Tải bản đầy đủ (.doc) (579 trang)

CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA RÚT NGẮN NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.08 MB, 579 trang )

HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG – BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM
PGS.TS. Lê Cao Đoàn (Chủ biên).
CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA RÚT NGẮN
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
HÀ NỘI – 2008
Những người tham gia nghiên cứu đề tài KX02-01: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
rút ngắn – vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới”.
- PGS.TS. Lê Cao Đoàn – Chủ nhiệm đề tài
- TS. Trần Ngọc Ngoạn – Thư ký khoa học đề tài
- GS.TS. Nguyễn Trần Trọng
- GS.TSKH. Lê Văn Viện
- PGS.TS. Hà Huy Thành
- PGS.TS. Hoàng Thanh Nhàn
- PGS.TS. Công Văn Dị
- TS. Phan Sĩ Mẫn
- TS. Nguyễn Thái Quốc
- TS. Nguyễn Hữu Đạt
- TS. Trần Thị Hằng
MỤC LỤC
Lời tựa
Phần thứ nhất: Những vấn đề lý luận về CNH
2
Chương I: Thời đại phát triển cổ điển và CNH
- I. Dẫn luận.
- II. Phát triển và CNH
- III. Tất yếu của cách mạng công nghiệp
- IV. Tiền đề của cách mạng công nghiệp và CNH
- V. Bản chất và quy luật kinh tế của phát triển và của CNH
- VI. Quá trình và nội dung của CNH


- VII. CNH và thời đại phát triển cổ điển
Chương II: Thời đại phát triển hiện đại. Hiện đại hóa, chuyển nền kinh tế từ kinh tế
chậm phát triển thành kinh tế phát triển hiện đại
- I. Tiến trình phát triển hiện đại
- II. Quy luật phát triển mới đối với các nước đang phát triển trong thời đại phát triển
hiện đại
- III. Vượt qua cái bẫy của sự phát triển – mô thức phát triển hiện đại của các nước đang
phát triển
Chương III: Rút ngắn quá trình CNH, HĐH, rút ngắn sự phát triển
- I. Vấn đề rút ngắn quá trình CNH, HĐH và rút ngắn quá trình phát triển hiện đại
- II. Thực chất và tính quy luật của rút ngắn quá trình CNH, HĐH, rút ngắn quá trình
phát triển hiện đại
- III. Những cơ sở và điều kiện của sự rút ngắn
Phần thứ hai: CNH và sự phát triển của thế giới. Những bài học lịch sử
Chương IV: Rút ngắn sự phát triển trong thời đại phát triển cổ điển
- I. Những nét đặc thù của việc đẩy nhanh quá trình CNH trong thời đại phát triển cổ
điển
- II. Mô hình CNH Nhật Bản trong thời đại phát triển cổ điển
Chương V: Sự thần kỳ Đông Á. Những bài học của quá trình HĐH chuyển nền kinh tế
chậm phát triển thành kinh tế phát triển hiện đại
3
- I. Bối cảnh phát triển và những vấn đề đặt ra đối với nước đi sau trong điều kiện phát
triển hiện đại của nền kinh tế toàn cầu
- II. Thực chất của sự thần kỳ
- III. Những bài học
Chương VI: Sự phát triển của Trung Quốc. Quy luật phát triển mới trong thời đại phát
triển hiện đại đạt tới độ chín muồi
- I. Tiến trình kinh tế xã hội của Trung Quốc trong lịch sử
- II. Sự phát triển không thành công của Trung Quốc thời kỳ sau khi thành lập Nhà nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tới trước cải cách – mở cửa

- III. Cải cách – mở cửa. Quy luật phát triển mới của Trung Quốc trong điều kiện phát
triển hiện đại
- IV. Thành tựu và những nét đặc trưng của quy luật phát triển của Trung Quốc
- V. Những vấn đề đặt ra trong quá trình đi tới nền kinh tế phát triển hiện đại. Con đường
tiếp tục phát triển của Trung Quốc
Phần thứ ba:
Chương VII: Vấn đề phát triển và CNH thế hệ thứ nhất ở Việt Nam
- I. Vấn đề phát triển ở Việt Nam
- II. Giải quyết vấn đề phát triển ở Việt Nam – CNH thế hệ thứ nhất
Chương VIII: Phát triển kinh tế và CNH thế hệ thứ hai – CNH trong quá trình đổi mới
kinh tế
- I: Phát triển và đổi mới kinh tế
- II: Định dạng CNH trong thời kỳ đổi mới vừa qua
- III: Tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam: vấn đề cơ bản và tư duy phát triển hiện
đại
Kết luận
Tài liệu tham khảo
LỜI TỰA
4
Trong tiến trình lịch sử của nhân loại đã diễn ra một sự chuyển biến quyết định: chuyển
kinh tế từ kinh tế tiểu nông, sinh tồn, tự nhiên sang kinh tế thị trường – công nghiệp, xác lập tiến
trình kinh tế phát triển. Thực chất đây là một cuộc cách mạng triệt để trong phương thức sản
xuất, trong kết cấu kinh tế. Đó là quá trình chuyển từ kinh tế tự nhiên, tự túc tự cấp, sinh tồn sang
kinh tế thị trường và quá trình cách mạng công nghiệp, chuyển từ công nghiệp tiểu thủ công sang
đại công nghiệp cơ khí, đồng thời trên cơ sở đại công nghiệp cơ khí, cấu trúc lại toàn nền kinh tế
theo nguyên lý đại công nghiệp, thành hệ thống công nghiệp. Có thể nói, đó là quá trình thị
trường hóa và công nghiệp hóa nền kinh tế. Trong đó, thị trường hóa là xác lập hình thái và nền
tảng kinh tế thị trường cho lực lượng sản xuất đại công nghiệp phát triển, còn CNH là cách mạng
trong nội dung vật chất của quá trình sản xuất, là xác lập lực lượng sản xuất đại công nghiệp, và
do vậy, xác lập tiến trình kinh tế thị trường – công nghiệp, phương thức sản xuất thị trường –

công nghiệp, thời đại công nghiệp – thời đại kinh tế phát triển.
Đương nhiên, tiến trình kinh tế thị trường – công nghiệp đã trở thành đối tượng cho kinh tế
chính trị học phân tích. Kinh tế học cổ điển và đặc biệt K.Marx đã phân tích sâu sắc bước chuyển
biến từ kinh tế tiểu nông sinh tồn, tự nhiên sang kinh tế thị trường – công nghiệp và bản thân
phương thức sản xuất dựa trên kinh tế thị trường – công nghiệp, vạch ra quy luật kinh tế của tiến
trình kinh tế thị trường – công nghiệp. Có thể nói, kinh tế chính trị học, và nói chung kinh tế học,
là phản ánh lý luận tiến trình kinh tế thị trường – công nghiệp. Nhưng có một điểm lưu ý, lý luận
về cách mạng công nghiệp, về CNH là một bộ phận của lý luận trong kinh tế chính trị học về
bước chuyển từ kinh tế tiểu nông sinh tồn, tự nhiên sang kinh tế thị trường – công nghiệp. Tuy
nhiên, cách mạng công nghiệp, hay CNH, với tính cách là nội dung vật chất của sự phát triển kinh
tế cũng không trở thành một đối tượng tách riêng của kinh tế chính trị học. Trong kinh tế chính trị
học, duy có K.Marx, trong khi phân tích sự hình thành, phát triển của phương thức sản xuất tư
bản, đã dành ba chương trong bộ Tư Bản để phân tích về cách mạng công nghiệp dưới góc độ
kinh tế, và nhờ vậy, làm sáng tỏ quy luật kinh tế của phương thức sản xuất tư bản. Mà cách mạng
công nghiệp và CNH của thế hệ phát triển thứ nhất đã dần lùi vào lịch sử. Ở một ý nghĩa nhất
định, nếu như nhân loại cùng lúc tiến hành cách mạng công nghiệp, thực hiện CNH nền kinh tế,
thì ngày nay, khái niệm CNH đã từ lâu được đặt vào viện bảo tàng, bên cạnh “chiếc rìu bằng đá
và chiếc xa quay sợi”. Nhưng khi nhân loại chưa CNH xong, thì tiến trình kinh tế thị trường –
công nghiệp
5
trong khi thúc đẩy kinh tế phát triển, nó đã lại dẫn tới những chuyển biến cách mạng trong phương thức
sản xuất, trong kết cấu kinh tế và đưa kinh tế của nhân loại vượt qua thời đại công nghiệp và xác lập một
thời đại mới, thời đại hậu công nghiệp, hay thời đại phát triển hiện đại. Trong điều kiện này, một bộ phận
đáng kể của thế giới còn là các nền kinh tế kém phát triển, đang phát triển, tức các nền kinh tế đang
chuyển sang kinh tế phát triển. Có thể nói, phát triển kinh tế, chuyển kinh tế từ kém phát triển thành phát
triển là vấn đề cơ bản, làm thành cái trục quyết định trong tiến trình kinh tế của các nước đang phát triển.
Một câu hỏi được đặt ra là, tiến trình phát triển hiện đại có bản chất và những quy luật kinh tế nào?
Những quy luật của tiến trình phát triển hiện đại tác động đến quá trình chuyển kinh tế từ kém phát triển
sang kinh tế phát triển của các nước đang phát triển ra sao, và sự tác động này đem lại những sự thay
đổi về nền tảng, về điều kiện phát triển, cũng như cách thức, con đường mới trong việc thực hiện sự phát

