Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Rối loạn tiền đình: Chớ xem nhẹ pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (666.51 KB, 5 trang )

Rối loạn tiền đình: Chớ
xem nhẹ
Khi thời tiết thay đổi, căng thẳng lâu ngày trong cuộc sống thường có
những cơn chóng mặt từ “thường thường bậc trung” đến dữ dội kèm
nôn ói, ù tai, loạng choạng… báo hiệu một hội chứng mang tên: rối loạn
tiền đình.
Biểu hiện của nhiều bệnh

Khi bị chóng mặt, đau đầu, bệnh nhân đi khám và được bác sĩ chẩn đoán
“rối loạn tiền đình” (RLTĐ), thật ra, RLTĐ không phải là bệnh mà là một
hội chứng, gây nên bởi các tổn thương ở hệ thần kinh, tai, tim mạch, mắt,
tâm thần và một số trường hợp do thuốc.

Tiền đình là một cơ quan nằm ở tai trong của con người, có chức năng giữ
thăng bằng cho cơ thể. Sở dĩ ta đi đứng, chạy nhảy không bị té ngã là do tiền
đình có sự phối hợp nhịp nhàng với dây thần kinh ở các cơ, hoặc khi nhắm
mắt lại cũng nhờ tiền đình mà ta biết được tư thế… Khi tiền đình bị rối loạn
sẽ gây ra hiện tượng: chóng mặt khách quan (thấy đồ đạc chung quanh quay
cuồng, đảo lộn…) và chóng mặt chủ quan (bị mất thăng bằng, bước đi như
bập bềnh trên sóng…) đồng thời kèm theo ói mửa, hoa mắt, ù tai… với
nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.

BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết,
RLTĐ là một hội chứng (tập hợp nhiều triệu chứng) như chóng mặt, ù tai,
nghe kém, hoa mắt, nôn ói… do nhiều nguyên nhân, và tùy theo nguyên
nhân gây ra hội chứng này mà điều trị cho đúng.


Những nguyên nhân do bệnh tai - mũi - họng gồm: viêm tai giữa mãn tính:
vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tiền đình gây ra chảy mủ tai, nhức đầu, chóng
mặt…; chóng mặt theo tư thế (xảy ra khi thay đổi tư thế) thường gặp ở phụ


nữ liên quan đến vấn đề nội tiết (mãn kinh), do các dịch, các dây thần kinh
trong dây tiền đình bị rối loạn… Tùy theo nguyên nhân gây ra sẽ có hướng
điều trị thích hợp: nếu bị viêm tai giữa thì tùy theo mức độ mà chữa bằng nội
khoa hoặc phẫu thuật, còn các cơn chóng mặt theo tư thế thì dùng thuốc,
hoặc luyện tập tiền đình (do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn) để cơ thể quen
dần với các tư thế.

Ngoài ra, RLTĐ còn do các nguyên nhân từ các bệnh lý nội khoa: cao huyết
áp, huyết áp thấp, tim mạch (do cung cấp không đủ ôxy lên tai trong, gây
thiếu máu cục bộ) gây chóng mặt. Hoặc do dùng một số loại thuốc có độc
(như Treptomycine trị lao, Quinine trị sốt rét) và một số thuốc chống co giật,
an thần.

Cần khám sớm

Những bệnh nhân bị chóng mặt nên khám tổng quát, sau đó sẽ được lọc
bệnh khám chuyên khoa tai-mũi-họng (bệnh nhân sẽ được đo thính lực,
khám tiền đình, đo nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp, điện thính giác thân
não…) hoặc nội thần kinh (chụp CT, MRI…), thậm chí là tim mạch (đo điện
tim ECG, siêu âm tim ECHO), mắt, hay làm các xét nghiệm tổng quát về
máu (như công thức máu, đường máu), chức năng thận, gan, tuyến giáp…
Đôi khi cần phải phối hợp giữa các chuyên khoa như nội thần kinh: nếu
viêm dây thần kinh tiền đình (chữa những cơn chóng mặt trung ương: như
thiếu máu não, nhồi máu não, rối loạn chức năng tuần hoàn não, tai biến
mạch máu não, lão hóa dây thần kinh tiền đình ở người cao tuổi…) và
chuyên khoa tai-mũi-họng (điều trị các RLTĐ ngoại biên như viêm tai giữa
biến chứng viêm tiền đình, chóng mặt do tư thế). Ở phụ nữ còn có một bệnh
thường gặp là hội chứng Ménière, gồm ba triệu chứng (chóng mặt, ù tai,
điếc) với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chủ yếu dùng thuốc để điều trị.




RLTĐ có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào (kể cả trẻ em, đôi khi vì trẻ không
biết khai bệnh nên cha mẹ không hay biết), nhưng đa phần ở tuổi trung niên
trở lên. Có rất nhiều cơn chóng mặt với nhiều nguyên nhân khác nhau nên
cần khám tổng quát để thầy thuốc có thể phân bệnh và đưa đến chuyên khoa
phù hợp để điều trị tận gốc. Khi các cơn chóng mặt xảy ra ở nhà thì nên nằm
ở phòng yên tĩnh, tránh ánh sáng nhiều, ăn nhẹ những thức ăn dễ tiêu để
tránh nôn ói. Nếu thường bị chóng mặt thì tránh làm việc căng thẳng, bị
stress, ngủ đủ giấc. Đối với những trường hợp nhẹ như khi ngồi đứng lên bị
xây xẩm, chóng mặt (do thiếu máu não cục bộ) thì nên tự tập luyện bằng
cách: khi chuyển tư thế nên đứng dậy từ từ, không bật dậy đột ngột để tiền
đình thích nghi dần mà chưa cần dùng thuốc.

Ở người lớn tuổi có bệnh “thất điều”: đi đứng chậm do phối hợp kém giữa
hệ thần kinh trung ương và thần kinh cơ, dễ bị té ngã, khi xuất hiện cơn
chóng mặt kèm cao huyết áp, thiểu năng mạch vành… thì nên đến bệnh viện
để điều trị.

×