Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Chuyện chưa kể về nhà thầu xây dựng potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (272 KB, 11 trang )

Chuyện chưa kể về nhà thầu
xây dựng

Nhà thầu thi công (nhà thầu) được coi là người hiện thực hoá tác
phẩm của nhà thiết kế – kiến trúc sư. Công trình kiến trúc nào cũng
cần tới nhà thầu (nhiều hạng mục) để trở thành hình hài đúng
nghĩa, nếu không, thì chỉ là… kiến trúc giấy.
Ở quan niệm xã hội xưa nay; người ta luôn coi trọng chất lượng thi công
của ngôi nhà (về mặt bền vững) nhiều hơn là những giá trị của kiến trúc.
Chính vì vậy mà vai trò của nhà thầu thi công càng quan trọng.

Nhà thầu – người hiện thực hoá tác phẩm

Trong thị trường tư vấn – thiết kế – xây dựng hiện nay, vai trò của nhà
thiết kế – kiến trúc sư đã được đề cao hơn rất nhiều, song không vì vậy
mà vai trò của nhà thầu giảm đi, nếu không muốn nói là cũng được tăng
lên theo. Bởi khi người ta đã cần tới chuyên môn của nhà thiết kế, nghĩa
là cũng cần tới những nhà thầu có năng lực để có thể làm đúng, làm tốt
thiết kế. Thiết kế càng khó, càng phức tạp thì càng đòi hỏi nhà thầu có
chuyên môn và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu. Xét cho cùng, để có
một công trình tốt, thì cả hai phải tốt – nghĩa là thiết kế tốt và thi công
cũng phải tốt. Thiếu vắng một trong hai yếu tố đó, thì công trình không
thể tốt được. Vai trò của kiến trúc sư là quan trọng, là sự khởi đầu;
nhưng nhà thầu mới là người hiện thực hoá ý tưởng sáng tạo của kiến
trúc sư. Cũng không thể không nhắc đến vai trò của chủ nhà, với tư cách
là người đầu tư, bỏ tiền ra thuê cả “sáng tác” và “biểu diễn”. Mối quan
hệ tay ba này khá là phức tạp và nhạy cảm, và thường hay… lẫn lộn,
tranh chấp vai trò của nhau, mà dường như ai cũng thấy không vừa ý,
không hài lòng; thậm chí cảm thấy bị tổn thương và thiệt thòi?!

Khi “chung một chiến hào” với chủ nhà



Trong quan niệm xã hội, làm nhà là việc hệ trọng của đời người. Và ngôi
nhà là tài sản quan trọng ở cả yếu tố vật chất và tinh thần. Ai cũng muốn
ngôi nhà phải bền vững, chắc chắn. Và vì thế tâm lý chung xưa nay đều
cố gắng tìm thợ giỏi; mà trong thị trường xây dựng hiện nay ta quen gọi
là nhà thầu thi công, hay gọi tắt là nhà thầu. Ngôi nhà được xây như thế
nào, bền chắc hay không, đẹp hay không là bởi nhà thầu. Với nhiều
người, nhà thầu quyết định số phận ngôi nhà của mình?!

Có lẽ vậy, mà thái độ của chủ nhà với nhà thầu luôn là một thái độ tích
cực, thậm chí có nhiều khi có phần nhún nhường, để mong những người
làm công tác thi công vui vẻ, nhiệt tình, làm tốt. Phải nói thêm và nói kỹ
rằng, trong quá trình thi công cho một ngôi nhà hiện nay, có tới hàng
chục nhà thầu ở các hạng mục khác nhau, từ phần thô cho tới phần hoàn
thiện, ở nhiều hạng mục chuyên ngành – vật liệu. Nhưng quan trọng
nhất là hạng mục nề, tức là phần xây, trát, ốp lát… Nội dung và khối
lượng công việc này rất lớn, chi phí cũng thuộc loại lớn nhất, thời gian
kéo dài nhất từ khi khởi công – làm móng, cho tới lúc hoàn thiện (ốp,
lát). Đội quân thợ nề cũng đông đảo nhất và mặc định là “cắm trại” luôn
tại công trường. Điều đó cũng có nghĩa là thợ nề ít nhiều có vai trò quản
lý công trường - ngôi nhà đang thi công. Từ đặc thù công việc đó, đội
quân này có tâm lý… ít nể sợ ai, kể cả chủ nhà. Với các nhà thầu thi
công khác, thì thợ nề là “chúa”, và đối với thợ nề, họ luôn phải hoà nhã,
nhẫn nhịn.

