Top 10 chứng chỉ công nghệ
thông tin sáng giá nhất hiện nay
Để trở thành những chuyên viên IT giỏi, kỹ năng làm việc luôn là yếu tố được
đặt lên hàng đầu. Dù vậy, trong hồ sơ ứng tuyển, những kỹ năng đó cần được
chứng minh cụ thể bởi các bằng cấp và giấy tờ có liên quan. Bài viết dưới đây
xin giới thiệu 10 chứng chỉ CNTT sáng giá nhất – những chứng chỉ mà các
công ty công nghệ nổi tiếng luôn trông đợi ở các ứng viên của họ.
1: MCITP (Microsoft Certified IT Professional): Enterprise
Administrator on Windows Server 2008
Chứng chỉ chuyên viên quản trị thông tin doanh nghiệp trên Windows Server
2008.
Ở thời điểm hiện tại, có thể Apple là công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế
giới, có thể Google đang thống trị nhiều lĩnh vực của thế giới công nghệ;
nhưng hãy nhớ rằng Windows của Microsoft vẫn là ông vua của các hệ điều
hành. Các máy chủ lớn hầu như đều hoạt động trên hệ thống Windows server,
tuy nhiên lực lượng chuyên gia về nền tảng này hiện đang thiếu hụt trầm
trọng.
Sở hữu chứng chỉ chuyên môn về quản trị thông tin doanh nghiệp trên
Windows Server 2008 do Microsoft cấp, chuyên viên sẽ được chứng nhận
thành thạo các kỹ năng: sử dụng hệ thống Active Directory, hiệu chỉnh mạng
và các hạ tầng ứng dụng trong môi trường doanh nghiệp. Đó là những kỹ
năng thiết yếu đối với mọi công ty, bất kể quy mô lớn nhỏ.
Một số đề cử khác cho vị trí số một bao gồm chứng chỉ MCITP:
Virtualization Administrator on Windows Server 2008 R2 (Quản trị máy
chủ ảo trên Windows Server 2008 R2) và MCITP: Enterprise Messaging
Administrator on Exchange 2010 (Quản trị hệ thống tin nhắn nội bộ 2010).
Công nghệ ảo hóa mới chỉ đưa vào ứng dụng trong một thời gian ngắn, tuy
nhiên đây hứa hẹn là công nghệ chủ đạo của ngành CNTT trong ít nhất 10
năm tới. Thêm vào đó, Microsoft Exchange là trình trao đổi email phổ biến
nhất trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những quản trị viên có chuyên môn
về hai lĩnh vực trên cũng sẽ rất “hot” trên thị trường tuyển dụng.
2: MCTS (Microsoft Certified Technology Specialist)
Chứng chỉ chuyên viên kĩ thuật Microsoft, chuyên môn hẹp: Microsoft
Exchange Server 2010.
Sáng giá là thế, song không phải ai cũng đủ khả năng và kiên nhẫn thực hiện
hết các bài kiểm tra để lấy chứng chỉ MCITP. Vì vậy, MCTS (Microsoft
Certified Technology Specialist) – chứng chỉ chuyên viên kĩ thuật Microsoft
sẽ là một lựa chọn khả thi hơn. Chứng chỉ MCTS bao gồm một trong các
chuyên môn hẹp sau đây: Microsoft Exchange, SharePoint, Virtualization (ảo
hóa), Windows Client hay Windows Server.
Các chuyên môn hẹp kể trên đều là những nền tảng mà các doanh nghiệp
đang rất thiếu nhân lực thiết kế, quản lý và duy trì. Vì vậy, đối với các nhà
tuyển dụng, sở hữu chứng chỉ MCTS trong hồ sơ cá nhân sẽ là một điểm cộng
đáng chú ý.
3: VCP (VMware Certified Professional)
Chứng chỉ VCP cho phiên bản VMware vSphere 4.
