Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Phát Huy « Tư Duy không lời » nơi trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ… pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (121.64 KB, 11 trang )


Phát Huy « Tư Duy không lời »
nơi trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ…

Từ lứa tưổi 2-3 tháng cho đến giai đoạn chung quanh 2-3 năm, trước khi
ngôn ngữ xuất hiện, một trẻ em bình thường đã biết vận dụng, một cách tự
phát, 3 giác quan Thị Thính và Xúc, để khám phá môi trường chung quanh.
Môi trường sinh hoạt nầy bao gồm những đồ vật cụ thể trong tầm tay của trẻ
em, cũng như những người thân có mặt trong gia đình.
Một cách đặc biệt, xuyên qua vai trò trung gian và sự hiện diện liên tục của
người mẹ, trẻ em sẽ ngày ngày lặp đi lặp lại những kinh nghiệm giác quan
như : nhìn với đôi mắt, nghe với hai tai, cũng như vui đùa, tiếp cận với tay chân
hay là làn da của mình. Nhờ vào đó, trẻ em đã bắt đầu phát huy tư duy và khả
năng hiểu biết của mình, bằng cách thu hóa và hội nhập một số tin tức – tuy
còn rất hạn chế - về cuộc sống đang diễn ra hai bên cạnh.
Chung quanh 2-3 năm, sau khi ngôn ngữ xuất hiện, trẻ em có thêm một
phương tiện hữu hiệu khác, trong chiều hướng mở rộng vòng sinh hoạt và
những quan hệ của mình. Nói khác đi, từ đây, trẻ em có thể diễn tả và thông đạt
ra bên ngoài những nhận thức và hiểu biết có mặt bên trong nội tâm, cũng như
chia sẻ, trao đổi và đồng cảm với những tâm tình và ý định của kẻ khác. Sáu
lãnh vực như cảm giác, vận động, xúc động, quan hệ, tư duy và ngôn ngữ, lúc
bấy giờ, sẽ giao thoa chằng chịt, cũng như tác động qua lại hai chiều trên nhau
và phát huy lẫn nhau.
Trong tinh thần và ý hướng vừa được trình bày, khi một trẻ em vừa bộc lộ
một vài dấu hiệu báo động về « nguy cơ Chậm Phát Triển hay là Tự Kỷ » – còn
đang mập mờ và không chính xác – chúng ta cần xúc tiến tức khắc công việc
« Can Thiệp Sớm », bằng cách tổ chức một cách đều đặn, những sinh hoạt
« Kích Thích » với những chiều hướng và hình thức như sau :
- Chiều hướng thứ nhất bao gồm những sinh hoạt như : Bắt chước,
Vận động thô, Vận động tinh, Phối hợp mắt và tay…
- Chiều hướng thứ hai là những trò chơi nhằm kích thích những sinh


hoạt « Nhận Thức » còn mang tên là « Tư Duy không lời ».
Hy vọng trong tương lai rất gần, tôi sẽ lần lượt giới thiệu cho cha mẹ và
giáo viên một số sinh hoạt cụ thể, nhằm kích thích trẻ em trong những lãnh vực
như bắt chước, vận động hay là phối hợp mắt và tay…Trong khuôn khổ của bài
chia sẻ nầy, tôi chỉ trình bày một vài bài học thuộc chiều hướng thứ hai, với
những bước đi lên cụ thể và có thứ tự từ dễ đến khó.

