Kỹ thuật nuôi cá tầm
Cá tầm sống trong môi trường nước lạnh, sạch và ô xy hòa
tan cao, tốt nhất trên 6 mg/lít. Nhiệt độ nước phù hợp cho sự
tăng trưởng của cá tầm từ 18 - 27oC. Cá tầm có thể sống
được khi nhiệt độ cao hơn, nhưng khả năng tăng trưởng kém,
nếu nhiệt độ cao kéo dài có thể gây chết hoặc phát triển dịch
bệnh.
Có thể nói nhiệt độ là yếu tố môi trường quan trọng mang
tính quyết định đến bố trí thủy vực nuôi trồng. Cá tầm là đối
tượng dễ nuôi, có thể nuôi theo các hình thức như nuôi ao
nước chảy và trong lồng hồ chứa, nuôi công nghiệp (nước
chảy tuần hoàn).
Xây dựng đàn cá bố mẹ
Ở những nước có cá tầm tự nhiên phân bố, công nghệ sản
xuất cá giống thường dựa vào nguốn cá bố mẹ tự nhiên.
Người ta đánh bắt cá bố mẹ trên đường di cư đi đẻ tiến hành
thụ tinh và ương ấp trong điều kiện nhân tạo. Công việc này
được tiến hành thường xuyên ở những nước có nguồn cá tầm
tự nhiên như Nga, Mỹ, Iran, Trung Quốc, v.v
Công nghệ sản xuất giống tuỳ thuộc vào trình độ và điều kiện
của mỗi nước mà sử dụng với mức độ khác nhau. Đơn giản
nhất là bắt cá trên đường cá đi đẻ, cho thụ tinh nhân tạo, sau
đó tiến hành ương nuôi đến giai đoạn cá giống rồi thả ra tự
nhiên. Tuy nhiên hiệu quả công việc này không cao vì rất khó
bắt được cá bố mẹ đúng thời điểm thành thục để tiến hành
thụ tinh nhân tạo. Do bị hạn chế bởi số lượng cá bố mẹ đánh
bắt được và mức độ thành thục của chúng không đều nên
lượng cá giống thu được thường không được nhiều và chất
lượng con giống không ổn định. Công nghệ này thường chỉ
dùng trong điều kiện thí nghiệm hoặc với mục đích khôi phục
nguồn lợi. Hiện nay ở Trung Quốc vẫn còn sử dụng phương
pháp này để khôi phục nguồn lợi loài cá tầm bản địa.
Trên cơ sở công nghệ trên người ta tiến đến bắt cá bố mẹ
nuôi tạm một thời gian cho đến khi thành thục hẳn mới tiến
hành cho đẻ. Nhờ kết hợp với biện pháp tiêm kích thích tố
nên số lượng cá bố mẹ nhiều hơn, thời gian cho đẻ chủ động
và kết quả ổn định hơn nhiều so với phương pháp trên.
Biện pháp này được áp dụng ở sông Volga thời kỳ nhà nước
Liên xô. Hàng năm một lượng lớn cá bố mẹ cá tầm ngược
dòng vào sông Volga đi đẻ. Số cá này bị giữ lại dưới chân
đập thuỷ điện chắn ngang sông tạo nên một ngư trường lớn
cá bố mẹ ở đây. Một số nhà máy sản xuất cá giống lớn được
xây dựng tại chỗ. Những cá thể thành thục bắt được có thể
cho đẻ ngay. Cá thể chưa thành thục thì tiêm kích thích tố rồi
thả nuôi tạm, sau một thời gian ngắn sẽ cho đẻ. Công nghệ
này cho phép giảm một lượng lớn kinh phí để nuôi cá bố mẹ
đồng thời sản xuất ra một lượng cá giống lớn đủ để vừa thả ra
tự nhiên vừa để nuôi làm cá thịt. Tuy nhiên ta không áp dụng
được công nghệ này vì ta không thể có cá bố mẹ tự nhiên như
vậy.
Ở một số nước nhập cá tầm về nuôi muốn chủ động nguồn cá
giống đều phải dựa vào nguốn cá bố mẹ chọn ra từ đàn cá
nuôi thương phẩm. Do cá tầm có tuổi thành thục muộn (4 – 6
năm hoặc hơn nữa) nên việc nuôi cá bố mẹ rất tốn kém và
phải chờ đợi lâu cho đến khi cá thành thục nên một số nước ở
châu Âu thường chọn giải phải pháp mua trứng cá đã thụ tinh
hoặc mua cá giống từ các nước Nga, Iran hay Ukraina.
Theo Michail Chebanov (2001) thì hàng năm Nga bán 6 triệu
trứng cá tầm đã thụ tinh cho các nước Đức, Ba lan, Italy,
Hungary, Tây ban Nha, Trung Quốc cho đến tận Ecuador. Ở
Mỹ và Canada nguồn cá tầm bố mẹ trong tự nhiên hầu như
cạn kiệt nên việc sản xuất giống đều phải dựa vào đàn cá
nuôi.
Cần nói thêm rằng muốn cá bố mẹ sau khi qua đông thành
thục tốt lại phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi vỗ. Cá bố mẹ được
chọn ra từ đàn cá nuôi thương phẩm phải được nuôi trong
điều kiện nước chảy với thức ăn không quá nhiều chất béo.