triển của các nước đang phát triển như thế nào? Trả lời những câu hỏi này có một ý nghĩa quyết định
trong việc hiểu về CNH trong điều kiện phát triển hiện đại, đồng thời từ đây hiểu về HĐH cũng như toàn
bộ quá trình thay đổi cách mạng trong nội dung vật chất của quá trình phát triển kinh tế, quá trình
chuyển một nền kinh tế từ kém phát triển thành phát triển hiện đại. Toàn bộ những điều này làm thành
nội dung của công trình nghiên cứu này.
Thời đại thay đổi thì quy luật phát triển thay đổi, do đó, cách thức giải quyết vấn đề phát triển, tức
nền tảng, mô thức, con đường phát triển thay đổi thích ứng. Điều này cho thấy, để nắm được sự thay đổi
trong quy luật phát triển, do đó nắm được quy luật phát triển mới, việc phân tích hai thời đại phát triển,
thời đại công nghiệp, thời đại phát triển cổ điển, và thời đại hậu công nghiệp, thời đại phát triển hiện đại,
trở nên cần thiết. Việc phân tích này được tiến hành dưới hai góc độ, góc độ lô gíc – lý luận và góc độ lịch
sử – thực tiễn. Vì thế, công trình nghiên cứu về CNH, HĐH này được mang tựa đề “CNH, HĐH rút ngắn
– Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới”. Một điều cần phải làm sáng tỏ ở đây là vấn đề “rút
ngắn”. Rút ngắn là cách nói thông tục để diễn tả một thực tế lịch sử về thời gian diễn ra CNH của các thế
hệ CNH khác nhau được giảm đi đáng kể do bối cảnh và quy luật phát triển khác nhau đem lại. Trong
điều kiện của thời đại phát triển hiện đại, sự phát triển của các nước đã được đặt trên một đường đua
chung, bởi vậy, sự phát triển không chỉ là việc mỗi nước chuyển nền kinh tế của mình lên một trình độ
cao hơn một cách bất kỳ và tách biệt, mà được đặt vào một sự rượt đuổi một cách quyết liệt về trình độ
phát triển. Nếu chậm chạp, sự phát triển của đất nước sẽ bị đặt ra ngoài cuộc chơi chung và đặt vào thế tụt
hậu, và bị lạc hậu hóa. Trong điều kiện phát triển hiện đại, tốc độ và trình độ phát triển là vấn đề cốt tử
của sự phát triển. Đến lượt mình, điều này đã đặt vấn đề rút ngắn sự phát triển, mà thực chất là thu hẹp
khoảng cách về trình độ phát triển, bắt kịp trình độ phát triển hiện đại trong một khoảng thời gian ngắn
nhất thành một sự sống còn. Rút ngắn sự phát triển trở thành yêu cầu nội tại của sự phát triển của một
6
nước đang phát triển trong điều kiện phát triển hiện đại. Như vậy, công trình này là nhằm làm sáng tỏ
quy luật phát triển mới trong điều kiện của thời đại phát triển hiện đại, rốt cuộc là khắc họa nét đặc
trưng, tiêu biểu của quy luật phát triển mới, quy luật phát triển hiện đại của một nước đang phát triển là
phát triển rút ngắn.
Việt Nam đang thực hiện một cuộc đổi mới kinh tế, chuyển kinh tế sang kinh tế thị trường
với khuôn mẫu hiện đại và hội nhập nền kinh tế vào tiến trình phát triển hiện đại của nền kinh tế
toàn cầu, thực chất là nhằm bắt kịp vào tiến trình phát triển hiện đại và thực hiện một sự phát triển

nhảy vọt, rút ngắn. Đổi mới kinh tế là một sự thay đổi hợp quy luật. Công trình nghiên cứu này
cũng dành một phần phân tích sự đổi mới và thực hiện sự phát triển của Việt Nam trong thời kỳ
đổi mới vừa qua, xem sự phát triển đó diễn ra thích hợp như thế nào với quy luật phát triển hiện
đại và để thực hiện được sự phát triển hiện đại rút ngắn, thích ứng với tiến trình phát triển hiện
đại, đồng hành cùng thời đại thì cần phải tiếp tục đổi mới như thế nào?
Như vậy, công trình nghiên cứu này là thuộc lĩnh vực nghiên cứu lý luận cơ bản. Nó đề
cập tới vấn đề cơ bản của kinh tế Việt Nam mang tính phức tạp và với một nội dung có tầm bao
quát lớn, vì vậy, có một độ dày lớn, mặc dù khi trình bày, tác giả đã cố gắng theo một lô gíc nhất
quán và chỉ nêu những nét chính mà thôi.
Đây là công trình nghiên cứu thuộc chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước
KX02: “CNH, HĐH theo định hướng XHCN” giai đoạn 2001 – 2005, do Hội đồng lý luận Trung
Ương và Bộ Khoa học - Công nghệ chủ quản, đã được nghiệm thu đầu năm 2007. Tập thể tác giả
và những người tham gia đề tài KX02-01 “CNH, HĐH rút ngắn – Những vấn đề lý luận và kinh
nghiệm thế giới” rất cám ơn Hội đồng lý luận Trung Ương, Bộ Khoa học – Công nghệ, Ban chủ
nhiệm chương trình KX02. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn GS.TS. Đỗ Hoài Nam - chủ nhiệm chương
trình; PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh, GS. TS. Nguyễn Văn Thường – phó chủ nhiệm chương trình; và
PGS. TS. Trần Đình Thiên - tổng thư ký chương trình KX02.
Hà Nội, tháng12 năm 2007
7
PHẦN THỨ NHẤT: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÔNG NGHIỆP HÓA
CHƯƠNG I: THỜI ĐẠI PHÁT TRIỂN CỔ ĐIỂN Và CÔNG NGHIỆP HÓA
I. Dẫn luận
Theo truyền thống, khi nghiên cứu một vấn đề nào đó, nhà nghiên cứu cần phải làm rõ
những từ khóa trong chủ đề nghiên cứu. Theo truyền thống này, trong việc nghiên cứu các vấn đề
liên quan đến CNH, điều bận tâm trước hết là đi tìm định nghĩa về CNH. Có được định nghĩa
đúng, ta đã có được khái niệm về CNH, do đó, có được một công cụ tư duy cần thiết để nghiên
cứu các vấn đề về CNH. Những cách thức tiến hành này gặp phải một vấn đề nan giải: người
nghiên cứu sẽ đứng trước vô vàn định nghĩa khác nhau về CNH.
Cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên ở Anh vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, cho tới nay
đã được gần 300 năm. Tuy nhiên khái niệm về CNH vẫn còn chưa có sự nhất trí cao và luôn được

bàn tới. Thứ nhất, CNH là một quá trình cách mạng căn bản trong phương thức sản xuất và kết
cấu kinh tế, vì vậy, có một nội hàm sâu sắc và một ngoại diên phong phú. Từ đây, xuất hiện nhiều
định nghĩa khác nhau về công nghiệp hóa. Tùy góc độ nghiên cứu khác nhau, người ta có thể đưa
ra một quan niệm về CNH nhất định. Cứ như vậy, vô số định nghĩa về CNH đã được hình thành.
Tính chất nhiều vẻ khác nhau của quan niệm về CNH này đã đưa người ta vào một khu rừng
không có lối đi. Rốt cuộc, tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) qua nhiều cuộc
tranh luận đã đưa ra một định nghĩa mang tính quy ước về CNH: “Công nghiệp hóa là một quá
trình phát triển kinh tế trong đó một bộ phận nguồn lực quốc gia ngày càng lớn được huy động để
xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều ngành với công nghệ hiện đại để sản xuất ra các phương tiện sản
xuất, hàng tiêu dùng, có khả năng đảm bảo một nhịp độ tăng trưởng cao trong nền kinh tế và đảm
bảo sự tiến bộ kinh tế và xã hội”. Đây là một định nghĩa gồm khá đầy đủ những thành tố của một
tiến trình phát triển của một nền kinh tế công nghiệp, hay của bản thân tiến trình công nghiệp.
Tuy nhiên, định nghĩa này lại không phản ánh được bản chất kinh tế của CNH, cũng như tính lịch
sử của CNH trong việc làm thay đổi cách mạng trong phương thức sản xuất, trong kết cấu của
nền kinh tế – xã hội. Bởi vì, tiến trình công nghiệp luôn là tiến trình phát triển kinh tế, trong đó
diễn ra sự tập trung các nguồn lực cho thay đổi trong cơ cấu nền sản xuất, trong công nghệ và
8
nhằm tăng trưởng cao, các định nghĩa đều nhấn mạnh đến sự thăng tiến của công nghiệp, đến thay
đổi cơ cấu kinh tế và thay đổi trong công nghệ, hơn nữa, nhấn mạnh vị trí then chốt, chủ đạo của
công nghiệp trong cấu trúc kinh tế và công nghệ trong phương thức sản xuất. Ngay định nghĩa
của UNIDO đã đưa vào định nghĩa phạm trù phát triển, tuy nhiên, điều quyết định của CNH
chính là cách mạng trong phương thức sản xuất và xác lập một thời đại kinh tế, thời đại kinh tế
phát triển, thì các định nghĩa đã ít chú ý tới. Thứ hai, CNH đã diễn ra trong hai thời đại khác
nhau, thời đại phát triển cổ điển và thời đại phát triển hiện đại. Giữa hai thời đại này là một sự
khác nhau về chất trong trình độ phát triển, bởi vậy, giữa CNH của thời đại phát triển cổ điển và
thời phát triển hiện đại không chỉ khác nhau về trình độ đạt được, về quá trình, về mô thức, mà
còn là sự khác nhau về hệ thống. Đó là hai chỉnh thể của hai cái đặc thù. Xuất phát từ hai cái
chỉnh thể của hai cái đặc thù đã có nhiều cách nhìn khác nhau. Sự khác nhau đó là ở chỗ, tùy vào
chỗ nhấn mạnh ở nội dung quyết định của công nghiệp hóa, ở yếu tố quyết định trong kết cấu
kinh tế, ở con đường, bước đi mà xây dựng định nghĩa. Điều khó khăn nhất là, người ta không thể