****
1 Sinh hoạt « Sắp xếp hay là tập hợp lại với nhau 2 đơn vị hoàn toàn
giống nhau »
Đặt để trước mặt trẻ em 2 chiếc đĩa bằng giấy và bảo : « Em hãy xếp lại
với nhau ».
Nếu trẻ em còn phân vân chưa biết làm, cha mẹ hay thầy cô chứng minh
một lần cách làm, cho trẻ em thấy. Sau đó, tách rời các đĩa ra từng chiếc một và
đặt để mỗi đĩa ở một nơi, và lặp lại lời chỉ dẫn. Nếu trẻ em thành tựu mục tiêu,
chúng ta khen thưởng. Nếu trẻ em chưa làm được, chúng ta cầm tay hướng dẫn.
Sau đó, hướng dẫn bằng cử điệu mà thôi, cho đến khi trẻ em thành tựu.
2 « Sinh hoạt « Sắp xếp 3 chiếc đĩa giấy lại với nhau »
Chúng ta hướng dẫn và đi theo những thứ tự giống hệt như trên.
3 Sinh hoạt « Thả rơi vào trong một chiếc bình hay hộp bằng nhựa
trong suốt, hai hạt cườm hoàn toàn giống nhau.
Thay vào hai hạt cườm, chúng ta có thể dùng 2 khối vuông nhỏ, hay là 2 hạt
đậu lớn.
Chiếc bình hay hộp cần có miệng rộng.
Sau lời chỉ dẫn, chúng ta chứng minh một lần.
Khi trẻ em đã làm được một mình với 2 hạt cườm, chúng ta tăng số lượng
dần dần, từ 2 lên 5.
4 Tách rời ra khỏi nhau 2 ly nhựa hay là hai đĩa giấy
Đặt để trước mặt trẻ em hai chiếc đĩa hay là 2 ly nhựa chồng lên nhau và
bảo trẻ em : « Em hãy tách hai ly nhựa ra khỏi nhau ».

Chúng ta chứng minh một lần.
Với trẻ em đang gặp khó khăn, hướng dẫn bằng tay. Sau đó, chúng ta tạo
khoảng cách, chỉ dùng cử điệu, kèm theo lời nói.
Khi trẻ em đã thành tựu với 2 đơn vị, chúng ta tăng dần lên tới 5.
5 Xếp lại với nhau vật nào theo vật nấy.
Đặt để trước mặt trẻ em một ly nhựa chứa đựng nhiều hạt cườm, và một ly
khác có nhiều khối vuông hay là một thứ khác tương tự.
Đưa cho trẻ em một hạt cườm và bảo : « Em hãy xếp hạt cườm nầy với
những hạt cườm khác ». Sau đó, đưa thêm một khối vuông và bảo trẻ em bỏ
khối vuông vào ly có những khối vuông.
Sau khi trẻ em đã hiểu cách làm, chúng ta đưa cho trẻ em :
- lần thứ nhất : 2 hạt cườm và 1 khối vuông,
- lần thứ hai : 2 hạt cườm và 2 khối vuông,
- lần thứ ba : 3 hạt cườm và 3 khối vuông trộn lẫn vào nhau,
- lần thứ tư : nhiều hạt cườm và khối vuông, với số lượng không đồng
đều nhau.
6 Lần nầy, chúng ta sử dụng 2 loại vật dụng khác nhau, để sắp xếp vào
trong 2 hộp hoặc 2 ly giống nhau và hoàn toàn trống rỗng.
Đặt để trước mặt trẻ em 3 chiếc xe ô-tô nho nhỏ và 3 hạt cườm (hoặc viên
bi), cùng với 2 ly hay là 2 hộp nhựa. Bảo trẻ em xếp xe ô-tô vào một hộp, và
xếp hạt cườm vào một hộp khác.
Chúng ta chứng minh một lần và sau đó lặp lại lời chỉ dẫn.
Sau khi trẻ em đã thành tựu, chúng ta tăng dần độ khó :
- lần thứ nhất : đưa cho trẻ em 4 xe ô-tô và 4 hạt cườm,
- tăng dần lên tới 6 đơn vị, trong mỗi loại,
- Sau cùng, dùng 3 loại vật dụng khác nhau, với 3 chiếc hộp hoàn toàn
giống nhau.
7 Sắp xếp bằng cách so sánh 3 hình khối có 3 loại hình thể khác nhau
với 3 độ lớn khác nhau.
Đặt để trước mặt trẻ em 3 tấm giấy cứng có vẽ sẵn 3 loại hình khác nhau :

