Tìm hiểu về bệnh viêm
đa cơ
Có nhiều loại bệnh viêm đa cơ, nhưng thường gặp nhất là bệnh viêm đa cơ
(polymyositis) do tự miễn dịch. Ở đây chúng tôi không trình bày các bệnh
viêm cơ do virus, nấm, ký sinh trùng…
Bệnh viêm đa cơ có liên quan mật thiết với bệnh viêm cơ – da
(dermatomyositis – còn dịch là viêm cơ – bì). Hai bệnh này có bản chất bệnh
là một, nhưng nếu biểu hiện viêm chỉ có ở hệ cơ, thì gọi là bệnh viêm đa cơ,
nếu cả hệ da cũng có biểu hiện viêm, thì gọi là bệnh viêm cơ – da. Ngoài ra,
còn có viêm đa cơ phối hợp với bệnh lupus ban đỏ, vơi bệnh viêm đa khớp
dạng thấp…
Biểu hiện
Bệnh viêm đa cơ: gây yếu các cơ bắp ở mông đùi và vai – cánh tay, và các
cơ ngực hay lưng, yếu cơ cả hai bên. Bệnh có ở mọi lứa tuổi và mọi giới,
nhưng nữ giới bị nhiều hơn. Bệnh khởi phát âm thầm và thường tiến triển
chậm chạp trong vòng vài tuần hay vài tháng. Bệnh nhân thấy dần dần khó
khăn khi đang ngồi đứng lên, leo thang gác, chải tóc… Chỉ có một số ít
người thấy đau ở các bắp cơ.
Trên người Việt nam, chúng tôi thấy một số bệnh nhân bị viêm đa cơ tiến
triển bán cấp tính có triệu chứng đau cơ trong vài ngày hoặc vài tuần đầu
tiên. Hệ cơ ở cổ gáy bị yếu làm đầu rũ xuống, khi ngồi không giữ thẳng mặt
ra trước được, hoặc khi nằm không ngóc đầu lên được. Hệ cơ thực quản và
họng – thanh quản bị yếu gây khó nuốt và khó nói. Hãn hữu có trường hợp
bệnh nặng thì các cơ hô hấp bị ảnh hưởng gây khó thở.
Nếu bệnh tiến triển lâu mà không kịp điều trị, thì sẽ có teo cơ. Cuối cùng sẽ
có co cứng cơ do xơ hóa. Một số bệnh nhân bị loạn nhịp tim nặng và tử vong
do hoại tử các sợi cơ tim.
Bệnh viêm cơ -da: (dermatomyositis) Bệnh ở cả trẻ em và người lớn, nữ bị
là đa số. Biểu hiện yếu cơ giống như trong bệnh viêm đa cơ, nhưng có kèm
theo biểu hiện da. Thường biểu hiện da có trước yếu cơ, nhưng cũng có khi
song hành. Điển hình là biến đổi da mầu đỏ hay mầu hoa cà ở cánh mũi, gò
má, trán và quanh móng tay. Cũng có thể là ban đỏ lan tỏa, viêm da dạng
eczema, ban sần, … Có thể ngứa da. Hay có phù mi mắt và phù môi. Trẻ em
hay bị tổn thương da ở vùng khuỷu và đầu gối. Về sau vùng da bị tổn thương
có thể thành sẹo teo và trắng nhợt ra.
Xét nghiệm
Xét nghiệm máu thấy nồng độ CK và Aldolase tăng cao, tốc độ lắng hồng
cầu có thể bình thường hoặc tăng. Xét nghiệm yếu tố dạng thấp hoặc kháng
thể kháng nhân có thể dương tính (1/2 số trường hợp). Trong giai đoạn hoại
tử cơ cấp tính, bệnh nhân có thể đái ra Myoglobin.
Gần đây, người ta (Hoa Kỳ) còn dùng cộng hưởng từ (MRI) và đo quang
phổ cộng hưởng từ proton (proton MR spectroscopy) để nghiên cứu và thấy
có biến loạn chuyển hóa rõ rệt của lipides, creatine và choline trong khối cơ
bắp chân của người bệnh.
Một trong những phương pháp giúp chẩn đoán quan trọng nhất là phương
pháp chẩn đoán điện, hay còn gọi là điện cơ. Trong phương pháp này, BS đo
tốc độ dẫn truyền điện của các dây thần kinh, và ghi hoạt động điện của các
cơ bắp, nhờ đó phát hiện được bệnh nhân có bị bệnh cơ hay không.
Phương pháp sinh thiết cơ: lấy một mẩu nhỏ cơ bắp của bệnh nhân, soi dưới
kính hiển vi, phát hiện được các hình ảnh của phản ứng viêm. Phương pháp
này ở Việt nam còn ít áp dụng.
Điều trị
Bệnh có tiên lượng tốt. Điều trị càng sớm thì phục hồi càng tốt. Khoảng 1/2
số bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn. Có một số có di
chứng yếu cơ vùng vai hoặc háng. Chỉ có một số ít tử vong do biến chứng
tim – phổi.
Corticosteroids là thuốc lựa chọn hàng đầu. Điều trị phải rất kiên trì. Khi sức
cơ và kết quả xét nghiệm men CK trong máu bắt đầu phục hồi, thì giảm bớt
dần liều lượng. Sau 6 tháng đến 1 năm, nếu bệnh thuyên giảm tốt, thì điều trị
duy trì.
Các BS khuyên đừng vội vã cắt thuốc sớm, vì thường tái phát sẽ khó điều trị
hơn. Có thể dùng Corticosteroid liên tục tới 2 năm, thậm chí lâu hơn nữa.
Ngoài ra còn có các thuốc khác như Azathioprine hay Methotrexate. Cũng
có thể thay huyết tương hoặc truyền Globulin miễn dịch. Tập luyện thể lực
cũng có ích lợi rõ rệt trong điều trị bệnh.
Về điều trị, hiện nay có nhiều nơi có thể điều trị tốt bệnh viêm đa cơ, đặc
biệt là ở BV Chợ Rẫy và BV 175. Cách điều trị thì các nơi đều giống nhau,
và không phức tạp lắm. Riêng ở BV 175 ngoài điều trị bằng thuốc, còn có
thêm phương pháp thay huyết tương. Ta biết máu gồm có các tế bào (như
hồng cầu, bạch cầu…), và huyết tương. Huyết tương là phần chất lỏng của
máu.
Ta có thể hiểu nôm na, là bệnh viêm đa cơ xảy ra do cơ thể tự sinh ra một
chất độc gây hủy hoại cơ bắp của chính mình, chất độc đó nằm trong huyết
tương, đi theo máu tới các cơ bắp và gây tổn thương.
Trong phương pháp thay huyết tương, người ta lấy máu của bệnh nhân, lọc
bỏ các chất độc đó đi, rồi truyền trả lại cho người bệnh. Đây là phương pháp
an toàn, vì không phải dùng máu của người khác. Kết quả dùng thuốc kết
hợp với thay huyết tương làm cho bệnh chóng khỏi hơn. BS Trần Như
Thành (BV 175) đã có công trình nghiên cứu về thay huyết tương, báo cáo
tại hội nghị khoa học của ngành thần kinh khu vực phía nam.