TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA LUẬT
BỘ MÔN LUẬT HÀNH CHÍNH
GIÁO TRÌNH
LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM
PHẦN I
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH
Biên soạn: TS. PHAN TRUNG HIỀN
Cần thơ, tháng 2/2009
1
MỤC LỤC
MỤC LỤC 1
CHƯƠNG I 6
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH 6
Bài 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH 6
1. KHÁI NIỆM VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 6
1.1 Khái niệm và đặc điểm quản lý 6
1.2 Quản lý nhà nước 7
1.3 Quản lý hành chính nhà nước 8
2. LUẬT HÀNH CHÍNH- MỘT NGÀNH LUẬT ĐỘC LẬP 10
2.1 Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính 10
2.2 Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam 15
3. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA LUẬT HÀNH CHÍNH VỚI MỘT SỐ NGÀNH LUẬT KHÁC
16
3.1 Luật hành chính và luật hiến pháp 17
3.2 Luật hành chính và luật đất đai 17
3.3 Luật hành chính và luật hình sự 17
3.4 Luật hành chính và luật dân sự 18
3.5 Luật hành chính và luật lao động 19
3.6 Luật hành chính và luật tài chính 19
4. NGÀNH LUẬT HÀNH CHÍNH VÀ VAI TRÒ LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM 20
4.1 Hệ thống ngành Luật Hành chính Việt Nam 20
4.2 Vai trò của luật Hành chính Việt Nam 20
5. NGUỒN CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM 21
5.1 Văn bản luật 21
5.2 Văn bản dưới luật 22
6. HỆ THỐNG HOÁ NGUỒN CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM 24
6.1 Tập hợp hóa 24
6.2 Pháp điển hóa 24
7. KHOA HỌC LUẬT HÀNH CHÍNH 25
7.1 Đối tượng nghiên cứu 25
7.2 Nhiệm vụ của khoa học luật hành chính 26
7.3 Phương pháp nghiên cứu 26
8. MÔN HỌC LUẬT HÀNH CHÍNH 27
Bài 2 CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 30
2
1. KHÁI NIỆM VÀ HỆ THỐNG CÁC NGUYÊN TẮC 30
1.1 Khái niệm 30
1.2 Hệ thống các nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước 31
2. CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI 32
2.1 Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước 32
2.2 Nguyên tắc nhân dân tham gia quản lý hành chính nhà nước 34
2.3 Nguyên tắc tập trung dân chủ 36
2.4 Nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc 39
2.5 Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa 40
3. CÁC NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC – KỸ THUẬT 41
3.1 Nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính 41
3.2 Nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng 42
3.3 Phân định chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với quản lý sản xuất kinh doanh 43
Bài 3 QUY PHẠM TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 45
VÀ QUAN HỆ PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH 45
1. HƯƠNG ƯỚC – QUY PHẠM XÃ HỘI TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 45
1.1 Khái niệm và đặc điểm của hương ước 45
1.2 Nội dung, tác dụng của hương ước trong quản lý nhà nước 46
1.3 Các biện pháp thưởng, phạt để đảm bảo thực hiện hương ước 47
1.4 Hình thức thể hiện của hương ước 48
1.5 Trình tự, thủ tục soạn thảo, thông qua hương ước 48
1.6 Tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung hương ước 50
1.7 Quản lý hương ước 50
1.8 Thực trạng về việc xây dựng và thực hiện hương ước hiện nay 51
2. QUY PHẠM PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH 52
2.1 Khái niệm và đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính 52
2.2 Nội dung của quy phạm pháp luật hành chính 54
2.3 Phân loại quy phạm pháp luật hành chính 54
2.4 Dấu hiệu của một văn bản quy phạm pháp luật hành chính 56
2.5 Hiệu lực quy phạm pháp luật hành chính 57
2.6 Việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính 61
3. QUAN HỆ PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH 62
3.1 Khái niệm và đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính 62
3.2 Cấu thành của quan hệ pháp luật hành chính 63
3.3 Cơ sở của sự phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính 65
3.4 Phân loại quan hệ pháp luật hành chính 66
CHƯƠNG II 70
3
CHỦ THỂ CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM 70
Bài 4 CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 70
VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 70
1. QUAN NIỆM VỀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 70
2. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 71
2.1 Khái niệm cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan hành chính nhà nước) 71
2.2 Đặc điểm của cơ quan hành chính nhà nước 71
3. PHÂN LOẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 73
3.1 Theo căn cứ pháp lý để thành lập 73
3.2 Theo địa bàn phạm vi hoạt động 74
3.3 Căn cứ vào tính chất và phạm vi thẩm quyền 76
3.4 Căn cứ vào cách thức tổ chức và giải quyết công việc 77
4. HỆ THỐNG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 78
5. CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở TRUNG ƯƠNG 79
5.1 Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất 79
5.2 Bộ, cơ quan ngang Bộ 84
5.3 Các cơ quan thuộc Chính phủ 89
5.4 Phân biệt Bộ (Bộ, cơ quan ngang Bộ) và cơ quan thuộc Chính phủ 93
6. CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG 94
6.1 Ủy ban nhân dân các cấp 95
6.2 Các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn ở cấp tỉnh 96
6.3 Các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn ở cấp huyện (gọi chung là sở) 104
7. CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ TRỰC THUỘC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 109
8. CẢI CÁCH BỘ MÁY HÀNH CHÍNH 109
Bài 5 QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 112
1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 112
1.1 Khái niệm 112
1.2 Đặc điểm 112
1.3 Xác định đối tượng là các bộ, công chức 115
2. QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 116
2.1 Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức 116
2.2 Cơ sở pháp lý điều chỉnh đối tượng “cán bộ, công chức” và “viên chức” 116
2.3 Phân loại cán bộ, công chức 117
2.4 Phân loại công chức 118
2.5 Ngạch công chức 118
3. ĐIỀU ĐỘNG, BỔ NHIỆM, LUẬN CHUYỂN, BIỆT PHÁI, TƯ CHỨC, MIỄN NHIỆM CÁN
BỘ, CÔNG CHỨC 119
4
3.1 Nguyên tắc thực hiện 119
3.2 Điều động công chức 120
3.3 Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 120
3.4 Luân chuyển công chức 121
3.5 Biệt phái công chức 121
3.6 Từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức 121
4. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÔNG VỤ NHÀ NƯỚC 122
4.1 Khái niệm công vụ nhà nước 122
4.2 Các nguyên tắc của công vụ nhà nước 122
5. QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 124
5.1 Sự phát triển của quy chế cán bộ, công chức ở nước ta 124
5.2 Quyền hạn và quyền lợi của cán bộ, công chức 126
5.3 Nghĩa vụ của cán bộ, công chức 127
5.4 Khen thưởng cán bộ, công chức 127
5.5 Trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức trong trong hoạt động công vụ 128
5.6 Truy cứu trách nhiệm pháp lý 133
Bài 6 QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI 138
1. QUAN NIỆM VỀ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI Ở NƯỚC TA 138
1.1 Khái niệm về hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội 138
1.2 Đặc điểm của các tổ chức xã hội 139
2. CÁC LOẠI TỔ CHỨC XÃ HỘI Ở NƯỚC TA 143
2.1 Tổ chức chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam 143
2.2 Các tổ chức chính trị - xã hội 146
2.3 Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp 154
2.4 Các tổ chức tự quản 155
2.5 Các hội quần chúng 155
3. SỰ ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TCXH 156
4. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC TỔ CHỨC XÃ VÀ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC 158
4.1 Sự hợp tác phát sinh trong quá trình thiết lập các cơ quan Nhà nước 158
4.2 Sự hợp tác phát sinh trong quá trình xây dựng pháp luật 158
4.3 Sự hợp tác trong lĩnh vực thực hiện pháp luật 158
4.4 Quan hệ kiểm tra lẫn nhau, mối quan hệ này thể hiện ở hai chiều 159
5. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
NHÀ NƯỚC 160
Bài 7 QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM, NGƯỜI NƯỚC
NGOÀI, NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH 164
1. QUAN NIỆM VỀ QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG DÂN 164
5
1.1 Khái niệm quốc tịch và công dân 164
1.2 Sơ lược về nguồn gốc quy chế pháp lý hành chính công dân ở nước ta 164
1.3 Xác định quốc tịch Việt Nam 165
1.4 Khái niệm và đặc điểm của quy chế pháp lý hành chính của công dân 167
1.5 Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong quản lý hành chính nhà nước 168
2. CÔNG DÂN- CHỦ THỂ QUẢN LÝ (CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ) 170
2.1 Là chủ thể quản lý trực tiếp 170
2.2 Là chủ thể quản lý gián tiếp 170
3. CÔNG DÂN- CHỦ THỂ CỦA QUẢN LÝ (CHỊU SỰ QUẢN LÝ) 171
3.1 Điều kiện phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính với một bên chủ thể là
công dân 171
3.2 Các trường hợp công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ 173
3.3 Các điều kiện bảo đảm thực thi quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính của công dân 174
4. QUAN NIỆM VỀ QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI, NGƯỜI
KHÔNG QUỐC TỊCH 175
4.1 Khái niệm người nước ngoài, người không quốc tịch 176
4.2 Đặc điểm của quy chế pháp lý hành chính 177
5. NỘI DUNG QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI, NGƯỜI
KHÔNG QUỐC TỊCH TẠI VIỆT NAM 177
5.1 Người nước ngoài- chủ thể quản lý hành chính nhà nước 178
5.2 Người nước ngoài- chủ thể của quản lý hành chính nhà nước như công dân Việt Nam 178
5.3 Người nước ngoài- chủ thể quản lý hành chính nhà nước hạn chế 178
5.4 Những bảo đảm pháp lý hành chính đối với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý
hành chính của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam 183
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 185
D1. SÁCH, TẠP CHÍ, CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU 185
D2. VĂN BẢN THAM KHẢO 186
6
CHƯƠNG I
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH
Bài 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH
1. KHÁI NIỆM VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
1.1 Khái niệm và đặc điểm quản lý
Có nhiều cách giải thích khác nhau cho thuật ngữ "hành chính" và "luật hành chính".
Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất ở một điểm chung: Luật Hành chính là ngành luật về quản
lý nhà nước. Do vậy, thuật ngữ "hành chính" luôn luôn đi kèm và được giải thích thông qua
khái niệm "quản lý" và "quản lý nhà nước".
1.1.1 Khái niệm quản lý
Một cách tổng quát nhất, quản lý được xem là quá trình "tổ chức và điều khiển các
hoạt động theo những yêu cầu nhất định", đó là sự kết hợp giữa tri thức và lao động trên
phương diện điều hành. Dưới góc độ chính trị: quản lý được hiểu là hành chính, là cai trị;
nhưng dưới góc độ xã hội: quản lý là điều hành, điều khiển, chỉ huy. Dù dưới góc độ nào đi
chăng nữa, quản lý vẫn phải dựa những cơ sở, nguyên tắc đã được định sẵn và nhằm đạt
được hiệu quả của việc quản lý, tức là mục đích của quản lý.
Tóm lại, quản lý là sự điều khiển, chỉ đạo một hệ thống hay một quá trình, căn cứ vào
những quy luật, định luật hay nguyên tắc tương ứng cho hệ thống hay quá trình ấy vận động
theo đúng ý muốn của người quản lý nhằm đạt được mục đích đã đặt ra từ trước. Là một yếu
tố thiết yếu quan trọng, quản lý không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Xã hội càng
phát triển cao thì vai trò của quản lý càng lớn và nội dung càng phức tạp. Từ đó, quản lý thể
hiện các đặc điểm.
1.1.2 Đặc điểm của quản lý
+ Quản lý là sự tác động có mục đích đã được đề ra theo đúng ý chí của chủ thể quản lý
đối với các đối tượng chịu sự quản lý. "Đúng ý chí của người quản lý" cũng đồng nghĩa với
việc trả lời câu hỏi tại sao phải quản lý và quản lý để làm gì.
+ Quản lý là sự đòi hỏi tất yếu khi có hoạt động chung của con người.
+ Quản lý trong thời kỳ nào, xã hội nào thì phản ánh bản chất của thời kỳ đó, xã hội đó.
Ví dụ: Ở thời kỳ công xã nguyên thuỷ thì hoạt động quản lý còn mang tính chất thuần tuý,
7
đơn giản vì lúc này con người lao động chung, hưởng thụ chung, hoạt động lao động chủ
yếu dựa vào săn bắn, hái lượm, người quản lý bấy giờ là các tù trưởng. Thời kỳ này chưa có
nhà nước nên hoạt động quản lý dựa vào các phong tục, tập quán chứ chưa có pháp luật để
điều chỉnh. Đây gọi là quản lý xã hội dựa trên các quy phạm xã hội.
+ Quản lý muốn được thực hiện phải dựa trên cơ sở tổ chức và quyền uy. Quyền uy là
thể thống nhất của quyền lực và uy tín. Quyền lực là công cụ để quản lý bao gồm hệ thống
pháp luật và hệ thống kỷ luật nhà nước. Uy tín thể hiện ở kiến thức chuyên môn vững chắc,
có năng lực điều hành, cùng với phẩm chất đạo đức. Nói một cách ngắn gọn, có quyền uy thì
mới đảm bảo sự phục tùng của cá nhân đối với tổ chức. Quyền uy là phương tiện quan trọng
để chủ thể quản lý điều khiển, chỉ đạo cũng như bắt buộc đối với đối tượng quản lý trong
việc thực hiện các mệnh lệnh, yêu cầu mà chủ thể quản lý đề ra.
1.2 Quản lý nhà nước
1.2.1 Nhà nước
Là một bộ phận trung tâm của hệ thống chính trị, nhà nước là chủ thể duy nhất nắm
giữ quyền quản lý nhà nước trên toàn xã hội, phân biệt với các tổ chức khác qua các đặc
điểm:
- Nhà nước là đại diện chính thức cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, là đại diện
chính thức của toàn xã hội;
- Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền ban hành pháp luật và áp dụng bắt buộc đối
với tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Nhà nước thực hiện việc quản lý thống nhất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội;
- Nhà nước có bộ máy cưỡng chế, bao gồm lực lượng cảnh sát, quân đội, nhà tù, toà
án làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ chế độ;
- Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền thu thuế;
- Nhà nước là đại diện chính thức của quốc gia trong quan hệ đối ngoại với các quốc
gia khác trên thế giới.
1.2.2 Quản lý nhà nước
Quản lý nhà nước là quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực
nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Từ khi xuất hiện, nhà nước điều chỉnh các quan
hệ xã hội được xem là quan trọng, cần thiết. Quản lý nhà nước được thực hiện bởi toàn bộ
hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối
ngoại của nhà nước. Điểm khác nhau cơ bản giữa quản lý nhà nước và các hình thức quản lý
khác (ví dụ: quản lý của xã hội cộng sản nguyên thuỷ ) thể hiện:
8
- Quản lý nhà nước mang tính quyền lực nhà nước gắn liền với cưỡng chế nhà nước khi
cần thiết;
- Quản lý nhà nước được thực hiện bằng bộ máy quản lý chuyên nghiệp;
- Quản lý nhà nước phải dựa chủ yếu trên cơ sở pháp luật;
- Quản lý nhà nước thể hiện cả tính giai cấp và tính xã hội;
- Có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước chuyên trách có chế độ đãi ngộ riêng.
1.3 Quản lý hành chính nhà nước
1.3.1 Khái niệm
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành, điều hành của cơ quan hành
chính nhà nước, của các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức được nhà nước uỷ quyền
quản lý trên cơ sở của luật và để thi hành luật nhằm thực hiện chức năng tổ chức, quản lý,
điều hành các quá trình xã hội của nhà nước.