tròn, vuông và tam giác, với 3 độ lớn khác nhau.
Đưa cho trẻ em 3 hình khối có 3 hình thể tròn, vuông và tam giác. Bảo trẻ
em xếp khối tròn lên tấm giấy có hình tròn, khối vuông trên tấm giấy có hình
vuông và khối tam giác trên tấm giấy có hình tam giác.
Chứng minh một lần.
Chúng ta đi theo tiến trình sau đây :
- lần thứ nhất, dùng 3 hình khối có 3 màu khác nhau. Trên mỗi tấm
giấy có hình vẽ được tô màu giống như hình khối.
- lần thứ hai, dùng lại 3 hình khối có 3 màu khác nhau. Trên mỗi tấm
giấy, chỉ tô màu rập theo màu của hình khối, các đường khung của hình vẽ mà
thôi.
- Lần thư ba, không tô màu các đường khung của hình vẽ trên tấm
giấy. Chỉ có đường khung màu đen trên cả 3 tấm giấy.
8 Phân phối một cách đồng đều
Đưa cho trẻ em 2 hạt cườm và hai ly nhựa hoàn toàn giống nhau.
Bảo trẻ em bỏ vào trong mỗi ly nhựa một hạt cườm.
Chứng minh cách làm một lần cho trẻ em thấy và hiểu.
Dùng lời nói bảo trẻ em : « Bây giờ em hãy bỏ một hạt cườm vào một ly
nhựa ». Nếu trẻ em bỏ cả 2 hạt vào trong một ly duy nhất, chúng ta vừa đưa tay
làm dấu và vừa nói « Không phải ». Chứng minh cho đến khi trẻ thành tựu.
Sau khi thành tựu với 2 hạt cườm và hai ly, chúng ta tăng lên 3. Rồi lên 4
và 5. Với bao nhiêu hạt đậu, chúng ta dùng bấy nhiêu ly nhựa. Nếu trẻ em đã
biết bên trái và bên mặt, chúng ta bảo trẻ em bắt đầu bên trái và từ từ đi qua
mặt. Tuy nhiên, chúng ta không quá nhấn mạnh đến cách làm nầy, với trẻ em
đang có nhiều khó khăn.
9 Dùng các hộp đựng trứng trong các siêu thị
Chúng ta bảo trẻ em lặp lại tác động phân phối trên đây, với các loại hộp
đựng trứng trong các siêu thị.
Lần thứ nhất, dùng hộp có 6 ô và trao cho trẻ em 6 hạt cườm. Bảo trẻ em :
« Hãy đặt vào trong mỗi ô trứng 1 hạt cườm ».

Ban đầu, để cho trẻ em làm một cách tự phát. Dần dần thử đề nghị làm từ
trái qua mặt. Xong hàng trên, đi xuống hàng dưới. Tuy nhiên với trẻ em chưa
xác định trái và mặt, trên và dưới, chúng ta không quá nhấn mạnh.
Lần thứ hai, sau khi trẻ em thành tựu công việc với hộp trứng có 6 ô, chúng
ta trao cho trẻ em hộp trứng có 12 ô với 12 hạt cườm.
Thể thức tiến hành hoàn toàn giống như trước đây.
10 Phân phối và xếp loại, bằng cách so sánh và phân biệt 2 màu sắc
khác nhau (Xếp loại theo một tiêu chuẩn)
Trong bài học nầy, chúng ta dùng những vật dụng hoàn toàn giống nhau về
hình thức và độ lớn, chỉ khác nhau về màu sắc. Ban đầu dùng 2 màu sắc rất
khác biệt với nhau, như màu đỏ và màu xanh dương.
Cách tiến hành : Trao cho trẻ em chỉ 2 đơn vị, một màu đỏ và một màu
xanh dương, cùng với 2 hộp màu đỏ và xanh dương. Bảo trẻ em : « Em hãy bỏ
trái banh đỏ vào hộp đỏ, trái banh xanh vào hộp xanh ».
Sau khi trẻ em thành tựu công việc xếp loại với 2 đơn vị, chúng ta tăng dần
các đơn vị lên cho tới 7 với 7 màu khác nhau.
Từ lần thứ 2 hay thứ 3 trở lên, chúng ta không dùng loại hộp có màu sắc
thích hợp với vật dụng được phân phối. Chỉ dùng một loại hộp giống nhau cho
bất cứ màu nào.
Vật dùng để xếp loại, theo tiêu chuẩn màu sắc, có thể là những đồ chơi nho
nhỏ như: xe ôtô, máy bay, hạt bi…
11 Trò chơi lô-tô
Sau khi trẻ em đã có khả năng so sánh và xếp lại với nhau 2 đồ vật cụ thể
hoàn toàn giống nhau, chúng ta sử dụng hai hình ảnh hoàn toàn giống nhau, để
tổ chức trò chơi lô-tô. Một tấm giấy cứng và lớn có nhiều hình ảnh được sắp
xếp theo hàng và theo cột. Bên cạnh có những tấm hình ảnh tách rời khỏi nhau.
Bảo trẻ em chọn 1 hình ảnh rời và tìm 1 ô vuông trên khung mẫu có hình ảnh
hoàn toàn giống như vậy, và đặt để chồng lên nhau.
Thay vì mua sắm những trò chơi lô-tô có sẵn trong các siêu thị, cha mẹ
hoặc giáo viên có thể sáng chế những tấm lô-tô với các hình ảnh quen thuộc và