Một công trình có chất lượng tốt về kỹ thuật và mỹ thuật, một không
gian đẹp là sự kết hợp đầy đủ, toàn diện của nhà thiết kế và các nhà th
ầu
thi công nhiều hạng mục.


Nhà thầu, dù hạng mục nề hay hạng mục nào, đều tiếp xúc với chủ nhà
thường xuyên trong quá trình thi công. Trong khi đó, giai đoạn này,
công việc (thiết kế) của kiến trúc sư cơ bản đã hoàn thành; nếu có, là
trách nhiệm giám sát tác giả và hỗ trợ cho chủ nhà trong việc lựa chọn
vật liệu, thiết bị để đảm bảo đúng theo thiết kế. Với mảng nhà ở gia
đình, nhà ở tư nhân, thì chủ nhà lại hay đảm nhiệm luôn vai trò quản lý;
và giả sử nếu có người thay mặt quản lý – giám sát, thì chủ nhà cũng ít
dám tin tưởng, phó mặc hoàn toàn. Với tâm lý luôn lo lắng, chủ nhà
thường có thái độ “nịnh”, “vuốt ve” nhà thầu, hơn là một thái độ bình
đẳng theo cách chuyên nghiệp của thị trường, của thương trường. Có
nhiều khi, nhà thầu ngọt nhạt với chủ nhà thế này thế khác, chủ nhà xuôi
theo, sửa đổi thiết kế của kiến trúc sư, mà theo nhà thầu thì: làm thế này
hay hơn, tốt hơn thiết kế. Nếu gặp phải kiến trúc sư kiên định, không
đồng ý sửa đổi, thì chủ nhà vẫn… sợ; vì người thực hiện trực tiếp là nhà
thầu chứ đâu phải kiến trúc sư… Nhỡ ra… thì lại ân hận. Không ai
muốn một sự rủi ro nào hết trong quá trình xây dựng ngôi nhà của mình.
Không ít chủ nhà đứng cùng phía nhà thầu để phản bác lại thiết kế của
kiến trúc sư. Có vẻ như ở góc độ nghề nghiệp trong hoàn cảnh cụ thể
này, nhà thầu dễ lấy lòng được chủ nhà hơn bằng tuổi tác và kinh
nghiệm, trong khi kiến trúc sư làm nhà ở gia đình thường trẻ, giao tiếp
chưa khôn khéo. Ngoài ra, phải kể tới một vấn đề khác, đó là việc làm
của kiến trúc sư thì chủ nhà hoàn toàn có thể kiểm soát và thẩm định
được; nhưng việc thi công ở công trường thì không thể kiểm soát hết
được. Nếu không làm cho nhà thầu vui, thì không chừng… chuốc hậu
quả.

Và khi “cơm không lành, canh không ngọt”

Tuy “đứng chung chiến hào”, tuy cố gắng hết sức để tạo mọi điều kiện
cho nhà thầu làm tốt, để có chất lượng công trình tốt; nhưng thực tế chủ

nhà với nhà thầu cũng luôn có những vấn đề tiêu cực nảy sinh, những
bất đồng nhiều khi không thể hoà giải. Có nhiều nguyên nhân, cả khách
quan và chủ quan, nhưng dù là nguyên nhân gì, thì đôi bên cũng đều
chịu những khó khăn và thiệt thòi, và người liên đới là… kiến trúc sư.