đưa ra một quan niệm ngắn gọn dưới dạng một định nghĩa về CNH, lại có thể thâu tóm được hai
thời đại CNH với hai chỉnh thể khác biệt quá lớn. Những định nghĩa về CNH của thời cổ điển
không còn phù hợp với định nghĩa CNH của thời hiện đại. Ngay những định nghĩa CNH theo mô
thức này lại không phù hợp với một mô thức CNH khác. Thứ ba, CNH là một chỉnh thể của tiến
trình phát triển kinh tế, tiến trình trong đó CNH là nội dung vật chất của một sự thay đổi căn bản
mang tính cách mạng trong phương thức sản xuất, trong kết cấu kinh tế, xác lập nên thời đại phát
triển kinh tế. Các định nghĩa về CNH dựa chủ yếu trên nền nhận thức của sự tiến triển trong công
nghiệp, quy CNH về sự thay đổi trong kết cấu ngành sản xuất và trong kỹ thuật, trong công nghệ
sản xuất. Cách nhìn này nặng về lực lượng sản xuất, và về bản thân sản xuất, tức các hoạt động cụ
thể trong khâu sản xuất ra của cải hiện vật của nền sản xuất. Nó thiếu đi hình thái xã hội của sản
xuất, và các khâu khác của toàn bộ quá trình tái sản xuất của nền sản xuất xã hội. Đây là định
nghĩa về CNH có nguồn gốc của tư duy hiện vật, duy ý chí, phiến diện đối với quá trình CNH.
Trong hệ kinh tế thị trường, bỏ qua hình thái xã hội của sản xuất tất yếu dẫn tới chỗ xem xét CNH
là một quá trình thăng tiến về mặt lực lượng sản xuất và từ đây nảy sinh những định nghĩa về
CNH thiếu đi nội dung và hình thái kinh tế. Đương nhiên, thiếu hình thái và nội dung kinh tế,
CNH thiếu đi chính đời sống kinh tế của mình. Những chiến lược và chính sách CNH xuất phát từ
những quan niệm về CNH như vậy chỉ còn là một mớ những mong muốn chủ quan và là sự sắp
đặt mang tính mệnh lệnh, chỉ huy. Thứ tư, CNH không những là một phạm trù lịch sử, với ý
9
nghĩa nó là một khâu trong chuỗi tiến hóa của kinh tế, mà bản thân nó có một quá trình lịch sử
diễn ra rất dài với hai cấp độ, cấp độ cổ điển và cấp độ hiện đại. Chính tính chất khác biệt diễn ra
CNH trong lịch sử, xét theo trục thời gian và trục không gian, đã đem lại sự tiến hóa trong quan
niệm về CNH. Vả lại, cách mạng công nghiệp biến nước Anh thành nước công nghiệp đầu tiên
trên thế giới thực chất là quá trình CNH, song khi đó, người ta không dùng khái niệm CNH để chỉ
quá trình cách mạng công nghiệp biến nền kinh tế nước Anh thành nền kinh tế công nghiệp, mà
dùng khái niệm cách mạng công nghiệp để chỉ quá trình đó. Chỉ sau 100 năm, một loạt nước
thuộc thế hệ thứ hai dùng thành tựu của cách mạng công nghiệp mà thế giới tạo ra, cải biến nền
kinh tế của mình thành nền kinh tế công nghiệp, lúc đó mới phát sinh ra khái niệm CNH thay cho
khái niệm cách mạng công nghiệp.
Như vậy, một mặt, là một quá trình chuyển biến sâu sắc có tính chất cách mạng trong

phương thức sản xuất, trong kết cấu kinh tế, làm thành bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát
triển kinh tế xã hội của nhân loại, CNH có nội hàm bao quát rộng lớn. Mặt khác, đó là một phạm
trù lịch sử, có đời sống tiến hóa và biến đổi sâu sắc, thích ứng với những thời đại phát triển khác
nhau. Vì vậy, khó có một định nghĩa ngắn gọn nào thâu tóm được một quá trình với những tính
chất phức tạp như thế. Điều quan trọng hơn, CNH với tính cách là đối tượng nghiên cứu ở đây,
không phải là những khía cạnh khác nhau của CNH, mà là lý luận về CNH hóa, hay phản ánh về
mặt lý luận của CNH. Điều này hàm nghĩa, CNH ở đây được xem xét ở tổng thế, ở hệ thống để
tìm ra bản chất kinh tế, lô gic nội tại và quy luật kinh tế của CNH, đồng thời thấy được ý nghĩa
lịch sử của CNH trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của nhân loại. Đương nhiên, chỉ sau
khi nắm được bản chất kinh tế, lô gic nội tại và quy luật kinh tế của CNH, cũng như ý nghĩa lịch
sử của CNH trong tiến trình kinh tế – xã hội của nhân loại, ta mới có được một ý niệm đầy đủ về
CNH. Nói khác đi, ở đây, định nghĩa hay khái niệm CNH không phải là điểm xuất phát của
nghiên cứu về CNH, mà trái lại, là kết quả của một nghiên cứu tổng thể về CNH.
Sản xuất xã hội luôn là một quá trình hai mặt, mặt hình thái xã hội và mặt nội dung vật chất,
hay xét về phương thức sản xuất thì đó là sự thống nhất của quan hệ sản xuất và lực lượng sản
xuất. Sự thống nhất này được biểu hiện ở phạm trù kinh tế và kinh tế học lấy sự thống nhất giữa
quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, giữa mặt hình thái xã hội và nội dung vật chất của quá
trình sản xuất xã hội làm đối tượng nghiên cứu của mình. Nó xét xem trong một trạng thái khan
hiếm nhất định các nguồn lực, người ta làm thế nào để đạt được một lượng của cải lớn nhất, nhờ
10
đó có được mức thỏa dụng lớn nhất, hay tìm ra quy luật kinh tế chi phối việc sản xuất, lưu thông
và phân phối của cải trong một trạng thái khan hiếm nhất định về các nguồn lực. Điều này hàm
nghĩa, kinh tế học không nghiên cứu tách rời giữa mặt hình thái xã hội và nội dung vật chất của
sản xuất xã hội. Nếu khảo sát từng mặt, thì mặt đó luôn được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với
mặt kia, để rốt cuộc, làm rõ những tất yếu kinh tế, những quy luật kinh tế trong sự thay đổi của
những yếu tố, những mặt hợp thành phương thức sản xuất, hay toàn bộ quá trình sản xuất xã hội.
CNH là một cuộc cách mạng trong nội dung vật chất của nền sản xuất xã hội, hay của
phương thức sản xuất. Đây là luận đề xuất phát của việc nghiên cứu về CNH. Luận đề này nhấn
mạnh, việc nghiên cứu CNH là nghiên cứu về mặt kinh tế, hay trong sự thống nhất giữa sự thay
đổi nội dung vật chất với hình thái xã hội, hình thái kinh tế của CNH, hay hình thái kinh tế của sự

thay đổi trong nội dung vật chất của nền sản xuất xã hội.
Mô hình kinh tế XHCN Xô viết là mô hình kinh tế hiện vật và được vận động trong một thể
chế được xác lập bởi những giáo điều xuất phát từ những quan điểm chủ quan, duy ý chí về một
CNXH phi kinh tế. Xét cho cùng, CNXH Xô viết không phải là một hệ kinh tế tự thân, mang tính
chất là một tiến trình lịch sử, tự nhiên, tự điều chỉnh, tự vạch đường đi theo những lô gic nội tại
và quy luật khách quan. Những quan hệ kinh tế ta thấy trong mô hình CNXH Xô viết thực ra chỉ
là những thể chế, những quan hệ pháp lý áp đặt vào nền sản xuất xã hội, và như vậy những thể
chế không có nội dung kinh tế không phải là cấu trúc kinh tế nội tại của lực lượng sản xuất, do
vậy, nền sản xuất xã hội đã không có những quan hệ kinh tế tất yếu, khách quan cần thiết cho lực
lượng sản xuất phát triển. Ở đây, thực ra là một sự lắp ghép chủ quan, gượng ép giữa những thể
chế, những quan hệ pháp lý và những lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh CNH với tính cách là sự
thay đổi trong nội dung vật chất của nền sản xuất xã hội, không có những quan hệ kinh tế làm
thành hình thái kinh tế - xã hội tất yếu của mình, CNH đã trở thành đối tượng trong kinh tế chính
trị học mô hình Xô viết khi CNH tách rời khỏi hình thái kinh tế xã hội thích ứng với nó, hay CNH
không có đời sống kinh tế của mình.
Do tách rời với hình thái kinh tế xã hội, CNH chỉ được xem xét như quá trình phát triển lực
lượng sản xuất, quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, là quá trình xác lập cơ cấu
sản xuất theo những tỷ lệ dựa trên cơ sở ưu tiên cho một ngành công nghiệp nào đó, xét thấy là
quan trọng, quyết định. Đặt ra ngoài hình thái kinh tế, CNH được xem xét là một quá trình tự thân
của sự thăng tiến của lực lượng sản xuất, một quá trình thiếu đời sống kinh tế. Nó chỉ có đời sống
11
thể chế, pháp lý và hướng tới những mục tiêu chính trị: hình thành nền tảng vật chất kỹ thuật của
CNXH.
Như vậy, trong kinh tế hiện vật và trong các quan hệ thể chế, pháp lý, CNH đã đi trệch khỏi
cái tất yếu và quy luật kinh tế. Đến lượt mình, nghiên cứu về CNH thiếu đi nội dung kinh tế và
thay vào đó là những nghiên cứu mang tính tổ chức – kỹ thuật. Có thể nói, mô hình CNXH Xô
viết đã quy định tính chất tách rời siêu hình trong nghiên cứu hình thái xã hội và nghiên cứu nội
dung vật chất của CNH, do đó, nghiên cứu CNH đã thiếu đi nội dung kinh tế của nó. Nghiên cứu
như vậy đã không thể vạch ra trên những cơ sở quan hệ kinh tế và cơ chế kinh tế nào CNH đã
được diễn ra và nó được thúc đẩy bởi những quy luật kinh tế nào.

