So sánh tên họ Tây
Phương với tên họ Trung
Hoa và Việt Nam
Vì nhiều tên họ Việt giống tên họ Trung Quốc nên khi so
sánh là ta đối chiếu một bên là Âu Mỹ, bên kia là Trung
Quốc và Việt Nam. Ta sẽ xét điểm tương đồng và dị biệt.
Những điểm tương đồng
Một cách tổng quát, tên họ Âu Mỹ hầu như hoàn toàn tương
ứng về mọi phương diện với tên họ Trung Quốc và Việt
Nam. Sau đây xin trưng ra một số ví dụ để chứng minh cho
kết luận này:
1. Tên Liên Quan Đến Địa Danh Và Khu Vực Địa
Lý: Bao gồm tên nước, tên làng, tên thành, phương hướng,
đồi núi, cây cối, súc vật.
a. Tên nước: Nếu Âu Mỹ có các họ French, English, Scott,
Walsh, Flemming là tên các nước Pháp, Anh, Tô Cách Lan,
xứ Wale, Flander, thì Trung Quốc và Việt Nam có các họ
Tần, Tề, Ngô, Việt, Sở, Trần, Thái, Trịnh, Ngụy, Hàn v.v…
là tên các nước thời Xuân Thu-Chiến Quốc.
b. Tên làng: Nếu Trung Quốc và Việt Nam có các họ Hác,
Hồng, Bi, là các tên làng, thì Âu Mỹ có các họ Avery do tên
làng Evreux ở Pháp, họ Bellow do tên làng Bellou hay
Belleau ở Pháp. Các tên họ St. John, St. Clair, St. George đều
là các tên làng.
c. Tên thành phố, huyện: Âu Mỹ có các họ: Normandie,
Navarre, Dorsett, Kent, Norkfolk, Cassell, Livingston là tên
các thành thị, thì Trung Quốc có họ Phùng, Thôi, Bảo, Bình,
Cam là tên các thành ngày xưa.
d. Về phương hướng: Nếu Trung Quốc có các họ Đông, Tây,
Nam, Bắc, thì Âu Mỹ cũng có các họ East, West, South,
North.
e. Tên đồi, núi, rừng, sông: Âu Mỹ có Mont (núi), Hill (đồi),
Forest (rừng), Meadow (đồng cỏ), River (sông). Việt Nam
Trung Quốc có họ Giang, Sơn, Lâm, Hà.
f. Tên cây cối: Âu Mỹ có các họ Pine (cây tùng), Rice (lúa)
Cherry (anh đào) Trung Quốc và Việt Nam có họ Tùng, Lê,
Lý, Quế, Lâm.
g. Tên thú vật: Âu Mỹ có các họ Oiseau (chim), Deer (nai),
Cheever (con dê), Cochon (heo), Chevallo (ngựa), Boeuf
(bò), Bass (cá bass). Trung Quốc có họ Mãng (trăn), Phục
(rắn), Ô (quạ), Điểu (chim), Ngưu (trâu).
h. Tên đồ vật: Âu Mỹ có các họ Hammer (cái búa), Crystal
(pha lê), Hoe (cái cuốc). Trung Quốc có họ Cung (cây cung),
Xa (xe), Quan (cái mũ),v.v
2. Tên Liên Quan Đến Nghề Nghiệp Và Chức Vụ:
a. Nghề nghiệp: Nếu Trung Quốc và Việt Nam có các họ
Ngư, Tiều, Canh, Mục, thì Âu Mỹ có các họ: Fisher (ngư),
Forester, Woodman (tiều), Plowman, Arkerman (canh),
Sheepherd, Shipman, Berger (mục).
b. Chức vụ công quyền: Âu Mỹ có họ King (vua), Govern
(thống đốc), Mayor, Meyers (thị trưởng). Trung Quốc và Việt
Nam có họ Hoàng, Vương, Tư Mã.
c. Chức vụ tôn giáo: Trung Quốc có họ Vu và Hích lo việc tế
tự đồng bóng. Âu Mỹ có các họ Pope ( giáo hoàng), Bishop
(giám mục), Abbot (bề trên tu viện).
d. Tên tước: Nếu Trung Quốc và Việt Nam có các họ Công,
Hầu, Bá, Tử, Nam, Vương Tôn, Công Tôn, Tôn Thất, thì tây
phương có các họ Prince, Leroy, Roy, Marquis, Lecomte,
Graft v.v…
3. Tên Liên Quan Đến Đặc Điểm Trên Cơ Thể:
a. Về vóc dáng: Âu Mỹ có các họ: Grand, Tall, Biggs (to),
Flanky (gầy). Trung Quốc Việt Nam có họ Đại, Tiểu.
b. Về màu sắc: Nếu Âu Mỹ có các họ Blanc, Leblanc, White
(trắng), Brown, Brun (nâu), Blake (đen), thì Trung Quốc và
Việt Nam có họ Huỳnh, Hoàng, Bạch. Hắc.