Quản lý hành chính nhà nước (nói tắt là quản lý nhà nước) chính là quản lý nhà nước
chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực hành pháp - được thực hiện bởi ít nhất một bên có thẩm quyền
hành chính nhà nước.
Vì vậy, quản lý hành chính nhà nước trước hết và chủ yếu được thực hiện bởi hệ
thống cơ quan hành chính nhà nước: Chính phủ, các Bộ và các cơ quan chính quyền địa
phương các cấp, ngoại trừ các tổ chức trực thuộc nhà nước mà không nằm trong cơ cấu
quyền lực như các doanh nghiệp.
1.3.2 Đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động vừa mang tính chấp hành, vừa mang tính
điều hành.
- Các cơ quan hành chính nhà nước thực thi quyền hành pháp, không có quyền lập pháp
và tư pháp nhưng góp phần quan trọng vào quy trình lập pháp và tư pháp. Tính chấp
hành của hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thể hiện ở sự thực hiện trên thực
tế các văn bản hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của cơ quan lập pháp- cơ quan
dân cử.
- Tính điều hành của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thể hiện ở chỗ là để đảm
bảo cho các văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực được thực hiện trên thực tế thì các
chủ thể của quản lý hành chính nhà nước phải tiến hành các hoạt động tổ chức và chỉ đạo
trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền.
- Để đảm bảo sự thống nhất của hai yếu tố này đòi hỏi rất nhiều yêu cầu. Trong đó, quản
lý hành chính nhà nước trước hết phải bảo đảm việc chấp hành văn bản của cơ quan dân
cử đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, từ đó mà thực hiện quản lý điều
9
hành. Mọi hoạt động chấp hành và điều hành đều phải xuất phát từ mục đích nhằm phục
vụ cho nhân dân, đảm bảo đời sống xã hội cho nhân dân về mọi mặt, tương ứng với các
lĩnh vực trong quản lý hành chính nhà nước.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính chủ động và sáng tạo.
Điều này thể hiện ở việc các chủ thể quản lý hành chính căn cứ vào tình hình, đặc điểm
của từng đối tượng quản lý để đề ra các biện pháp quản lý thích hợp. Tính chủ động sáng
tạo còn thể hiện rõ nét trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
hành chính, áp dụng pháp luật hành chính để điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước.
Chính do sự phức tạp, đa dạng, phong phú của đối tượng quản lý, các chủ thể quản lý
phải áp dụng biện pháp giải quyết mọi tình huống phát sinh một cách có hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chủ động và sáng tạo không vượt ra ngoài phạm vi của nguyên tắc pháp chế
xã hội chủ nghĩa và kỷ luật nhà nước. Để đạt được điều này, đòi hỏi tôn trọng triệt để tất
cả các nguyên tắc trong hệ thống các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước được bảo đảm về phương diện tổ chức bộ máy
hành chính nhà nước
- Trước hết là bộ máy cơ quan nhà nước - đây là hệ thống cơ quan nhiều về số lượng,
biên chế; phức tạp về cơ cấu tổ chức; đa dạng về chức năng, nhiệm vụ cũng như phương
pháp hoạt động; có cơ sở vật chất to lớn, có đối tượng quản lý đông đảo, đa dạng, chủ thể
chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước, đó là điều kiện quan trọng để thực hiện nhiệm
vụ quản lý. Các cơ quan hành chính trực tiếp xử lý công việc hàng ngày của Nhà nước,
thường xuyên tiếp xúc với dân, giải quyết các yêu cầu của dân, là cầu nối quan trọng của
Đảng, nhà nước với nhân dân. Nhân dân đánh giá chế độ, đánh giá Đảng trước hết thông
qua hoạt động của bộ máy hành chính.
- Bảo đảm tính liên tục và ổn định trong hoạt động quản lý. Liên tục nhằm đảm bảo hoạt
động bình thường của bộ máy hành chính nhà nước. Tính ổn định nhằm để đảm bảo các
hoạt động như: lưu trữ hồ sơ, giấy tờ. Đó có thể nói là trách nhiệm của cơ quan hành
chính nhà nước đối với xã hội.
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có mục tiêu chiến lược, có chương trình và
có kế hoạch để thực hiện mục tiêu.
Công tác quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có mục đích và định hướng. Vì vậy,
phải có chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm. Mặt khác, cần có các chỉ
tiêu mang tính định hướng trên cơ sở hệ thống pháp luật được áp dụng thực thi triệt để
cho hoạt động quản lý, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đặt dưới sự quản
lý ấy.
Quản lý hành chính nhà nước XHCN không có sự cách biệt tuyệt đối về mặt xã hội giữa
chủ thể quản lý và chủ thể của quản lý (chủ thể chịu sự quản lý)
Cán bộ quản lý nhà nước phải là "công bộc" của nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của
10
quần chúng nhân dân, thu hút được rộng rãi quần chúng nhân dân tham gia vào việc quản
lý nhà nước và xã hội. Chống quan liêu, cửa quyền, hách dịch, ức hiếp quần chúng.
Tính chuyên môn hoá và nghề nghiệp cao
Đó chính là nghiệp vụ của một nền hành chính văn minh, hiện đại. Khi nói đến một "nền
kinh tế tri thức"- nền kinh tế mà ở đó giá trị của tri thức, của sự hiểu biết được đặt lên
hàng đầu-thì đội ngũ quản lý nền kinh tế tri thức ấy phải có một tầm vóc tương xứng.
Quản lý nhà nước khác với hoạt động chính trị ở chỗ: trình độ kiến thức chuyên môn và
kỹ năng quản lý thực tiễn làm tiêu chuẩn hàng đầu.
Tính không vụ lợi
Quản lý hành chính nhà nước lấy việc phục vụ lợi ích công làm động cơ và mục đích của
hoạt động. Quản lý hành chính nhà nước không phải vì lợi ích thù lao, càng không theo
đuổi mục đích kinh doanh lợi nhuận. Cán bộ hành chính vì vậy phải bảo đảm "cần kiệm,
liêm chính, chí công, vô tư".
2. LUẬT HÀNH CHÍNH- MỘT NGÀNH LUẬT ĐỘC LẬP
2.1 Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính
Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật nói chung là những quan hệ xã hội xác định
các đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Cùng
với phương pháp điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh là cơ sở thiết yếu để phân biệt ngành luật
này với ngành luật khác.
Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam là những quan hệ xã hội chủ yếu
và cơ bản hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, hay nói khác hơn đối
tượng điều chỉnh của luật hành chính là những quan hệ xã hội hầu hết phát sinh trong hoạt
động chấp hành và điều hành của nhà nước. Nhìn chung, đối tượng điều chỉnh của luật hành
chính bao gồm những vấn đề sau:
- Trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây phải được xác định
là mục tiêu hàng đầu của quản lý hành chính. Bởi vì hoạt động quản lý không chỉ mục
đích để quản lý mà chủ yếu để đảm bảo trật tự xã hội, phục vụ cho xã hội và tạo điều
kiện cho sự phát triển toàn xã hội.
- Việc thành lập, cải tiến cơ cấu bộ máy, cải tiến chế độ làm việc, hoàn chỉnh các quan
hệ công tác của các cơ quan nhà nước.
- Các hoạt động quản lý về kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội
trên từng địa phương và từng ngành.
- Khen thưởng, trao danh hiệu cho các cá nhân tổ chức có đóng góp và đạt được những
thành quả nhất định trong lĩnh vực hành chính nhà nước hoặc trong các lĩnh vực của
đời sống xã hội theo luật định; xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trật tự
11
quản lý hành chính nhà nước.
Nhóm A: Nhóm quan hệ cơ bản và chủ yếu trong Luật Hành chính.