Điều tệ hại hơn, việc nghiên cứu tách rời, phiến diện như vậy đã dẫn tới một hệ quả nghiêm
trọng trong tư duy: biến phương tiện thành mục tiêu. CNH là sự thay đổi trong nội dung vật chất
của nền sản xuất xã hội trong quan hệ với việc đạt tới mục tiêu tăng sức sản xuất và tăng hiệu quả
của nền kinh tế, và rốt cuộc, đưa nền kinh tế – xã hội đạt tới sự phát triển, giàu có và phồn vinh.
Nhưng trong tư duy tách rời giữa hình thái kinh tế và nội dung vật chất của CNH, đã khiến cho
CNH trở thành mục đích mà xã hội hướng tới. Vì giáo điều của CNXH Xô Viết coi CNH là nền
đại công nghiệp, vì thế để có CNXH, người ta phải bằng mọi cách, mọi giá để tạo ra nền đại công
nghiệp. Nhưng trong thực tế, người ta có thể đạt tới một nền đại công nghiệp, song đó là nền đại
công nghiệp lạc hậu, không phù hợp với quy luật kinh tế, do đó kém hiệu quả, rốt cục sụp đổ.
Như vậy, nghiên cứu CNH ở góc độ lý luận, hay phân tích về mặt lý luận của CNH là
nghiên cứu:
a, Bản chất và quy luật kinh tế của CNH.
Tức nghiên cứu khía cạnh kinh tế của CNH, nghiên cứu CNH trong mối quan hệ giữa quan
hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong thể thống nhất của chúng là phương thức sản xuất, nghiên
cứu sự tương tác giữa hình thái kinh tế xã hội và nội dung vật chất của quá trình sản xuất xã hội,
trong đó diễn ra quá trình CNH.
b, Nghiên cứu CNH trong quá trình phát triển kinh tế, và CNH với tính cách là sự thay đổi
nội dung vật chất trong quá trình xác lập nền đại công nghiệp phát triển. Ta biết rằng, trong tiến
trình kinh tế – xã hội của nhân loại đã diễn ra một bước ngoặt lịch sử: chuyển kinh tế từ kinh tế
kém phát triển thành kinh tế phát triển. Quá trình chuyển kinh tế từ kinh tế kém phát triển thành
12
kinh tế phát triển là quá trình phát triển kinh tế. Bước chuyển cách mạng từ kinh tế kém phát triển
sang kinh tế phát triển được đặc trưng bởi CNH. CNH là sự thay đổi căn bản trong nội dung vật
chất của nền sản xuất xã hội, xác lập nội dung vật chất của kinh tế phát triển là hệ thống đại công
nghiệp, kết cấu đại công nghiệp. Với nội dung vật chất công nghiệp, CNH đã làm cho phát triển
thành một tất yếu kinh tế, và do vậy, CNH đã vạch ra tiến trình phát triển, thời đại kinh tế phát
triển. Điều này hàm nghĩa, để hiểu được CNH, thì cần tiếp cận CNH từ khía cạnh phát triển, xem
CNH là quá trình thay đổi nội dung vật chất của quá trình phát triển kinh tế. Trong quá trình này,
CNH diễn ra theo các quy luật kinh tế, và ngược lại, CNH đem lại nét đặc thù của quy luật kinh tế
ở bước chuyển cách mạng từ kinh tế kém phát triển thành kinh tế phát triển.

c, Ở ý nghĩa tổng quát, nghiên cứu về mặt lý luận của CNH là nghiên cứu CNH với tính
cách là một cuộc cách mạng triệt để trong phương thức sản xuất và trong kết cấu kinh tế, xác lập
một phương thức sản xuất mới, một kết cấu kinh tế mới, phương thức sản xuất công nghiệp và kết
cấu công nghiệp, và với chỉnh thể công nghiệp, CNH đã vạch ra thời đại công nghiệp, thời đại
kinh tế phát triển.
Từ ba điều trên ta thấy, CNH là sự chuyển biến vạch thời đại, xác lập thời đại kinh tế phát
triển, thời đại công nghiệp, vì thế, tiếp cận kinh tế, tiếp cận phát triển và tiếp cận kinh tế chính trị
trở nên cần thiết đối với nghiên cứu về mặt lý luận của CNH.
II. Phát triển và CNH
1. Phát triển kinh tế
Phạm trù trung tâm và tổng quát diễn tả sự chuyển biến cách mạng trong tiến trình kinh tế –
xã hội của nhân loại là phạm trù phát triển kinh tế. CNH với tính cách là sự thay đổi triệt để trong
nội dung vật chất của nền kinh tế trong bước chuyển từ kinh tế kém phát triển thành kinh tế phát
triển. Nói khác đi, phát triển kinh tế và CNH có quan hệ nội tại, biện chứng với nhau. Bởi vậy, để
hiểu bản chất kinh tế và những quy luật kinh tế của CNH, việc làm rõ phát triển kinh tế với những
quá trình và quy luật thích ứng của nó trở nên cần thiết.
Phát triển vốn là phạm trù của triết học, chỉ sự chuyển biến về chất trong sự vận động không
ngừng của thế giới. Ở đây, phát triển kinh tế là một khái niệm đặc thù của lĩnh vực kinh tế, dùng
để chỉ bước chuyển cách mạng từ kinh tế tiểu nông, kém phát triển thành kinh tế công nghiệp
phát triển.
13
Trong tiến trình lịch sử, ở thế kỷ XVIII, nước Anh, nước đầu tiên thực hiện cách mạng công
nghiệp thành công và xác lập nền đại công nghiệp, vạch ra thời đại kinh tế phát triển. Sau nước
Anh, Mỹ cùng với một số nước Tây Âu và Nhật Bản ở Châu Á đã tiến hành CNH thành công.
Tuy nhiên, khi đó và cả sau này, người ta không gọi những nước đã thực hiện CNH và trở thành
nước công nghiệp, và kinh tế công nghiệp trong đó là kinh tế phát triển, là những nước phát triển
và kinh tế phát triển mà gọi là nước công nghiệp và nền kinh tế công nghiệp. Đối với những nước
chưa thực hiện CNH, không được gọi là nước kém phát triển, hay chậm phát triển, mà đơn giản
gọi là nước nông nghiệp, lạc hậu.
Chỉ tới giữa thế kỷ XX, tức vào thập kỷ 50 của thế kỷ XX trở đi, tức sau hơn 200 năm, thời

đại công nghiệp được xác lập, tiến trình công nghiệp đã trải qua nhiều bước chuyển, đạt được
những thành tựu vượt bậc và các nền kinh tế công nghiệp phát triển đã trở thành một lực lượng
kinh tế to lớn chi phối tiến trình kinh tế của nhân loại, đồng thời một bộ phận lớn của thế giới cho
tới lúc đó vẫn chưa thực hiện CNH, tức hãy còn là những nước nông nghiệp lạc hậu đã hình thành
bối cảnh để chia thế giới thành hai, một thế giới của những nước CNH với nền kinh tế công
nghiệp tiến tiến và một thế giới những nước chưa CNH, do đó, là những nước nông nghiệp lạc
hậu. Đây chính là bối cảnh phát sinh cách nhìn phát triển trong việc phân chia thế giới thành hai
thế giới, thế giới của các nước phát triển và thế giới của các nước kém phát triển, chậm phát triển.
Trong bối cảnh này, kinh tế học phát triển bắt đầu hình thành. Kinh tế học phát triển gọi
kinh tế của thế giới các nước nông nghiệp lạc hậu là kinh tế kém phát triển, chậm phát triển hay
chưa phát triển và kinh tế của các nước công nghiệp tiên tiến là kinh tế phát triển, còn đối tượng
của nó là các quy luật kinh tế và chính sách kinh tế trong việc chuyển một nền kinh tế kém phát
triển thành kinh tế phát triển.
Chúng ta cần xem xét một chút về cách phân chia các thời đại trong tiến trình lịch sử của
nhân loại, trong tiến trình kinh tế xã hội của nhân loại. Đương nhiên có nhiều cách chia khác
nhau, nhưng đại thể có ba cách phân chia khác nhau.
• K.Marx. Xuất phát từ nguyên lý duy vật lịch sử xem sự vận động, phát triển của xã
hội là sự thay thế nhau của phương thức sản xuất, của các hình thái kinh tế – xã hội,
K.Marx chia xã hội thành năm phương thức sản xuất, năm hình thái kinh tế – xã hội
hay năm thời đại: Nguyên thủy; Chiếm hữu nô lệ; Phong kiến; Tư bản chủ nghĩa và
Cộng sản chủ nghĩa. Ông viết: “Về đại thể có thể coi các phương thức sản xuất Châu
14
Á cổ đại, phong kiến và Tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình
thái kinh tế – xã hội”.
• A. Toffler. Căn cứ vào quá trình tiến triển của văn minh, A.Toffler chia tiến trình xã
hội của nhân loại thành ba làn sóng: Làn sóng nông nghiệp, làn sóng công nghiệp và
làn sóng hậu công nghiệp.
• Kinh tế học phát triển. Căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế, kinh tế học phát triển
chia thế giới loài người thành hai thế giới, thế giới của các nước phát triển và thế giới
của các nước kém phát triển (chưa hay chậm phát triển).

