Trẻ sơ Sinh: Chăm sóc cơ bản hằng ngày
Bất kỳ ông bố bà mẹ trẻ nào cũng đều bỡ ngỡ, lo lắng trong những ngày đầu
chăm sóc đứa con bé bỏng mới chào đời. Vì bé không còn là một phần của cơ
thể mẹ mà tồn tại như một cá thể độc lập bên ngoài cho nên các nếp sinh hoạt từ
ăn, ngủ, chơi, vệ sinh… đều cần đến một sự chăm sóc chu đáo và tích cực. Có 5
vấn đề quan trọng mà các bố mẹ trẻ nên lưu ý khi chăm sóc thiên thần bé nhỏ
của mình: Bú mẹ, Giữ ấm, Chăm sóc rốn, Vệ sinh hằng ngày và Giấc ngủ.
Bú mẹ
Sau khi sinh, nên cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt sau để tận dụng nguồn sữa non
và kích thích mẹ tiết nhiều sữa. Lưu ý cho bé bú đúng tư thế: đầu và thân bé thẳng
hàng, bụng bé áp sát bụng mẹ, mũi bé đối diện bầu vú mẹ, tay mẹ nâng đầu, vai và
mông bé, miệng bé ngậm cả đầu vú mẹ. Thường trẻ sơ sinh bú mẹ từ 8 – 12 lần
một ngày; khi bé được 3 tháng tuổi giảm còn 6 – 8 lần một ngày. Sau khi bú xong,
nên dỗ bé ợ hơi mới cho bé nằm. Nên cho bé bú mẹ liên tục trong 6 tháng đầu đời.
Giữ ấm
Các bà mẹ nên lưu ý đến tầm quan trọng của việc giữ ấm và duy trì thân nhiệt cho
bé luôn ổn định. Đảm bảo phòng bé nằm ấm áp, không gió lùa, mặc quần áo đủ
ấm, đắp chăn, đội nón, vớ tay/chân cho bé, thay tã lót khi ướt, thường xuyên theo
dõi thân nhiệt của bé 4 lần mỗi giờ bằng cách sờ vào tay, chân bé. Ngoài ra, cần
cho bé tắm nắng mỗi buổi sáng trước 9g sáng giúp bé có thêm vitamin D, giảm ra
mồ hôi trộm và hấp thu tốt canxi.
Chăm sóc rốn
Rốn trẻ sơ sinh rất dễ gây nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách. Mỗi
ngày cần vệ sinh rốn bé bằng nước muối sinh lý (khi tắm bé tránh làm ướt rốn).
Sau khi vệ sinh, đắp gạc vô trùng rồi quấn bằng băng thun (tránh băng quá chặt),
luôn đảm bảo rốn bé luôn khô ráo, thoáng khí để cuống rốn mau rụng. Nên đưa bé
đi khám bác sĩ khi thấy các bất thường như: rốn bé sưng tấy, chảy mủ.
Vệ sinh hằng ngày
Tắm trẻ: tắm, gội bé hàng ngày bằng nước ấm (chọn dầu gội, sữa tắm chỉ
dành riêng cho trẻ). Khi tắm, chú ý vệ sinh những phần cơ thể: nếp gấp cổ,
nách, chân, sau gáy, nếp bẹn, phần kín, hậu môn. Sau khi tắm gội, lau khô
người bé bằng khăn sạch, thoa phấn rơm, mặc quần áo, nhỏ mắt, mũi, lau tai
bé và đánh dầu giữ ấm cơ thể.
Thay tã: mỗi khi bé tiêu, tiểu, chú ý vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước ấm, lau
khô bằng khăn mềm và thay tã cho bé. Chú ý không quấn tã quá chặt sẽ dễ
gây hăm da.
Vệ sinh mắt, mũi, tai: lau mắt, mũi bằng khăn mềm hay miếng gạc thấm
nước muối sinh lý. Sau khi vệ sinh xong thì nhỏ mắt, mũi bằng nước muối
sinh lý. Vệ sinh tai bé bằng cách dùng tăm bông nhỏ nhẹ nhàng lau chùi sạch
sẽ vành tai và lỗ tai bé.
Móng tay: thường xuyên lau tay bé, cắt móng tay khi thấy chúng ra dài để
tránh việc bé tự cào xước da mình (lưu ý cắt vừa phải, không quá dài hoặc
quá ngắn)
Giữ vệ sinh nơi bé ở, thường xuyên quét lau sạch sẽ. Các dụng cụ dùng cho
bé như: bình sữa, ly, muỗng cần rửa thật sạch, luộc nước sôi trước khi
dùng để đảm bảo vệ sinh. Quần áo, vớ tay, chân, khăn tắm… phải được giặt
sạch, phơi khô.
Giấc ngủ
Ngủ đủ giấc rất cần thiết cho sức khỏe của bé. Từ lúc chào đời cho đến khi được 3
tháng tuổi, bé thường ngủ từ 16-20 tiếng mỗi ngày, cả ngày lẫn đêm. Một giấc ngủ
dài có thể kéo dài từ 4-5 tiếng. Nếu con bạn ngủ quá cữ bú thì chú ý bổ sung thêm
lượng sữa khi bé thức dậy bú mẹ. Khi bé ngủ thường hay giật mình, hãy đắp một
chiếc chăn mỏng, gài mép chăn vào 2 bên đệm; luôn nhớ đặt bé ngủ trong tư thế
nằm ngửa giúp bé an giấc hơn và giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.