Xu hướng chung của các nhà sản xuất phần cứng hiện nay là việc xây dựng
các máy chủ ngày càng nhanh, lưu trữ ngày càng nhiều dữ liệu. Tuy nhiên,
trong số hàng triệu máy chủ, có những hệ thống chỉ tận dụng được một phần
nhỏ dung lượng của nó, gây nên một sự lãng phí khủng khiếp.
Chìa khóa để giải quyết vấn đề trên, chính là công nghệ ảo hóa. Công nghệ
này cho phép chạy nhiều máy ảo chỉ trên một máy chủ, nhờ đó tiết kiệm chi
phí phần cứng và công việc quản lý máy chủ cũng dễ dàng hơn. VMware là
công ty hàng đầu thế giới về cung cấp các phần mềm ảo hóa. Sở hữu chứng
chỉ VCP (chứng chỉ chuyên môn của hãng), chuyên viên được đảm bảo thành
thạo kỹ năng hoạt động và duy trì hệ thống máy ảo trên nền tảng VMware.
4: CCNA (Cisco Certified Network Associate)
Mẫu chứng chỉ CCNA.
Lẽ ra vị trí thứ 4 này phải dành cho chứng chỉ CCIE (Cisco Certified
Internetwork Expert) – chứng chỉ chuyên gia quản lý liên mạng của Cisco.
Tuy nhiên, để lấy chứng chỉ này, các ứng viên phải trải qua một kỳ thi rất
phức tạp, và rất ít người có cơ hội đạt được nó. Hơn nữa, dù các sản phẩm của
Cisco là khung xương sống cho hệ thống mạng nội bộ của nhiều công ty lớn,
hầu như các công ty này không cần, và không sẵn sàng chi trả cho một
“chuyên gia quản lý liên mạng”.
Chính vì thế, một chứng chỉ khác của Cisco, CCNA (Chứng chỉ chuyên môn
về liên kết mạng nội bộ) là một sự lựa chọn hợp lý hơn. Không chỉ làm đẹp
hồ sơ xin việc, chứng chỉ này cho phép chuyên viên hiểu rõ hơn về các
nguyên tắc cơ bản trong điều hành mạng. Thêm vào đó, các ứng viên có thể
tiếp tục trải qua kỳ thi để lấy chứng chỉ CCNA về an ninh mạng nếu có nhu
cầu.
5: CSSA (Certified SonicWALL Security Administrator)
Chứng chỉ quản trị an ninh mạng do SonicWALL cấp năm 2011.
Đầu năm 2012, Dell đã công bố kế hoạch thâu tóm hãng SonicWALL. Lý do
ẩn sau thương vụ ấy, là thị phần không nhỏ mà hãng phần cứng này đạt được
trên thị trường quản trị an ninh mạng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp trên luôn yêu cầu thiết bị mạng của họ phải được trang bị
tường lửa (firewall), định tuyến (routing) và các dịch vụ quản trị an ninh
khác. Chứng chỉ CSSA (Chứng chỉ quản trị an ninh mạng của SonicWALL)
chứng minh sự thành thạo của chuyên viên trong việc cài đặt và quản lý các
thiết bị đó, đặc biệt trong phạm vi các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
6: PMP (Project Management Professional)
Chứng chỉ chuyên gia quản lý dự án do PMI cấp.
Ngày nay, các công ty công nghệ luôn thiếu những nhân viên có đầu óc quản
lý. Nhu cầu về những chuyên viên có khả năng phác thảo dự án, xác định các
nguồn lực cần thiết, đưa ra một lịch trình cụ thể và quản lý dự án hiệu quả,
cũng vì vậy mà tăng theo.
Chứng chỉ PMP (Chứng chỉ chuyên gia quản lý dự án) được cấp bởi The
Project Management Institute sẽ giúp các công ty nhanh chóng tìm ra ứng
viên đáp ứng các yêu cầu đó. Sở hữu chứng chỉ này là những chuyên viên
được chứng nhận có khả năng lên kế hoạch, dự toán ngân sách và hoàn thành
dự án đúng hạn, có hiệu quả với mức chi phí dự kiến. Đó là những kỹ năng
thiết yếu đối với mọi tổ chức, và những kỹ năng này không thể được thay thế
bởi các ứng dụng công nghệ hay các dịch vụ của bên thứ ba.