Ba cách chia trên đều có một điểm chung là vạch ra các thời đại kinh tế xã hội và định dạng
trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi thời đại.
Cách chia của K.Marx nhấn mạnh sự khác biệt của các thời đại ở phương thức sản xuất, và
nhất là sự khác biệt về hình thái kinh tế – xã hội. Cách phân chia này cho ta thấy được cái trục và
cái chỉnh thể trong lô gic nội tại của sự tiến hóa của nhân loại. Nắm được lô gic tiến hóa này, ta
có thể thấy được những nấc thang một xã hội phải trải qua, thấy được trình độ một xã hội đã đạt
được cũng như bản chất kinh tế – xã hội của mỗi nấc thang và xu thế mà xã hội sẽ tiến triển tới.
Cách phân chia tiến trình lịch sử của nhân loại của kinh tế học phát triển lại có một ý nghĩa
khác. Nếu đo lường về mặt kinh tế, kinh tế học thấy rằng, các nước nông nghiệp lạc hậu là những
nước thu nhập thấp. Vào thập kỷ 50 – 60 của thế kỷ XX, các nước kém phát triển là những nước
có thu nhập quốc nội trên đầu người (GDP/người) là dưới 1000 USD, còn những nước có thu
nhập trên đầu người trên 1000 USD là những nước đã trải qua CNH, là nước phát triển. Có thể
xem, thu nhập 1000 USD/người là mốc kinh tế phân chia nước kém phát triển và nước phát triển.
Đương nhiên, 1000 USD/người không phải là một cái mốc tuyệt đối. Nó có thể di động trong một
khoảng nhất định và nó được xác định bởi mức thu nhập bình quân/người của toàn thế giới, vì
thế, khi sự phát triển chung của thế giới tăng lên do sự phát triển của các nước công nghiệp phát
triển thúc đẩy và sự phát triển của các nước kém phát triển, đang phát triển tiến hành và thực hiện
sự phát triển tạo nên.
Việc kinh tế học phát triển chia tiến trình kinh tế của nhân loại thành hai thời đại không có
nghĩa kinh tế học phát triển bác bỏ cách phân chia của K.Marx, vì trọng tâm của kinh tế học là
bước chuyển từ kinh tế kém phát triển thành kinh tế phát triển. Trước thời đại công nghiệp phát
15
triển, có thể nhân loại đã trải qua các phương thức và hình thái kinh tế – xã hội nguyên thủy,
chiếm hữu nô lệ và phong kiến, song về mặt kinh tế thì đó đều là xã hội dựa trên kinh tế nông
nghiệp, nghèo, thu nhập thấp. Sự phân chia thế giới thành kém phát triển và phát triển có một ý
nghĩa cách mạng cả về mặt nhận thức lý luận và về hành động thực tiễn là trong điều kiện một
phần đáng kể nhân loại đã chuyển thành các nền kinh tế công nghiệp phát triển, phần còn lại là
những nước chưa phát triển có thể và cần phải phát triển? Và bằng con đường và cách thức nào
thực hiện được sự phát triển? Câu hỏi được đặt ra như vậy, thực sự đã trở nên bức xúc và trở
thành đối tượng của một ngành kinh tế học.

Ở một ý nghĩa nhất định, kinh tế học phát triển là một hình thái của kinh tế chính trị học, vì
nó phản ánh về mặt lý luận của bước chuyển căn bản từ phương thức sản xuất dựa trên phương
thức sản xuất tiểu nông sang phương thức sản xuất dựa trên phương thức sản xuất đại công
nghiệp. Nhưng, đó còn là kinh tế học nghiên cứu những quy luật kinh tế trong quá trình chuyển
kinh tế kém phát triển sang phát triển và những chiến lược, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển
biến cách mạng đó. Nói khác đi, đó là kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc về sự phát
triển. Nói khác đi, kinh tế học phát triển là sự vận dụng các nguyên lý của kinh tế chính trị học và
kinh tế học vào việc giải quyết vấn đề chuyển nền kinh tế từ kinh tế nông nghiệp kém phát triển
thành kinh tế công nghiệp phát triển.
Cách phân chia tiến trình kinh tế – xã hội của loài người của A.Toffler khác với cách phân
chia của kinh tế học phát triển ở việc chia thời đại phát triển thành hai thời đại: thời đại công
nghiệp và thời đại hậu công nghiệp, còn thời đại kém phát triển thì được gọi là thời đại nông
nghiệp. Sở dĩ A.Toffler chia như vậy, vì ông không nhấn mạnh, hay đúng ra là không lấy bước
chuyển từ thời đại kinh tế chậm phát triển sang thời đại kinh tế phát triển, trong khi ông lại nhằm
tách bạch ba thời đại, hay ba làn sóng văn minh mà nhân loại đã và đang trải qua. Trong khi nhân
loại vẫn còn đang nhìn thời đại của mình là thời đại công nghiệp, thì bằng việc đưa ra những nét
đặc trưng mới, vượt ra ngoài khung khổ của tiến trình công nghiệp và cho rằng, nhân loại bằng
cách mạng khoa học – công nghệ và những chuyển biến trong kết cấu kinh tế, trong phương thức
sản xuất do cách mạng khoa học – công nghệ tạo ra, đã đẩy xã hội sang một thời đại mới, thời đại
hậu công nghiệp, là một đóng góp độc đáo của A.Toffler.
Thực sự thì việc chỉ ra cái mốc mới, cái mốc vạch ra một thời đại mới với chỉnh thể không
còn là công nghiệp, hậu công nghiệp hay khác với công nghiệp, có một ý nghĩa phương pháp luận
16
trong tư duy. Từ nay, nhân loại được đặt trong một quá trình hình thành và phát triển một chỉnh
thể kinh tế mới, với những quy luật phát triển mới và do đó, quy định một phương thức phát triển
mới. Việc phát triển của nhân loại vượt ra ngoài khung khổ của chỉnh thể công nghiệp và chuyển
sang một tiến trình mới, đòi hỏi phải nhìn nhận lại thời đại công nghiệp và quyết định hơn, cần
phải xem xét, nghiên cứu về quy luật phát triển mới, do đó, đòi hỏi phải thay đổi căn bản trong
phương thức phát triển cho thích hợp với thời đại phát triển mới.
Do mục đích tìm hiểu và phản ánh tiến trình phát triển kinh tế – xã hội khác nhau nên đã có

những cách phân chia tiến trình kinh tế – xã hội của nhân loại khác nhau, song ba cách phân chia
đó lại bổ sung cho nhau, giúp ta hiểu rõ tính đa dạng và sâu sắc trong sự vận động, tiến hóa và
phát triển kinh tế của nhân loại. Bất kỳ sự phát triển nào cũng là sự thay đổi trong kết cấu và
trong phương thức sản xuất, đồng thời đổi mới phương thức sản xuất, lại xác lập nên một hình
thái kinh tế – xã hội thích ứng, bởi vậy, để hiểu sự phát triển của nhân loại, không thể không nắm
lấy cách phân chia của K.Marx, và phân tích sự phát triển từ góc độ kết cấu kinh tế và phương
thức sản xuất. Nhưng dù tiến trình phát triển có khác nhau theo hình thái kinh tế – xã hội, thì nếu
theo tiêu chí văn minh, thì rốt cuộc nhân loại đã và đang trải qua ba nấc thang văn mình lớn: văn
minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Cũng chính trình độ văn
minh là cái chi phối đến kết cấu và phương thức sản xuất, cũng như cách thức tổ chức của một xã
hội. Hai hình thái kinh tế đầu tiên, chiếm hữu nô lệ và phong kiến có sự khác nhau trong kết cấu
kinh tế, trong phương thức sản xuất và hình thái kinh tế – xã hội, nhưng chúng đều có chung một
trình độ văn minh: văn minh nông nghiệp. Theo Toffler, thời đại Nguyên thủy là thời đại xác lập
xã hội loài người. Chỉ khi con người phát minh và xác lập được ngành sản xuất nông nghiệp, xã
hội loài người mới thực sự bước vào tiến trình văn minh của mình. Thời đại công nghiệp và thời
đại hậu công nghiệp, đều là thời đại phát triển nhưng là hai cấp độ phát triển khác nhau về chất
với hai chỉnh thể hoàn toàn khác nhau. Sự phân chia này có ý nghĩa phương pháp cho tư duy về
phát triển nói chung, nhưng đối với việc chuyển một nền kinh tế kém phát triển sang phát triển
trong thời đại phát triển hậu công nghiệp còn có một ý nghĩa đặc biệt: Liệu người ta có thể và cần
phải chuyển xã hội tới thời đại phát triển hậu công nghiệp hay chỉ dừng ở chỗ chuyển xã hội sang
xã hội công nghiệp? Tư duy của A.Toffler không chỉ dừng ở phương pháp luận tư duy, mà còn có
ý nghĩa thực tiễn to lớn trong việc định ra mục tiêu và chiến lược cho sự phát triển phù hợp với
thời đại phát triển mới, do đó, tránh được việc lặp lại con đường và cách thức phát triển cũ đã bị
sự phát triển của nhân loại vượt qua và làm cho nó trở nên lỗi thời.
17
Kinh tế học phát triển đưa ra phạm trù phát triển kinh tế cũng như những quy luật kinh tế và
chiến lược kinh tế cho việc chuyển một nước kém phát triển thành phát triển là có ý nghĩa đối với
các nước đang phát triển. Việc vạch ra hai thời đại kém phát triển và phát triển, đồng thời ở giữa
hai thời đại là một quá trình chuyển biến cách mạng với một nội dung và quy luật thích ứng cho
thấy, các nước kém phát triển có thể và cần phải vượt qua trạng thái kém phát triển bằng một loạt

