Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Ở HUẾ CÓ MỘT TỊNH TÂM HỒ doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.13 KB, 6 trang )





Ở HUẾ CÓ MỘT TỊNH TÂM HỒ



Đó là ngự uyển số một của kinh đô khi Huế còn ở thời huy hoàng nhất. Đó cũng là
hình ảnh của một Huế quý tộc, Huế đài các, Huế kiêu sa, Huế xinh đẹp và mộng
mơ, Huế xanh màu vườn, Huế nồng nàn sen trắng, Huế líu lo tiếng chim, Huế mơ
màng trong màu tím thời gian
Nằm ngay trong lòng Kinh thành Huế, cách Hoàng cung chỉ vài trăm mét về phía
Đông Bắc, Tịnh Tâm Hồ thực sự là một biệt cung của hoàng đế triều Nguyễn, có
thể sánh với Cung điện Mùa Hè (Di Hòa Viên) của các hoàng đế Thanh triều ở Bắc
Kinh.
Trong các ngự viên lừng danh dưới thịnh Nguyễn như Thiệu Phương, Hậu Hồ, Thư
Quang, Thường Mậu, Trường Ninh Cung Tịnh Tâm Hồ vẫn nổi bật hơn cả do quy
mô hoành tráng, vẻ đẹp độc đáo và đầy chất thơ. Vườn rộng hơn 20 mẫu (10ha), có
vòng tường gạch cao trên 2m ngăn cách; phần nối thông với thế giới bên ngoài là 4
cửa Xuân Quang, Thu Nguyệt, Hạ Huân và Đông Hy. Tên cửa, hướng cửa đều đặt
theo tên của 4 phương, thuận với Ngũ Hành, hợp với quy luật tự nhiên của trời đất.
Từ một đoạn sông cũ Kim Long được đắp chắn lại thành ao Ký Tế đầu thế kỷ XIX,
bằng trí tuệ và sự quyết đoán của vua Minh Mạng, bằng tài hoa của các kiến trúc
sư cùng sức lực của tám ngàn binh lính, thợ thuyền lao động trong nhiều tháng trời,
nơi đây đã biến thành một thắng cảnh bậc nhất của kinh kỳ với tên gọi Tịnh Tâm
Hồ. Đoạn sông cũ được nắn lại cong cong hình mảnh trăng mới, cũng mang dáng
dấp của đáy chữ “Tâm”; bùn đất vét lên cùng bao nhiêu đá núi, kỳ thạch đắp nên
ba hòn đảo thần tiên: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, cũng là biểu
tượng của các nét chấm, nét phẩy, để tạo nên một chữ Tâm hoàn chỉnh.
Kiến trúc Huế vốn lấy tư tưởng chủ đạo là kiến trúc phong cảnh. Tạo hóa vốn đã


khéo sắp đặt cảnh non xanh núi biếc miền Hương-Ngự, nên con người chỉ việc tìm
ra và đặt mình cho đúng chỗ. Tưởng như đơn giản nhưng đó là cả một Đạo- Đạo
Thái Hòa. Tức con người phải đạt đến sự hài hòa tuyệt cùng với vũ trụ.
Tịnh Tâm Hồ là một ví dụ điển hình cho tư tưởng và nghệ thuật kiến trúc ấy.
Ba hòn đảo xuất hiện trên hồ nước mênh mang là các điểm nhấn thật khéo léo do
con người tạo nên.
Những công trình quy mô không lớn nhưng xinh xắn, tinh xảo được dựng trên các
đảo Bồng Lai, Phương Trượng như điện Bồng Doanh, cửa Bồng Doanh, cầu Bồng
Doanh, tạ Thanh Tâm, lầu Trừng Luyện, cửa Hồng Cừ, cầu Hồng Cừ, gác Nam
Huân, cầu Bích Tảo, lầu Tịnh Tâm, Hạo Nhiên Đường, Dưỡng Tính Hiên, đình Tứ
Đạt đã thực sự tạo nên một thế giới kiến trúc huyền ảo như thực như mộng đan
xen giữa cỏ cây và non bộ. Đặc biệt, con đê Kim Oanh nối liền hai bờ Đông Tây
cùng những chiếc cầu Lục Liễu, Bạch Tần và hệ thống thủy lang dài tổng cộng hơn
trăm gian nối liền giữa ba hòn đảo đã tạo thành trục tuyến đặc biệt, định hình nên
diện mạo kiến trúc của Tịnh Tâm Hồ. Như vậy, rõ ràng là các kiến trúc sư đầu triều
Nguyễn đã dùng chính mặt nước hồ mênh mông cùng ba đảo thần tiên để tượng
trưng cho chữ Tâm bồng bềnh bất định giữa cõi trần thế, còn hệ thống kiến trúc
theo trục tuyến trên với nét sổ dọc vững chãi-đê Kim Oanh- lại là chữ Tịnh (hay
Tĩnh) đặt ngay ngắn giữa chữ Tâm ấy. Thật thâm thúy và tài tình!
Mỗi khu vườn ngự xưa thường được dựng theo một chủ đề riêng với những đặc
điểm riêng. ở Tịnh Tâm Hồ, đó là chủ đề “Tam đảo thần tiên” với hoa sen thuần
khiết. Trên hồ có nhà Khúc Tạ, có hành lang Khúc Tạ Hà Phong để chủ nhân cùng
du khách ngắm sen, đón nhận hương sen. Cách bố trí trên khiến người ta dễ liên
tưởng đến Khúc Viện Phong Hà nổi tiếng trong thập cảnh của Tây Hồ, Hàng Châu
ở Trung Quốc. Nhưng khác hẳn với Khúc Viện Phong Hà, là nơi tập trung đến hơn
200 loài sen súng đua nhau khoe sắc hương để du khách phải mê mẩn lạc lối, Tịnh
Tâm Hồ chỉ có duy nhất một loài sen trắng-bạch liên- để người ta phải tĩnh tại lòng
mình khi đứng trước cõi tiên. Thế mới thấy rõ, dù chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn
hóa, kiến trúc Trung Hoa, nhưng Huế luôn có bản sắc riêng. Tự hào về đệ nhất
thắng cảnh của mình vua Thiệu Trị từng viết:

Lung linh gợn nước sắc trời,
Hiên nhà soi bóng sao rơi mặt hồ.
Lâu đài tiên cảnh ngàn xưa,
Bốn phương cảnh đẹp cũng vừa chốn đây.
(Tịnh Hồ hạ hứng)
Chốn tiên cảnh trần gian ấy, tiếc thay, giờ chỉ còn lại trong nỗi hoài vọng về Huế
xưa!
Nhưng người Huế vẫn có khả năng phục hồi lại khu vườn tuyệt vời này, dù Tịnh
Tâm Hồ ngày nay chỉ còn là một chiếc ao tù nửa sen nửa rau muống, dù các kiến
trúc xưa không còn và ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu cũng
đang trồi trụt cô liêu trong cỏ rậm.
Bởi vì diện tích của vườn xưa vẫn còn gần nguyên vẹn, bởi những tư liệu về Tịnh
Tâm Hồ vẫn còn khá đầy đủ, và quan trọng nhất là bởi người Huế vẫn đắm đuối,
hoài vọng, ước ao phục hồi lại một cõi Bồng Lai từng có giữa lòng Kinh Thành!
“Còn non, còn nước, còn người”, lẽ nào chúng ta lại không thể?

×