Cá nuôi trong điều kiện nước tĩnh, cho ăn nhiều chất béo làm
cho tuyến sinh dục phủ đầy mỡ không chuyển hoá thành
trứng và sẹ được. Theo kinh nghiệm của Nga để kích thích cá
chóng thành thục cần cho cá hoạt động trong môi trường
nước chảy và cho ăn thêm thức ăn tươi sống như cá tươi xay
trộn với thức ăn viên. Theo Panomarov (2008) thì khẩu phần
ăn cho cá bố mẹ chỉ cần dưới 2%, trong đó hàm lượng
protein là 40 – 50 % nhưng hàm lượng mỡ không quá 15%
tốt nhất là 10 – 12%.
Cá tầm hiện nay được cho ăn bằng thức ăn viên chuyên dùng
cho cá hồi nhập từ Phần lan là không đạt yêu cầu vì các lý do
sau đây:
Thức ăn dùng cho cá hồi có hàm lượng prôtêin cao so với
nhu cầu của cá tầm nên giá thành cao lãng phí không cần
thiết.
Thức ăn được sản xuất để nuôi cá hồi ở vùng nước lạnh đòi
hỏi hàm lượng mỡ cao. Lượng mỡ này trở nên quá dư thừa
đối với cá tầm nên hạn chế khả năng phát dục của cá tầm.
Thức ăn nhập khẩu với giá thành cao nhưng lại phải nhập
nhiều cùng một lúc. Việc thức ăn có hàm lượng mỡ cao lại để
lâu ngày trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ cao ở Việt nam
nên chóng bị phân huỷ nên cá ăn vào dễ bị ngộ độc, sinh
bệnh.
Vì thế cho nên cần nhanh chóng sản xuất thức ăn thích hợp
tại Việt nam. Như vậy, vừa giảm được giá thành cá nuôi vừa
đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cá một cách tốt nhất.
Công nghệ qua đông nhân tạo
Cá bố mẹ đến tuổi thành thục đòi hỏi phải trải qua thời gian
mùa đông nhất định thì buồng trứng mới chuyển sang giai
đoạn IV và cho đẻ được. Ở một số nước châu Âu điều kiện
mùa đông gần giống với nước Nga nên cá bố mẹ đến tuổi
thành thục sau mùa đông có thể cho đẻ được và cá thành thục
muộn như ở Nga.
Tuy nhiên trong điều kiện nhiệt đới ở nước ta không thể có
mùa đông như tính di truyền của loài yêu cầu. Để có cá bố
mẹ đủ tiêu chuẩn sinh sản nhân tạo (và cho trứng làm caviar)
các nhà khoa học Nga đã thành công trong việc cho cá trú
đông nhân tạo đối với cá nuôi ở miền Nam nước này. Biện
pháp cụ thể là đem cá đã đủ tuổi thành thục vào nuôi trong bể
nước tuần hoàn và hạ nhiệt độ đến nhiệt độ trú đông của loài
trong thời gian 15 – 20 ngày. Sau đó nâng dần nhiệt độ nước
lên nhiệt độ thích hợp cho cá đi đẻ và tiến hành tiêm kích
thích tố và thụ tinh nhân tạo.
Vì vậy nếu chúng ta muốn cá tầm thành thục có trứng để sản
xuất caviar cũng như sản xuất cá giống tất nhiên phải xây
dựng một khu vực dành riêng để cho cá bố mẹ qua đông.
Công việc này được thực hiện trong điều kiện nuôi nước tuần
hoàn qui mô nhỏ. Hệ thống nuôi này không quá phức tạp vì
thời gian cá qua đông không cần phải cho ăn nên yêu cầu bộ
lọc sinh học không lớn. Vấn đề cần giải quyết là khu nuôi
phải có thiết bị cách nhiệt tốt, thiết bị làm lạnh nước phải đạt
hiệu quả cao đồng thời tiết kiệm năng lượng đến mức tối đa.
Đây là khâu then chốt quyết định hiệu quả kinh tế của việc di
nhập và nuôi cá tầm ở nước ta.
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tầm không khác lắm đối sinh
sản cá chép. Điều quan trọng quyết định kết quả của kỹ thuật
sinh sản nhân tạo là xác định đúng thời điểm tiêm kích thích
tố và thời điểm rụng trứng để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Kỹ
thuật này đối với các kỹ thuật viên của ta đều có thể thực
hiện một cách thành thạo (xem phần 4.2 và 4.3). Điểm mới
trong kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tầm là biện pháp rạch một
đường nhỏ ở bụng để lấy trứng sau đó khâu lại mà vẫn đảm
bảo cá còn sống và cho trứng vào năm sau.
Quá trình thao tác để lấy trứng và sẹ nên sử dụng thuốc gây
mê để tránh tổn thương cá và thuận lợi trong thao tác. Đây là
công việc mà cán bộ kỹ thuật của ta chưa quen nhưng khi
tiếp xúc với cá bố mẹ cá tầm nặng hàng vài chục kg thì việc
sử dụng thuốc gây mê là không thể tránh và đòi hỏi phải quen
dần với kỹ thuật này. Việc gây mê cá có thể bơm dung dịch
gây mê trực tiếp vào mang cá như vậy cá sẽ nhanh bị mê và
rút ngắn thời gian thao tác.