những chuyển biến có tính cách mạng trong phương thức sản xuất, trong kết cấu kinh tế. Việc nêu
lên những giá trị và những chuẩn mực của kinh tế kém phát triển và phát triển, cũng như những
tất yếu, những quy luật kinh tế trong đó, đặc biệt những quy luật kinh tế của việc chuyển kinh tế
kém phát triển thành kinh tế phát triển, cho người ta thấy người ta đang ở đâu trong tiến trình kinh
tế – xã hội và cần phải làm gì và làm như thế nào để vượt qua trạng thái kém phát triển kinh tế và
cuối cùng đạt tới sự phát triển kinh tế.
Như vậy, cách tiếp cận phương thức sản xuất, cách tiếp cận văn minh và cách tiếp cận phát
triển cho phép người ta hiểu thấu không chỉ toàn bộ sự phát triển nói chung, mà điều quyết định là
hiểu được trong tiến trình kinh tế có một bước chuyển quyết định mà các nền kinh tế nông nghiệp
lạc hậu, kém phát triển phải thực hiện, đó là chuyển kinh tế – xã hội của mình từ kinh tế nông
nghiệp thành kinh tế phát triển.
Tới đây ta thấy, phát triển kinh tế là một phạm trù lịch sử. Phát triển kinh tế đó là khái niệm
dùng để chỉ một khâu trong chuỗi tiến hóa kinh tế, tại đó kinh tế nông nghiệp chuyển thành kinh
tế công nghiệp phát triển. Nói khác đi, phát triển kinh tế với tính cách là một phạm trù lịch sử , là
quá trình chuyển nền kinh tế với chỉnh thể nông nghiệp thành kinh tế phát triển với chỉnh thể
công nghiệp.
III. Tất yếu của cách mạng công nghiệp
1. Kinh tế kém phát triển. Làn sóng nông nghiệp
Kinh tế phát triển là kinh tế có mức thu nhập tính trên đầu người, mà ta đã thấy, được xác
định ở thập kỷ 50 – 60 của thế kỷ XX là 1000 USD. Đương nhiên, nếu chỉ với chỉ tiêu thu nhập
1000 USD/người, người ta chưa hiểu thực sự về kinh tế phát triển. Ngoài thu nhập cao, 1000
USD/người giả định một mức độ thỏa dụng những nhu cầu cơ bản của người ta như thế nào, cũng
như một mức độ phồn vinh tương ứng. Thực ra, đằng sau thu nhập 1000 USD/người là một trình
độ đạt được của sức sản xuất, do đó, của kết cấu kinh tế và của phương thức sản xuất. Nói khác
đi, rốt cuộc thì thu nhập cao của sự phồn vinh có cơ sở của mình trong trình độ đạt được của
18
phương thức sản xuất, của kết cấu kinh tế và sự phát triển kinh tế. Chuyển kinh tế từ kinh tế nông
nghiệp kém phát triển sang kinh tế phát triển được thực hiện bởi một cuộc cách mạng làm thay
đổi căn bản kết cấu nông nghiệp và phương thức sản xuất tiểu nông và thay vào đó một phương
thức sản xuất, một kết cấu kinh tế trên đó sự phát triển kinh tế được thực hiện.

Để hiểu bản chất và quy luật kinh tế của kinh tế phát triển và của CNH, điều quyết định
trước hết là hiểu được sự phát triển bắt đầu từ đâu và trên những tiền đề và cơ sở nào? Để hiểu
được điều này cần phải phân tích làn sóng nông nghiệp, làn sóng của kinh tế kém phát triển. Làn
sóng nông nghiệp xét ở góc độ kinh tế là làn sóng với kết cấu kinh tế nông nghiệp và phương thức
sản xuất, hay kinh tế tiểu nông. Phân tích kinh tế kém phát triển là xoay quanh việc phân tích kinh
tế tiểu nông và kết cấu nông nghiệp của nền sản xuất xã hội.
Trong tác phẩm “Ngày mười tám tháng sương mù của Louis Bonaparte”, K.Marx có viết:
“Tiểu nông là một khối sản quần chúng đông đảo mà tất cả các thành viên đều sống trong một
hoàn cảnh như nhau, nhưng lại không nằm trong những mối quan hệ nhiều mặt đối với nhau.
Phương thức sản xuất của họ không làm cho họ liên hệ với nhau mà lại làm cho họ cô lập với
nhau. Tình trạng cô lập đó lại còn bị những phương tiện giao thông tồi tệ ở Pháp và cảnh nghèo
khổ của nông dân làm cho trầm trọng thêm. Trường hoạt động sản xuất của hộ, một miếng đất
nhỏ bé, không cho phép áp dụng một sự phân công lao động nào cả, một sự ứng dụng khoa học
nào cả, do đó, cũng không cho phép có một sự phát triển nhiều màu nhiều vẻ nào cả, một sự phân
biệt tài năng nào cả, cũng không cho phép có một sự phong phú nào về các quan hệ xã hội. Mỗi
gia đình nông dân gần như tự cấp tự túc hoàn toàn, sản xuất ra đại bộ phận những cái mình tiêu
dùng và do đó kiém tư liệu sinh hoạt cho mình bằng cách trao đổi với thiên nhiên nhiều hơn là
giao tiếp với xã hội. Mảnh đất cỏn con, người nông dân và gia đình anh ta; cạnh đó lại một mảnh
đất cỏn con khác, một nông dân khác và một gia đình khác. Một nhúm những đơn vị ấy họp thành
một làng và một nhúm làng họp thành một tỉnh. Như vậy, cái khối to lớn dân tộc Pháp được hình
thành bằng cách giản đơn cộng những đại lượng cùng tên lại, đại khái cũng giống như một cái
bao tải đựng những củ khoai tây hình thành một bao tải khoai tây vậy”
[62,515]
. Từ quan niệm của
K.Marx trên về kinh tế tiểu nông, ta có thể thấy phương thức sản xuất tiểu nông với những đặc
trưng sau:
Một là, phương thức sản xuất tiểu nông được tiến hành với công cụ cầm tay và kinh nghiệm
cổ truyền. Kỹ thuật thủ công, đó là kỹ thuật đặc trưng của phương thức sản xuất tiểu nông. Hai
19
là, thích ứng với kỹ thuật thủ công, lao động thủ công cá thể là đặc trưng về mặt tổ chức lao động

của kinh tế tiểu nông. Ba là, nếu xét về hàm sản xuất thì kinh tế tiểu nông có định dạng về hàm
sản xuất như sau:
F(x) = Y (Ruộng đất, Lao động) ; Viết tắt: F(x) = Y (R x L).
Trong hàm sản xuất này, công cụ thủ công, do đó kỹ thuật thủ công là nhân tố nhỏ bé trong
việc quyết định đến sức sản xuất, vì vậy, sức sản xuất được quyết định bởi sức lực của bản thân
người lao động và lực lượng sản xuất của nền sản xuất xã hội về cơ bản và chủ yếu là bản thân
người lao động. Bốn là, kinh tế tiểu nông được tổ chức trong hình thức phổ biến là hộ gia đình.
Từ đặc điểm này, kinh tế tiểu nông là kinh tế sản xuất nhỏ, kinh tế gia trưởng.
Từ bốn đặc trưng trên của phương thức sản xuất tiểu nông, phương thức sản xuất đặc trưng
của kinh tế kém phát triển có những đặc điểm sau:
a, Sức sản xuất nhỏ bé, năng suất lao động thấp. Một mặt, với công cụ thủ công (cầm tay),
sức sản xuất của lao động phụ thuộc vào sức lực của cá nhân người lao động và giới hạn của các
khí quan của con người trong việc sử dụng công cụ, vì vậy, năng suất của lao động là rất thấp và
có giới hạn chật hẹp bởi sức lao động của từng cá nhân người lao động. Mặt khác, lao động cá
thể trong khung khổ nhỏ hẹp của quy mô hộ gia đình, phân công trong quá trình lao động trực
tiếp không có cơ sở để hình thành và phát triển. Nói khác đi, trong kinh tế kém phát triển, phương
thức phân công và hiệp tác lao động chưa xác lập thành phương thức sản xuất cơ bản; phương
thức sản xuất cơ bản là phương thức sản xuất dựa trên lao động cá thể, riêng lẻ. Điều này hàm
nghĩa, trong phương thức sản xuất tiểu nông, về cơ bản chưa có cơ sở để hình thành và phát triển
sức sản xuất xã hội của lao động.
b, Sức sản xuất của kinh tế kém phát triển về cơ bản là nằm trong khung của vạch tất yếu,
hay sức sản xuất về cơ bản chưa tạo ra thặng dư. Đến lượt mình, sức sản xuất nằm dưới vạch tất
yếu chưa sản xuất ra thặng dư, do vậy, tích lũy, chuyển thặng dư thành các nguồn lực sản xuất
phụ thêm, thành những lực lượng sản xuất mới, chưa thành phương thức cơ bản của hoạt động
kinh tế và tái sản xuất mở rộng chưa thành một tất yếu. Kinh tế kém phát triển, do vậy, là kinh tế
sinh tồn, kinh tế nghèo, kinh tế tái sản xuất giản đơn và tăng trưởng kinh tế chưa thành một quy
luật. Kinh tế kém phát triển, vì thế, mang tính chất trì trệ. Có thể nói, sinh tồn là quy luật chi phối
trong kinh tế.
20
c, Do sức sản xuất nhỏ bé, năng suất thấp, vì thế, để sinh tồn, mọi nguồn lực (lao động và

