Kỹ năng giao tiếp ứng xử: Nói chuyện như
thế nào với nhóm đông người?
Nếu cuộc trò chuyện chỉ có một đối một thì sẽ rất dễ dàng, bới quá trình giao
tiếp sẽ diễn ra dễ dàng hơn khi có một người nói và một người nghe. Nhưng
khi có hơn hai người tham gia cuộc trò chuyện, vấn đề ở đây sẽ trở nên phức
tạp hơn khi các bạn phải trò chuyện sao cho tất cả mọi người đều có thể tham
gia hội thoại. Lấy ví dụ, nếu bạn nói về nhiếp ảnh mà chỉ có 2/3 người nghe
hiểu biết về nó thì ắt hẳn người còn lại sẽ không khỏi cảm thấy lạc lõng. Trò
chuyện khéo léo với nhóm đông người chính là một kỹ năng giao tiếp ứng xử
mà bạn nên học hỏi để trở thành người giao tiếp giỏi.
Khi đến bữa tiệc nào đó, hoặc đi họp nhóm, họp lớp, ắt hẳn bạn sẽ có dịp ngồi
chung bàn với nhiều người. Khi này, dù bạn không phải là trung tâm của buổi họp
hay là người khởi xướng, việc làm chủ cuộc trò chuyện bởi những dẫn dắt khéo léo
là điều hết sức cần thiết vì nó tránh cho buổi trò chuyện rơi vào nhàm chán, hỗn
tạp. Để làm được điều này, lựa chọn một chủ đề nói chuyện phù hợp là điều vô
cùng quan trọng trước tiên bạn cần phải ghi nhớ:
Với một nhóm đông người làm nhiều ngành nghề khác nhau, xuất phát từ nhiều
vùng miền khác nhau, bạn khó mà tìm được mối quan tâm chung của cả nhóm
người. Và sự khác biệt giới tính cũng làm cho mối quan tâm này càng không giống
nhau. Vì vậy mà khi nam giới nói về thể thao, chính trị, nữ giới cảm thấy chán
ngán và khi phụ nữ nói về thời trang, phim ảnh, nam giới chẳng có hứng thú lắng
nghe.
Sau đây là những chủ đề an toàn mà bạn có thể gợi lên để thu hút mọi người vào
cuộc trò chuyện:
- Thời tiết và các hiện tượng tự nhiên: thời tiết luôn là chủ đề vô thưởng vô phạt,
và có vẻ như nhàm chán, quen thuộc khi chúng ta nói về nó, song nếu biết gợi
chuyện, bạn có thể biến nó thành chủ đề thú vị: những câu chuyện xoay quanh thời
tiết, rằng các bạn có cảm thấy mùa đông chúng ta trở nên lười biếng không, có ai
từng thấy mưa đá chưa…
- Lựa chọn nghề nghiệp: mỗi nghề nghiệp có đặc thù khác nhau nên khó mà đem
nghề nghiệp của bạn ra để chia sẻ với người khác, nhưng nếu lấy chủ đề khó khăn
khi lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mình thì hẳn bạn sẽ dành được nhiều ý kiến
từ mọi người đấy.
- Các cảnh đẹp, đặc sản địa phương: hẳn mỗi người trong chúng ta đều có vốn hiểu
biết nhất định về một nơi nổi tiếng hay một món ăn ngon – đặc sản của địa phương
nào đó. Nếu bạn đặt câu hỏi “bạn thích nhất đặc sản của địa phương nào? Tôi thì
thích…”, bạn sẽ khuyến khích mọi người chia sẻ nhiều hơn.
- Chuyện lạ, chuyện thần bí: hẳn nhiên là một đề tài thú vị rồi
- Những tình huống khiến bạn xấu hổ: điều này khiến cho mọi người chia sẻ chân
thành hơn và gắn kết với nhau hơn
- Một sự kiện thời sự nổi bật: lưu ý là phải thực sự nổi bật nhé, vì không phải ai
cũng thường xuyên cập nhật thông tin để biết bên ngoài đang diễn ra chuyện gì đâu
Một số điểm cần lưu ý khi nói chuyện với nhóm đông người:
Khi nói, nên nhìn khắp lượt mọi người, không nên chỉ chăm chú vào một đối tượng
cụ thể hay như thể bạn nói cho một người nghe.
Không làm việc riêng khi người khác đang nói.
Không ngắt lời ai đó dù bạn muốn kể ngay câu chuyện của bạn khi họ nói. Hãy chờ
họ kể xong hoặc khéo léo giục họ kết thúc vấn đề bằng các câu hỏi “cuối cùng thì
sao? Nói tóm lại là…Vậy rốt cuộc là…”
Chú ý quan sát mọi người. Khi thấy ai đó kém hòa đồng, hãy chủ động đề nghị họ
tham gia nói chuyện bằng cách đặt một câu hỏi thảo luận cho họ. Không nên đề
nghị họ nói hay nói thẳng kiểu như “T nãy giờ ít nói quá, nói gì đi…” Họ càng
ngại ngùng hơn.
Tránh thảo luận các chủ đề nhạy cảm, tế nhị như lương bổng, giới tính, chính trị –
tôn giáo…Đây là các đề tài mà không phải ai cũng có cùng mối bận tâm và cũng
dám thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình. Đặc biệt phụ nữ sẽ không thích nói
đến hai đề tài sau, còn nam giới lại không mặn mà chuyện lương thưởng của họ
nếu họ không có một địa vị nhất định. Vì vậy tốt nhất là không nói đến.
Chúc bạn giao tiếp thành công với nhóm đông người!