Nhận dạng bệnh: viêm
cầu thận mạn
(Suc khoe) - Một bệnh nhân bị viêm cầu thận mạn tính có thể xuất hiện
các dấu hiệu như: nước tiểu màu sẫm, màu váng sắt hay nước tiểu màu
nâu do có máu trong nước tiểu, nước tiểu có bọt
Viêm cầu thận mạn là bệnh gây tổn thương cầu thận, tiến triển từ từ trong
nhiều năm. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phù, tăng huyết áp, protein niệu,
hồng cầu niệu nhưng có khi chỉ có protein và hồng cầu niệu. Giai đoạn cuối
dẫn đến suy thận mạn ngày càng nặng dần.
Vì sao bị viêm cầu thận mạn?
Các nguyên nhân có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn là: sau đợt viêm cầu
thận cấp, sau viêm cầu thận có hội chứng thận hư, sau khi mắc các bệnh hệ
thống như luput hoặc đái tháo đường; sau các bệnh di truyền như hội chứng
Alport. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân khởi đầu,
bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm cầu thận mạn rõ, thậm chí đã là
giai đoạn muộn mà không thấy có tiền sử bệnh viêm cầu thận.
Tùy giai đoạn bệnh mà tổn thương có thể là: viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa,
viêm cầu thận màng, viêm cầu thận màng tăng sinh, viên cầu thận ổ, mảnh,
xơ hóa cầu thận ổ, viêm cầu thận IgA trong bệnh Berger
Tiêu bản tổn thương viêm cầu thận
Dấu hiệu nhận dạng bệnh
Một bệnh nhân bị viêm cầu thận mạn tính có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
nước tiểu màu sẫm, màu váng sắt hay nước tiểu màu nâu do có máu trong
nước tiểu, nước tiểu có bọt. Phù nhẹ, trung bình hoặc nặng, tái phát nhiều
lần. Đái ít, lượng nước tiểu thay đổi tùy từng bệnh nhân và giai đoạn bệnh.
Viêm cầu thận mạn ở giai đoạn càng tiến triển thì tình trạng thiểu niệu càng
rõ.
Tăng huyết áp: ở giai đoạn chưa có suy thận hoặc suy thận nhẹ, tỷ lệ bệnh
nhân tăng huyết áp thấp. Nhưng khi suy thận giai đoạn III, IV, tỷ lệ bệnh
nhân có tăng huyết áp trên 80%.
Thiếu máu: khi chưa có suy thận, không có thiếu máu hoặc chỉ thiếu máu
nhẹ, nhưng khi có suy thận, thiếu máu xuất hiện và ngày càng nặng dần, đôi
khi liên quan chặt chẽ với các giai đoạn suy thận.
Các triệu chứng biểu hiện hội chứng urê máu cao: khi đã có suy thận như
nôn, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, các biểu hiện tim mạch, thần kinh, toan
máu gây thở sâu, rối loạn nhịp thở và nặng nhất là hôn mê do urê máu cao.
Khi bệnh tiến triển từ từ có thể bao gồm các biểu hiện: sút cân, nôn và buồn
nôn, mệt mỏi, đau đầu, ngứa, đi tiểu nhiều vào ban đêm, hay bị co giật cơ
bắp, chuột rút, chảy máu cam…
Protein niệu, khi protein niệu trên 3,5g/24 giờ là có hội chứng thận hư đi
kèm. Nhưng khi suy thận đã đến giai đoạn nặng thì protein niệu thường dưới
1g/24 giờ. Hồng cầu niệu, đái máu vi thể, ít khi có đái máu đại thể. Nếu có
đái máu đại thể phát nhiều lần thì thường là biểu hiện của bệnh cầu thận
IgA.