Như trên đã trình bày, chức năng quản lý nhà nước được thực hiện chủ yếu bởi cơ
quan hành chính nhà nước. Nhóm A là nhóm quan hệ pháp luật hành chính, trong đó có ít
nhất một chủ thể là cơ quan hành chính nhà nước, nên là nhóm quan trọng, cơ bản, được
phân thành hai tiểu nhóm sau:.
Nhóm 1: Những quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà
nước thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành trong phạm vi các cơ quan hành chính
nhà nước (ngoại trừ hoạt động trong quan hệ công tác nội bộ), với mục đích chính l à
đảm bảo “trật tự quản lý”, hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính nhà
nước.
Nhóm này thường được gọi ngắn gọn là nhóm “hành chính công quyền”. Nói một
cách ngắn gọn, quan hệ pháp luật hành chính công quyền được hình thành giữa các bên
chủ thể đều mang tư cách có thẩm quyền hành chính nhà nước khi tham gia vào quan hệ
pháp luật hành chính đó.
Đây là nhóm những quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh cơ bản của luật hành chính.
Thông qua việc thiết lập những quan hệ loại này, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện
các chức năng cơ bản của mình. Những quan hệ này rất đa dạng, phong phú bao gồm những
quan hệ được chia thành 2 nhóm nhỏ như sau:
Quan hệ dọc
1. Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính
nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc. Đó là những cơ quan nhà nước có cấp trên, cấp dưới
phụ thuộc nhau về chuyên môn kỷ thuật, cơ cấu, tổ chức
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Chính phủ với UBND thành phố Cần Thơ; Bộ Tư pháp với
Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ.
2. Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp
trên với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cấp dưới trực tiếp nhằm thực
hiện chức năng theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với UBND thành phố Cần Thơ.
3. Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị, cơ sở trực thuộc.
Ví dụ: Quan hệ giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo với Trường đại học Cần Thơ, Giữa Bộ Y
tế và các bệnh viện nhà nước.
Quan hệ ngang
1. Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan
12
hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp.
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Chính phủ với Bộ Tư pháp.
2. Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp với
nhau. Các cơ quan này không có sự phụ thuộc nhau về mặt tổ chức nhưng theo quy định của
pháp luật thì có thể thực hiện 1 trong 2 trường hợp sau:
- Một khi quyết định vấn đề gì thì cơ quan này phải được sự đồng ý, cho phép hay
phê chuẩn của cơ quan kia trong lĩnh vực mình quản lý.
Ví dụ: Mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc quản lý
ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo; giữa Sở Lao động Thương
binh -Xã hội với Sở Y tế trong việc thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.
- Phải phối hợp với nhau trong một số lĩnh vực cụ thể
Ví dụ: Thông tư tịch do Bộ giáo dục đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành về
vấn đề liên quan đến việc đào tạo cử nhân Luật
3. Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị, cơ sở trực thuộc
trung ương đóng tại địa phương đó.
Ví dụ: quan hệ giữa UBND thành phố Cần Thơ với Trường đại học Cần Thơ.
Tuy nhiên, mỗi cơ quan nhà nước đều có chức năng cơ bản riêng và muốn hoàn thành
chức năng cơ bản của mình, mỗi cơ quan nhà nước phải tiến hành những hoạt động như
kiểm tra nội bộ trong một cơ quan, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ,
phối hợp hoạt động giữa các bộ phận của cơ quan, công việc văn phòng, đảm bảo những
điều kiện vật chất cần thiết. Đây là hoạt động tổ chức nội bộ còn gọi là quan hệ công tác nội
bộ khác với quan hệ pháp luật hành chính, nhưng có quan hệ chặt chẽ với hoạt động hành
chính. Nếu hoạt động này được tổ chức tốt thì hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính ấy
sẽ cao và ngược lại, nếu việc tổ chức nội bộ quá cồng kềnh thì hoạt động hành chính của cơ
quan đó sẽ mang lại hiệu quả không cao.
Nhóm 2: Các quan hệ quản lý hình thành khi các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện
hoạt động chấp hành và điều hành trong các trường hợp cụ thể liên quan trực tiếp tới
các đối tượng không có thẩm quyền hành chính nhà nước hoặc tham gia vào quan hệ đó
không với tư cách của cơ quan hành chính nhà nước, với mục đích chính là phục vụ trực
tiếp nhân dân, đáp ứng các quyền và lợi hợp pháp của công dân, tổ chức.
Nói ngắn gọn, đây là quan hệ pháp luật hành chính công - tư, hình thành giữa một
bên chủ thể tham gia với tư cách chủ thể có thẩm quyền hành chính nhà nước và một bên
chủ thể tham gia không với tư cách chủ thể có thẩm quyền hành chính nhà nước. Nhóm
này được gọi ngắn gọn là nhóm “hành chính công - tư". Đây là mục đích cao nhất của
13
quản lý hành chính nhà nước khi cơ quan hành chính- cơ quan được xem là “công bộc”
của nhân dân, quản lý hành chính vì quyền lợi nhân dân, vì trật tự chung cho toàn xã hội,
bao gồm các quan hệ cụ thể sau đây:
1. Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ có thẩm quyền hành chính nhà nước
với các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Các đơn vị kinh tế
này được đặt dưới sự quản lý thường xuyên của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm
quyền.
Ví dụ: Giữa UBND Thành phố Cần thơ với các Công ty khu công nghiệp Trà nóc.
2. Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ có thẩm quyền hành chính nhà nước
với các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng.
Ví dụ: Quan hệ giữa Chính phủ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam hoặc các tổ chức thành
viên của Mặt trận.
3. Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ có thẩm quyền hành chính nhà nước
với công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch đang làm ăn cư trú tại
Việt Nam.
Ví dụ: quan hệ giữa cảnh sát giao thông với cá nhân (gồm công dân Việt Nam, người
nước ngoài, người không quốc tịch) vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Mối liên hệ giữa hành chính công - tư và hành chính công quyền
Thật ra mọi sự phân chia chỉ mang tính chất tương đối để tạo điều kiện thuận lợi cho
quá trình nghiên cứu. Hai lĩnh vực hành chính công - tư và hành chính công quyền liên
quan trực tiếp và tương hỗ cho mục đích của quản lý hành chính nhà nước. Quản lý hành
chính công quyền là cơ sở để bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan hành chính
nhà nước. Trong khi đó, quản lý hành chính công - tư thể hiện rõ trực tiếp mục đích của
quản lý hành chính, giữ gìn trật tự quản lý xã hội theo nguyên vọng của nhân dân. Trong
quá trình quản lý, có những công việc liên quan đền cả hai lĩnh vực hoặc rất khó phân
biệt giữa hai phạm vi: hành chính công - tư và hành chính công quyền. Chẳng hạn như
khi nhận được đơn khiếu nại về việc cấp giấy phép xây dựng cho một cá nhân công dân
đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, cơ quan cấp trên trực tiếp ra chỉ thị buộc
cơ quan hành chính cấp dưới phải xem xét lại quyết định của cơ quan ấy. Trường hợp
này phát sinh này có 3 quan hệ pháp luật hành chính (hai quan hệ pháp luật hành chính
công - tư, một quan hệ pháp luật hành chính công quyền).
Nhóm B: Nhóm quan hệ thứ yếu trong Luật Hành chính.
Thực tiễn của hoạt động quản lý hành chính nhà nước cho thấy trong một số trường
hợp pháp luật quy định có thể trao quyền thực hiện hoạt động chấp hành - điều hành cho một
số các cơ quan nhà nước khác (không phải là cơ quan hành chính nhà nước), các tổ chức, cá
nhân. Điều này có nghĩa là hoạt động quản lý hành chính nhà nước không chỉ do các cơ quan
hành chính nhà nước tiến hành. Hiến pháp 1980 có quy định “Quốc hội có thể định cho mình
14
những nhiệm vụ, quyền hạn khi xét thấy cần thiết” (Điều 83- Hiến pháp 1980). Điều này cho
thấy, Quốc hội có thể mở rộng phạm vi quyền hạn của mình: ngoài chức năng lập pháp, còn
có thể thực hiện chức năng hành pháp- quản lý nhà nước. Hiến pháp 1992 không còn quy
định này. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội vẫn thực hiện việc quản lý nhà nước khi quyết định
kế hoạch nhà nước; bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; quyết định thành lập
hoặc bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ.