7: CISSP (Certified Information Systems Security Professional)
Chứng chỉ chuyên gia an ninh cho các hệ thống thông tin do (ISC) cấp.
Những dữ liệu nhạy cảm về khách hàng, cá nhân, tổ chức luôn là mục tiêu
quen thuộc của các hacker khi tấn công mạng nội bộ và hệ thống dữ liệu của
các doanh nghiệp. Để phòng vệ trước những rủi ro trên, doanh nghiệp rất cần
những chuyên viên có hiểu biết sâu về kiến trúc mạng, có khả năng thiết kế,
phát triển và bảo trì các biện pháp quản trị an ninh mạng.
Nếu bạn muốn trở thành mẫu chuyên viên đó, hãy cố gắng đạt được chứng chỉ
CISSP (Chứng chỉ chuyên gia an ninh cho các hệ thống thông tin). Ngoài việc
rèn luyện các kỹ năng trên, chứng chỉ này cũng cung cấp những cơ hội thực
hành tốt nhất và giúp ứng viên hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật hiện
thời.
8: ACSP (Apple Certified Support Professional)
Có quá nhiều điều để nói về Apple: các thông tin về sản phẩm, về giá cổ
phiếu, về những thay đổi trong bộ máy quản lý… Tuy nhiên, ít người để ý
rằng, Apple cũng có hệ thống chứng chỉ của riêng mình.
Trong số đó, chứng chỉ ACSP (chứng chỉ chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật của
Apple) chứng minh chuyên viên có khả năng sử dụng thành thạo hệ điều hành
Mac OS X client – bao gồm các tác vụ như cài đặt, thiết lập, xử lý các sự cố
và bảo trì máy chủ trên nền tảng này. Trong bối cảnh Mac OS X đang nâng
cao thị phần với tốc độ khủng khiếp, trong tương lai chứng chỉ này hứa hẹn sẽ
đạt những thứ hạng cao hơn nữa.
9: Network+ / A+
Hình ảnh quảng cáo cho hai chứng chỉ A+ và N+.
Về bản chất, đây là hai chứng chỉ phân biệt cùng do hãng CompTIA cấp. Dù
vậy, Network+ / A+ cùng chia sẻ vị trí thứ 9, vì chúng đều giúp kiểm chứng
những nguyên tắc cơ bản mà bất kỳ chuyên viên CNTT nào cũng phải nắm
rõ.
Bài kiểm tra của 2 chứng chỉ trên bao gồm các kỹ năng về phần cứng, phần
mềm và hệ thống mạng. Đó là những kỹ năng cơ bản, được sử dụng trong quá
trình dự thảo ngân sách, triển khai các máy khách, giám sát an ninh, quản lý
hệ thống mạng và máy chủ.
10: CompTIA Healthcare IT Technician
Một số thống kê về ngành dịch vụ y tế tại Mỹ do CompTIA thực hiện.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, lĩnh vực nào vẫn giữ được sự tăng
trưởng? Câu trả lời không phải là các ngành sản xuất, bất động sản hay chứng
khoán, mà chính là nhóm ngành dịch vụ y tế. Không khó để nhận ra những
trung tâm y tế, những phòng khám nha khoa hay những bệnh viện tư đang
mọc lên ở khắp nơi.
Tất cả những cơ sở trên đều cần hỗ trợ về IT. Sở hữu chứng chỉ kĩ thuật viên
CNTT trong y tế được cấp bởi CompTIA, ứng viên được chứng nhận sử dụng
thành thạo và hiểu rõ các quy trình kĩ thuật, cách thức tổ chức, vận hành các
công nghệ chăm sóc sức khỏe cùng các yêu cầu về an ninh mạng.