Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Cảm nghĩ về truyện ngắn ” Chiếc lá cuối cùng ” của Ohenri – bài mẫu 3

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.24 KB, 2 trang )

Cảm nghĩ về truyện ngắn ” Chiếc lá cuối cùng ”
của Ohenri – bài mẫu 3
Mỗi nghệ sĩ đều khát khao làm nên một kiệt tác để đời. Trong khi nhiều người muốn làm nên tên tuổi của
mình qua những đề tài to tát, những hình ảnh cao siêu thì O. Henry lại quan tâm đến những chi tiết đời
thường nhỏ nhặt. Như chuyện một nữ bệnh nhân nằm đếm chiếc lá thường xuân, nhưng chờ mãi không
thấy chiếc lá cuối cùng rụng, thế là cô khỏi bệnh. Một chi tiết chiếc lá nhỏ nhoi trên tường mà làm nên giá
trị vĩnh cửu của thiên truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng.
Chuyện xảy ra trong một khu nhà trọ tồi tàn. Hai nữ họa sĩ trẻ là Johnsy và Sue sống ở tầng trên, còn lão
họa sĩ Behrman sống ở tầng dưới. Ta có cảm tưởng như ông là cái gốc cây già cỗi nâng đỡ thân cây gồm
nhiều cành nhánh tươi trẻ ở bên trên. Johnsy luôn khao khát vẽ một bức tranh phong cảnh vịnh Naples
đẹp nổi tiếng thế giới. Nhưng ước mơ thường đối lập với thực tại, cô bị bệnh phổi hành hạ trong lúc túng
quẫn. Cô nằm trên giường bệnh nhìn sang bức tường gạch cũ kỹ của căn nhà đối diện đếm từng chiếc lá
rơi rụng, chờ đến chiếc lá cuối cùng rơi xuống thì sẽ buông xuôi số phận. Nhưng chiếc lá vẫn dũng cảm
bám lấy bức tường trước bởi những trận mưa gió phũ phàng. Bác sĩ dặn Sue phải giúp Johnsy có thêm ý
chí sống thì mới may ra khỏi bệnh. Sue và Behrman đã bí mật giúp Johnsy theo cách riêng của mình.
Chiếc rèm cửa như một ranh giới mỏng manh giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa sự sống và cái chết. Mỗi
lần tỉnh dậy, Johnsy đòi phải kéo rèm cửa lên để xem chiếc lá cuối cùng đã rụng chưa. Mỗi lần kéo rèm là
mỗi lần hồi hộp, đợi chờ… Sự việc này lặp lại nhiều lần làm cho thời gian trên giường bệnh bỗng trở nên
có ý nghĩa. Nó không phải là thời gian tĩnh mà là thời gian động. Sự sống của Johnsy không chỉ giới hạn
trong không gian chật hẹp của giường bệnh mà vươn rộng ra bên ngoài đầy nắng gió. Như vậy, khi hướng
tới chiếc lá, Johnsy không còn hướng tới cái chết nữa mà là hướng tới sự sống. Bằng chứng là khi thấy
chiếc lá cuối cùng không chịu lìa sự sống, Johnsy đã khỏi bệnh. Chiếc lá tượng trưng cho Johnsy, nếu
chiếc lá dũng cảm chống chọi với mưa gió để tồn tại thì Johnsy cũng dũng cảm chống lại bệnh tật để
sống. Điều này toát ra ý nghĩa: con người cần có niềm tin cuộc sống.
Dưới con mắt của Johnsy, chiếc lá cuối cùng vẫn mãi tồn tại. Thực ra, chiếc lá thật đã rơi xuống trong cơn
gió xoáy dữ dội suốt một đêm dài. Còn chiếc lá mà cô nhìn thấy sáng hôm sau là chiếc lá giả do cụ
Behrman vẽ trên tường. Chiếc lá giả đã thay thế chiếc lá thật để kéo dài sự sống của Johnsy. Chiếc lá vẽ
tượng trưng cho nghệ thuật, nó đặt ra nhiều vấn đề triết lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Chiếc lá được vẽ là để phục vụ Johnsy, nghĩa là nghệ thuật vị nhân sinh. Để giúp ích cho đời, nghệ thuật
phải phản ánh chân thực cuộc sống. Để vẽ đến mức giống như thật, đòi hỏi họa sĩ phải có bàn tay lão
luyện, từng trải. Nếu lão họa sĩ vẽ bằng đường nét nghệch ngoạc, siêu thực, không giống chiếc lá thật thì