Những quan hệ có tính chất quản lý, hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước
xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và chế độ công tác của hệ thống cơ quan, như thực
hiện việc bổ nhiệm, chuyên chuyển, chế độ trách nhiệm nhằm ổn định về tổ chức để
hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ví dụ: quan hệ giữa Chánh án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tỉnh A.
Những quan hệ quản lý hình thành trong quá trình một số tổ chức chính trị-xã hội và
một số cá nhân thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những vấn đề cụ thể
được pháp luật quy định.
Ví dụ: Quan hệ giữa các ứng cử viên với Mặt trận tổ quốc, khi Mặt trận tổ quốc được
giao quyền quản lý và tổ chức hội nghị hiệp thương.
Ví dụ: Công đoàn được giao quản lý một số mặt về bảo hộ lao động.
Ví dụ: Các đội dân phòng tự quản xã, phường, ấp được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự
công cộng, an ninh.
Lưu ý rằng, hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức hoặc cá nhân được
trao quyền có tất cả các hậu quả pháp lý như hoạt động của các cơ quan hành chính nhà
nước nhưng hoạt động này chỉ giới hạn trong việc thực hiện hoạt động chấp hành điều hành.
Điều này cho thấy, việc quản lý trong nội bộ của các tổ chức xã hội được điều lệ tổ chức đó
quy định và vì vậy, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hành chính. Tuy nhiên, tất cả
các quan hệ quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội do Luật Hành chính
điều chỉnh. Ví dụ: quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh tế, văn hóa-xã hội
Những quan hệ hình thành do cá nhân được “ủy nhiệm“, “uỷ quyền” quản lý nhà nước
trong những trường hợp nhất định, xác định rõ trong các quy phạm pháp luật hành chính
Ví dụ: Khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng, người chỉ huy máy bay, tàu
biển đó có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 45, Pháp lệnh Xử lý vi phạm
hành chính có hiệu lực 01/10/2002). Trong trường hợp, pháp luật thậm chí không giới hạn,
không phân biệt là công Việt Nam hay người nước ngoài, người không quốc tịch, nếu là
người chỉ huy thì có thẩm quyền hành chính nhà nước nêu trên.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm của các vấn đề liên quan đến luật hành chính, đối
tượng điều chỉnh của luật hành chính, có thể đưa ra định nghĩa luật hành chính như sau:
“Luật hành chính là một ngành luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh
15
những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước của các cơ
quan hành chính nhà nước, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà
nước xây dựng và ổn định chế độ công tác của hệ thống cơ quan, các quan hệ xã hội trong
quá trình các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện hoạt động quản lý
hành chính nhà nước đối với các vấn đề cụ thể do pháp luật quy định”.
Ngoài ra có thể định nghĩa luật hành chính một cách ngắn gọn hơn: “Luật hành chính
là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm tổng thể các quy phạm pháp
luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động
chấp hành - điều hành của các cơ quan mà chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước”.
Như vậy, qua định nghĩa trên ta thấy rằng chỉ có thể nói đến điều chỉnh bằng pháp
luật hành chính khi trong quan hệ quản lý phải có ít nhất một bên có thẩm quyền với tư cách
là chủ thể (không chỉ là cơ quan hành chính) thực hiện chức năng chấp hành và điều hành
của nhà nước. Nếu cơ quan hành chính nhà nước hoạt động không phải trong phạm vi, lĩnh
vực thẩm quyền của mình, không sử dụng quyền lực nhà nước, thì hoạt động đó được thực
hiện không phải thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật hành chính.
2.2 Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam
Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là cách thức tác động đến các quan hệ xã
hội cùng nhóm đối tượng điều chỉnh bằng công cụ pháp luật. Phương pháp điều chỉnh là yếu
tố quan trọng để xác định ngành luật đó có phải là ngành luật độc lập hay không. Ngoài ra,
phương pháp điều chỉnh còn góp phần xác định phạm vi điều chỉnh của các ngành luật trong
trường hợp những quan hệ xã hội có chỗ gần kề hoặc đan xen với nhau.
Đặc trưng của phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là tính mệnh lệnh đơn
phương, xuất phát từ quan hệ “quyền uy - phục tùng” giữa một bên có quyền nhân danh nhà
nước và ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên có nghĩa vụ phục tùng. Sự áp đặt ý chí
được thể hiện trong các trường hợp sau:
- Cả hai bên đều có những quyền hạn nhất định do pháp luật quy định nhưng bên này
quyết định vấn đề gì thì phải được bên kia cho phép, phê chuẩn. Đây là quan hệ đặc
trưng của hành chính công quyền.
- Một bên có quyền đưa ra những yêu cầu, kiến nghị còn bên kia có thẩm quyền xem
xét, giải quyết, có thể thoả mãn những yêu cầu, kiến nghị này hoặc có thể bác bỏ.
- Một bên có quyền ra các mệnh lệnh yêu cầu còn bên kia phải phục tùng các yêu cầu,
mệnh lệnh đó.
- Một bên có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính buộc đối tượng quản
lý phải thực hiện mệnh lệnh của mình. Sự bất bình đẳng còn thể hiện rõ nét trong tính
chất đơn phương và bắt buộc của các quyết định hành chính.
Ví dụ: Công dân Nguyễn Văn A đến UBND Quận B làm hồ sơ xin cấp giấy phép xây
dựng.
16
Phân tích: Tính đơn phương thể hiện ở chỗ là việc quyết định cấp giấy phép xây dựng
hay không do UBND Quận quyết định trong phạm vi quyền hạn, mà công dân A không
thể can thiệp. Trong trường hợp không được cấp giấy phép xây dựng hoặc được cấp mà
không thoả mãn, về nguyên tắc vẫn phải chấp hành. Tuy nhiên, công dân A hoàn toàn có
quyền khiếu nại, khiếu kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó ra trước
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cơ quan hành chính nhà nước và các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, dựa
vào thẩm quyền của mình trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình có quyền ra những mệnh
lệnh hoặc đề ra các biện pháp quản lý thích hợp đối với từng đối tượng quản lý cụ thể.
Những quyết định ấy có tính chất đơn phương vì chúng thể hiện ý chí của chủ thể quản lý
hành chính nhà nước trên cơ sở quyền lực đã được pháp luật quy định.
Ngoài ra, có những trường hợp phương pháp thoả thuận được áp dụng trong quan hệ
pháp luật hành chính, còn gọi là "quan hệ pháp luật hành chính theo chiều ngang". Cụ thể
như khi ban hành các văn bản liên tịch, ví dụ: Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp
và Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Mặt khác, khi một cá nhân xin chuyển công tác hoặc thi biên
chế vào làm việc trong một cơ quan hành chính nhà nước. Quan hệ này xuất hiện trên cơ sở
có sự thoả thuận, giữa một bên là cá nhân người lao động và bên kia là cơ quan nhà nước,
cán bộ nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả các quan hệ nêu đều phải trên cơ sở pháp
luật và đề nghị hợp pháp của bên tuyển dụng sẽ có tác dụng nhất định đối với bên được
tuyển dụng. Nói cách khác, các "quan hệ pháp luật hành chính theo chiều ngang" cũng là
tiền đề cho sự xuất hiện "quan hệ pháp luật hành chính theo chiều dọc". Suy cho cùng, các
quan hệ pháp luật hành chính cũng không hoàn toàn bình đẳng tuyệt đối. Trên những đặc
quyền hành chính và thể chế hành chính, các bên chấp nhận những đề nghị của nhau, cùng
phục vụ cho mục đích quản lý hành chính nhà nước.
