Công nghệ xử lý nước thải của Israel
có ứng dụng được ở nước ta
Tại hội thảo trực tuyến “Công nghệ xử lý nước thải của Israel” do Bộ Khoa
học và Công nghệ, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp tổ chức giữa
tháng 8 ở ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, ông Giora Alon, kỹ sư
trưởng Cục Quản lý nước thải Israel, đã chia sẻ nhiều bí quyết, giải pháp về
quản lý nước sạch, “tái chế” nước thải của Israel cho gần 300 đại biểu là
nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam.
Mỗi ngày TP HCM mất 1,4 tỷ đồng
Tỷ lệ thất thoát nước sạch tại TP HCM hiện nay trên 40%, bởi nhiều đoạn
trong hệ thống đường ống cấp nước quá cũ, thường xuyên nứt, vỡ, gây rò
rỉ. Tính ra, số lượng nước sạch do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn
(Sawaco) cung cấp là 1.246.000m³/ngày đêm, thì mỗi ngày có 500.000m³
nước sạch bị rò rỉ. Lấy giá nước 3.000 đồng/m³, mỗi ngày thành phố đã mất
tới 1,4 tỷ đồng, mỗi năm là 500 tỷ đồng.
Được biết, trong chương trình giảm thất thoát nước trên địa bàn TP HCM,
mục tiêu tới năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống còn 25%.
Trước đây, thành phố cũng đề ra mục tiêu chương trình nước sạch giai đoạn
2001-2005 là giảm tỷ lệ thất thoát xuống còn 29%, nhưng đến nay tỷ lệ thất
thoát vẫn cao hơn 40%… Trong khi người dân Thủ Đức, Cần Giờ, Nhà
Bè… phải mua nước sạch với giá cao hơn nhiều lần so với giá quy định, thì
nhiều nơi nước sạch vẫn chảy tràn lan vì vỡ ống, rò rỉ.
Trong khi đó, việc thay mới, sửa chữa đường ống vốn là yêu cầu cấp thiết
lại gặp rất nhiều khó khăn. Hiện TPHCM có khoảng 3.400km đường ống
cấp nước các loại, trong đó khoảng 30% đường ống đã cũ, có thời gian sử
dụng trên 30 năm, dễ mục, vỡ.
Theo đó, từ năm 1953, Israel với 2/3 diện tích là sa mạc khô cằn, đã đầu tư
xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước quốc gia. Đường ống này được làm
bằng vật liệu bền, có gắn thiết bị kiểm soát áp lực điện tử, đồng hồ đo
không dây… ở trên thành ống để dễ dàng kiểm soát, điều tiết nguồn nước,
phát hiện và xử lý các sự cố trong hệ thống đường ống, qua internet và các
thiết bị không dây. Vì vậy, tỷ lệ rò rỉ nước sạch tại Israel chỉ khoảng 10%.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo trực tuyến này cho rằng,
song song với việc phân vùng, tách mạng để kiểm soát thì việc thay thế
đường ống mới, áp dụng theo công nghệ như Israel đã làm có thể ứng dụng
được.
Với khó khăn về vốn, TP HCM có thể tiến hành từng bước, mỗi năm thay
thế khoảng 250 - 300 km đường ống cũ, đồng thời hạn chế tối đa các mối
nối, tránh nguy cơ rò rỉ nước từ những mối nối này.
Bài học tiết kiệm nước từ Israel
Để tiết kiệm nước sạch tưới tiêu trong nông nghiệp ( vốn chiếm khoảng
75% lượng nước sạch sử dụng ), Israel đã áp dụng rất nhiều phương pháp,
phổ biến nhất là phương pháp tưới nhỏ giọt. Từ một bể chứa trung tâm,
nước được dẫn qua một hệ thống ống dẫn tới các thiết bị tạo giọt đặt sát gốc
cây đã hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, cỏ dại và tiết kiệm tới 60%
lượng nước.
Đứng đầu thế giới về tiết kiệm nước, Israel cũng đi đầu trong công nghệ tái
chế nước. Nước thải công nghiệp, sinh hoạt ở nước này đều được thu gom,
xử lý triệt để, sau đó dùng để tưới cây… nên tỷ lệ nước thải được tái sử
dụng ở Israel lên tới 75%.
Ở Israel, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được thu gom vào các hệ
thống xử lý tập trung. Ở các hệ thống này sử dụng các giải pháp xử lý dựa
vào từ tính ( sử dụng thanh nam châm để tách các chất hữu cơ độc hại như
dầu, chất tẩy rửa, hóa chất nhuộm và kim loại nặng trong nước thải ); xử lý
bằng phương pháp kết đông điện từ ( xử lý loại bỏ kim loại nặng trong
nước bằng việc đưa hyđrôxyt kim loại trùng hợp, là phương pháp dùng để
xử lý nước thải công nghiệp và đô thị ); xử lý bằng cách làm lắng đọng (
nước được làm sạch bằng việc lắng chất bẩn có thể được sử dụng trong
nông nghiệp )…
Sử dụng các giải pháp nào là tùy thuộc từng loại nước thải, sẽ khử bỏ được
độc tố, tạp chất hữu cơ, kim loại nặng trong nước thải để tạo ra nước sạch,
phục vụ nông nghiệp, tưới cây trồng
Ở nước ta, các công trình nghiên cứu về việc áp dụng giải pháp nhà kính và
tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp đã được triển khai. Tuy vậy, mô hình này
mới chỉ được ứng dụng ở một số cơ sở trồng hoa, thanh long và rau sạch ở
Ninh Thuận, Đà Lạt và TPHCM… Việc triển khai nhân rộng mô hình này
chưa được quan tâm đúng mức.
Còn nước thải công nghiệp từ các nhà máy, khu công nghiệp sau khi xử lý
sơ bộ ( thậm chí chưa đạt chất lượng yêu cầu ) được phép xả thẳng ra sông
ngòi, kênh rạch, vừa lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, vừa “tạo điều
kiện” cho doanh nghiệp sai phạm…
Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, chủ trì hội thảo, đã
nhấn mạnh, Israel là một quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến
hàng đầu thế giới, đặc biệt là công nghệ tiết kiệm, xử lý tái sử dụng nước.
Bên cạnh đó, Israel còn là nước đi đầu trong sử dụng tiết kiệm nước và xử
lý nước từ nguồn nước thải công nghiệp… Những kinh nghiệm quý giá này
đáng để ta học tập, áp dụng.
Ông Amnon Efrat, Đại sứ Israel tại Việt Nam, chia sẻ: “Từ một đất nước sa
mạc khô cằn, Israel ngày nay đã trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới
về công nghệ nông nghiệp với các giải pháp thủy lợi, phát triển công nghệ
nhà kính và quản lý nước. Điều này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, từ công
nghệ thông minh và kinh nghiệm mà chúng tôi tích lũy được trong thời
gian qua”.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến cho biết: “Thời gian qua, sự hợp tác
giữa Israel và Việt Nam ngày càng phát triển trong tất cả các lĩnh vực từ
kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Việc
giới thiệu công nghệ tiên tiến của Israel với các doanh nghiệp, các nhà khoa
học Việt Nam tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề mở rộng hợp
tác sau này”.
Kiên Giang