Johnsy sẽ phát hiện ra. Cô sẽ thất vọng, bệnh tật càng tăng, như vậy công trình nghệ thuật kia sẽ chẳng
giúp ích gì cho sự sống con người. Chân lý nghệ thuật tuy thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lý
ngoài đời. Chiếc lá vẽ vẫn khác với chiếc lá thật ở chất liệu của nó. Đặc biệt, chiếc lá sinh học rồi sẽ tàn
úa theo thời gian nhưng chiếc lá nghệ thuật khi đạt đến mức kiệt tác có thể sẽ không bị “rụng” theo thời
gian và bão tố của cuộc đời. Đó là những thông điệp toát ra từ… chiếc lá !
Xét từ một góc độ nào đó, có thể xem chiếc lá thường xuân hiện thân cho cụ Behrman. Chiếc lá sinh học
đã rụng cùng với sự ra đi của ông, theo đúng quy luật của tạo hóa. Nhưng chiếc lá vẽ cũng là sự tái sinh
của cụ Behrman với mong muốn cống hiến cho đời ngay cả sau khi chết. Suốt bốn mươi năm trong nghề,
ông lão luôn nuôi hy vọng sẽ có một kiệt tác lưu danh hậu thế. Kiệt tác đó chắc hẳn phải chứa đựng một
cái gì to tát, vĩ đại, cao siêu. Ông đã từng chế giễu Johnsy là ngu xuẩn khi quan tâm tới chiếc lá thường
xuân – “một loại dây leo vô duyên”. Rõ ràng, “ông già nhỏ thó nhưng dữ tợn” đó đã từng rất khinh bỉ
những cái tầm thường, nhỏ nhoi, yếu ớt. Nhưng rồi, đã đến lúc cụ nhận ra rằng, cái to tát xa vời không
giúp được gì cho cuộc đời mình và những người thân xung quanh. Để cứu cô họa sĩ trẻ, cụ phải chịu khổ
nhọc vẽ một chiếc lá nhỏ nhoi, yếu ớt, bám víu bức tường cũ kỹ. Không ngờ, hình tượng nhỏ bé ấy lại có
giá trị rất lớn. Như vậy, chiếc lá có quyền lý luận: những chi tiết nhỏ vẫn có thể làm nên những tác phẩm
lớn.
Suốt đời, họa sĩ Behrma luôn tuyên bố ồn ào rằng: “Một ngày nào đó, ta sẽ vẽ nên một kiệt tác (…). Trời
ơi ! Đúng là phải như thế !”. Nhưng rồi, ngoài sáu mươi tuổi, ông vẫn không làm nên một tác phẩm nào ra
hồn. Kiệt tác của đời ông không ra đời lúc huênh hoang, lộ liễu mà lại ra đời trong sự im lặng không ai
biết đến. Tác giả đã giấu việc ông vẽ chiếc lá mặc dù đây là chi tiết rất quan trọng. Bạn đọc tự hình dung
ra công việc khó khăn và vĩ đại này thông qua một vài chi tiết rời rạc chắp vá từ lời các nhân vật khác:
quần áo ông cụ ướt sũng, chiếc đèn bão, chiếc thang, vài chiếc bút lông… Chi tiết bảng pha màu gồm hai
màu xanh và vàng trộn lẫn nhau là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Màu xanh tượng trưng cho sự sống,
màu vàng tượng trưng cho cái chết. Nhưng nếu màu vàng pha trộn với màu xanh thì sẽ tạo ra màu xanh
non lá mạ, tượng trưng cho sự sống mới, mơn mởn. Từ hai chất liệu sống và chết, họa sĩ đã tạo ra một
chất liệu sống mới. Nói cách khác, Behrma đã vẽ nên sự sống của Johnsy.
Nhưng để tạo nên những kiệt tác cống hiến cho đời, nghệ sĩ không phải là không có sự trả giá. Để cứu cô
họa sĩ trẻ, ông họa sĩ già phải chấp nhận cái chết… Nói cách khác, sự sống của Johnsy được hồi sinh từ
cái chết của Behrma. Vì tình thương đồng nghiệp, ông lão đã bất chấp nguy hiểm để vẽ nên chiếc lá trong
một “đêm khủng khiếp”, “trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả đêm”. Hình

tượng mưa gió phũ phàng được nhắc tới nhiều lần tượng trưng cho những khó khăn cản trở bước tiến con
người. Qua đó, tác giả muốn nói lên rằng, những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thường ra đời trong những
cơn giông tố cuộc đời. Khi mà tình yêu thương con người trong trái tim nghệ sĩ đã đạt đến độ chín mùi
nhất. Hình tượng lão họa sĩ Behrma đã thể hiện những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ chân chính là:
tài năng, bản lĩnh, sự từng trải, chịu khó và tình yêu thương con người vô hạn… Trong đó, chữ “tâm” là
quan trọng nhất, nó là hạt nhân thúc đẩy sự thành công của nghệ sĩ. Nếu không có tình yêu thương đồng
nghiệp sâu sắc thì họa sĩ Behrma sẽ chẳng bao giờ làm nên kiệt tác nghệ thuật.
Cốt truyện tuy đơn giản nhưng hấp dẫn bởi chứa đựng nhiều tình huống bất ngờ, nằm ngoài dự tính độc
giả. Tình huống một: Johnsy đối diện với cái chết, và theo sự cảm nhận thông thường của độc giả: chiếc
lá sẽ rụng và cô sẽ chết. Tình huống hai: Behrma đối diện với cái chết. Tình huống một được giải quyết
và không ngờ nó lại dẫn tới tình huống hai, tức là đẩy cái chết từ Johnsy sang Behrma – người đã cứu
sống cô. Đó là tình huống đảo ngược: người chết thành sống, người sống thành chết. Cụ Behrma chấp
nhận làm chiếc lá rụng xuống để nảy mầm sự sống mới. Trước khi chết, họa sĩ Behrma đã kịp vẽ một
chiếc lá trường xuân bất tử. Thì cũng vậy thôi, trước khi từ giã cõi đời này, nhà văn O. Henry cũng đã để
lại một “Chiếc lá cuối cùng” sống mãi trong lòng bạn đọc.

×