Thiết kế bếp trong căn hộ
chung cư
Dù diện tích bếp nhỏ, bạn cũng nên cố gắng không thiết kế tủ
bếp che cửa sổ và ưu tiên vị trí chậu rửa tại nơi nhiều ánh
sáng.
Thiết kế căn hộ chung cư là một mặt bằng, sống đơn giản
hóa, không cầu kỳ như các loại hình nhà ở khác nên diện
tích dành cho bếp nấu thường nhỏ gọn, khoảng dưới
10m2.
Tập quán nấu ăn cầu kỳ nhiều gia vị của người Việt đòi hỏi
phải xử lý thoát khói (mùi) bếp và thông gió tốt trong phòng
bếp, nếu có cửa ngăn phòng bếp với các phòng khác trong
căn hộ là tốt nhất. Quạt thông gió trong phòng bếp, máy hút
mùi cho bếp nấu thổi khí ra khu vực lô gia phục vụ là hiệu
quả nhất, nếu không thể hoặc không được phép thì bắt buộc
phải thổi khí vào hộp kỹ thuật thẳng đứng của tòa nhà.
Nhiều khu bếp trong căn hộ chung cư hiện nay được thiết kế
liên thông với phòng ăn và phòng khách nên việc thông gió
và xử lý mùi càng phải được quan tâm hơn. Phòng bếp đòi
hỏi tính vệ sinh cao, theo đó thiết kế nội thất cần khai thác tối
đa hiệu quả của thông gió và chiếu sáng tự nhiên, không thiết
kế đồ đạc hay tủ bếp che khuất cửa sổ. Trần và tường phòng
bếp nên thiết kế phẳng, không gồ ghề tránh bám bẩn.
Vì diện tích phòng bếp nhỏ, tần suất sử dụng nhiều nên thiết
kế công năng sử dụng và độ bền cho bếp là yếu tố quan trọng
hàng đầu, được đề cao hơn yếu tố thẩm mỹ và kinh tế. Một
thiết kế bếp tiện dụng phải đầy đủ chỗ bố trí tủ lạnh, chậu rửa
và bếp nấu một cách thoải mái, với tổng chiều dài mặt bếp
(kể cả tủ lạnh) đảm bảo từ 4m đến 5m (không kể chiều dài
góc chết của bếp dạng chữ L). Những hộc tủ bếp, ngăn kéo,
phụ kiện kim khí với từng chức năng riêng biệt và đầy đủ cho
tủ bếp sẽ khiến cho việc nấu nướng của con người thuận lợi
hơn.
Tủ bếp bằng gỗ, kết hợp phụ kiện kim khí tốt, mặt bàn và
tường bếp làm bằng vật liệu dễ vệ sinh là một lựa chọn thích
hợp về cả công năng lẫn thẩm mỹ.
Tủ bếp nên được làm bằng vật liệu tốt từ chất liệu tủ (gỗ tự
nhiên, gỗ dán veneer với lớp cốt loại tốt, i nốc…) đến những
phụ kiện kim khí (bản lề cánh tủ, tay nâng cánh tủ, ray trượt
cho hộc ngăn khéo, tay nắm…) và lớp hoàn thiện bao phủ
bên ngoài loại dễ lau chùi, bền màu, không bị ảnh hưởng của
nhiệt độ và hơi ẩm.
Trong ba thiết bị quan trọng nhất của bếp (tủ lạnh, chậu rửa,
bếp nấu), chậu rửa và mặt bàn hai bên châu rửa là chỗ được
sử dụng với thời gian nhiều nhất, do vậy, khi thiết kế, chậu
rửa nên được ưu tiên về vị trí có ánh sáng tốt như cửa sổ,
nằm trên đáo bếp và vị trí rộng rãi cho người đứng thao tác.
Ngoài công năng sử dụng thường xuyên, việc lưu trữ đồ dùng
bếp đối với người Việt cũng quan trọng. Nên thiết kế tủ bếp
treo cao đến sát trần để tăng diện tích lưu trữ cho bếp.
Tủ bếp làm cao sát trần sẽ bổ sung thêm không gian lưu trữ
cho những phòng bếp chật hẹp.
Nếu chủ nhà có thói quen sử dụng bếp liên quan đến việc
dính nước lên sàn hoặc việc sử dụng mặt sàn để gia công
thức ăn, nên chọn vật liệu lát sàn là gạch ceramic hoặc đá tự
nhiên. Nếu như việc gia công thức ăn của chủ nhà không ảnh
hưởng gì đến sàn nhà, vật liệu lát sàn sẽ có nhiều lựa chọn
hơn.
Ánh sáng trong phòng bếp đòi hỏi phải trung thực và đủ độ
sáng. Nên dùng đèn chiếu trực tiếp và đèn chiếu gián tiếp thì
chỉ mang tính chất trang trí. Đèn chiếu trực tiếp gắn ở trên
trần, gắn ở đáy tủ treo rọi xuống bàn bếp sẽ cho hiệu quả sử
dụng cao.