Có người nói, cảm hứng chủ đạo của bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ da diết
của Quang Dũng về Tây Tiến. Hãy bình giảng đoạn thơ sau để làm sáng tỏ ý kiến
trên: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
BÀI LÀM
Lâu nay, nhiều người khi tiếp xúc với Tây Tiến của Quang Dũng thường bị mê
hoặc bởi một âm điệu lạ lùng.
Chỉ phần đầu của bài thơ thôi, cảm xúc về một thế giới Tây Tiến đã mở ra, rồi
đóng lại mãi:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
……
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Phải chăng thế giới ấy đã chiếm một vị trí riêng có, duy nhất trong lòng nhà thơ
khiến người Tây Tiến – Quang Dũng không thể nào quên?
Tây Tiến mở đầu bằng một tiếng kêu có phần thảng thốt, buộc miệng mà kêu:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Liền sau đó là nỗi nhớ. Nỗi nhớ tràn về, bất chợt và ào ạt, đến nỗi không còn
hiện tại. Con người chìm đắm trong quá khứ, sống với thời đã qua. Và thơ, đã hiện tại
hóa cái thời đã mất ấy, biến nó hiển hiện trước mặt. Khả năng hiện thực hóa của thơ
mạnh đến nỗi nếu ngắt đi hai câu đầu và hai câu cuối của đoạn thứ nhất, người ta nghĩ
mình đang sống với Tây Tiến:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
……
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhưng thực ra, đó là hiện thực qua nỗi nhớ, hiện tại trong hoài niệm.
Trong tình cảm của con người, buồn, nhớ là những tâm trạng phức tạp, nhiều
cung bậc nhất. Khi nhớ, người ta thường rơi vào trạng thái đặc biệt khôn tả, nhiều khi
không rõ ràng, mất cả định hướng. Trong bài thơ Việt Bắc, một loại trữ tình tiêu biểu
của Tố Hữu và của cả nền thơ kháng chiến chống Pháp, nhưng vẫn có những câu “lạ
kỳ”:
Tiếng ai thiết tha bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
hoặc:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương…
Song, đấy là những câu thơ diễn tả rất đúng tâm trạng con người.
Ở Quang Dũng, đó là nỗi “nhớ chơi vơi”, nỗi nhớ khiến lòng người hóa thành
chông chênh, bồng bềnh, lơ lửng. Khi đã “chơi vơi” thì khoảng cách không gian như
xích lại gần, thời gian đồng hiện. Vì thế, trong một đoạn thơ không dài (14 câu) nhưng
xuất hiện hàng loạt địa danh: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường
Hịch, Mai Châu và có lẽ còn nhiều địa điểm vô danh khác: dốc khúc khuỷu; dốc thăm
thẳm; heo hút cồn mây; ngàn thước lên cao; ngàn thước xuống; gục lên súng mũ…
Nếu kể các địa danh ở những khổ thơ còn lại, Tây Tiến có thể là bài thơ có nhiều địa
danh vào bậc nhất. Chắc chắn, các địa danh, địa điểm ấy phải ở rất xa nhau. Các sự
kiện (xảy ra trong từng thời gian) cũng ào ạt xuất hiện: sương lấp, hoa về, mưa xa
khơi, thác gầm thét, cọp trêu người, cơm lên khói… Lẽ dĩ nhiên, trong thực tế các sự
kiện không thể xảy ra cùng một lúc. Nhưng trong nỗi nhớ Tây Tiến, nó ùa về, đồng
hiện và tràn ngập hồn người. Và, thật kỳ diệu, quá khứ không mất đi mà nguyên vẹn
cả hình hài, vóc dáng. Với Quang Dũng, một người Tây Tiến, đã “sống” với Tây Tiến
lần thứ mấy. Còn với những ai, không phải người Tây Tiến, qua thơ, Tây Tiến như
đang hiển hiện. Tố Hữu từng nói, văn học giúp con người sống cuộc đời khác nhau là
như vậy!
Ở trên, mói chỉ nói đến cái thế, cái uy của nỗi nhớ Tây Tiến. Bây giờ, nói rõ
hơn về hiện thực mà nỗi nhớ ấy đã kéo về.