có cỡ lớn thích hợp với trẻ em.
Chúng ta có thể dùng :
- lô-tô về màu sắc,
- lo-tô về loài vật,
- lô-tô về các vật dụng quen thuộc,
- lô-tô về loài vật,
- lô-tô về các loại hoa.
Mỗi khung mẫu có 4 hoặc 6 ô hay là nhiều hơn, tùy vào lứa tuổi và mức độ
phát triển của trẻ em.
12 So sánh và xếp loại theo tiêu chuẩn lớn nhỏ (cấp một)
Ban đầu chúng ta khởi sự với những khối vuông. Đưa cho trẻ em 2 khối
vuông có 2 cỡ lớn khác nhau. yêu cầu trẻ em xếp một khối vuông lớn vào trong
một hộp có sẵn một vài khối vuông lớn. Sau đó, xếp khối vuông nhỏ vào hộp
thứ hai có sẵn một vài khối vuông nhỏ.
Lặp đi lặp lại 2 hoặc 3 lần. Sau mỗi lần, thay đổi chỗ các hộp, cho đến khi
trẻ em thành tựu một cách dễ dàng.
13 So sánh và xếp loại theo cỡ (cấp hai)
Trong tiết mục số 12, trẻ em chỉ có 2 khối vuông, để sắp xếp. Với cấp hai
nầy, trẻ em có nhiều đơn vị lớn và nhỏ trộn lẫn vào nhau. Ban đầu, trong mỗi
hộp, có sẵn một khối làm mẫu hướng dẫn. Khi trẻ em đã hiểu thế nào là lớn và
nhỏ, chỉ có 2 hộp trống, để trẻ em chọn lựa hộp nào dành cho cỡ lớn, hộp nào
dành cho cỡ nhỏ.
Những vật liệu được dùng có thể là:
- khối vuông,
- trái banh,
- nút áo…
14 Xếp loại theo cỡ (cấp ba)
Ở cấp ba nầy, chúng ta có thể dùng các loại hộp có nắp đậy. Hình thức các
hộp giống nhau. Nhưng cỡ lớn khác nhau. Trao cho trẻ em 2 hộp và 2 chiếc nắp
đậy khác nhau. Bảo trẻ em: “Em hãy lấy nắp đậy các chiếc hộp lại. Mỗi hộp có