Một trong những nguyên nhân chính, và cũng thường rơi vào nhà thầu
chính – nhà thầu nề; là thái độ, cách thức làm việc không chuyên nghiệp,
thiếu trách nhiệm nghề nghiệp. Phần lớn các nhà thầu xây dựng phần nề,
các đội thợ nề xuất phát từ nông thôn, thiếu đào tạo chuyên ngành và
cách làm việc vẫn mang tính chất tiểu nông, chưa công nghiệp, chưa
nhất quán… Chuyện đổ xong một sàn chủ nhà lại lo bữa nhậu là chuyện
thường thấy; rồi mấy hôm lại phải đưa tí chút “tươi tươi” để bồi dưỡng
làm muộn, làm căng cho kịp tiến độ (mặc dù phần “thăm nuôi” này
không có trong hợp đồng hay giao ước, nhưng là cái lệ khó bỏ). Thợ về
quê, thiếu người, thay vì nhà thầu bị trách phạt, thì có khi chủ nhà lại
phải cho tiền tàu xe, rồi nịnh nọt để thợ lên cho sớm sớm… Những việc
này – tưởng chừng là tốt – nhưng cũng lại là những nguyên nhân góp
phần gây nên những bất đồng, những đổ vỡ trong mối quan hệ chủ nhà –
nhà thầu.

Về mặt chuyên môn xây dựng, nhà thầu hạng mục nề có liên quan hầu
hết tới các hạng mục khác, quyết định chất lượng của nhiều nội dung của
các nhà thầu khác, và của chính mình. Ví dụ như tường xây trát không
chuẩn, không phẳng, không vuông sẽ ảnh hưởng tới công tác ốp lát, tới
hạng mục cửa; bề mặt tường trát chất lượng kém sẽ ảnh hưởng tới phần
sơn bả; sàn cán không phẳng sẽ ảnh hưởng tới hạng mục gỗ sàn… Rất
nhiều khi, mọi thứ ổn, nhưng đến khi hạng mục sau của nhà thầu khác
vào, mới nảy sinh nhiều vấn đề. Việc đổ lỗi cho nhau, không ai chịu
trách nhiệm là việc thường thấy. Nhà thầu này làm không tốt, đổ lỗi tại
nhà thầu kia có liên quan, rồi đổ lỗi cho cả kiến trúc sư, thậm chí đổ lỗi

cho cả chủ nhà với đủ lý do. Khi “cơm không lành, canh không ngọt”
thế này, khổ nhất vẫn là chủ nhà, lại đang trong thế cưỡi lên lưng hổ,
nhiều khi rất khó xử. Có rất nhiều chuyện rất không hay đã xảy ra, trên
thực tế công trường, cũng do những mâu thuẫn, bất đồng không/khó hoà
giải, và do đạo đức nghề nghiệp của nhà thầu, của người thợ. Đó là
những chuyện chơi xỏ, gây hại cho nhau giữa các nhà thầu, cố tình gây
hại cho công trình (tức là cho chủ nhà); như việc cắt đứt dây điện, đục
vỡ ống nước, làm hỏng các phần công việc hoàn thiện, đánh cắp vật tư…
Những chuyện đó không phải ở đâu cũng có nhưng cũng không phải là
cá biệt, là hiếm. Chủ nhà, hay người quản lý thì không thể canh 24/24 ở
công trường, và cũng không thể quán xuyến được hết mọi việc đang diễn
ra kể cả khi có mặt ở công trường. Nhiều khi, chủ nhà là… tội đồ, cũng
có khi lại đóng vai hoà giải hay quan toà đi xử kiện đúng – sai. Nhưng
khi có chuyện, dù đúng sai thế nào, nhà thầu cũng khổ không kém…

“Thay ngựa giữa dòng”

Cách đây gần mười năm, người viết bài này có đi kiểm tra một công
trình cùng cộng sự là kỹ sư kết cấu. Nội dung là kiểm tra quy cách ván
khuôn và cấu tạo thép móng, cột trước khi đổ bêtông. Thực tế công
trường, thép cột đặt sai; kỹ sư kết cấu phát hiện ra; và có thiện chí nói
riêng với chủ thầu, không cho chủ nhà biết, và để chủ thầu nhanh chóng
(và bí mật) sửa trong thời gian cho phép; tránh những điều không vui
xảy ra mà vẫn đảm bảo chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, chủ nhà không
phải tay vừa, có chút ít hiểu biết và xem được bản vẽ; nên hỏi rằng:
Thép cột này sai phải không? Câu hỏi đặt ra trước tất cả những người
liên quan: kiến trúc sư – người chủ trì, kỹ sư kết cấu – thiết kế bộ môn
chuyên ngành, và nhà thầu xây dựng. Không còn cách nào khác, và giữ
đạo đức nghề nghiệp của mình, kỹ sư kết cấu đã gật đầu trước câu hỏi
của chủ nhà. Phải nói thêm rằng cái sai này rất nghiêm trọng, nói một