Đầu tiên là cảnh vật, thiên nhiên vùng Tây Bắc mà ngay từ đầu tác giả đã định
danh: “rừng núi”, tức là một không gian rộng lớn, ngút ngàn. Ở đó, có sương khói lấp
cả bóng người, có đèo dốc khúc khuỷu, có vực sâu thăm thẳm, có cồn mây heo hút, có
gió mưa mịt mù… Rõ ràng là một địa hình phức tạp với khí hậu nghiệt ngã, đúng là
nơi chốn người xưa thường nói: ma khiêng nước độc! Nhưng với nhiều tâm hồn lãng
mạn, dũng mãnh, ưa khám phá thiên nhiên ấy có lẽ khá kỳ vĩ, thậm chí đẹp nữa. Vả
lại, vùng đất ấy còn có “hoa về trong đêm hơi”, có bóng nhà thấp thoáng “mưa xa
khơi”, có mùi thơm ấm nồng của “nếp xôi”. Cảnh vật thiên nhiên kỳ vĩ, mới lạ nhưng
hấp dẫn lòng người. Nếu bài thơ dừng lại ở câu Mai Châu mùa em thơm nếp xôi hoặc
tiếp tục phát triển theo hướng đó thì bảo đây là bài thơ “thơ đường rừng” cũng chẳng
sai. Có lần, Quang Dũng tâm sự, hồi còn đi học, nhà thơ rất say mê Thơ mới. Trong số
các nhà thơ mới, Thế Lữ là người ông thích hơn cả, “đặc biệt bài thơNhớ rừng, bởi
chất tâm trạng sơn dã của nó”. Nhà thơ còn nói: Tôi mô tả trong bài thơ Tây Tiến rất
thực, có pha chút âm hưởng Nhớ rừng của Thế Lữ và sau vô tình tôi mới nhận ra…
Nhưng đây không phải là “thơ đường rừng” mà là thơ về anh bộ đội ở trong
cuộc đời thực. Khi nhớ về rừng núi cũng là nhớ về nơi chốn, con đường hành quân
của đoàn quân Tây Tiến, nhớ về người Tây Tiến. hình bóng đoàn quân ấy thấp thoáng
từ xa, trong sương mù lấp kín rồi hiện dần lên trong cuộc chinh phục địa hình:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Cái hay của khổ thơ là nói về địa hình trắc trở, không một ngôn từ nào chỉ
người (trừ đại từ ai chỉ nơi xa) nhưng bóng dáng con người vẫn hiện ra. Hơn nữa, đó
là cuộc hành quân khó khăn, đầy thử thách. Đọc đoạn thơ, người ta không chỉ hình
dung từng bước đi khó khăn mà cả hơi thở gấp gáp, mệt mỏi lẫn thế đứng chênh vênh
của người vượt dốc. Xưa nay, nhiều người khi phân tích đã chỉ ra rất đúng sự khó
khăn của địa hình đối với người lính Tây Tiến trên đường hành quân: khúc khuỷu,
thăm thẳm, heo hút, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống. Ở câu thơ Ngàn thước lên
cao, ngàn thước xuống có sự cân đối giữa chiều cao và chiều sâu: lên hay xuống đều
ghê gớm cả! Song, cấu trúc ba câu thơ này còn nhiều đặc biệt hơn nữa, không hẳn là
sự đối xứng mà là sự gia tăng, chất chồng:
Dốc lên khúc khuỷu / dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây / súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao / ngàn thước xuống
Đối với người lính Tây Tiến, đường hành quân còn gian nan cứ dài lên mãi và
con người cứ phải vượt lên, cứ phải đi tới. Điều lạ là họ không bị địa hình quái ác ấy
khuất phục. Phút giây ngắm nhìn Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi càng chứng tỏ là
những người băng rừng vượt dốc, nhưng không bị gian nan đè chặt tâm hồn, con
đường không biến thành nỗi sợ hãi. Bởi vậy, đoạn thơ kế tiếp nêu lên những “thế lực”
khác vây lấy người lính Tây Tiến mà chẳng ai sợ hãi:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Có lẽ, nỗi sợ hãi được thay thế bằng sự tò mò, khám phá. Nên nhớ, những thập
niên 30, 40 của thế kỉ trước, nhiều thanh thiếu niên Việt Nam rất thích phiêu lưu, mạo
hiểm, thích rày đây mai đó để thoát khỏi cuộc sống chật hẹp, nhàm chán. Trước năm
1945, Quang Dũng đã là người như thế. Còn nhiều anh bộ đội Tây Tiến vốn là các
chàng trai của đất Hà thành. Ở môi trường mới, hoàn cảnh mới, những nét tính cách
kia vẫn còn chăng? Và một khi được khám phá cái mới lạ, dù nguy hiểm con người
vẫn thích thú hơn là sợ hãi.
