Tư liệu văn hiến Việt
Nam đang ở đâu?
Trần Trọng Dương
Tư liệu văn hiến (tư liệu chữ viết)
1
là một nguồn tài sản vô
giá để nghiên cứu về toàn bộ đời sống xã hội của Việt Nam
trong quá khứ. Một nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân
văn không được tiếp cận và khai thác nguồn tư liệu này thì sẽ
bị vô hiệu hóa, cũng giống như nhà nghiên cứu khoa học tự
nhiên không có cơ sở vật chất để tiến hành các thí nghiệm
khoa học.
Chữ Thái trên sách lá cọ. Ảnh: Nguyễn Văn Tuân
Trên cơ sở ngôn ngữ văn tự ở Việt Nam, tư liệu văn hiến
được phân thành tư liệu chữ Hán (ghi tiếng Hán cổ đại và
tiếng Hán Trung đại), chữ Nôm (ghi tiếng Việt tiền cổ - tiếng
Việt cổ và tiếng Việt trung- cận đại), chữ Phạn, chữ Thái cổ,
chữ Latin cổ (chủ yếu trong các văn bản của công giáo), chữ
Pháp, chữ Quốc ngữ cổ, chữ Khmer cổ, chữ Chăm cổ ,
trong đó tài liệu chữ Hán cổ chiếm khối lượng lớn nhất -
khoảng 80%, còn sách chữ Nôm của người Việt chiếm 15%.
Các loại tư liệu văn hiến khác chiếm 5%.
Tuy nhiên, những số liệu trên chỉ mang tính ước đoán, không
thực sự chính xác theo thực tế, bởi lẽ cho đến nay chưa có
thống kê nào khảo sát toàn bộ các tư liệu đó. Thống kê duy
nhất mà chúng tôi dựa vào để đưa ra con số này là số liệu của
Viện Nghiên cứu Hán Nôm - kho tư liệu cổ lớn nhất hiện
nay
2
.
Xét về mặt không gian phân bố, các tư liệu văn hiến nằm khá
tản mát, nhất là tư liệu văn hiến của các dân tộc thiểu số. Các
tư liệu này hoặc nằm ở di tích, nằm trong dân gian, hoặc có
khi đã được sưu tầm về các phòng văn hóa, các bảo tàng.
Song, sự liên kết yếu ớt giữa các cơ quan khiến chúng ta
không thể biết được tình hình cụ thể như thế nào.
Trong kho tư liệu văn hiến ấy, có lẽ kho sách Hán Nôm có vẻ
khả quan hơn cả. Theo TS Nguyễn Xuân Diện, “Viện Nghiên
cứu Hán Nôm là một trong những tàng thư lớn nhất nước ta
về di sản Hán Nôm, trong đó hai mảng lớn nhất là sách và
thác bản văn khắc. Kho sách Hán Nôm tổng hợp ở đây có
khoảng 3,2 vạn đơn vị văn bản; kho thác bản văn khắc có
trên sáu vạn đơn vị thác bản. Sách Hán Nôm được phân
thành khoảng 40 chủ đề: Văn học, Sử học, Quan chức, Bang
giao, Địa lý, Kinh tế, Gia phả, Pháp chế, Quân sự, Tôn giáo,
Phong thủy, Văn hóa giáo dục, Y dược và Văn học các dân
tộc ít người.”
3
Ấy là chưa kể đến số tư liệu khổng lồ mới
được khai thác về trong quãng 20 năm qua, hiện đang xử lý,
bảo quản, và chờ lên thư mục.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Tư liệu Hán Nôm Việt Nam còn phân tán ở rất nhiều nơi
khác như Viện Thông tin Khoa học, Viện Văn học, Viện Sử
học, Khoa Văn - Khoa Sử (trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), khoa Văn học (Đại học
Sư phạm), một số đơn vị ở Huế và nhiều nơi khác chưa thể
biết hết được. Một số đơn vị vì không phải là cơ quan chuyên
môn về văn bản học - thư tịch học - văn tự học, nên ít khi
được đề cập, và đương nhiên, không được đem ra phục vụ.
Các tư liệu Hán Nôm cũng nằm khá nhiều trong dân gian,
trong các di tích lịch sử văn hóa. Ví dụ như các kho mộc bản
(văn bản khắc gỗ) tại hơn 100 chùa tổ ở nước ta, mà một
trong số đó là kho ván chùa Vĩnh Nghiêm. Đến nay, chưa có
dự án quy mô nào để “càn quét” toàn bộ các tư liệu trong dân
gian (từ sắc phong, gia phả, cho đến sớ điệp, ván khắc…)
4
.
