Kỹ năng đặt câu hỏi trong giao tiếp – Để
câu chuyện thú vị, tự nhiên
Một khi bạn đã hỏi người khác, tức là bạn tò mò muốn biết điều bạn đang hỏi.
Nhưng không phải bao giờ chúng ta cũng biết cách đặt câu hỏi cho hợp lý, đạt
được mục đích của mình: rất nhiều trường hợp bị cho là “hỏi vô duyên”, “hỏi
không đúng lúc”…Vậy làm sao để đặt câu hỏi hợp lý, thông minh để cuộc trò
chuyện luôn thú vị, tự nhiên? Kỹ năng đặt câu hỏi trong giao tiếp là một trong
những kỹ năng quan trọng bạn nên học, vì nó không chỉ sử dụng trong đời
sống mà còn ứng dụng rất nhiều cho công việc của bạn.
Có hai loại câu hỏi chúng ta thường sử dụng: câu hỏi xác định lại thông tin, có tính
lựa chọn – gọi là câu hỏi đóng và câu hỏi mở – người được hỏi trả lời về những
thông tin chưa được nêu ra.
Câu hỏi đóng
Câu hỏi đóng dùng trong trường hợp bạn muốn xác định một thông tin nào đó, nó
có dạng như: Là A hay B? Đúng không? Bạn thích C hay D? Bạn có làm việc đó
không?… Và câu trả lời thường sẽ lựa chọn ngắn gọn của người được hỏi. Sử dụng
câu hỏi đóng như thế nào?
Câu hỏi đóng là một dạng câu hỏi không nên lạm dụng trong quá trình giao tiếp. Vì
tính chất của nó là xác nhận lại thông tin, chứ không có tính gợi mở nên lượng
phản hồi từ người nghe là không nhiều. Ví dụ, bạn hỏi “bạn có thích xem phim
không?” Thì người nghe chỉ có thể trả lời “có″ hoặc “không”.
Câu hỏi đóng dùng trong trường hợp bạn nói chuyện với người lạ, quá trình giao
tiếp còn bị cản trở nhiều bởi sự ngại ngùng của hai người. Khi này, câu hỏi đóng
thường là câu mở đầu cho một đề tài nào đó. Chẳng hạn bạn sắp nói về chủ đề thời
sinh viên, bạn có thể bắt đầu với câu hỏi “hồi đó bạn có hay trốn tiết không? Bạn
có hứng thú với thời đại học không?…” Và sau đó là các chuỗi câu hỏi mở sâu hơn
để hai người có thể trao đổi với nhau.
Tại sao lại là câu hỏi đóng mở đầu? Khi bạn chưa hiểu rõ ai đó, hay đang tìm hiểu
ai đó, tất cả mọi thứ đều có vẻ mơ hồ, không định rõ. Tính cách của người ấy thế
nào, cuộc sống của người ấy ra sao… Bạn không biết chắc điều gì, vì vậy một câu
hỏi đóng để khởi đầu câu chuyện là điều hợp lý. Câu hỏi đóng sẽ giúp bạn xác định
được là người ấy có hứng thú/quan tâm hay không đến điều mà bạn nói để từ đó
tiến sâu hơn hoặc dừng lại đề tài ở đó.
Lưu ý là tránh dùng các câu hỏi đóng liên tục, dồn dập, người nghe sẽ nghĩ là bạn
đang tra khảo họ hoặc bắt họ làm một bài trắc nghiệm nào đó
Câu hỏi mở
Câu hỏi mở chính là những câu hỏi đào sâu thêm thông tin, khơi gợi người được
hỏi nói về những điều bạn chưa biết hay còn mơ hồ. Câu hỏi mở thường có dạng
“vì sao, như thế nào, ở đâu, ý kiến của bạn về vấn đề đó…” Đặt câu hỏi mở khéo
léo, hấp dẫn cũng là cả một nghệ thuật, vì nếu bạn không biết cách hỏi, rất dễ bị
người khác đánh giá là thô lỗ, thiếu hiểu biết…hoặc đặt câu hỏi không đúng trọng
tâm nên câu trả lời bạn nhận được cũng đi chệch hướng, không giống như bạn
mong đợi.
Hãy xem tình huống sau đây:
Một chàng trai hẹn gặp một cô gái mới quen ở một quán cà phê. Sau một hồi trò
chuyện thì cả hai đã bắt đầu thấy không khí cởi mở. Lúc này, chàng trai muốn hỏi
sâu về một vài lĩnh vực về đời sống riêng tư của cô gái. Và điểm đầu tiên chàng
trai muốn biết là cô gái đã từng yêu ai chưa, và ở thời điểm nào.
Một chàng trai vụng về sẽ hỏi: Mấy tuổi thì em bắt đầu yêu?/Em đã từng yêu ai
chưa/Em đi qua mấy cuộc tình rồi/Em xinh vậy chắc nhiều người theo đuổi lắm
nhỉ…
Một chàng trai thông minh sẽ hỏi: Anh không biết là phụ nữ hiện nay quan niệm
thế nào về tình yêu? Có người nói tình đầu bao giờ cũng lãng mạn và khó quên, em
nghĩ sao? Và sau đó khi cô gái chia sẻ quan điểm của mình, có thể anh ta sẽ đùa cô
gái “em có đọc sách nào không hay tự trải nghiệm đấy?”…Nói chung, khi này, câu
chuyện sẽ tự nhiên hơn rất nhiều và những câu hỏi riêng tư sẽ không còn gượng
gạo, vô duyên nữa.
Qua đó, bạn thấy rằng kỹ năng đặt câu hỏi phù hợp rất cần thiết trong mỗi chúng
ta. Đặt câu hỏi hợp lý không những khiến câu chuyện trở nên suôn sẻ, hòa hợp mà
còn thể hiện bạn là một người tâm lý, thú vị, độc đáo…
Vậy nên, hãy luôn bỏ túi cho mình những câu hỏi thông minh để giao tiếp hiệu quả
nhé!