Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Sang và Trọc - Nhà văn Băng Sơn pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.4 KB, 6 trang )



Sang và Trọc - Nhà văn
Băng Sơn

“Giàu sang” và “Nghèo hèn” là cụm từ hay từ ghép? Gì cũng
được, bởi giàu mới có thể sang, và nghèo thường đi với hèn.
Đó là lẽ thông thường và cách hiểu thông thường xưa nay.
Tuy nhiên trên đời lại có anh trọc phú, có giàu mà không
sang, mà ô trọc, cũng có ông thầy giáo làng, tức ông đồ,
nghèo mà thanh cao, trong sáng một kiểu sang nhiều người
bắt chước cả đời không được. Vậy nên hiểu thế nào về cái từ
“sang” đây?

Bà ta, mẹ ta nghèo khó, một đời yếm vá, cơm độn khoai chân
lấm tay bùn, thắt lưng buộc bụng… mà dạy ta biết: “Đói cho
sạch rách cho thơm”, biết không sợ kẻ cường hào đè nén,
biết “thấy người hoạn nạn thì thương”, biết “miếng ăn là
miếng nhục”, miếng ăn “quá khẩu thành tàn”, cũng dạy ta
biết thương yêu đùm bọc, biết đường hoàng trong trắng, sạch
sẽ, công minh, nghiêm chỉnh… mà nay xã hội thừa nhận là
văn hóa, là người có văn hóa… Vật thì cái sự nghèo đó là
sang hay là hèn?.

Xưa kia thiếu gì kẻ giàu nứt đố đổ vách mà bủn xỉn, cay
nghiệt, tham lam, tàn ác, nhũng nhiễu, dâm loạn… thì cái
giàu ấy là sang hay hèn?.

Nay, không thiếu gì kẻ giàu xổi, phất lên nhanh nhờ những
thủ đoạn mờ ám, mặc bộ quần áo đắt tiền nhưng khinh người
như rác, ăn nói thô tục (vì học ít quá), say sưa, loạng choạng,


vũ phu với vợ con, cạnh khóe cùng hàng xóm, kèn cựa với
đồng nghiệp… có thể đi nhà hàng một đêm hàng triệu đồng,
nhưng bà lão mù đứng cửa xin bố thí một trăm đồng nhỏ, hắn
ta không những không cho mà còn mắng mỏ, đuổi đi một
cách tàn nhẫn… cái sự giàu đó là sang hay là ngược lại?

Ngẫm không có một xã hội nào từ xưa cho đến sau này ở đâu
tất cả mọi người đều sướng như vua, chiêu đãi bữa tiệc suốt
một tuần hết 4000 lạng vàng như Từ Huy Thái hậu, hay như
vua xứ Ethiôpi trước đây, mỗi năm tắm bằng máu hai cô gái
đồng trinh bị cắt tiết pha vào hồ nước, hoặc một ông vua
khác, nhiều vàng quá, không biết dùng vào việc gì bèn đúc
vàng thành cái giảm chấn ở đầu ô tô v.v… Nhưng cũng
không có một xã hội nào chỉ có toàn những Chí Phèo, Thị
Nở, chị Dậu hay Chử Đồng Tử (hai cha con phải chung một
khố) khi chưa gặp công chúa Tiên Dung… đến nỗi cái lều
không có mà ở, áo không có mà mặc…

Một xã hội có người giàu và người nghèo là đương nhiên, tất
yếu. Nhưng giàu có phải là sang không và nghèo có chắc là
hèn không, thì đôi khi ta phải suy nghĩ lại, phải xem xét cho
thấu lý đạt tình trong từng trường hợp cụ thể.

Gần đây có người cho rằng ăn quà là thường tình và đã là quà
thì không cần phân biệt sang hay không sang. Phở chẳng hạn.
Bát phở là bát phở, không có sang hèn trong đó.

Xin thưa, chưa chắc!

Chị hàng rong mua một đồng phở không (không thịt) xin

thêm chút nước dùng, bẻ cái bánh mì ra mà chấm mà ăn, cầm
hơi một ngày rong rao trên phố… so với mấy ông mở cửa xe
bóng loáng, vào ăn phở, phố Lê Văn Hưu, phố Nam Ngư,
đầu phố Nguyễn Du, bát phở tú hụ, ăn không hết bỏ đi, rồi ra
cửa trả một vài trăm nghìn không cần đếm. Có sự sang và
không sang trong cách ăn quà đó không, trong bát phở đó
không?

Ranh giới giữa cái sang và không sang thật khó xác định.
Nhưng thế nào là sang, thế nào là trọc, có lẽ khó mà thống
nhất trong quan niệm.

Nước ta vốn nghèo, nhưng với một nền văn hiến, văn hóa để
lại cho chúng ta như ngày nay, thì dân tộc này là sang hay là
trọc?

Mấy tên giàu có, được gọi là “đại gia” nhưng ăn cắp, ăn
cướp, ăn chặn (có kẻ ăn chặn cả tiền đền bù cho dân ở lòng
hồ sông Đà) rồi phải ra tòa, bị tuyên án tử hình, tù chung
thân… là sang hay trọc?

Người Việt Nam bình thường chúng ta, ra đường “phẳng
phiu” ngay ngắn, nói năng thanh lịch, ăn ở đường hoàng,
rộng lòng khoan dung, sẵn sàng chia sẻ, tự nâng cao trình độ
ngày ngày, biết dạy con cháu giữ gìn gia phong quốc pháp…
rõ ràng là sang, chứ gì?

Không thể chỉ đánh đồng mọi sinh hoạt cũng như không thể
coi vẻ bề ngoài mà kết luận khiên cưỡng. Sang và Trọc phải
có cội rễ trong mỗi con người.

×