Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Văn hóa Thần truyền doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (142.13 KB, 8 trang )





Văn hóa Thần truyền: Lịch sử lâu đời của nghệ
thuật hội họa Trung Quốc

Tranh Trung Quốc là sản phẩm của nghệ thuật hội họa truyền thống Trung Hoa.
Nội dung và nghệ thuật sáng tác của các bức họa Trung Quốc phản ánh ý thức dân
tộc và óc thẩm mỹ của người dân xứ này, thể hiện nhận thức của người xưa trên
các phương diện tự nhiên, xã hội trong mối tương quan với chính trị, triết học và
tôn giáo, đạo đức, văn nghệ, vv… Các bức họa Trung Quốc nhấn mạnh “Ngoại sư
tạo hóa, trung đắc tâm nguyên” (Tạm dịch: Học trực tiếp từ tạo hóa, truyền hiểu
biết trực tiếp vào tâm), hòa tan cái tôi của mình vào trong vạn vật, sáng tạo ra ý
cảnh, yêu cầu “Ý tồn bút tiên, họa tận ý tại” (Tạm dịch: Trước khi cầm bút vẽ thì
tâm ý phải tràn đầy, tác phẩm cuối cùng biểu hiện được hết toàn bộ tâm ý của tác
giả), đạt tới khả năng “lấy hình tả thần”, “hình thần vẹn toàn”, cấu tứ sinh động.
Nghệ thuật tranh Trung Quốc có lịch sử đã lâu đời. Hơn 2000 năm trước vào thời
kỳ Chiến Quốc đã xuất hiện những bức tranh vẽ trên lụa là gấm vóc, còn ở thời kỳ
nguyên thủy trước đó nữa đã có những tranh vẽ trên nham thạch và gốm màu.
Những tác phẩm hội họa cổ xưa này đã đặt định cơ sở cho phương pháp tạo hình
chủ yếu của nền hội họa Trung Quốc về sau. Thời kỳ Lưỡng Hán và Ngụy Tấn
Nam Bắc triều, xã hội từ chỗ ổn định thống nhất nhanh chóng biến thành chia rẽ
loạn lạc. Văn hóa bên ngoài Trung Quốc được đưa vào vùng đất này, xảy ra quá
trình cọ xát và dung hợp, khiến lúc ấy hội họa có nguồn gốc tôn giáo chiếm vị trí
chủ lưu. Các tranh vẽ miêu tả quê hương, các nhân vật lịch sử, lấy đề tài tác phẩm
văn học cũng chiếm một tỉ lệ nhất định. Tranh sơn thủy, tranh hoa điểu cũng bắt
đầu xuất hiện ở thời kỳ này.
Thời kỳ Tùy – Đường, kinh tế, văn hóa xã hội hết sức thịnh vượng, hội họa cũng
theo đó mà có được cục diện phồn vinh về mọi mặt. Tranh sơn thủy, tranh hoa điểu
cũng phát triển hoàn thiện, các tranh về chủ đề tôn giáo đã đạt đến tột đỉnh, tranh


