Tìm hiểu hội họa qua
tranh của họa sĩ Bùi
Xuân Phái
Mình vẫn thường chưa sướng lắm mỗi khi thấy những bức
tượng rối nước nằm lăn lóc bên mấy quầy hàng lưu niệm,
nhưng đến khi gặp thấy những bức tranh của Bùi Xuân Phái
vẽ những nhân vật rối nước: Mẹ cõng con, Chú Tễu Ngắm
nhìn nó qua ghi chép của họa sĩ, đã giúp mình biến đổi cái
nhìn về những bức tượng dân gian này - chúng thật đẹp và ấn
tượng
Bùi Xuân Phái có tiếng là người hóm hỉnh, hài hước khi nói
chuyện với bạn hữu và trong cả những bức vẽ nhỏ mang tính
caricature. Nhiều khi ông vui đùa, chơi nghịch biến khuôn
mặt vài người bạn thân của ông thành những anh hề chèo ngộ
nghĩnh, thành những ông sư, hay biến thành một chiến binh
thất trận đang dẫn con ngựa ốm trở về… Bức trên đây cũng
nằm trong thiếp Chúc mừng năm mới, nhưng được ông thể
hiện với vẻ trào lộng, hài hước khi miêu tả 2 nhà sưu tập
tranh: Người đeo kính là Tô Ninh, người đứng sau là Nguyễn
Bá Đạm. Cả hai vị này đều là nhà sưu tập tranh. Ông Đạm có
thâm niên, và bề dày kinh nghiệm chơi tranh lâu hơn ông Tô
Ninh. Nhưng ông Tô Ninh, thời đó là nhà giầu mới nổi, có tất
cả chỉ thiếu kiến thức và danh tiếng, nên ông Tô Ninh hăng
hái dốc hầu bao mua tranh của các họa sĩ với ý muốn đuổi
kịp và vượt tất cả các nhà sưu tập tranh thời đó.Trong bức
thiếp năm mới năm Ngọ của họa sĩ BXPhái , người xem hiểu
là thị trường mỹ thuật một thời đã từng bị Tô Ninh thâu tóm,
để ý thấy con ngựa trở cả một đống tranh, trong khi đó nhà
sưu tập lão luyện Nguyễn Bá Đạm chỉ có 2 bức, một bức cầm
ở tay, bức kia kẹp ở nách.
Có lần Bùi Xuân Phái vẽ minh họa nhân vật đang ngồi thổi
sáo, không tìm đâu ra tư liệu nên ông phải đi bộ ra bờ hồ để
ký họa người bán sáo bên đền Bà Kiệu. Trong ký ức của
mình vẫn còn hình ảnh ông bán sao mù này, ông ấy chiếm
dụng một góc nhà bia để bán sáo, ở giữa cái nhà bia này đặt
bài văn bia “tam ngữ” tôn vinh Alexandre De Rodhes là “ông
tổ chữ quốc ngữ” Mãi sau này tấm bia và nhà bia bị phá,
cũng tại nơi này, người ta đặt tượng “Cảm tử để Tổ quốc
quyết sinh” cho đến nay.
Một lần khác họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bức tranh, ông vẽ một
thiếu nữ khỏa thân nằm ngủ miên man trên những mái nhà ở
khu phố cổ của Hà Nội. Bức tranh gây sửng sốt cho người
xem, có người băn khoăn đề nghị ông giải thích rõ hơn ý
tưởng mà ông muốn thể hiện. Bùi Xuân Phái trả lời : Tôi chỉ
vẽ lại một giấc mơ và tôi cũng tự hỏi tại sao tôi lại có giấc
mơ như thế
Chân dung nhà thơ Đoàn Văn Chúc do Bùi Xuân Phái vẽ.