4. Tên Liên Quan Đến Thân Tộc: Nếu tại Âu Mỹ, người con
có thể lấy tên chính của cha làm tên họ như Johnson (con ông
John), O’Brian (con ông Brian), McDonald (con ông Donald)
thì Trung Quốc có các họ thuộc về thân tộc như Vương Tử,
Vương Tôn, Công Tôn, Bá, Mạnh, Trọng , Thúc, Quý.
Những điểm dị biệt
1. Về Mục Đích: Mặc dù tên họ người tây phương được khởi
xướng từ các giáo sĩ nơi giáo đường, nhưng không nhằm mục
đích lễ giáo hay đạo đức mà nhắm mục tiêu hành chánh.
Trong khi đó, tên họ của người Trung Quốc cũng như Việt
Nam, được các nhà lãnh đạo ban đầu đặt ra nhằm phổ biến lễ,
làm cho mọi người biết nguồn gốc tổ tiên để thờ cúng. Do
mục đích này mà đa số tên họ của người Trung Quốc và Việt
Nam có ý nghĩa tốt đẹp, không đặt những tên họ có tính cách
tiêu cực như họ con heo (cochon), đầu to, đầu bé (caputo,
capone) như của Âu Châu. Trung Quốc có đặt tên xấu như họ
Mãng, họ Phục (rắn, trăn), họ Ác nhưng là để trừng phạt một
phạm nhân.
2. Về Sự Biến Đổi Tên Họ: Tên họ gốc Âu Mỹ có thể từ một
họ biến ra năm bảy chục họ khác nhau nên số tên họ tây
phương có rất nhiều. Trong khi đó, Trung Quốc, Việt Nam
cũng có sự biến đổi từ một họ ra nhiều họ, như họ Vương ra
Vương Tử, Vương Tôn, Công ra Công Tử, Công Tôn, Hạ ra
Hạ Hầu, Nguyễn ra Nguyễn Phúc, Công Tằng, Tôn Nữ, Tôn
Thất. Tuy nhiên, số họ được biến đổi rất ít. Hơn nữa, người
Trung Quốc và Việt Nam có đổi họ thì chỉ đổi sang họ có
sẵn, chứ không sang hẳn một họ mới như người Âu Tây.
3. Về Nguyên Nhân Biến Đổi Tên Họ: Người Âu Châu
không bị ai ép buộc phải đổi tên họ. Nếu tên họ khó đọc, khó
viết, hoặc tên họ có ý nghĩa xấu như họ Cochon tức con heo
chẳng hạn, họ có quyền thay đổi. Sự thay đổi đó hoàn toàn tự
nguyện và chỉ cần tòa án ra phán quyết cho các viên chức hộ
tịch thi hành.
Ngược lại, tên họ người Việt Nam là một di sản của dòng họ,
cho nên nếu không vì lý do gì đặc biệt, họ không bao giờ tự
nguyện đổi họ. Tuy nhiên, đôi khi họ lại bị bắt buộc đổi họ
để tránh phạm húy. Trước đây, người Trung Quốc cũng như
Việt Nam, khi đổi họ, không cần qua thủ tục tư pháp nào.
Ngày nay, tình hình đã thay đổi. Nếu muốn đổi họ, người ta
phải qua một thủ tục pháp lý như người Âu Châu.
4. Về Số Lượng Tên Họ : Số tên họ của người Âu Mỹ vượt
xa rất nhiều so với tên họ người Trung Quốc và Việt Nam.
Lý do là từ một họ có thể sinh ra nhiều họ dưới hình thức
khác nhau. Hơn nữa, người tây phương hầu như lấy hết các
địa danh nơi mình cư ngụ làm tên họ. Số tên họ thuộc địa
danh nhiều đến nỗi có những từ điển nói về tên họ xuất phát
từ địa danh Ví dụ Giáo sư A.H. Smith viết English Place
N[87]ame Element. Christina Blakie viết Dictionary of Place
Names.
Tại Trung Quốc và Việt Nam, tên địa danh biến thành tên họ
cũng rất ít, chỉ một số tên nước thời Chiến Quốc và một số
tên Châu, Huyện, Làng, Ấp.
Về tên nghề nghiệp biến thành tên họ: Tên nghề nghiệp nào
của Âu Châu thời Trung Cổ cũng biến thành tên họ. Trong
khi đó, tên nghề nghiệp của người Trung Quốc biến thành tên
họ rất hạn chế, quanh quẩn trong mấy nghề chính thuộc nông
nghiệp.
Tóm lại, một cách tổng quát, tên họ Âu Mỹ và tên họ Trung
Quốc và Việt Nam giống nhau trên nhiều phương diện. Tuy
nhiên, cũng có sự dị biệt nhỏ. Nguyên nhân là vì tên họ của
người tây phương do chính dân chúng đặt ra nhằm thoả mãn
mục tiêu hành chánh. Do vậy, nó đa dạng. Trái lại, tên họ của
người Trung Quốc và Việt Nam được các vua chúa đặt ra với
mục đích duy trì tinh thần gia tộc, và phổ biến việc thờ cúng
tổ tiên, nên có sự hạn chế về số lượng, nhưng sâu sắc về mặt
ý nghĩa.