vẽ nhân vật phần lớn là mô tả cuộc sống của giới quý tộc, còn xuất hiện những
khuôn mẫu tạo hình nhân vật đặc thù của thời đại ấy. Đời sau các tranh vẽ văn
nhân xuất hiện và phát triển, có phương pháp biểu hiện và ý tưởng sáng tác vô
cùng phong phú.
Hội họa chia làm 3 khoa
Trong nghệ thuật hội họa Trung Quốc có câu nói “Hội họa phân làm 3 khoa”: nhân
vật, sơn thủy, hoa điểu. Bề ngoài giống như là phân loại đề tài, nhưng thực chất là
dùng nghệ thuật để biểu hiện một loại quan niệm và tư tưởng. Cái gọi là “Họa vi
tam khoa”, tức là khái quát 3 phương diện vũ trụ cùng với nhân sinh: tranh vẽ nhân
vật biểu hiện cho xã hội loài người, quan hệ giữa người với người. Tranh sơn thủy
biểu hiện quan hệ giữa con người với tự nhiên, đưa con người cùng với tự nhiên
hòa hợp thành một thể. Tranh hoa điểu biểu hiện các loại sinh mệnh trong tự nhiên
vĩ đại, cùng chung sống hài hòa với con người. 3 nhóm ấy cấu thành nên chỉnh thể
của vạn vật trong tự nhiên, bổ sung tương hỗ lẫn nhau.
Tranh nhân vật lấy hình tượng nhân vật làm chủ thể. Tranh nhân vật Trung Quốc
có lịch sử đã lâu đời. Căn cứ theo các ghi chép, vào thời kỳ Thương Chu đã xuất
hiện các bức bích họa. Thời Đông Tấn có Cố Khải Chi chuyên môn vẽ tranh nhân
vật, là người đầu tiên đưa ra chủ trương “Lấy hình để tả thần”. Tranh nhân vật cố
gắng truyền đạt lại cá tính của nhân vật một cách hoàn hảo, có cấu tứ sinh động, cả
hình và thần đều vẹn toàn. Phương pháp truyền thần của ông là thường khuếch đại
biểu hiện của tính cách nhân vật, ở trong hoàn cảnh, bầu không khí, tư thế và động
thái. Các tranh vẽ nhân vật nổi tiếng nhất có quyển “Lạc thần phú đồ” của Cố Khải
Chi thời Đông Tấn, bức “Văn uyển đồ” của Hàn Hoảng thời Đường, “Hàn hy tái
dạ yến đồ” của Cố Hoành Trung thời Nam Đường, Ngũ Đại. Muốn vẽ tranh nhân
vật được tốt, ngoài việc kế thừa truyền thống, còn phải nghiên cứu hình thể con
người, tỉ lệ, và quy luật biến hóa của sự vận động thân thể, mới có thể mô tả hình
và thần của nhân vật một cách chuẩn xác.
Tranh sơn thủy miêu tả cảnh sắc tự nhiên của núi sông là khoa mục nghệ thuật chủ
yếu. Tranh sơn thủy thời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều cũng dần dần phát triển, nhưng
vẫn phụ thuộc vào tranh nhân vật, phần lớn dùng làm bối cảnh cho nhân vật. Thời

Tùy Đường bắt đầu tách ra độc lập, như các thể loại: Thiết sắc sơn thủy của Triển
Tử Kiền, Kim bích sơn thủy của Lý Tư Huấn, Thủy mặc sơn thủy của Vương Duy,
Bát mặc sơn thủy của Vương Hiệp… Thời Ngũ Đại, Bắc Tống tranh sơn thủy đạt
đến thời kỳ cực thịnh, các tác giả xuất hiện rất nhiều, như Kinh Hạo, Quan Đồng,
Lý Thành, Đổng Nguyên, Cự Nhiên, Phạm Khoan, Hứa Đạo Ninh, Yến Văn Quý,
Tống Địch, Vương Sân, Mễ Phất, Mễ Hữu Nhân với thể loại tranh Thủy mặc sơn
thủy. Vương Hy Mạnh, Triệu Bá Câu, Triệu Bá Túc với Thanh lục sơn thủy. Hai
trường phái Nam Bắc đua tranh phát huy, hình thành 2 phái hệ lớn, đạt tới đỉnh cao
nghệ thuật. Từ thời Đường tới nay, mỗi thời kỳ đều có những danh họa chuyên vẽ
tranh sơn thủy. Mặc dù họ có thân thế, trình độ tu dưỡng, học phái, phương pháp
khác nhau, nhưng đều có thể dùng bút mực, sắc thái, kỹ xảo để mô tả chân thực,
khiến cảnh tượng tự nhiên tươi đẹp được chuyển tài vào tranh vẽ, hùng vĩ tráng lệ,
cấu tứ thanh nhã. Thời nhà Nguyên tranh sơn thủy có xu hướng vẽ chấm phá
truyền thần, dùng hư tả thực, thiên về bút mực thần vận. Truyền thống chia tranh
sơn thủy thành các loại hình: Thủy mặc, Thanh lục, Kim bích, Một cốt, Thiển
giáng, và Đạm thải.
Trước thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, hoa điểu là đối tượng biểu hiện của nghệ
thuật Trung Quốc, liên tục xuất hiện trên các đồ gốm sứ và đồ đồng dưới dạng hoa
văn trang trí. Tranh hoa điểu phần lớn là vẽ chim thú, bởi vì chúng thường thường
có liên hệ nhất định với thần thoại, thậm chí có khi là nhân vật thần thoại chính.
Như con Thỏ ngọc giã thuốc cho Vương Mẫu, con Quạ vàng trong vầng Thái
dương, con Thiềm thừ trong cung Trăng, cùng với đại biểu của bốn phương vị là
Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. (Rồng xanh, Hổ trắng, Tước đỏ,
Rùa đen). Người ta cho rằng tranh hoa điểu đã trở thành khoa mục độc lập dưới
thời Đường, có được thành tựu khá cao. Ngày nay có thể thấy trong các tác phẩm
“Chiếu dạ bạch” của Hàn Kiền, “Ngũ ngưu đồ” của Hàn Hoảng cho đến “Bán
ngưu đồ” danh tiếng của Đới Tung, đều thể hiện rõ được rằng mảng đề tài này đã
có trình độ nghệ thuật tương đối cao.
Tư tưởng “Thiên Nhân hợp nhất”
Tranh Trung Quốc coi trọng cấu tứ, đòi hỏi “Ý tại bút tiên” (Tạm dịch: Trước khi

