải đóng hàng năm sẽ giảm đi,
như vậy nguồn thu ngân sách của nhà nước cũng sẽ giảm đi, như vậy đó là một lựa
chọn không hề dễ dàng gì, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Bà có thấy đề xuất lần
này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không?
Nếu chỉ nghĩ một cách cơ học thì Nhà nước sẽ mất đi một khoản thu của các doanh
nghiệp, nhưng ngược lại nếu như các doanh nghiệp được phép có mức trần cao hơn
thì họ sẽ mở rộng được thị trường, phát triển doanh nghiệp, doanh thu tăng lên và
đương nhiên sẽ đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước. Đó là chưa kể đến việc khuyến
mại và quảng cáo phát triển, chúng ta sẽ khuyến khích thêm việc phát triển của
ngành công nghiệp quảng cáo, một ngành dịch vụ "hái ra tiền" ở nhiều nước trên
thế giới cũng như ở Việt Nam.
Các chuyên gia cũng có một số phân tích mà tôi thấy các cơ quan Nhà nước nên
xem xét là liệu những lợi ích mà chúng ta thu được từ các ngành khác như đã nói ở
trên thì hoàn toàn có thể bù đắp mức thu trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất,
phân phối và bán lẻ.
Chưa kể còn có một lợi ích vô hình khác là người ta sẽ không nghĩ đến Việt Nam
như một trong những nơi có quy định khống chế mức trần quảng cáo và khuyến
mại. Như chúng ta biết, trên thế giới hiện không nhiều nước làm như thế, ngoài
Việt Nam và Trung Quốc. Vậy tại sao khi chúng ta đã tham gia hội nhập thế giới
mà lại giữ riêng một quy định không giống các nước khác.
Hơn nữa, ngay tại Trung Quốc, các quy định cũng có phần “mềm mại” hơn chúng
ta, đó là áp dụng mức 15% doanh thu và còn cho phép nếu năm nay chỉ dùng hết
12% trong năm nay thì có thể chuyển 3% sang năm sau và các năm sau nữa. Các
doanh nghiệp nước ngoài cho rằng quy định tại Việt Nam là quy định khắc nghiệt
nhất về việc khống chế trần quảng cáo và chúng tôi cho rằng như thế là không hội
nhập.
Nếu chúng ta thay đổi quy định này thì môi trường đầu tư cũng sẽ trở nên hấp dẫn
hơn, tăng sức cạnh tranh. Trong một chừng mực nào đấy, chúng ta phải tìm
phương án tốt nhất chứ không phải tìm một phương án phù hợp cho tất cả mọi
người.
Theo VnEconomy