Thời xưa, mình thấy mọi người thường gọi là Chúc bờ sông,
vì nhà ông ở ngoài đê, căn nhà nhỏ được làm tạm trên bờ
sông Hồng. Sinh thời, ông Chúc bờ sông thường đến Bùi
Xuân Phái uống rượu và đọc thơ do ông ứng tác tại chỗ. Điều
thú vị và khó quên về ông Chúc bờ sông là thơ của ông chẳng
giống ai cả. Có lẽ ông Chúc là người tiên phong trong trường
phái tối giản. Có bài của ông được xem là bài thơ ngắn nhất
Việt Nam tựa là “Vợ chồng”, chỉ có một chữ xong. Mình nhớ
hôm ông Chúc trong lúc trà dư tửu hậu cùng các bạn hữu,
ông khoe mình vừa hoàn thành bài thơ có tựa đề là "Vợ
chồng" Mọi người thấy vậy bèn bảo ông Chúc đọc nghe chơi.
Nhà thơ sửa lại cổ áo cho ngay ngắn, chỉnh tề, đằng hắng lấy
giọng, rồi đọc rõ to: XONG Ông Chúc bờ sông cũng làm
mấy bài thơ tặng Bùi Xuân Phái. Để khi nào mình tìm và
scan lại mới dám đưa ra công bố. Nhưng có một bài thì chỉ
nghe một lần là nhớ, như bài này: PHÁI DÀI MẮT PHỐ
Bức "Nghỉ ngơi trên cánh cánh đồng"_ Sơn dầu của Bùi
Xuân Phái, có thể được xem là tác phẩm đầu tay và có tuổi
đời lâu năm nhất của họa sĩ, nó được vẽ vào năm 1940, khi
đó Bùi Xuân Phái mới 20 tuổi.
Những góc phố Hà Nội là đề tài nổi bật nhất trong tranh của
hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Họa sĩ đã thổi vào mỗi bức tranh Hà
Nội cổ một cái gì đó buồn buồn lặng lẽ và u ám nhưng có
một sức hấp dẫn đầy ma lực. Mình giới thiệu bạn xem bài thơ
của Văn Cao dành tặng Bùi Xuân Phái, bài thơ được sáng tác
từ năm 1958 PHỐ PHÁI Tặng Bùi Xuân Phái Không người ở
Không số nhà Không tên phố Tôi gửi bài thơ về Phố Phái
Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh Một góc phố Hà Nội Một
góc phố Việt Nam Trước khi Tây chiếm thành Hà Nội Một
góc phố anh sống Một góc phố tôi sống Không người ở
Không số nhà Một mình Phố trắng Một góc phố tồn tại Vĩnh
viễn. Không người ở Không số nhà Không tên phố Tôi gửi
bài thơ về Phố Phái Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh Một
góc phố Hà Nội Một góc phố Việt Nam Trước khi Tây chiếm
thành Hà Nội Một góc phố anh sống Một góc phố tôi sống
Không người ở Không số nhà Một mình Phố trắng Một góc
phố tồn tại Vĩnh viễn.
Phố Hàng Bạc là con phố thuộc vào loại sầm uất nhất của
phố cổ Hà Nội, một điểm đến của bất cứ du khách nào khi
đặt chân đến thủ đô. Trong kho tàng những tác phẩm vẽ về
phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái thì phố Hàng Bạc được
thống kê là nhiều nhất. Đứng sau nó là phố Mã Mây, phố
Hàng Bè, phố Hàng Tre những con phố này cũng liên thông,
chạm ngay vào con phố Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc nổi tiếng
trong tranh Bùi Xuân Phái đến nỗi nó được đưa cả vào sách
hướng dẫn du lịch. Nhiều lần có những đoàn khách khẩn
khoản đề nghị mình đưa dẫn họ đến tận nơi và chỉ cho họ
thấy Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Thế nhưng, ngày nay đến
lại phố Hàng Bạc còn đâu thấy những ngôi nhà hình ống hai
tầng với những mái nhà chồng diêm, mái ngói cong, lô xô và
mềm mại với những cánh cửa mặt tiền đóng chặt, bình yên,
lặng lẽ như trong những bức tranh ấy? Thế nên, vì không
muốn làm các du khách thất vọng, lần nào mình cũng tìm
cách lảng sang vấn đề khác.