Tóm lại: Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật hành chính Việt Nam là phương pháp
mệnh lệnh đơn phương, được xây dựng trên các nguyên tắc sau:
- Một bên được nhân danh nhà nước sử dụng quyền lực để đưa ra các quyết định hành
chính còn bên kia phải tuân theo những quyết định ấy.
- Quyết định hành chính phải thuộc phạm vi thẩm quyền của bên nhân danh nhà nước,
vì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, trên cơ sở pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành
đối với các bên hữu quan và được đảm bảo thi hành bằng sự cưỡng chế nhà nước.
Từ các phân tích trên, có thể kết luận được Luật Hành chính là ngành luật độc lập trong hệ
thống pháp luật Việt Nam, có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh đặc thù gắn
liền với khái niệm, đối tượng và phạm vi quản lý hành chính nhà nước.
3. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA LUẬT HÀNH CHÍNH VỚI MỘT SỐ NGÀNH LUẬT
KHÁC
Hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều ngành luật khác nhau, mỗi ngành luật
điều chỉnh những quan hệ xã hội nhất định với những đối tượng riêng và bằng những
17
phương pháp điều chỉnh nhất định. Ngoài việc phân biệt các ngành luật với nhau nhằm làm
rõ sự đặc thù của mỗi ngành luật, còn phải thấy được mối quan hệ giữa chúng trong một
chỉnh thể hoàn chỉnh: hệ thống pháp luật Việt Nam.
3.1 Luật hành chính và luật hiến pháp
Luật hiến pháp là ngành luật có đối tượng điều chỉnh là những quan hệ xã hội cơ bản
nhất, quan trọng nhất như chính sách cơ bản của nhà nước trong lĩnh vực đối nội đối ngoại;
chế độ kinh tế - chính trị; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị của
nước ta; thiết lập bộ máy nhà nước. Đối tượng điều chỉnh của luật hiến pháp rộng hơn đối
tượng điều chỉnh của luật hành chính.
Luật hành chính giữ vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy
phạm pháp luật nhà nước để từ đó điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt
động chấp hành và điều hành của nhà nước. Ngược lại, các vấn đề quyền công dân, về tổ
chức bộ máy bộ máy nhà nước được quy định cơ bản trong hiến pháp, thể hiện rõ tính ưu
việt trong các quy phạm pháp luật hành chính.
3.2 Luật hành chính và luật đất đai
Luật Hành chính nói ngắn gọn là ngành luật về quản lý nhà nước. Quản lý hành chính
nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội là những mảng tương ứng của luật hành
chính. Luật đất đai là một ví dụ. Luật đất đai, về phương diện hành chính là ngành luật về
quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xuất hiện, thay đổi và chấm dứt khi có
quyết định giao đất, thu hồi đất của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, các quan hệ pháp luật này có những nét đặc thù riêng. Ở nước ta, đất đai
thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý (Điều 17 Hiến pháp 1992). Vì vậy
không có khái niệm "chuyển quyền sở hữu đất", mà chỉ có khái niệm "chuyển nhượng quyền
sử dụng đất". Hơn nữa, luật đất đai không chỉ được cơ quan hành chính nhà nước điều chỉnh
như một lĩnh vực có tính đặc thù riêng, mà còn được điều chỉnh trên cơ sở quan hệ pháp luật
dân sự liên quan đến các hợp đồng thế chấp đất đai, hợp đồng chuyển nhượng có sự thoả
thuận. Vì vậy, theo quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu hiện nay thống nhất, luật đất đai
là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, về phương diện quản lý nhà nước, có
quan hệ chặt chẽ với quan hệ pháp luật hành chính. Cụ thể, luật đất đai Việt Nam là ngành
luật điều chỉnh quan hệ giữa người sử dụng đất và nhà nước, trong đó nhà nước có tư cách là
chủ thể duy nhất thi hành quyền sở hữu đối với đất đai nhưng cũng đồng thời là chủ thể thực
hiện quyền lực nhà nước.
3.3 Luật hành chính và luật hình sự
Cả hai ngành luật này đều có các chế định pháp lý quy định hành vi vi phạm pháp
luật và các hình thức xử lý đối với người vi phạm. Trong cả hai quan hệ pháp luật này, ít
nhất là một bên trong quan hệ nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước.
- Hơn nữa, việc phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm hành chính đôi khi khá phức
tạp, nhất là những trường hợp vi phạm hành chính "chuyển hoá" thành tội phạm.
18
- Luật hành chính quy định nhiều nguyên tắc có tính bắt buộc chung, ví dụ như: quy
tắc an toàn giao thông, quy tắc phòng cháy chữa cháy, quy tắc lưu thông hàng hoá, văn hoá
phẩm. Trong một số trường hợp, khi vi phạm quy tắc ấy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình
sự. Ví dụ như: hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, trốn thuế Những hành vi
nêu trên nếu được thực hiện lần đầu với số lượng không lớn thì là vi phạm hành chính, còn
nếu với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn tái phạm thì đó là tội phạm. Tuy
nhiên, giữa chúng có sự khác biệt cơ bản sau:
Luật hình sự quy định hành vi nào là tội phạm, hình phạt nào áp dụng cho hành vi
phạm tội, điều kiện, thủ tục áp dụng. Để xác định hành vi nào thuộc đối tượng điều chỉnh
của luật hình sự cần phải xem xét các yếu tố cấu thành của tội phạm về mặt chủ quan, khách
quan, chủ thể, khách thể. Thêm nữa, luật hình sự phân biệt với luật hành chính ở tính chất
hành vi có tính chất nguy hiểm cao, mức độ thiệt hại lớn hơn. Thiệt hại đề cập ở đây bao
gồm cả thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại phi vật chất.
Còn luật hành chính lại quy định về các hành vi vi phạm hành chính, các hình thức
xử lý vi phạm hành chính và các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý đối với cá nhân, tổ
chức vi phạm hành chính. Sự khác nhau giữa hai ngành luật này là ở tính chất, mức độ của
hành vi vi phạm.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính không
phải là hình phạt vi phạm hành chính mà là chế tài đối với vi phạm hành chính. Trong hệ
thống pháp luật Việt Nam, “tội phạm” và “hình phạt” chỉ được quy định và áp dụng duy nhất
trong luật hình sự.
3.4 Luật hành chính và luật dân sự
Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự là những quan hệ tài sản mang tính chất hàng
hóa tiền tệ và các quan hệ nhân thân phi tài sản. Luật dân sự quy định nội dung quyền sở
hữu, những hình thức chuyển nhượng, sử dụng, định đoạt tài sản và phương pháp điều
chỉnh của luật dân sự là phương pháp bình đẳng, thoả thuận. Trong quan hệ pháp luật dân sự
các chủ thể bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Trong khi đó đối tượng điều chỉnh của
luật hành chính là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chấp hành-điều hành. Luật
hành chính quy định những vấn đề như thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong quản lý
nhà vắng chủ, trưng mua tài sản
Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là mệnh lệnh đơn phương, dựa trên
nguyên tắc “quyền uy - phục tùng”. Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thể trực
tiếp điều chỉnh quan hệ tài sản thông qua việc ban hành quyết định chuyển giao tài sản giữa
các cơ quan, tổ chức đó. Một số cơ quan quản lý có quyền ra quyết định tịch thu, kê kiên tài
sản hoặc phạt tiền. Nhưng trong cơ chế quản lý hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước chủ
yếu điều chỉnh quan hệ tài sản một cách gián tiếp thông qua các quyết định về kế hoạch, tiêu
chuẩn, chất lượng, về cơ chế định giá
Mặt khác, trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng tham gia trực
tiếp vào quan hệ pháp luật dân sự. Nhưng ở đây, các cơ quan đó không hoạt động với tư
19
cách trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, mà tham gia với tư cách một pháp
nhân, do vậy không thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật hành chính.