cách đơn giản là sẽ… sập nhà nếu làm như vậy. Hôm sau, người viết bài
này nhận được điện thoại của chủ nhà, nói rằng đã sa thải nhà thầu nọ, vì
cảm thấy một sự khởi đầu quá tệ, và mất niềm tin. Đó là một hậu quả lớn
cho cả hai, khi nhà thầu làm khá nhiều rồi mà hoàn toàn không nhận
được một đồng nào, ra đi trong cay đắng; còn chủ nhà thì phải nhận một
hiện trường dang dở, phải tìm nhà thầu khác, không hề dễ dàng bởi ít ai
muốn tiếp nhận công việc đang có vấn đề như vậy.


Từ bản thiết kế của kiến trúc sư, để trở thành một công trình, tác phẩm
hoàn thiện, nhất thiết phải cần tới vai trò của những nhà thầu thi công,
những người thợ.

Ở một chuyện khác, mà người viết bài giữ vai trò tương tự, là tác giả và
chủ trì thiết kế một công trình, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một
ngày nhận được số điện thoại lạ, của một người tự xưng là chủ thầu hạng
mục gỗ công trình đó. Loanh quanh rồi vấn đề sáng tỏ là, chủ thầu này
nhờ tới kiến trúc sư “nói giúp” với chủ nhà hai vấn đề: 1 – Chất lượng
gỗ (khuôn đã chèn và cánh chuẩn bị lắp) tốt, chứ không phải xấu như
chủ nhà chê. 2 – Cánh cửa gỗ chuyển đến công trường tuy làm sai thiết
kế (chủ nhà nhận thấy), nhưng vẫn… đẹp; và mong kiến trúc sư đồng ý
với cái sai đó. Về vấn đề thứ nhất, kiến trúc sư không có vai trò thẩm
định vì kiến trúc sư không chỉ định chủng loại gỗ; việc này do chủ nhà
lựa chọn. Vấn đề thứ hai, cửa sai thiết kế và kiến trúc sư yêu cầu làm
đúng thiết kế. Việc này được phản ánh công khai tới cả hai phía chủ thầu
và chủ nhà. Kết quả là chủ thầu gỗ này cũng bị sa thải. Hậu quả cũng
tiêu cực cả hai phía: chủ thầu phải dừng công việc, mang số cửa sai về;
và chủ nhà phải chịu số khuôn chất lượng kém, nhưng đã chèn vào
tường, cũng không muốn gỡ ra nữa…


Ở những câu chuyện trên, chủ nhà đã chủ động “thay ngựa giữa dòng”;
nhưng không ít chủ nhà lại bị động, bởi khi đàm phán, nói chuyện thì
rất… OK, nhưng đến khi tiến hành công việc, theo tiến độ công trường
thì nhà thầu chạy mất tiêu; làm chủ nhà đôn đáo tìm nhà thầu khác thay
thế. Việc này cũng hay xảy ra do chỉ có đàm phán, giao hẹn miệng, mà
không có hợp đồng cụ thể theo cách thức chuyên nghiệp. Các nhà thầu
có thể tìm được mối khác ngon hơn, hoặc chạy “sô”, làm không đúng kế
hoạch, tiến độ, gây ảnh hưởng tới công trình. Đặc biệt trong giai đoạn
hoàn thiện, các công việc gối nhau tuần tự chặt chẽ; có khi chỉ một phần
này chưa xong mà các phần khác phải chờ…

Chuyện nhà thầu, cũng như câu chuyện liên quan tới chủ nhà cùng kiến
trúc sư trong quá trình thi công công trình, trong việc xây nhà còn rất
nhiều và còn dài. Bài viết này chỉ là những phác hoạ chính với những
câu chuyện thường thấy, nhưng không nhỏ; để có một cái nhìn thẳng
thắn, nghiêm túc vào những vấn đề bất cập hiện vẫn đang tồn tại, và cần
phải được cải thiện tích cực hơn nữa.

×