Gần đây, có việc gia đình nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã rao
bán một kho tuồng cổ có 204 pho tuồng Nôm. Thế nhưng,
các cơ quan hữu quan còn khá lúng túng không biết xử lý thế
nào
5
. Ấy là chưa kể đến hàng loạt các tư liệu cổ hiện còn nằm
ở nhiều nơi trên thế giới như Anh, Nhật, Pháp, Vatican, Mỹ,
Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc,…
Tư liệu văn hiến không chỉ là tư liệu mà mỗi văn bản, cuốn
sách còn tồn tại với tư cách là một di sản, một cổ vật, một
thông điệp may mắn còn sót lại từ quá khứ. Trong khi nhiều
nước trên thế giới, vấn đề tư liệu đã được giải quyết trọn vẹn
từ cuối thế kỷ XIX, thì ở Việt Nam đến đầu thế kỷ XXI, tư
liệu vẫn bị bỏ quên!
Các nhà khoa học Việt Nam hầu hết đều cho rằng làm khoa
học là làm về lý thuyết. Những việc như sưu tầm, lên cơ sở
dữ liệu, vi tính hóa, thư mục hóa, xác định văn bản học, văn
tự học… là những việc ngoài phạm vi khoa học
6
. Lịch sử văn
học Việt Nam mười thế kỷ đã được viết nên với nhiều diện
mạo khác nhau, nhưng số tư liệu nguyên bản chưa được khai
thác có lẽ vẫn còn khoảng 90%. Hay như, lịch sử Việt Nam
vài nghìn năm đã được xây dựng từ một số bộ sử quan
phương chính thống còn đầy rẫy những vấn đề văn bản và
bản dịch
7
, nhưng “bốn vạn trang sử đá” thì mới được xử lý
với số lượng như muối bỏ bể. Rồi nữa, lịch sử Việt Nam đâu
phải chỉ có mỗi lịch sử của dân tộc Kinh, lịch sử Việt Nam
phải là lịch sử của 54 dân tộc anh em. Không thể lấy lịch sử
của người Kinh mà nói rằng đó là toàn bộ lịch sử Việt Nam
như gần 100 năm nay chúng ta vẫn làm. Không thể lấy văn
học của người Việt mà nói rằng đó là toàn bộ kho tàng văn
học của Việt Nam như chúng ta đang hiểu.
Nhưng dường như phần nhiều các nhà khoa học Việt Nam
vẫn đang chỉ mải mê với cuộc rượt đuổi về lý thuyết!
1 Tư liệu cổ được chia thành hai loại, tư liệu hiện vật và tư
liệu chữ viết. Tư liệu hiện vật là đối tượng nghiên cứu chuyên
biệt của ngành khảo cổ học, nên được gọi là tư liệu văn vật.
Tư liệu chữ viết là đối tượng của ngành văn bản học, văn tự
học, ngữ văn học,…
2 Trần Nghĩa & Francois Gros (đồng chủ biên). 1993. Di sản
Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, NXB Khoa học Xã hội.
3 Nguyễn Xuân Diện. 2013. Khai thác giá trị di sản Hán
Nôm Phật giáo (bản thảo).
4 Thư viện Quốc gia hiện đang triển khai chương trình số
hóa sắc phong. Nhưng kết quả chưa công bố.
5 Theo Nguyễn Xuân Diện, con số tư liệu Hán Nôm về Ca
Trù hiện còn 49 văn bản và 70 văn bia [2007. Lịch sử và
nghệ thuật ca trù- Khảo sát nguồn tư liệu tại Viện Nghiên
cứu Hán Nôm. NXB Thế giới, H]. Nếu so sánh với các số liệu
trên, rõ ràng di sản tuồng Nôm lớn gấp ba lần. Còn theo
Nguyễn Tô Lan - chuyên gia duy nhất về Tuồng Nôm hiện
nay, ngoài kho của Nguyễn Văn Xuân ra thì toàn bộ các kho
trên thế giới hiện còn khoảng 200 văn bản Tuồng Nôm nữa.
Nếu làm một bộ tổng tập văn học Tuồng Nôm Việt Nam thì
tối thiểu cũng bằng bộ “Sử Thi Tây Nguyên” gồm mấy chục
tập.
6 Thực ra, nhiệm vụ này hiện đang đè nặng lên vai một cơ
quan chuyên trách là Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngay từ khi
thành lập cơ quan này được chỉ định nhiệm vụ hàng đầu là
“phiên dịch”, ở khía cạnh này đây là cơ quan phiên dịch lớn
nhất của Việt Nam hiện nay và phải gánh tư liệu cho nhiều
ngành khác. Nhiều nhà nghiên cứu của viện đã phải bức xúc
khi bị gọi là “người làm tư liệu”, “người dịch tư liệu”.
7 Ví dụ như Đại Việt sử ký toàn thư có một đoạn dịch như
sau: “Tháng 5[1119], mở hội khánh thành chùa Tịnh Lự.
Rồng hiện ở hàng bán nước chè ở Kinh sư.” Đọc bản dịch,
chúng tôi đã phải giật mình bởi cách dịch như vậy khiến cho
người đọc nghĩ rằng: thời Lý đã có bán chè vỉa hè ở Thăng
Long, mà rồng hiện ở quán chè cóc đó thì quả thực là đặc
sắc!