3.5 Luật hành chính và luật lao động
Nhiều quy phạm của Luật Hành chính và Luật lao động đan xen, phối hợp để điều
chỉnh những vấn đề cụ thể liên quan tới hoạt động công vụ, lao động cán bộ, công chức,
tuyển dụng, cho thôi việc đối với cán bộ, công chức nhà nước, nhưng điều chỉnh từ những
góc độ khác nhau. Nếu luật lao động "nội dung" của việc quản lý trong lĩnh vực quan hệ lao
động, "trình tự ban hành" các quan hệ lao động ấy lại được quy định trong luật hành chính.
Nói một cách cụ thể:
Luật lao động điều chỉnh những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của
người lao động như quyền nghỉ ngơi, quyền được trả lương, quyền hưởng bảo hiểm xã hội
và bảo hộ lao động
Luật hành chính xác định thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong
lĩnh vực lao động, đồng thời điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức quá
trình lao động và chế độ công vụ, thủ tục tuyển dụng, thôi việc, khen thưởng
Hai ngành luật này quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện:
- Quan hệ pháp luật hành chính là phương tiện thực hiện quan hệ pháp luật lao động.
Ví dụ: Sau khi thi đậu và được công nhận vào ngạch công chức, cán bộ A được
hưởng các chế độ nghỉ lễ, tử tuất do luật lao động quy định.
- Quan hệ pháp luật lao động lại là tiền đề của quan hệ pháp luật hành chính.
Ví dụ: Sau khi ký hợp đồng lao động dài hạn trong cơ quan nhà nước, cá nhân A với
tư cách là thành viên của của cơ quan đó, có quyền tham gia quản lý nhà nước trong
doanh nghiệp theo nhiệm vụ được phân công.
3.6 Luật hành chính và luật tài chính
Luật tài chính là ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hoạt động
tài chính của nhà nước, trong đó bao gồm cả các lĩnh vực về thu chi ngân sách, phân phối
nguồn vốn của nhà nước mang tính chất tiền tệ liên quan đến nguồn thu nhập quốc dân. Nhìn
một cách tổng quát, luật tài chính và luật hành chính đều điều chỉnh hoạt động tài chính của
nhà nước:
+ Là một bộ phận chấp hành, điều hành nhà nước, luật tài chính cũng sử dụng phổ
biến phương pháp mệnh lệnh.
+ Luật hành chính quy định cơ chế kiểm toán nhằm đảm bảo tính đúng đắn trong các
quan hệ tài chính.
+ Luật hành chính chứa đựng các quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền của các
20
cơ quan của các công tác tài chính vừa là quy phạm của luật hành chính, đồng thời là nguồn
của luật tài chính.
Tuy vậy, không chỉ có nguồn gốc liên quan chặt chẽ đến luật hành chính, mà còn có
mối quan hệ với luật hiến pháp và một phần của luật dân sự. Các nguyên tắc của luật dân sự
được áp dụng trong một số hoạt động tài chính như tín dụng, thuế còn luật tài chính đa
phần là điều chỉnh chính các quan hệ tín dụng, thuế.
4. NGÀNH LUẬT HÀNH CHÍNH VÀ VAI TRÒ LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM
4.1 Hệ thống ngành Luật Hành chính Việt Nam
Luật hành chính gồm tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ
quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có mối quan hệ mật thiết với
nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất gọi là hệ thống ngành luật hành chính Việt Nam.
Hệ thống này được phân chia theo các tiêu chí sau:
1. Theo yếu tố chủ thể:
- Quy phạm pháp luật hành chính công quyền.
- Quy phạm pháp luật hành chính công - tư.
2. Theo phạm vi quản lý:
- Quản lý hành chính nhà nước nói chung.
- Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
3. Theo cách thức tiếp cận:
- Quản lý hành chính nhà nước và chủ thể quản lý và chủ thể của quản lý hành chính
nhà nước.
- Cách thức quản lý hành chính nhà nước, những phương thức nhằm nâng cao hiệu quả
của quản lý nhà nước.
- Quản lý hành chính nhà nước trong một số lĩnh vực, cụ thể như lĩnh vực quy hoạch
xây dựng, văn hóa xã hội vv.
Trên cơ sở kết hợp các cách phân loại trên, luật hành chính sẽ được nghiên cứu tập
trung các phần cơ bản và thiết yếu nhất, sẽ được trình bày chi tiết ở phần: môn học luật Hành
chính.
4.2 Vai trò của luật Hành chính Việt Nam
Luật hành chính Việt Nam là một ngành luật về quản lý nhà nước, đóng một vai trò hết
sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Cụ thể:
21
4.2.1 Về phương diện chính trị
- Tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện bộ máy nhà nước,
việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
- Góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
4.2.2 Về phương diện kinh tế
- Đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân;
- Thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phát triển đồng bộ, nâng cao đời sống nhân dân.
4.2.3 Về phương diện xã hội
- Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tập thể, của nhà nước;
- Hướng tới mục tiêu cao cả nhất của thể chế hành chính, đồng thời cũng là bản chất của
chế độ XHCN là phục vụ cho nhân dân và "công bộc" của nhân dân.
5. NGUỒN CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM
Nguồn của Luật là tập hợp tất cả những quy phạm pháp luật có thể viện dẫn để áp
dụng cho các trường hợp có sự kiện pháp lý hành chính phát sinh. Trong khoa học pháp lý
hiện hành, nguồn chính thống và trực tiếp của ngành luật hành chính là các văn bản quy
phạm pháp luật từ trung ương xuống địa phương.
Nguồn của Luật Hành chính là tập hợp tất cả những hình thức thể hiện của quy phạm
pháp luật hành chính. Bản chất của hoạt động quản lý nhà nước là đa dạng và phức tạp nên
các quy định của luật hành chính nên cũng không loại trừ nguồn của luật hành chính đa
dạng. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam là văn
bản quy phạm pháp luật hành chính, mà chỉ giới hạn những quy phạm pháp luật điều chỉnh
các quan hệ xã hội trong lĩnh vực chấp hành, điều hành. Điều đó cũng có nghĩa rằng, có
những văn bản chỉ chứa và chứa toàn bộ các quy phạm pháp luật hành chính, có những văn
bản quy phạm pháp luật chứa đựng một vài quy phạm pháp luật hành chính xen lẫn với các
quy phạm pháp luật khác.
5.1 Văn bản luật
5.1.1 Hiến pháp là nguồn hiến định, nguyên tắc của luật hành chính Việt Nam
Nhiều quy phạm của Hiến pháp chứa đựng các nguyên tắc trong quản lý hành chính
nhà nước. Ví dụ, Chương I Hiến pháp 1992 quy định những nguyên tắc cơ bản về chế độ
chính trị của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cũng đồng thời là những nguyên tắc quản lý
nhà nước Việt Nam, bao gồm: Điều 4 về đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Điều 5
nguyên tắc bình đẳng của các dân tộc, Điều 12 về nguyên tắc pháp chế XHCN vv. Những
quy định này cũng đồng thời là quy phạm luật hành chính, được cụ thể hóa, chi tiết hóa và
bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật của luật hành chính.
22
5.1.2 Các đạo luật - nguồn cơ bản, thiết yếu của Luật hành chính Việt Nam
Căn cứ Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết 51/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều
của Hiến pháp 1992 năm 2001, các đạo luật này có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống
nguồn của luật hành chính Việt Nam, được trình bày khái quát theo tên văn bản.
Luật tổ chức Chính phủ.
Luật tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND).
Luật khiếu nại, tố cáo.
Luật thanh tra.
Luật phòng, chống tham nhũng.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008.
Luật cán bộ, công chức 2008.