một chiếc nắp riêng”.
- Lần thứ nhất, chọn 2 cỡ rất khác nhau và dễ phân biệt,
- Lần thứ hai, chọn 2 cỡ còn khác nhau,
- Lần thứ ba, chọn 2 cỡ rất gần với nhau.
15 Xếp loại theo cỡ (cấp bốn)
Dùng 2 ly nhựa có 2 cỡ khác nhau và bảo trẻ em: “Em hãy lồng ly nhỏ vào
trong ly lớn.
Ban đầu, dùng hai ly có 2 cỡ rất khác nhau.
Lần thứ hai, thêm 1 chiếc ly có cỡ trung bình.
Lần thứ ba, tăng số lượng lên 4 và nhiều hơn.
Vật liệu được dùng để xếp loại:
- những vòng tròn,
- những loại trứng,
- những con búp-bê của người Nga.
16 Nhận ra những tiếng kêu của loài vật
Có 3 cách làm khác nhau:
- Cách thứ nhất, thầy hay cô làm một tiếng kêu như: “vâu vâu, meo
meo, cốc cô cồ”…Tiếp theo, hỏi trẻ em: “Con vật nào kêu như vậy?”. Trẻ em
tìm một trong 3 con vật bằng gỗ hay cao-su có để sẵn trước mặt và đưa lên cao.
- Cách thứ hai, cô cầm con vật bằng gỗ và hỏi trẻ em: “Con vật nầy
kêu thế nào?”. Trẻ em cần bắt chước tiếng kêu của con vật.
- Cách thứ ba, thầy giáo đưa lên hình ảnh của con vật và yêu cầu trẻ
em làm tiếng kêu.
Chúng ta bắt đầu với những con vật quen thuộc và gần gũi như gà, vịt, chó,
mèo, lợn…
17 Nhận ra những âm thanh
Chúng ta bắt đầu với những dụng cụ thông thường như chuông, còi, lúc-lắc,
trống, sáo
- Cách làm thứ nhất: trước mặt trẻ em, có để sẵn 2 hoặc 3 dụng cụ
quen thuộc. Đằng sau một tấm màn, thầy hoặc cô có một bộ dụng cụ giống hệt.

Thầy cô thổi một tiếng sáo. Sau đó yêu cầu trẻ em: “Hãy phát ra một âm thanh
giống như cô”. Nếu trẻ em làm đúng, chúng ta khen thưởng lập tức. Nếu trẻ em
làm sai, chúng ta bảo trẻ em hãy chăm chỉ lắng nghe. Hay là chúng ta cất tấm
màn che, để cho trẻ em thấy dụng cụ trên tay của chúng ta, để bắt chước.
- Sau khi trẻ em đã thành tựu cách làm thứ nhất, chúng ta đưa lên hình
ảnh của dụng cụ và yêu cầu trẻ em phát ra một âm thanh, với dụng cụ có sẵn ở
trước mặt.
- Cách làm thứ ba là trở lại với tấm màn che, để giúp trẻ em lắng nghe
và phát ra một âm thanh tương tự, với các dụng cụ có sẵn trước mặt.
- Cách thứ tư, chúng ta cất đi những vật dụng cụ thể, và yêu cầu trẻ em
làm một cử điệu như rung chuông, thổi sáo…khi nhận ra âm thanh của chuông
và ống sáo.
18 Chuẩn bị học vẽ và học viết
Trên mặt tấm bảng trước mặt trẻ em, chúng ta yết sẵn thành hàng một số
hình ảnh quen thuộc, mà trẻ em đã nhận biết, như:
- cuốn sách,
- chiếc bàn,
- trái banh lớn,
- cái chén,
- cái đĩa,
- con mèo…
Thầy giáo hỏi: “Hình ảnh chiếc bàn nằm ở đâu? Em hãy lên lấy bút màu
làm một dấu x ở bên dưới.
Chúng ta có thể thêm: dấu x màu đỏ ở dưới hình chiếc bàn, dấu x màu vàng
dưới hình con mèo…, để trẻ em có thể nhận ra các bút màu khác nhau.
19 Ý thức về sơ đồ thân thể
Bảo trẻ em: “Hãy nhìn và làm theo như thầy” :
- đưa hai tay lên cao,
- đưa 2 tay đụng đầu,
- đưa tay mặt dụng trán,

