Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Bản sắc văn hóa Việt Nam sau ngày hội nhập

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.11 KB, 3 trang )

Bản sắc văn hóa Việt Nam sau ngày hội nhập
Sau ngày hội nhập, trong nước, các cơ sở kinh tế, các cơ quan chánh quyền và các lãnh đạo cao cấp
của nhiều nước đều có nhận định tương tợ như nhau: Đây là một cơ hội rất tốt để cho người nước
ngoài có nhiều dịp tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam, nhưng điều đó cũng là một thách thức
lớn.
Trong lãnh vực văn hóa cũng có nhiều người tỏ ra lo ngại rằng không biết sau cuộc hội nhập về kinh
tế, chánh trị, ngoại giao thì liệu văn hóa Việt Nam có đủ sức chống chọi lại với sự du nhập của các
luồng văn hóa khác đến nỗi chúng ta sẽ mất luôn cả bản sắc dân tộc hay không?
Chúng tôi không lo như thế vì trước chúng ta đã có rất nhiều nước Châu Á hội nhập mà có văn hóa nước
nào bị mất hẳn luôn như thế thì không có lý do nào chúng ta lại gặp cái cảnh văn hóa chúng ta bị hòa tan
trong sự hội nhập. Nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta an lòng, phó mặc việc đời tới đâu hay tới
đó mà chúng ta phải có ý thức làm cho nền văn hóa chúng ta có được một sức sống vững chắc, có một
thực chất khoa học và nghệ thuật có thể chống chọi lại với những sự tấn công “sẽ có” của các nền văn hóa
khác, ngang qua cuộc hội nhập mà ồ ạt tràn vào đất nước ta. Nếu văn hóa Việt Nam không đủ sức đề
kháng như một người đã được tiêm phòng trước thì có thể bị “bệnh dịch” hoành hành. Nếu có được sức
đề kháng nhờ chúng ta chuẩn bị trước thì sự hội nhập sẽ là một dịp cho chúng ta lớn mạnh hơn. Và văn
hóa lúc đó sẽ trở thành một yếu tố hấp dẫn người bên ngoài đến với đất nước ta không phải chỉ vì kinh tế,
chánh trị hay ngoại giao mà có thể vì nét văn hóa đặc thù của chúng ta.
Khi nói đến văn hóa, chúng tôi không chỉ nghĩ đến văn hóa nghệ thuật mà còn nhớ đến văn hóa ẩm
thực, văn hóa thời trang, văn hóa trong nếp sống hàng ngày.
Chúng ta cũng hơi an tâm khi thấy rằng trước khi hội nhập, văn hóa ẩm thực đã được người nước ngoài
quan tâm đến: có một số khách du lịch tìm đến thăm Việt Nam không phải chỉ muốn ngắm nhìn danh lam
thắng cảnh mà cũng có ý muốn nếm sơn hào hải vị hay ít ra một vài món ăn đặc biệt như “nem” (tức là
nem rán ở miền Bắc hay chả giò ở miền Nam) hoặc “phở”. Hai danh từ đó đã được biết đến thông dụng
trên nhiều nước châu Âu và châu Á. Và về mặt này, trong khoảng 10 năm nay, văn hóa ẩm thực đã được
rất nhiều giới trong nước quan tâm. Nhưng chúng ta vẫn phải quan tâm tìm thêm những món ăn, nước
uống thật đặc sắc của cả ba miền để tuần tự giới thiệu cho du khách sẽ đến từ năm châu. Cẩn thận trong
cách trình bày thức ăn, cách dọn bàn, tiếp khách, trang trí phòng ăn, lựa loại nhạc Việt Nam truyền thống
hơn nhạc nước ngoài, tạo một không gian và không khí rất Việt Nam, vì du khách đến nước ta là để tìm
những gì không có ở nước họ chớ không phải để gặp những gì quen thuộc, hay của ta bắt chước họ.
Về văn hóa thời trang thì chiếc áo dài của Việt Nam đã bao nhiêu lần được những nhà thiết kế lớn như


