Phát hiện sớm bệnh gù
lưng ở trẻ em
Đây là một thể thoát vị đĩa đệm đặc biệt thường xảy ra ở trẻ em. Bệnh
tiến triển rất từ từ, không gây đau đớn “cấp tính” ở cột sống nên
thường bị bỏ qua.
Biểu hiện gù lưng ở trẻ em
Vì sao trẻ lại bị gù lưng?
Bệnh gù lưng ở trẻ em là bệnh loạn sản sụn của đốt sống và đĩa đệm ở vùng
cột sống ngực. Bệnh có gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng và cần phân
biệt với những bệnh lý khác của cột sống thắt lưng.
Tổn thương bệnh lý thể hiện đốt sống vẹt ở phần trước, nhân nhầy thoát vị
chui vào thân đốt sống ở phía dưới đĩa đệm, mặt trên và dưới của thân đốt
sống cong lên chứ không lõm xuống, đĩa đệm hẹp, sụn đĩa đệm lồi lõm
không đều. Những tổn thương trên thường xuất hiện ở vùng lưng, từ đốt
sống ngực thứ 7 đến thứ 11. Bệnh thường gặp ở nam giới, đa số bệnh nhân
bắt đầu ở lứa tuổi 13 - 17.
Trẻ bị loạn sản sụn có thể nhận biết dễ dàng không?
Gù lưng là biểu hiện điển hình của bệnh, cột sống lưng gù cong đều, không
có đỉnh gù nhọn. Do gù ở cột sống nên cột sống cổ và thắt lưng uốn cong ra
trước (ngược lại cột sống lưng) để bù trừ. Giảm sự giãn nở của lồng ngực
khi thở, gây giảm dung tích sống của phổi.
Đau ở cột sống lưng, mức độ thường nhẹ, đau có thể lan lên vùng cột sống
cổ và xuống cột sống thắt lưng, về chiều đau nhiều hơn buổi sáng. Cũng có
những người bị bệnh này nhưng không đau đớn gì. Không có triệu chứng
chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh. Trên phim Xquang nếu thấy hình ảnh bệnh lý
như mô tả ở trên có thể chẩn đoán xác định bệnh. Cần chú ý phân biệt với
viêm cột sống dính khớp, lao cột sống, thoái hoá cột sống.
Cách điều trị bệnh là gì?
Bệnh nhân nên cố gắng đi lại, sinh hoạt bình thường. Khi đau nhiều thì dùng
thuốc giảm đau, đeo đai đỡ cột sống, điều trị lý trị liệu.
Trong độ tuổi thiếu niên: nên hạn chế tăng độ gù lưng, bệnh nhân cần phải
nằm trên giường cứng, không gối đầu; tránh các gắng sức thể lực và thể
thao, riêng môn bơi có thể thực hiện ở mức có giới hạn; phải nằm nghỉ vào
buổi trưa ở tư thế nằm ngửa; dùng kết hợp một số thuốc giảm đau thông
thường nếu đau lưng nặng lên. Liệu trình này không được áp dụng kéo dài
quá 6 đến 9 tháng. Tiếp sau cho tiến hành các biện pháp nắn chỉnh cột sống
do các thầy thuốc chuyên khoa chỉnh hình hướng dẫn.
Trong độ tuổi trưởng thành: thường xuất hiện chứng đau lưng khi các tổn
thương, hư khớp thứ phát phát triển, nhất là ở những người bệnh có trạng
thái tâm lý lo âu, rối loạn thần kinh chức năng. Cần cho chụp Xquang cột
sống để làm cơ sở cho việc chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp. Bệnh
nhân phải nằm nghỉ tại giường, tiến hành các biện pháp: xoa bóp, thể dục
liệu pháp. Có thể kết hợp dùng các thuốc giảm đau thông thường aspirin,
alaxan Đôi khi phải cho thêm các thuốc trấn tĩnh thần kinh.
Phòng bệnh cho trẻ bằng cách nào?
Để phòng bệnh gù lưng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý ngay từ những
bước đi chập chững của trẻ. Cần lựa chọn thời điểm thích hợp dạy trẻ tập đi
và thực hiện được theo đúng khả năng của mình, tránh nóng vội, muốn trẻ
ngồi, đi, đứng quá sớm khiến cột sống non nớt của trẻ phải gánh đỡ sức nặng
của đầu và thân mình, dễ khiến trẻ mắc các bệnh cột sống về sau.
Khi trẻ đã biết đi, cần dạy trẻ đi một cách tự nhiên, giữ đầu thẳng, hai vai
cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là một
trong những bước quan trọng nhất tránh cho trẻ bị gù hay cong vẹo cột sống
sau này. Khi trẻ bước vào tuổi đến trường, cần tạo cho trẻ thói quen ngồi học
đúng tư thế. Trẻ em tuổi mẫu giáo nếu phải ngồi học hay xem vô tuyến lâu,
cột sống rất dễ bị gù, vẹo do hệ cơ bắp chưa đủ sức đỡ được trọng lượng cơ
thể trong thời gian dài.
Đối với trẻ lớn hơn, cấp tiểu học hay trung học cơ sở, trẻ thường hay ngồi bò
ra bàn, ép ngực vào thành bàn, nghiêng vẹo cổ để viết nên dễ bị biến dạng
cột sống. Nhiều học sinh bị cong vẹo cột sống hay gù, vai bị lệch, vai cao
vai thấp do cột sống bị xoay. Do đó, trẻ cần được tạo những điều kiện sinh
hoạt, vui chơi, hoạt động thoải mái để trẻ có thể thay đổi tư thế cột sống
thường xuyên, kết hợp các hoạt động thể lực và nghỉ ngơi một cách hài hòa,
hợp lý. Mỗi học sinh cũng cần được sắp xếp một vị trí ngồi trong lớp hợp lý
để có thể nhìn rõ bảng mà không phải ưỡn hay dướn, ngó nghiêng người dễ
dẫn đến bị cong vẹo cột sống.
Ở gia đình, cha mẹ cũng cần luôn quan sát, nhắc nhở trẻ đi đứng, ngồi học
đúng tư thế. Nếu trẻ có những dấu hiệu khác thường thì kịp thời chấn chỉnh,
tránh để thành tật do tư thế không đúng.