cầm bút vẽ thì tâm ý phải sẵn sàng) và tư duy hình tượng, chú trọng sự thống nhất
các đối tượng chủ thể và khách thể hình tượng nghệ thuật. Trong tạo hình thì
không hạn chế vào khuôn mẫu, mà coi trọng việc “nằm ở ranh giới kỳ diệu giữa
‘giống’ và ‘không giống’ “, “giống mà như không giống”. Tranh Trung Quốc lấy
kỹ xảo bút mực đặc biệt làm phương pháp thể hiện hình trạng cho đến truyền đạt
tâm tư tình cảm. Nó lấy các điểm, đường kẻ, bề mặt để mô tả hình thức, hình dáng
diện mạo, khung sườn, phẩm chất, ánh sáng cho đến sắc thái của đối tượng. Chúng
đồng thời cũng là một dạng tải thể, có giá trị thẩm mỹ độc lập. Tranh Trung Quốc
trong các tác phẩm nhấn mạnh đến “thư họa đồng nguyên”, chú trọng đến nhân
phẩm và sự tu dưỡng của bản thân người họa sỹ. Trong các tác phẩm cụ thể ưa
chuộng sự kết hợp hữu cơ giữa Thi, Thư, Họa, Ấn, đồng thời thông qua hình tượng
mà viết thơ văn lời bạt lên trên, biểu đạt nhận thức của họa sỹ đối với xã hội, nhân
sinh và nghệ thuật. Điều đó không những có tác dụng làm sâu sắc hơn chủ đề của
bức tranh, mà còn là bộ phận cấu thành hữu cơ của nó.
Tranh Trung Quốc trên các phương diện nhận thức quan sát, xây dựng hình tượng
và thủ pháp biểu hiện đã cho thấy quan niệm triết học và thẩm mỹ truyền thống của
người Trung Hoa. Trong việc nhận thức và quan sát sự vật khách quan, họ chọn
dùng phương pháp lấy cái lớn để quan sát cái nhỏ, trong cái nhỏ nhìn thấy được cái
lớn. Họ còn linh động trong việc quan sát và nhận thức sự vật khách quan, thậm
chí có thể trực tiếp tham dự vào trong giữa sự vật ấy, chứ không phải là đứng bên
ngoài quan sát, hay giới hạn tại những góc nhìn cố định nào đó. Nó thẩm thấu vào
trong ý thức xã hội của mọi người, khiến hội họa có được giá trị nhận thức: “Ngàn
năm tĩnh mịch, mở tranh ra thì có thể thấy rõ”. Còn khởi tác dụng giáo dục: “Ác dĩ
giới thế, thiện dĩ kỳ hậu” (Tạm dịch: Ngăn cấm những chuyện ác, lưu truyền
những chuyện thiện trong nhân thế). Cho dù là tranh sơn thủy, tranh hoa điểu hay
thể loại nào đi nữa, các họa sỹ đều có thể mượn các đối tượng đó để thể hiện ý thức
xã hội và sở thích thẩm mỹ, mượn cảnh để thể hiện tâm tình, lấy vật để thể hiện ý
chí.
Tranh Trung Quốc chẳng những có lịch sử lâu đời mà còn phản chiếu nghệ thuật
truyền thống Trung Quốc, thể hiện được tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của văn

hóa truyền thống Trung Hoa.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×