ruộng đất) được tập trung cơ bản cho việc duy trì sự sinh tồn, tức cho sản xuất nông nghiệp, là
hoạt động sản xuất, hay ngành sản xuất ra các tư liệu tiêu dùng thiết yếu cho sự sinh tồn, là lương
thực, thực phẩm. Điều này hàm nghĩa:
i, Hoạt động sản xuất và nói chung hoạt động kinh tế của nền kinh tế kém phát triển về cơ
bản là quá trình diễn ra giữa người lao động và tự nhiên. Ở đây, giữa người lao động và tự nhiên
chưa có một bộ máy cơ khí, là bộ máy được cấu trúc bởi những lực lượng sản xuất do lao động
tạo ra và tích lũy lại. Hàm sản xuất F(R x L) của kinh tế tiểu nông cho thấy, một mặt, nhân tố và
nguồn lực hợp thành quá trình sản xuất là mang tính chất tự nhiên, và mặt khác, tính chất lệ thuộc
của sản xuất, và nói chung của hoạt động kinh tế vào tự nhiên. Thực chất của tính chất lệ thuộc
vào tự nhiên là lệ thuộc vào ruộng đất. Hàm sản xuất của kinh tế tiểu nông cho ta thấy ruộng đất
là nhân tố kinh tế nền tảng, bao trùm toàn bộ phương thức sản xuất họat động kinh tế, do vậy,
quan hệ sản xuất trong kinh tế tiểu nông là xoay quanh quan hệ ruộng đất và quy định bản chất
kinh tế của kinh tế kém phát triển. Đến lượt mình, tính chất quyết định của quan hệ ruộng đất,
quyết định tính chất của phương thức sản xuất, mà trước hết là đối với lao động, nhân tố cơ bản
thứ hai tạo lập thành quá trình sản xuất của kinh tế tiểu nông. Ở đây, quy luật sinh tồn và tính chất
quyết định của quan hệ ruộng đất đối với phương thức sản xuất đã quy định mối quan hệ giữa
ruộng đất và lao động, quan hệ lệ thuộc của lao động và ruộng đất. Sự bện chặt của lao động vào
ruộng đất hay sự lệ thuộc của lao động vào ruộng đất là nền tảng xác lập phương thức sản xuất
tiểu nông, cách thức kết hợp tư liệu sản xuất và lao động của kinh tế tiểu nông và quy định tính
chất tự nhiên của kinh tế tiểu nông.
ii, Phân công lao động xã hội kém phát triển. Do mọi nguồn lực phải tập trung cho sản xuất
nông nghiệp, vì vậy, các hoạt động công nghiệp và nói chung các hoạt động phi nông nghiệp
không thể phát triển. Bởi vậy, công nghiệp và các hoạt động phi nông nghiệp luôn luôn là sản
xuất phụ thuộc vào nông nghiệp. Đương nhiên, trong thời đại kinh tế kém phát triển, do sức sản
xuất nhỏ bé và năng suất lao động thấp, vì thế công nghiệp cũng như các hoạt động phi nông
nghiệp là những hoạt động diễn ra trong kinh tế tiểu nông và là ngành phụ thuộc của nông nghiệp.
Nhưng điều này không có nghĩa là chưa diễn ra quá trình tách công nghiệp ra khỏi nông nghiệp ở
những mức độ khác nhau. Điều quan trọng là quá trình tách công nghiệp ra khỏi nông nghiệp đó
chưa tạo ra một cuộc cách mạng trong phân công lao động. Điều này hàm nghĩa, nông nghiệp là
21

nền tảng của cấu trúc kinh tế và là chỉnh thể của cấu trúc kinh tế. Trong cấu trúc kinh tế này, công
nghiệp mới dừng ở dạng tiểu thủ công nghiệp và thương mại mới ở dạng tiểu thương. Chúng là
những dạng kinh tế đặc thù của nông nghiệp phụ thuộc vào nông nghiệp và xoay quanh nông
nghiệp. Đương nhiên, công nghiệp ở dạng tiểu thủ công nghiệp và là một dạng đặc thù của nông
nghiệp, phụ thuộc nông nghiệp, nền sản xuất xã hội chưa xác lập được một khu vực sản xuất tư
liệu lao động độc lập. Việc sản xuất tư liệu lao động, nhân tố quyết định của tiến bộ kỹ thuật là
nằm trong tay tầng lớp tiểu nông, hoặc cao hơn do nghề thủ công thực hiện. Nói khác đi, cơ sở
vật chất kỹ thuật chưa được xác lập trong cơ cấu của nền kinh tế tiểu nông. Ở một ý nghĩa nhất
định, kinh tế kém phát triển là kinh tế phi cơ cấu, nền kinh tế là phép cộng của kinh tế tiểu nông
mà thôi, “đại khái cũng giống như một cái bao tải đựng những củ khoai tây hình thành một bao
tải khoai tây vậy”.
iii, Kinh tế tiểu nông kém phát triển là kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc, khép kín trong hộ gia
đình. Có thể nói, hộ gia đình là đơn vị sản xuất – tiêu dùng khép kín. Nói như K.Marx: “mỗi gia
đình nông dân gần như tự cấp tự túc hoàn toàn, sản xuất ra đại bộ phận cái mình tiêu dùng và do
đó tự kiếm những tư liệu sinh hoạt cho mình bằng cách trao đổi với thiên nhiên nhiều hơn là giao
tiếp với xã hội”. Nói khác đi, hệ thống sản xuất chưa thành một hệ thống xã hội, và xã hội chưa
thành nền tảng của quá trình tái sản xuất trực tiếp của kinh tế tiểu nông. Sản xuất và nói chung
hoạt động kinh tế được giới hạn trong hộ gia đình, do vậy, xã hội hay nền kinh tế là phép cộng
của các đơn vị giống nhau, ít có liên hệ, do đó rời rạc. Kinh tế kém phát triển, do vậy, có tính chất
manh mún, phân tán và rời rạc.
Thích ứng với tính chất tự nhiên, phân công lao động xã hội kém phát triển, sản xuất hàng
hóa, do đó, kinh tế hàng hóa là kém phát triển. Với sức sản xuất nhỏ bé, năng suất thấp, chưa vượt
khỏi vạch tất yếu và phân công lao động xã hội kém phát triển, sản xuất hàng hóa và kinh tế hàng
hóa chưa có cơ sở để phát triển, do đó, thành một chỉnh thể chi phối trong phương thức sản xuất
của kinh tế tiểu nông. Kinh tế hàng hóa trong làn sóng nông nghiệp, hay trong kinh tế kém phát
triển là kinh tế hàng hóa nhỏ, giản đơn. Nó yếu ớt, đang manh nha và không có cơ sở của riêng
mình nên tiến triển chậm chạp trong sự đối lập, cản trở của kinh tế tự nhiên sinh tồn và chỉ là
những hoạt động kinh tế phụ và phụ thuộc vào kinh tế nông nghiệp tiểu nông, tự nhiên, tự cung tự
cấp.
22