Các bộ luật, đạo luật về quản lý các ngành và lĩnh vực.
Đây cũng là những nguồn không kém phần quan trọng của luật hành chính bao gồm;
Luật tổ chức các cơ quan nhà nước khác (Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Toà án nhân
dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ), Luật quốc tịch, Luật báo chí, Luật xuất bản,
Luật nghĩa vụ quân sự, Luật đất đai, Luật tài chính, Luật xây dựng
Cùng với quá trình nâng cao vai trò của luật trong quản lý các mặt của đời sống nhà nước
và xã hội thì số lượng các luật này cũng ngày một nhiều thêm, bởi vì nhiều lĩnh vực quản lý
nhà nước quan trọng từ trước đến nay hoặc là do pháp lệnh, hoặc do các văn bản của Chính
phủ quy định. Trong các luật này, ngoài quy định thuộc ngành luật dân sự và một số ngành
luật hình sự và các ngành luật khác thì có số lượng không nhỏ các quy phạm luật hành chính
xen lẫn.
5.2 Văn bản dưới luật
5.2.1 Văn bản dưới luật có tính luật
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
Trong quá trình lập pháp, hiện tại có rất nhiều văn bản được có tính luật được Quốc hội
“ủy quyền” cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nên được xem là có giá trị như luật.
Qua khảo sát, có một số nguyên do được tìm thấy:
- Tuy là quan hệ có tính “luật” nhưng do điều kiện chưa “chín muồi” để ban hành văn bản
luật nhưng cũng không thể không điều chỉnh;
- Nhận ra được quan hệ có tính “luật”, nhưng để xây dựng và ban hành, cần có quá trình
23
nhận thức, chiêm nghiệm lâu dài;
- Các quan hệ có tính “luật” nhưng có thể thay đổi, chuyển biến trên thực tế. Để đáp ứng
tính thích ứng và phải thay đổi, bổ sung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội có điều kiện
chuyên trách để thực hiện.
Chính vì vậy, qua quá trình ban hành và áp dụng, nhiều văn bản Pháp lệnh đã được
“nâng lên” thành luật, bộ luật. Ví dụ: Luật khiếu nại, tố cáo thay thế cho Pháp lệnh khiếu nại
tố cáo của công dân ngày 7 tháng 5 năm 1991. Ngoài ra, còn có một số pháp lệnh khác như
Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vv.
Cũng có thể tìm thấy quy phạm hành chính trong các nghị quyết của Quốc hội. Ví dụ:
Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ trật tự và an toàn xã hội, các nghị quyết về kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn, trong đó Quốc hội phê chuẩn các
dự án về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và biện pháp chủ yếu của kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội do Chính phủ chuẩn bị, đồng thời có thể quyết định một số chỉ tiêu
chủ yếu mà các cơ quan quản lý nhà nước phải phấn đấu tổ chức thực hiện. Trong những
trường hợp nhất định, Nghị quyết của Quốc hội cũng có tính luật. Tuy nhiên, số lượng
này không nhiều và đang được dần chuyển thành các đạo luật tương ứng.
Một khối lượng lớn các quyết định về chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp và các quy phạm
của luật hành chính chứa trong Nghị định của Chính phủ. Tuy là văn bản dưới luật,
nhưng trong một số trường hợp “ủy quyền lập pháp”, có một số Nghị định của Chính
phủ, trên thực tế, vẫn chứa đựng “tính luật”.
5.2.2 Các văn bản dưới luật còn lại
Nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước cũng là
một nguồn quan trọng chứa các quy phạm của luật hành chính.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ
trưởng) là công cụ chủ yếu của Bộ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức và chỉ
đạo thống nhất, các ngành và lĩnh vực quản lý nhà nước trong phạm vi cả nước. Do vậy,
đây cũng là một loại nguồn quan trọng của luật hành chính. Các văn bản loại này thường
có hiệu lực trong phạm vi một, một số ngành hoặc lĩnh vực trên cả nước, không chỉ đối
với các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ đó. Ngoài ra, khi liên kết với cơ quan và tổ chức
hữu quan, ban hành các văn bản liên tịch.
Ngoài ra, các Nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp; Quyết định và Chỉ thị của ủy
ban nhân dân các cấp cũng là nguồn của luật hành chính. Giữa các loại nguồn đó thì có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng là các Nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thuộc
trung ương quy định việc quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa
phương. Các văn bản này có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả mọi cơ quan, tổ
chức, đơn vị và công dân ở trong phạm vi địa phương tương ứng.
24
6. HỆ THỐNG HOÁ NGUỒN CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM
Luật hành chính điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội. Trong quá trình thực hiện hoạt động này phát sinh rất nhiều quan hệ xã hội
vô cùng đa dạng về thể loại và phức tạp về nội dung cần sự điều chỉnh của luật hành chính.
Trong phạm vi phần quy phạm pháp luật hành chính, chỉ mới nêu lên một số ít văn bản tiêu
biểu điều chỉnh các quan hệ quản lý. Trong thực tế số văn bản đó rất nhiều. Thực tế này
không chỉ do sự phức tạp và phạm vi điều chỉnh rộng của luật hành chính, mà còn do rất
nhiều cơ quan ở các cấp khác nhau ban hành những văn bản có cấp độ hiệu lực khác nhau
chứa quy phạm pháp luật hành chính. Chỉ trong cơ quan hành chính nhà nước: cấp trung
ương, ngoài Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, còn Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan
ngang Bộ; ở cấp tỉnh lại có trên 60 tỉnh, thành gồm UBND tỉnh, thành. Vì vậy, ở mỗi cấp số
lượng cơ quan có quyền ban hành cũng như số lượng văn bản luật hành chính được ban hành
cũng rất nhiều.
Tình hình trên dẫn đến thực tế thường gặp phải là các văn bản nguồn của luật hành
chính chồng chéo nhau, mâu thuẫn, hoặc nhiều vấn đề không được điều chỉnh. Điều này cản
trở sự thi hành, áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính, gây ra những hạn chế không
nhỏ trong việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật trong quản lý nhà nước. Vì
vậy, việc hệ thống hóa các quy định của luật hành chính là việc vô cùng cấp thiết. Hệ thống
hóa được thực hiện theo hai cách chính: tập hợp hóa và pháp điển hoá.
6.1 Tập hợp hóa
Ở nước ta, “Công báo” là ấn phẩm chính thức công bố tất cả các cơ quan nhà nước
cấp trung ương, ra theo định kỳ phù hợp với thời gian ban hành văn bản. Theo luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật 2008, văn bản của trung ương (ngoại trừ trong trường hợp khẩn
cấp) phải được đăng công báo. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp hặc thuộc bí mật nhà nước,
các văn bản của trung ương nếu không được đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành
(Điều 78, Luật ban hành văn bản QPPL 2008). Ở địa phương, hội đồng nhân dân và ủy ban
nhân dân mỗi tỉnh cũng có ấn phẩm riêng chính thức để công bố theo định kỳ các văn bản
của mình. Riêng văn bản cấp huyện, xã thì phải được công khai niêm yết.
Tuy nhiên, ấn phẩm “công báo” là hình thức công bố chính thức văn bản pháp luật,
không phải là kết quả công tác tập hợp hóa. Hiện tại, công tác tập hợp hoá nguồn của luật
hành chính nếu có là những tập sách: “Quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng”, “Quản lý
nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch”; “Xử lý vi phạm hành chính” Dù đã có xuất bản đa
dạng và có một số sách khá công phu, song đây là sự tập hợp hoá không chính thức. Từ đó
cho thấy, công tác tập hợp hoá vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
6.2 Pháp điển hóa
Pháp điển hóa đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng và hoàn chỉnh một hệ thống
pháp luật. Pháp điển hóa tạo ra tiền đề để đảm bảo pháp chế, thi hành và áp dụng đúng đắn
pháp luật, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khoa học pháp lý.