Phòng Chống Bệnh Lở
Mồm, Long Móng
Mới đây tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, dịch lở mồm, long móng (LMLM)
đã xuất hiện với hàng nghìn con trâu, bò và lợn bị nhiễm bệnh. LMLM là loại
bệnh hết sức nguy hiểm, lây lan nhanh, do đó các vùng có dịch cần xử lý triệt
để theo hướng dẫn của thú y.
Lở mồm long móng là gì?
Theo ông Văn Đăng Kỳ - Phó phòng Dịch tễ (Cục Thú y) LMLM là một bệnh
truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh do loại virus ARN nhỏ nhất, thuộc họ
Picornaviridea, giống Aphthovirus gây ra. Đây là một loại virus hướng
thượng bì, có đặc điểm sốt và xuất hiện mụn nước ở miệng, chân và đầu vú.
Thời loạn ủ bệnh của virus thường kéo dài ba đến tám ngày, khi nhiễm bệnh
con vật lên cơn sốt cao (40-41oC), ủ rũ, bỏ ăn, ở những con đang cho sữa
lượng sữa sẽ giảm đột ngột, thậm chí nhiều con bị mất sữa. Đến ngày hôm
sau, mụn nước bắt đầu xuất hiện ở chân (kẽ móng, quanh gờ móng và bướu
gót chân), niêm mạc (lưỡi, lợi, môi, chân răng) và đầu vú. Lúc đầu mụn nước
rất nhỏ, đường kính một đến hai cm, sau đó phát triển to lên nhanh chóng, nổi
lên trên bề mặt có màu trắng, các mụn này có thể kết hợp lại với nhau. Tiếp
theo mụn sẽ bị vỡ chảy ra dịch màu vàng rơm tạo nên các vết loét thô sâu ở
miệng con vật. Khi bị bệnh con vật ít ăn, hoặc bỏ hẳn ăn, đi lại khó khăn, nhẹ
thì mất sức kéo, nặng có thể dẫn đến chết với tỷ lệ lên đến 60% đối với những
loại gia súc nhỏ.
Bệnh lây qua đường nào?
Ông Văn Đăng Kỳ cho biết, LMLM chủ yếu lây lan qua đường hô hấp và tiêu
hoá. Sự lây lan giữa bò và lợn phát sinh qua không khí là chính, lợn bị nhiễm
bệnh có khả năng tập trung virus lớn hơn 100- 1.000 lần so với trâu, bò, thời
gian tồn tại của virus trong không khí cũng rất dài. Virus có thể sống sót bên
ngoài cơ thể con vật nếu không chịu tác động bởi nhiệt độ cao hoặc thay đổi
độ pH. Nhiệt độ ở mức 64- 65oC virus sống được 30 phút, ở 70oC thời gian
sống của virus là 15 phút và ở nhiệt độ 80oC virus tồn tại được 3 phút. Trong
thịt đông lạnh virus sống được trong một thời gian dài và truyền từ nơi này
sang nơi khác do vận chuyển các chất thải từ lò mổ hoặc từ quần áo, xe cộ,
thậm chí trong điều kiện mát, ẩm, virus có thể lây truyền đi theo chiều gió rất
xa.
Ở lợn đường nhạy cảm nhất là hô hấp, tại đây virus được nhân lên rất nhiều
trong phổi nhưng sự lây lan của bệnh chỉ trong nhóm lây qua miệng. Ở bò
virus thường tồn tại ở mũi, họng, tuyến vị, virus sống trong các mô bào này từ
ba đến bảy tuần. Nguy hiểm hơn virus có sức lây lan rất mạnh đến ngay cả
mặt nạ, khẩu trang cũng không hạn chế được virus xâm nhập.
Cách phòng chống
- Theo ông Nguyễn Ngọc Nhiên - Viện phó Viện Thú y quốc gia, các địa
phương khi thấy xuất hiện bệnh phải tổ chức khoanh vùng để dập ngay lập
tức, tiến hành cô lập những vùng có dịch, nghiêm cấm vận chuyển gia súc đã
mắc bệnh đi nơi khác phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
Đối với nơi đã xảy ra dịch:
- Thực hiện tích cực việc bao vây dập tắt ổ dịch bằng mọi biện pháp. Xử lý
triệt để gia súc mắc bệnh bằng cách tiêu diệt hoàn toàn tránh lây lan ra diện
rộng, có thể đem gia súc đi chôn cất ở nơi xa dân cư hoặc thiêu đốt.
- Cách ly triệt để đàn gia súc khi số lượng nhiễm bệnh quá nhiều.
- Tiêu độc hằng ngày đối với chuồng nuôi, chất thải và mọi môi giới truyền
bệnh kể cả các phương tiện đi lại bằng nước vôi đặc 10 - 20%, vôi bột hoặc
xút 2%, formon 2%, crezin 5%.
- Tiêm phòng khẩn cấp cho những động vật dễ bị lây nhiễm bằng cách tiêm
phòng bao vây từ phía ngoài vào tâm ổ dịch.
Đối với nơi chưa có dịch:
Tuy chưa nhiễm bệnh, nhưng tại các vùng này phải thực hiện mạnh các biện
pháp sau:
- Cần phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán, tốt nhất là thực hiện chẩn đoán định kỳ
ngăn ngừa bệnh từ xa.
- Thực hiện cách ly nghiêm ngặt động vật có biểu hiện triệu trứng LMLM và
những con được chăn nuôi cùng. Ngăn chặn mọi môi giới truyền bệnh, tăng
cường theo dõi, chăm sóc đàn vật nuôi trong vùng dịch.
- Tiêu độc định kỳ môi trường, nơi liên quan đến chăn nuôi động vật, nhất là
vùng ổ dịch cũ hoặc nơi mới phát sinh để tiêu diệt mầm bệnh.
- Xử lý vệ sinh thú y triệt để các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi,
vật dụng (quần, áo) và nước uống.
Phương pháp chữa bệnh:
- Ở miệng: Dùng chất sát trùng nhẹ như thuốc tím với liều lượng 0,1% hoặc
nước quả chua (chanh, khế ) bóp lấy nước xoa vào niêm mạc miệng. Cho gia
súc ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
- Móng: Rửa sạch, dùng các loại kháng sinh mỡ, cồn iốt, thuốc nam như lá
bàng, lá phèn đen, thanh xoan, lá trầu không chống nhiễm trùng, kích thích
lên da non, chống ruồi muỗi.
- Ở vú: Thường xuyên vắt cạn sữa, sát trùng mụn loét bằng dung dịch sát
trùng, nếu bị nặng dùng thêm các kháng sinh Penicillin, Streptomyxin để
tiêm.