d, Thích ứng với kinh tế tự nhiên, sinh tồn, kinh tế tiểu nông là kém phát triển, mang hình
thái là kinh tế hiện vật với các quan hệ lệ thuộc trực tiếp. Hàm sản xuất của kinh tế tiểu nông, xét
về mặt lực lượng sản xuất, là quan hệ trong đó con người lệ thuộc vào tự nhiên và sự lệ thuộc này
biểu hiện sự lệ thuộc trói chặt lao động vào ruộng đất. Xét về kinh tế – xã hội, ruộng đất, tư liệu
sản xuất cơ bản và chủ yếu, do địa chủ và công xã nông thôn chiếm hữu, bởi vậy, con người bị lệ
thuộc vào tầng lớp chiếm hữu ruộng đất và lệ thuộc vào công xã dưới các hình thái khác nhau.
Trong sự lệ thuộc này, con người chưa xác lập thành các cá nhân tự do, tự chủ và họat động kinh
tế của các hộ gia đình về cơ bản là kinh tế lệ thuộc, hay chưa thành các đơn vị kinh tế tự chủ.
Trên đây ta đã thấy, kinh tế tiểu nông chưa có phân công lao động xã hội làm cơ sở, vì thế, chưa
có cơ sở vật chất cho sản phẩm lao động của họ trở thành hàng hóa, thì về mặt hình thái kinh tế,
chính kinh tế lệ thuộc, trong đó các chủ thể kinh tế tự chủ chưa được xác lập, đã khiến cho sản
phẩm của lao động chưa có hình thái xã hội để chuyển thành hình thái hàng hóa. K.Marx viết:
“Nhưng chúng ta hãy rời hòn đảo tươi mát của Robinson để đi vào thời kỳ Trung cổ ảm đạm của
Châu Âu. Ở đây chúng ta không thấy con người độc lập ấy nữa mà thấy toàn những con người lệ
thuộc: Nông nô và lãnh chúa, chư hầu và vương bá, trần tục và tăng lữ. Nhưng chính vì những
quan hệ lệ thuộc cá nhân cấu thành nên cơ sở xã hội đó, cho nên lao động và sản phẩm không
phải mang hình thái hư ảo (hàng hóa, tiền tệ) khác với sự tồn tại hiện thực của chúng”
[61,104]
. Ở
đây, quan hệ lệ thuộc có hai dạng. Dạng lệ thuộc nông nô và dạng lệ thuộc công xã.
Trong quan hệ lệ thuộc nông nô, người nông dân lệ thuộc vào chủ đất. Ở đây, người nông
dân không chỉ lệ thuộc về kinh tế mà còn bị lệ thuộc về con người, về xã hội. Trong quan hệ lệ
thuộc này, tầng lớp chủ đất chiếm hữu toàn bộ thặng dư do nông dân sản xuất ra, thậm chí còn cả
một phần tất yếu, hơn nữa, người nông dân còn chịu sự áp bức và phần phục dịch dưới các hình
thức lao dịch cho tầng lớp chủ đất. Điều đặc biệt là, giữa tầng lớp chiếm hữu ruộng đất và tầng
lớp nông dân tách rời nhau về mặt sản xuất. Một mặt, hoạt động sản xuất là do người nông dân
thực hiện bằng lao động của gia đình mình, đồng thời, là người chịu trách nhiệm về kết quả sản
xuất. Trong khi đó, tầng lớp chủ đất về cơ bản không phải là chủ đầu tư, và vì vậy, cũng không
tham gia vào việc sản xuất và không có trách nhiệm gì đến kết quả sản xuất. Nhưng trong quan hệ
lệ thuộc, người nông dân lại không phải là chủ thể kinh tế tự chủ. Bởi vậy, hầu như toàn bộ thặng

dư là thuộc về tầng lớp chủ đất. Trong điều kiện kỹ thuật sản xuất thủ công thô sơ với rất nhiều
rủi ro, và kinh tế nghèo, mong manh, người nông dân cũng không có khả năng đầu tư tăng thêm
nhằm tăng hoa lợi cho mình. Vả lại, trong quan hệ lệ thuộc và áp bức nặng nề, tầng lớp chủ đất
23
thường đưa ra một mức tô nặng, khiến nông dân bằng mọi nỗ lực của mình, cố lắm thu được phần
tất yếu cho mình. Mặt khác, sự tách rời giữa tầng lớp chủ đất và tầng lớp sản xuất thể hiện ở chỗ,
thặng dư cho nông dân sản xuất ra nộp cho chủ đất, thì thặng dư này lại biến thành tất yếu, tức
thành quỹ tiêu dùng của tầng lớp chủ đất và phần thừa ra ngoài quỹ tiêu dùng của tầng lớp này
biến thành của cải tích trữ. Nói khác đi, trong quan hệ lệ thuộc nông nô, không chứa đựng cơ chế
chuyển thặng dư thành tích lũy. Nói khác đi, tích lũy chưa trở thành một quy luật kinh tế và tái
sản xuất mở rộng chưa trở thành một tất yếu.
Như vậy, sự tách rời giữa tầng lớp chiếm hữu và tầng lớp sản xuất đã khiến cho: a, Sản xuất
và kết quả sản xuất tách rời nhau, do vậy, hoạt động kinh tế chưa trở thành một chuỗi liên tục.
Kết quả sản xuất không được chuyển thành tích lũy, do vậy, sản xuất luôn diễn ra với những điều
kiện cũ, và tái sản xuất theo điều kiện cũ, phương thức sản xuất cũ. b, Tách rời giữa hoạt động sản
xuất và lợi ích do sản xuất tạo ra. Từ hai điều này, trong quan hệ lệ thuộc nông nô, kinh tế tiểu
nông không có động lực kinh tế nội tại. Đây là nguồn gốc kinh tế cơ bản và quyết định của trạng
thái tái sản xuất giản đơn và sự trì trệ của kinh tế tiểu nông.
Điểm cần nhấn mạnh là, trong điều kiện kinh tế hiện vật, các quan hệ lệ thuộc trực tiếp mang
hình thái là quan hệ cống – nạp, giao nộp, cướp bóc và tước đoạt, có tính chất áp đặt, áp bức. Có
thể nói, đây là những quan hệ phi kinh tế. Trong hình thái phi kinh tế, kinh tế tiểu nông chưa xác
lập thành một hệ kinh tế với tính cách là hệ biến hóa khiến cho sự thăng tiến của của cải thành
một tất yếu kinh tế, hay thành một quy luật kinh tế nội tại.
Dạng lệ thuộc thứ hai là lệ thuộc công xã. Khi xã hội nguyên thủy tan rã và chuyển vào làn
sóng văn minh nông nghiệp thì đồng thời những quan hệ công xã cũng dần tan rã. Tuy nhiên, do
kinh tế sinh tồn quy định, các quan hệ công xã vẫn chưa thể bị các quan hệ nông nô thay thế hoàn
toàn. Ở những mức độ khác nhau, nó còn cần thiết cho việc bảo đảm xã hội trong quan hệ duy trì
sự sinh tồn. Về mặt kinh tế, các quan hệ công xã về ruộng đất trong quan hệ duy trì khẩu phần
ruộng đất, thực chất là duy trì khẩu phần lương thực cho người dân trong công xã sinh tồn. Kinh
tế sinh tồn càng nặng, tức sức sản xuất của kinh tế tiểu nông càng nhỏ bé, năng suất càng thấp và

rủi ro càng lớn, thì sự sinh tồn càng nặng nề. Đến lượt mình, sự sinh tồn lại đặt việc duy trì quan
hệ công xã trở nên cần thiết. Ở đây, cơ chế duy trì khẩu phần ruộng đất bình quân chia theo định
kỳ trong mỗi công xã là quan hệ và cơ chế của kinh tế sinh tồn, kinh tế công xã. Cơ chế này có
hai tính chất. Một mặt, đó là sự trói chặt người nông dân trong một công xã. Ở đây, công xã là
24
thiết chế và do đó là chế độ, nhờ đó người nông dân luôn có thể duy trì khẩu phần ruộng đất công
để duy trì sự sinh tồn. Công xã giống như tổ ong và mỗi thành viên công xã bám vào để sống.
Mặt khác, trong khi duy trì sự sinh tồn bằng cơ chế duy trì khẩu phần đất bình quân cho các
thành viên trong công xã, quan hệ lệ thuộc công xã đã duy trì quan hệ bình quân. Quan hệ bình
quân không phải quan hệ tuyệt đối của kinh tế kém phát triển, nhưng đó vẫn là quan hệ đặc trưng,
tùy mức độ tiến hóa của kinh tế tiểu nông mà quan hệ bình quân trở nên nặng nhẹ và chi phối
khác nhau đối với tiến trình kinh tế.
e, Thích ứng với một sức sản xuất nhỏ bé, năng suất thấp, đặt kinh tế trong khung tất yếu,
thặng dư ít và tích lũy chưa trở thành một quy luật kinh tế là một kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế
và xã hội thấp kém. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội thấp kém, một mặt, thể hiện tính chất
tự nhiên, tính chất chia cắt, biệt lập, manh mún của kinh tế tiểu nông, và mặt khác, nó khiến cho
tính chất khép kín của kinh tế tiểu nông nặng nề thêm, các nguồn lực kinh tế xã hội trong đó
không được lưu thông, cũng như không được khai thác, sử dụng hợp lý, và nhất là cản trở quá
trình phát triển lực lượng sản xuất, và các nguồn lực kinh tế xã hội.
Như vậy, văn minh nông nghiệp hay làn sóng nông nghiệp là làn sóng của kinh tế kém phát
triển. Kinh tế kém phát triển là kinh tế sinh tồn, mang tính chất tự nhiên, hiện vật và vận động
trong vòng luẩn quẩn nghèo đẻ ra nghèo. Nếu xét về kết cấu và phương thức sản xuất, thì kinh tế
kém phát triển là kinh tế với kết cấu nông nghiệp và phương thức sản xuất tiểu nông. Các quan hệ
kinh tế và cơ chế kinh tế của kết cấu nông nghiệp và phương thức sản xuất tiểu nông khiến cho
thặng dư kinh tế và tích lũy chưa trở thành những tất yếu và quy luật kinh tế. Đến lượt mình,
những điều này khiến cho tăng trưởng kinh tế, tái sản xuất mở rộng chưa trở thành cái chỉnh thể
kinh tế của làn sóng nông nghiệp, do vậy, làn sóng nông nghiệp là làn sóng vận động trong trì trệ,
ngưng đọng, kém phát triển.
2. Cách mạng công nghiệp là quy luật của sự phát triển
Sự phân tích về thực chất kinh tế kém phát triển của làn sóng nông nghiệp cho ta thấy, kinh

tế kém phát triển của làn sóng nông nghiệp vận động trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Trên thực tế lịch sử thì làn sóng nông nghiệp đã tiến triển trong sự ngưng đọng và kéo dài hàng
ngàn năm và cuối cùng cách mạng công nghiệp đã phá vỡ vòng luẩn quẩn đó và lật đổ kết cấu
nông nghiệp, xác lập kết cấu công nghiệp, vạch ra thời đại công nghiệp, thời đại kinh tế phát
triển. Để hiểu rõ về vai trò lịch sử của cách mạng công nghiệp trong việc xác lập thời đại kinh tế
25

×