SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
ĐỀ THI HỌC KỲ I NĂM HỌC 2012- 2013
Môn: Ngữ văn lớp 10 Nâng cao
Dành cho các lớp D, chuyên xã hội,
Anh, Pháp, Nhật, Sinh
Buổi thi: Chiều ngày 21/12/2012
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
Đề thi gồm 01 trang
Câu 1: ( 3 điểm)
Trình bày ngắn gọn suy ngẫm của em về tâm sự của Nguyễn Du qua hai câu
thơ:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)
(Đọc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du)
Câu 2: ( 7 điểm)
Phạm Ngũ Lão tuy chỉ để lại hai bài thơ nhưng tên tuổi của ông vẫn thuộc
hàng những tác giả danh tiếng nhất của văn học thời Trần bởi thơ của ông đã toát
lên hào khí Đông A - hào khí thời Trần - một trong những thời đại hào hùng nhất
của lịch sử Việt Nam.
Hãy phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ nhận định trên.
Hết
Đ
Ề THI SỐ 2
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KỲ I NĂM HỌC 2012- 2013
Môn Ngữ văn - Lớp 10 NC– Chương trình nâng cao - Đề số 2
Câu 1 ( 3 điểm)
Khuyến khích học sinh chủ động trong bày tỏ cảm nhận chủ quan về câu thơ song
cần nêu bật những ý chính như sau:
- Tình cảm thương xót Tiểu Thanh của Nguyễn Du gắn với tình cảm thương mình,
khóc mình -> biết thương thân, xót phận là một biểu hiện của giá trị nhân đạo
- Câu thơ thể hiện sự cô đơn của nhà thơ trước cuộc đời vì chưa tìm thấy người
đồng cảm -> đó là nỗi cô đơn không chỉ của riêng Nguyễn Du mà là nỗi cô đơn của
những con người tài hoa bạc mệnh nói chung trong xã hội cũ.
- Câu thơ là một câu hỏi thể hiện sự băn khoăn, nỗi mong đợi vào hậu thế biết
đồng cảm không chỉ với Nguyễn Du mà với cả những kiếp người tài hoa bất hạnh
-> cần biết nâng niu trân trọng cái tài, cái đẹp
Câu 2 ( 7 điểm)
1. Về kiến thức đảm bảo yêu cầu sau:
a. Xác định rõ luận đề: hào khí Đông A ( hào khí thời Trần).
b. Phạm vi dẫn chứng: bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
c. Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng; học sinh có thể trình bày theo những cách
khác nhau, khuyến khích sự sáng tạo song bài viết cần đảm bảo một số ý cơ bản
sau:
* Mở bài: (0.5 điểm)
- Giới thiệu khái quát về tác giả Phạm Ngũ Lão và bài thơ Tỏ lòng
- Nêu rõ luận đề: hào khí Đông A ( hào khí thời Trần)
* Thân bài : (6 điểm)
a. Giới thiệu khái quát về đề tài Tỏ lòng (thuật hoài), nỗi lòng (cảm hoài) trong
văn học trung đại (1 điểm)
b. Hào khí Đông A
- Giải thích ngắn gọn khái niệm hào khí Đông A (0,5 điểm)
- Hào khí Đông A trong bài thơ Tỏ lòng được thể hiện qua:
+ Tầm vóc, tư thế, hành động của con người thời Trần lớn lao, kì vĩ.
* Con người xuất hiện với một tư thế hiên ngang lẫm liệt mang tầm vóc vũ
trụ, con người kì vĩ như át cả không gian bao la (chú ý phân tích không gian, thời
gian kì vĩ để làm nổi bật hình ảnh con người) (1 điểm)
* Có lí tưởng cao đẹp: có chí lớn lập công danh trong sự nghiệp cứu nước,
cứu dân (1 điểm)
* Có nhân cách cao cả (1 điểm)
+ Vẻ đẹp thời đại: Quân đội nhà Trần tượng trưng cho sức mạnh dân tộc, với khí
thế hào hùng mang tinh thần quyết chiến, quyết thắng (1,0 điểm)
=> Vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thời đại có sự hòa quyện
- Thành công nghệ thuật của bài thơ (0,5 điểm):
+ Thủ pháp gợi, thiên về ấn tượng bao quát, đạt tới độ súc tích cao
+ Bút pháp nghệ thuật: mang tính sử thi với hình tượng thơ lớn lao, kì vĩ
* Kết bài: (0.5 điểm) khẳng định bài thơ đã thể hiện được lí tưởng cao cả
và khí phách anh hùng của tác giả - một vị tướng giỏi thời Trần đồng thời bài thơ
cũng toát lên hào khí Đông A – hào khí thời Trần, hào khí của đội quân đã từng
khắc lên cánh tay hai chữ “Sát Thát”.
2. Về kĩ năng đảm bảo những yêu cầu sau :
- Bố cục bài viết rõ ràng, mạch lạc
- Diễn đạt trôi chảy; viết đúng chính tả, sạch đẹp
- Hệ thống luận điểm, luận cứ sáng rõ, phù hợp với yêu cầu của đề bài.
- Biết cách kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật
Hết