- đưa tay trái đụng tai trái,
- ngồi xuống,
- đứng lên,
- đưa hai tay đụng mặt đất,
- đưa tay mặt đụng vai bên trái,
- đưa tay trái đụng tai bên mặt,
- đưa 2 tay đụng đầu gối…
Sau khi trẻ em đã biết bắt chước và nhận biết các phần của thân thể, thầy
giáo cho phép trẻ em làm và ra lệnh. Thầy giáo bắt chước.
Cuối cùng, thầy giáo chỉ ra lệnh, trẻ em làm. Hay là cho phép trẻ em ra
lệnh, thầy giáo làm.
20 Xếp thành đôi
Trước mắt trẻ em, chúng ta trình bày một cách lộn xộn những chiếc giày,
chiếc dép và chiếc vớ. Bảo trẻ em sắp xếp lại thành đôi, một cách đứng đắn và
thích hợp, theo cỡ, theo màu, theo hình thức…
21 Kết ráp những thành phần lại với nhau của một tấm hình.
Chọn trong các tờ báo những tấm hình lớn, dán vào các tấm bìa dày và
chắc. Sau đó, chúng ta cắt ra thành 4-5 mảnh. Bảo trẻ em kết ráp các mảnh lại
với nhau cho đúng vị trí.
Nếu trẻ em gặp khó khăn, dùng một tấm hình hoàn toàn y hệt làm mẫu.
Dần dần, chúng ta cất đi những bản mẫu, để trẻ em có thể phỏng đoán, tìm
kiếm, hình dung.
Khi trẻ em đã làm quen với cách làm, chúng ta chọn nhiều nội dung khác
nhau, với số lượng các mảnh càng ngày càng tăng lên.
23 Đo lường dung lượng
Dùng các ly nhựa trong suốt và ghi ở ngoài một lằn mức rõ ràng. Bảo trẻ
em rót nước vào ly cho đến lằn mức được ấn định, trên mỗi ly.
Thay vào nước, chúng ta có thể dùng các loại hạt khác nhau, hay là cát
biển…
24 Sắp xếp các hình theo thứ tự thời gian trước sau.

Với máy ảnh, chúng ta có thể sáng tạo những bộ hình ảnh từ 3 đến 4-5 tấm,
để trẻ em sắp xếp từ trái sang phải, theo thứ tự thời gian.
Ví dụ:
- tấm thứ nhất, em A đi ra tiệm,
- tấm thứ hai, em A mua một cây kem nơi bà bán hàng,
- tấm thứ ba, em A trả tiền,
- tấm thứ bốn, em A bắt đầu ăn kem.
- tấm thứ năm, em A chỉ còn một nửa cây kem.

****
Với 24 tiết mục trên đây, tôi đã trình bày 24 cách làm khác nhau, mà các
bậc cha mẹ hay là người giáo viên trong các trường và lớp học chuyên biệt, có
thể sử dụng, để giúp trẻ em phát huy tư duy “không lời” của mình.
Mục tiêu chính yếu của tôi là chứng minh rằng: dưới hình thức vui chơi, có
mặt với trẻ em, chúng ta có thể làm rất nhiều điều đơn sơ, với những dụng cụ
có sẵn trong tầm tay, để giúp trẻ em vượt qua những khó khăn của mình, trong
lãnh vực học tập và phát triển.
Chúng ta vừa làm, vừa chơi, và nhất là tạo vui thích và hứng khởi cho trẻ
em học sinh và con cái của chúng ta.
Với 24 tiết mục trên đây, tôi không có tham vọng “tát cạn” mọi khó khăn và
vấn đề của trẻ em. Tuy nhiên dựa vào đó, mỗi cha mẹ, cũng như mỗi người
giáo viên có thể sáng tạo, với tất cả trí thông minh và lòng thương yêu rộng lớn
của mình “CHO trẻ em, VÌ trẻ em và VỚI trẻ em”.
Kính chúc mọi người thành công.
NGUYỄN Văn Thành
Lausanne, Thụy Sĩ, Tháng 6 năm 2006
Đón đọc bài : “Phát huy ngôn ngữ của trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ.

MỤC LỤC

×