Nếu hiểu như vậy thì hai câu thơ: Anh bạn dãi dầu không bước nữa / Gục lên
súng mũ bỏ quên đời! Không nên cho đấy là cái chết như có người đã phân tích. Hiểu
đó là những phút giây mệt mỏi (vì dãi dầu) người lính tạm dừng bước trên đường hành
quân sẽ phù hợp hơn. Cũng có thể hiểu thêm, gốc gác lính Tây Tiến là những chàng
trai Hà Nội nên cốt cách đôi khi kiêu bạc, bất cần đời, bạ đâu nghĩ đó, không như
người lính trong Đồng chí của Chính Hữu hay Nhớ của Hồng Nguyên. Vả lại, đây
chưa phải là lúc Quang Dũng nhớ về người lính Tây Tiến với những hi sinh, mất mát
như ở đoạn thơ cuối. Càng không thể cho đây là cái chết bởi hai câu thơ liền kề, kết
thúc một trường đoạn hoài niệm, là hình ảnh rất thi vị:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Câu thơ diễn tả khung cảnh thật thanh bình, dường như không hề có chiến
tranh. Đó là những khoảnh khắc có thật, dù ít ỏi đi chăng nữa, trên đường hành quân
khắc nghiệt của đoàn quânTây Tiến. Thời gian càng lùi xa, càng phủ lên làn khói cơm
chiều ấy vẻ đẹp của sự bình yên và thân thuộc, càng gây thêm mùi nhớ của hương vị
nếp xôi thơm nồng. Câu thơ trên với ba vần trắc: nhớ, Tiến, khói như chạm khắc làn
khỏi cơm chiều vào bầu trời ký ức. Câu thơ thứ hai hầu hết là vần bằng (chỉ có một
vần trắc: nếp) lại đưa đẩy, khuyếch tán cái vị ngọt ngào ấy vào sâu tâm hồn con người.
Câu thơ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi cũng có một từ đặc biệt: mùa em. Khi
tiếp xúc với Tây Tiến, ai cũng thừa nhận chính từ ấy đã làm cho câu thơ trở nên lạ
lùng và … khó hiểu! Chắc là trước Quang Dũng chưa ai sử dụng từ Mĩ đó. Điều mà
mọi người đều thừa nhận là khi đã trở thành anh Vệ quốc quân, nhà thơ của chúng ta
vẫn là chàng trai hào hoa và lãng mạn. Ở bài thơ viết năm 1949, sau Tây Tiến một
năm, Đôi mắt người Sơn Tây, một bài thơ nói về những mất mát trong chiến tranh còn
thảm khốc hơn nhiều, Quang Dũng vẫn còn có những hình ảnh và ngôn từ sang trọng,
không kém phần mĩ lệ:
Vầng tráng em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương…
Chiến tranh không làm mất đi nét hào hoa và lãng mạn ở Quang Dũng. Có lẽ, ở
nhà thơ này còn có một thước đo riêng. Đó là thước đo của cái đẹp và từ phía Đẹp.
Thiên nhiên, thời gian cũng được nhà thơ đo bằng thước đo ấy. Người đời đã có mùa
xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Quang Dũng, với Tây Tiến, có thêm ít nhất một
mùa nữa. Mùa ấy có chiều kích ở đôi mắt và tâm hồn của chính thi nhân.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi… thêm nếp xôi là một trường đoạn trong nỗi nhớ
da diết của Quang Dũng về Tây Tiến.
Nỗi nhớ ấy làm hiện lên một vùng đất với thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa khắc
nghiệt, vừa đầy thơ mộng vừa hết sức nguy nan. Nhưng xao động lòng người vẫn là
chân dung của Người lính Tây Tiến rất đỗi hào hùng và hào hoa. Cho dù thời gian có
biến tất cả trở thành quá khứ nhưng Tây Bắc và người lính Tây Tiến qua thơ Quang
Dũng vẫn còn đọng lại mãi.