Bùi Xuân Phái đã đổ dồn mọi thương cảm mê man vào nét vẽ
và cứ thế, ông đã vẽ cho tới khi ông bị bệnh ung thư. Ông
yếu dần và không rời khỏi giường được nữa, chiếc bút vẽ
cũng đã bắt đầu tuột khỏi tay ông. Và một ngày kia, tất cả
chúng tôi phải đối diện với một thực tế đau lòng: Ông mất.
Khi tất cả họ hàng và những người quen biết đã đi về, tôi lại
gần giường ông nằm và cầm lên cuốn sổ tay của ông, đọc
dòng chữ cuối cùng "NGUY ĐẾN NƠI" được ông viết
nguệch ngoạc bên nét vẽ tự họa vào lúc ông lâm chung. Tôi
không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy, vì tôi biết tôi đang
được chứng kiến một tình yêu không bao giờ chết.
Sau khi Bùi Xuân Phái mất, các nhà sưu tập trong và ngoài
nước rất quan tâm tới các vật dụng mà ông đã dùng, từ cái
điếu cày, cái kính, cái đồng hồ đặc biệt là những chiếc quạt
tay, những chiếc quạt mà ông dùng, ông thường vui tay vẽ
lên đó và ngày nay những chiếc quạt này được xem là
những tác phẩm có giá trị lớn. Mới đây, nữ họa sĩ Văn
Dương Thành có tặng mình tấm ảnh chị đang đứng bên 2 tác
phẩm được thể hiện trên quạt của Bùi Xuân Phái, hiện đang
trưng bày tại một bảo tàng của Thụy Điển. Chị Thành kể: Bùi
Xuân Phái đã trở thành họa sĩ Việt Nam có cuộc trưng bày
tranh dài ngày nhất tại Thụy Điển. Mang tên “Phái” và được
tiến hành tại Bảo tàng Ostasiatiska ở thủ đô Stockholm, cuộc
triển lãm kéo dài gần 4 tháng. Điều thú vị là tất cả những bức
tranh trong cuộc triển lãm này đều thuộc sở hữu của những
người chơi tranh Thụy Điển. Giám đốc Bảo tàng Ostasiatiska
cho biết, tại Thụy Điển, hiện có 200 tác phẩm lớn nhỏ của
họa sĩ này. Ông mượn 120 bức và chỉ chọn bày 80 bức trong
cuộc triển lãm trên. Những bức tranh này do chuyên gia Thụy
Điển công tác tại Việt Nam mua về trong thập niên 80. Theo
đánh giá của Giám đốc thì triển lãm thành công ngoài sự
mong đợi. Sau khi trả các bức tranh về với chủ sở hữu của
chúng, vẫn có người đến Bảo tàng bày tỏ mong muốn được
xem các tác phẩm của người họa sĩ tài hoa này.
Benny Lim, diễn viên kiêm đạo diễn Singapore, một người
đam mê hội họa và tranh Bùi Xuân Phái, đã 2 lần (vào các
năm 2004 và 2008) đưa cuộc đời sáng tác nghệ thuật của Bùi
Xuân Phái lên sân khấu Viện Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.
Vở kịch độc thoại dựa theo những ý tưởng nghệ thuật của
BXP trong cuốn nhật ký "Viết dưới ánh đèn dầu" do chính
Benny Lim đóng vai Bùi Xuân Phái, có 4 diễn viên phụ thể
hiện các trích đoạn chèo - môn nghệ thuật truyền thống mà
sinh thời Bùi Xuân Phái từng sáng tác nhiều tác phẩm để đời
với mảng đề tài này. Trước khi xem kịch tại sân khấu Viện
Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, khán giả được xem triển lãm
những trang nhật ký của Bùi Xuân Phái qua cuốn sách "Viết
Dưới Ánh Đèn dầu" do Trần Hậu Tuấn và Bùi Thanh Phương
sưu tầm và biên soạn.