Minh Hạnh, Sĩ Hoàng giới thiệu tại các nước và được sự chú ý của các chuyên gia thời trang thế giới.
Trong những cuộc thi về y phục của phụ nữ các nước, chiếc áo dài đã có lần được thế giới đánh giá là đẹp
nhứt. Tôi nhớ lại từ năm 1949 đến nay, khi tôi rời đất nước Việt Nam bôn ba bốn biển năm châu, mỗi lần
tôi giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong một buổi hòa nhạc, luôn luôn tôi mặc áo dài khăn
đóng Việt Nam. Lúc ấy, tôi đã bị rất nhiều bạn Việt Nam trong và ngoài nước cho rằng tôi có óc “phong
kiến”, “cổ hủ”, là tôi muốn bắt chước Cựu hoàng Bảo Đại, nhưng ngược lại tại nhiều nước như Phi Luật
Tân, Ba Tư, Ấn Độ, Anh quốc, Đức quốc, khi giới thiệu tôi là một đại biểu Việt Nam, tôi mặc quốc phục
dđứng dậy chào thì được các tràng pháo tay rất nồng hậu đón tôi. Khi trường đại học tại Perth (Tây Úc)
mời tôi giảng một bài về nhạc truyền thống Việt Nam, ông Frank Callaway, trưởng khoa Âm nhạc, ước
ao tôi mặc áo dài Việt Nam vì trong bài thuyết giảng có phần minh họa với cây đàn tranh. Có nhiều người
Việt đã chảy nước mắt khi tôi bước lên bục giảng với quốc phục Việt Nam. Khi về nước, trong những
buổi hòa nhạc dân tộc, nữ nhạc công thì mặc áo dài duyên dáng còn nam nhạc công thì mặc quần tây và
áo gilet như người Nga hay Trung Đông. Tôi rất tiếc! Biểu diễn tân nhạc hay nhạc ngoại quốc thì ăn mặc
thế nào tùy ý thích của diễn viên. Nhưng biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam, tại sao không thể mặc áo
dài, như các “liền anh quan họ”?
Mới đây nhứt trong Hội nghị APEC, chiếc áo dài của nam giới đã được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
và nguyên thủ nhiều nước khác mặc để chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh đó được nhiều đài truyền hình và báo chí
thế giới phát sóng, hay đăng tải, đã gây một ấn tượng đẹp đẽ cho văn hóa thời trang Việt Nam.
Về văn hóa nếp sống hàng ngày, từ xưa, chúng ta vốn có lòng hiếu khách đặc biệt, trong xã hội có đủ
tôn ti trật tự. Tình thương người, nhứt là đối với người lân cận láng giềng, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ “lá
lành đùm là rách” chứ không phải “sống chết mặc bây”. Trong những trường hợp đặc biệt như quan hôn,
tang tế thì cả làng xóm đều sẵn sàng giúp đỡ nhau. Đối với chánh quyền thì tôn trọng luật pháp; trong gia
đình đối với cha mẹ thì tròn lòng hiếu thảo; đối với thầy thì tôn sư trọng đạo. Những nét văn hóa đẹp
trong nếp sống hàng ngày đó hình như nay dần càng mất đi. Nếp sống mới làm cho mọi người chúng ta
thường chỉ nghĩ đến mình, đến tự do cá nhân mà không còn nghĩ đến người khác. Điều đó thấy rõ trong
cách giao thông ngoài đường phố, trong cách giao tiếp hàng ngày của các hộ dân.
Người Việt có một nụ cười chào khách rất dễ thương. Nhiều du khách đã nhận thấy và chụp nhiều ảnh nụ
cười trên môi những người già, trẻ, bé, lớn. Chúng ta nên giữ đừng cho nụ cười tắt trên môi chúng ta.
Chúng ta cũng nên thay đổi thái độ trong rạp hát hay trong các phòng hòa nhạc. Người nghệ sĩ đem hết
công sức ra luyện tập tiếng đàn, giọng hát để cống hiến cái đẹp cho khán thính giả, vậy mà người xem

