Sản Xuất Thành Công
Giống Tôm Thẻ Chân
Trắng
Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam đã phát
triển mạnh mẽ, đặc biệt tại miền Trung, tôm thẻ chân trắng đã nổi lên là đối
tượng nuôi phổ biến. Tuy nhiên, nguồn tôm bố mẹ sử dụng cho sản xuất
giống tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam chủ yếu nhập từ Thái Lan, Trung Quốc,
Malaysia và Hawaii.
Tôm chân trắng Ấn Độ đang dần thay thế tôm NK từ Thái Lan
Hiện nay việc sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng, cơ hội lớn cho
người nuôi trồng thủy sản
Do không chủ động nguồn con giống, không kiểm soát được đầu vào nên chất
lượng con giống đã trở thành thách thức chính cho công nghệ nuôi tôm thẻ
chân trắng ở Việt Nam. Sau nhiều năm triển khai thử nghiệm, Viện Nghiên
cứu nuôi trồng thủy sản III (Viện III) đã sản xuất thành công giống tôm thẻ
chân trắng có nguồn gốc từ Hawaii, bước đầu tạo ra con giống chất lượng cao
với tên gọi F1-V3-VN.
Theo thống kê của Viện III, cả nước hiện có trên 500 trại sản xuất giống tôm
thẻ chân trắng, mỗi năm sản xuất khoảng 10 tỷ con giống. Tuy nhiên, với diện
tích nuôi thả như hiện nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 50 tỷ con giống.
Như vậy, nguồn tôm giống chân trắng sản xuất tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng
rất ít so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh
được sản xuất theo đúng quy trình và quy định hiện nay còn quá ít, chỉ chiếm
khoảng 10 - 15% so với lượng tôm giống sản xuất trên thị trường.
Sau nhiều năm triển khai thử nghiệm, Viện III đã sản xuất thành công giống
tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc từ Hawaii, bước đầu sản xuất con giống chất
lượng cao với tên gọi F1-V3-VN. Tôm giống F1-V3-VN có khả năng sinh sản
ở điều kiện miền Trung tương đối ổn định, mỗi lần đẻ từ 200.000 - 230.000
trứng, trong khi đó tôm nhập trực tiếp từ Hawaii đẻ từ 170.000 - 190.000
trứng, tỷ lệ nở và tỷ lệ thụ tinh của tôm F1-V3-VN cũng cao hơn so với đối
chứng. Không chỉ vậy, thời gian đẻ lần đầu sau khi cắt mắt của giống tôm
cũng sớm hơn.
Qua thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ sống qua thời gian nuôi thành thục và cho đẻ
của tôm đạt 93,3%. Đặc biệt, các mẫu kiểm dịch giống tôm F1-V3-VN đều
không có dấu hiệu bị nhiễm 6 loại bệnh TSV, WSSV, MBV, IHV, BP,
IHBMV. Trong khi đó, giá thành của tôm giống F1-V3-VN chỉ bằng 50% so
với tôm nhập từ Thái Lan và bằng 30% so với tôm giống bố mẹ nhập trực tiếp
từ Hawaii. Từ nguồn tôm giống F1-V3-VN cho sinh sản thành công, Viện III
đã triển khai nuôi thử nghiệm tại 24 hộ ở các tỉnh miền Trung, diện tích 27,2
ha với 59 ao nuôi, lượng tôm chân trắng thả là 34,1 triệu con.
Trong số 59 ao nuôi tôm F1-V3-VN thì có 54 ao nuôi không phát hiện bệnh,
chiếm 89,25%, các ao còn lại có nhiễm bệnh và được xác định là do yếu tố
môi trường. Thời gian nuôi thử nghiệm từ ngày thả giống đến khi thu hoạch
tại các mô hình là 78 ngày, kích cỡ tôm khi thu hoạch đạt 99 con/kg, hệ số
thức ăn bình quân của các mô hình là 1,11. Năng suất bình quân khoảng 11
tấn/ha, lãi bình quân của các mô hình là 150 triệu đồng/ha. Công trình nghiên
cứu lai tạo giống tôm thẻ chân trắng F1-V3-VN là công trình nội lực của Viện
III mà không xin kinh phí Nhà nước.
Kết quả cho thấy, giống tôm F1-V3-VN có khả năng sinh sản, tỷ lệ nở và tỷ lệ
sống cao hơn giống tôm bố mẹ nhập từ Hawaii, giá thành con giống thấp. Tuy
nhiên, giống tôm của Viện III lai tạo mới đưa vào sản xuất thử nghiệm, mô
hình nuôi thương phẩm lại không có đối chứng với các giống tôm khác. Vì
thế, để có kết quả chính xác và có giống tốt đưa ra thị trường, Viện III đang
tiếp tục khảo nghiệm, nghiên cứu thêm để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản
xuất giống tôm thẻ chân trắng F1-V3-VN.
Theo đó, Viện III đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho
phép phát triển đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ F1-V3-VN thành sản phẩm
hàng hóa phục vụ cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang thua Thái Lan, Trung Quốc ngay trên “sân nhà” về
con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… Trong lúc đó, các doanh nghiệp
Thái Lan, Trung Quốc đang kinh doanh rất hiệu quả ở Việt Nam thì đời sống
người nuôi trồng thủy sản ngày càng sa sút, dịch bệnh lây lan, môi trường hủy
hoại do không thể kiểm soát chất lượng các nguồn đầu vào. Vì thế, việc Viện
III thực hiện thành công việc lai tạo đàn tôm bố mẹ F1-V3-VN an toàn sinh
học ở Việt Nam sẽ là cơ hội tốt cho người nuôi trồng thủy sản vượt qua khó
khăn, vươn lên làm giàu chính đáng từ nghề nuôi tôm.