thường khi nói chuyện với nhau, đọc sách báo hay ăn quà, nói chuyện qua máy di động… Nghe biểu diễn
xong, vỗ tay lấy lệ mà không nghĩ rằng người nghệ sĩ không phải chỉ cần ăn cơm, uống nước, tiếng vỗ tay
khen thưởng hay khích lệ là món ăn tinh thần rất cần thiết.
Cách tổ chức, triệu tập và điều hành hội thảo cũng cần sửa đổi để tránh việc thư mời đến tay đại biểu sau
khi hội thảo bế mạc. Đi dự hội thảo, không đến quá trễ, không rời nơi họp quá sớm.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng từ đây sẽ có rất nhiều người nước ngoài có dịp vào nước ta, họ sẽ nhìn
vào nếp sống hàng ngày của chúng ta và ngang qua đó đánh giá được phong cách văn minh, nền
văn hóa của nơi họ đến.
Như vậy thì hiện nay, chỉ có văn hóa ẩm thực và văn hóa thời trang còn có sức mạnh hấp dẫn người nước
ngoài khi có dịp liên hệ với đất nước Việt Nam.
Nhưng về văn hóa trong nếp sống hàng ngày và trong âm nhạc, chúng tôi còn rất nhiều ưu tư. Ngay
như trong hội nghị APEC vừa qua, trong những buổi tiếp đãi quan khách cấp cao, thì chỉ có dàn nhạc giao
hưởng Việt Nam biểu diễn. Đôi khi có dàn nhạc dân tộc theo phong cách mới của đội ca múa nhạc trung
ương dùng những nhạc khí Việt Nam biểu diễn tân nhạc hay nhạc dân tộc cải biên. Những môn âm nhạc
dân tộc chính xác như Ca Trù, Nhã Nhạc Cung Đình Huế hay Đờn Ca Tài Tử miền Nam chỉ biểu diễn ở
bên ngoài và các quan khách cao cấp chưa bao giờ được nghe!
Xem xét lại từ mấy chục năm nay, khi trong nước gởi những đoàn nghệ thuật ra nước ngoài thì chỉ nhạc
dân tộc chính xác được sự quan tâm đặc biệt của giới âm nhạc năm châu. Những công ty dĩa hát đều ghi
lại Âm nhạc dân tộc Việt Nam chính xác để bán cho quần chúng như Ca Trù, Quan Họ, Hát Chèo miền
bắc; Ca Huế, Nhạc Cung Đình kể cả nhạc Phật giáo miền Trung, Ca nhạc Tài Tử Cải Lương miền Nam
đều được đánh giá cao và các dĩa hát đó thường nhận được những giải thưởng đặc biệt của các giới phê
bình hay các Hàn Lâm viện dĩa hát. Các Bảo tàng viện và Nhà văn hóa của các nước Âu Mỹ đều tìm mua
dĩa hát hay băng từ ghi âm nhạc dân tộc để tàng trữ. Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã hai
lần tôn vinh Nhạc dân tộc Việt Nam, Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên. Chúng tôi
chưa bao giờ gặp trong các bảo tàng viện quốc tế những dĩa hát về tân nhạc hay là Nhạc giao hưởng Việt
Nam. Do đó chúng tôi tin rằng Âm nhạc dân tộc Việt Nam có thực chất khoa học và nghệ thuật khá cao
đáng được chúng ta trau dồi thêm để Âm nhạc trở thành một yếu tố quan trọng hỗ trợ đắc lực cho công
việc giao lưu chánh trị, ngoại giao và kinh tế.
Muốn được vậy thì tất cả chúng ta trong mọi tầng lớp phải có ý thức rằng công việc bảo tồn, phát huy,
phổ biến nhạc dân tộc là bổn phận của mọi người: các nghệ nhân giảng dạy tận tình, các chuyên gia

nghiên cứu phân tích, phổ biến rộng rãi những điểm đặc thù độc đáo của Âm nhạc truyền thống, giới
thanh niên quan tâm tìm hiểu, học hỏi nhạc nước nhà thay vì giang hai tay đón những luồng nhạc kích
động từ bên ngoài. Nếu quần chúng không thờ ơ với nền cổ nhạc như ngày nay, được giấy mời miễn phí
cũng không đi vì để thời gian mua vé xem biểu diễn ca múa tân nhạc và nhạc nước ngoài; nếu các cơ
quan truyền thông đại chúng có ý thức nâng đỡ âm nhạc dân tộc bằng những buổi truyền thanh, truyền
hình với cương trình dân ca cổ nhạc vào những giờ cao điểm thì họa chăng âm nhạc dân tộc, từ mấy chục
năm nay đã bị một căn bịnh mãn tính mà chưa được điều trị tận gốc, sẽ được hồi sinh. Nhứt là chánh
quyền trong nước từ trước đến nay đã đưa ra những khẩu hiệu vạch ra đường hướng rất tốt như “Dân tộc,
Khoa học, Đại chúng”, “Về Nguồn”, “Tạo một nền âm nhạc có tánh chất hiện đại mà vẫn giữ tánh chất
đậm đà dân tộc”… Nhưng mà thực hiện đường lối đó bằng cách nào, với phương tiện nào thì chưa nói rõ.
Theo thiển ý, lúc này hơn lúc nào, chánh quyền Việt Nam cần có một chánh sách rõ ràng như tôn vinh các
nghệ nhân, đề ra những biện pháp cụ thể giúp cho âm nhạc Việt Nam cũng như các hình thức văn hóa
khác có được điều kiện phát triển, xây dựng một bản sắc dân tộc bền vững và độc đáo. Chúng tôi nghĩ
rằng việc đem âm nhạc vào học đường rất cấp bách, thay đổi cách dạy âm nhạc truyền thống trong các
cấp học (mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, nhạc viện…) là rất cần thiết.
Chúng ta nên nhớ rằng bạn bè trên thế giới khi vào Việt Nam là muốn nhìn thấy bộ mặt thật của
văn hóa Việt Nam chứ không phải muốn thấy chúng ta bắt chước thế giới giỏi đến mức nào.
Chúng ta không nên tự tôn hay tự ti mặc cảm, mà luôn luôn tự hào về văn hóa của chúng ta và tự
tin vào sức sống của dân tộc Việt Nam trên lãnh vực văn hóa. Như vậy, văn hóa sẽ là một yếu tố
quan trọng trợ lực cho các giới chánh trị, kinh tế trên con đường hội nhập. Và chừng ấy, chúng ta
có thể vững lòng hòa nhập với cộng đồng thế giới mà không lo mình sẽ bị hòa tan trong ấy.

×