Trụ niệu gồm trụ hồng cầu, trụ hạt nhưng không phải trụ niệu lúc nào cũng
có. Urê, creatinin, acid uric máu tăng, mức lọc cầu thận giảm khi có suy
thận. K+ máu thường tăng khi có suy thận. Ca++ máu giảm ở suy thận cuối
giai đoạn II trở đi. Na+ máu thường giảm do phù và ăn nhạt. Hồng cầu,
huyết sắc tố giảm khi có suy thận. Siêu âm thấy kích thước thận bình thường
khi chưa có suy thận, thận teo nhỏ đều 2 bên khi có suy thận. Xquang thấy
bóng thận teo nhỏ, đều ở hai bên ở giai đoạn đã suy thận.
Chuẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng phù, tái phát nhiều lần, đái ít,
tăng huyết áp, thiếu máu, protein niệu, hồng cầu niệu, trụ hạt, trụ hồng cầu,
urê, creatinin máu, acid uric máu tăng, mức lọc cầu thận giảm. Siêu âm, X
quang thận: hai thận teo nhỏ đều.
Chuẩn đoán xác định bệnh dựa vào các triệu chứng phù, tái phát nhiều lần,
đái ít, tăng huyết áp, thiếu máu
Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh:
- xơ mạch thận lành tính tăng huyết áp xuất hiện trước các triệu chứng khác,
protein niệu thường dưới 1g/24 giờ.
- Xơ mạch thận ác tính (tăng huyết áp ác tính): huyết áp rất cao, khó đáp ứng
với điều trị, nhiều biến chứng phù tạng, có thể có suy thận cấp tiến triển
nặng nhanh trong một thời gian ngắn.
- Viêm thận bể thận mạn tính: bệnh nhân thường có tiền sử nhiễm khuẩn,
viêm thận bể thận cấp, sỏi thận… Bệnh không có phù trong một thời gian
dài, trừ khi có suy thận mạn tính nặng. Protein niệu thấp, ít khi quá 1g/24
giờ, bạch cầu niệu nhiều, vi khuẩn niệu (+)…
Chữa trị và phòng bệnh
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng
tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn viêm cầu thận mạn chưa có suy thận: viêm cầu thận mạn không
có triệu chứng lâm sàng thì chỉ cần theo dõi định kỳ. Nếu có triệu chứng lâm
sàng thì chủ yếu là điều trị triệu chứng: điều trị phù như ăn nhạt, hạn chế
lượng nước uống. Dùng thuốc lợi tiểu furosemid từ liều thấp
40mgx1viên/24giờ đến liều cao hơn nhằm đạt được lượng nước tiểu như
mong muốn 1,5 – 1,8 lít/24giờ.
Điều trị tăng huyết áp: thuốc hạ huyết áp, các nhóm thuốc đều dùng được.
Khi có suy tim, không dùng thuốc chẹn bêta giao cảm. Có thể dùng một
trong các thuốc: nifedipin, amlor, renitec, logimax, coversyl… Nếu bệnh
nhân đáp ứng tốt với nhóm ức chế men chuyển (renitec, coversyl) có thể
giúp bảo vệ nhu mô thận lâu dài. Cần dùng thuốc thường xuyên, theo dõi
định kỳ về lâm sàng và chức năng thận.
Trường hợp bệnh nhân viêm cầu thận có hội chứng thận hư thì cùng với việc
điều trị triệu chứng, cần điều trị hội chứng thận hư như corticoid,
cyclophosphamid… Nếu có nhiễm khuẩn, cần điều trị kháng sinh loại không
độc thận kết hợp một đợt từ 7 – 10 ngày. Điều trị nguyên nhân như bệnh
luput, đái tháo đường…
Giai đoạn viêm cầu thận mạn, suy thận mạn: ngoài việc điều trị triệu
chứng cần điều trị suy thận mạn tùy thuộc vào giai đoạn suy thận. Điều trị
bảo tồn với suy thận từ giai đoạn I đến giai đoạn II hoặc điều trị thay thế
thận suy ở giai đoạn suy thận giai đoạn cuối.
Phòng bệnh, hiện nay vẫn chưa có cách ngăn chặn đặc biệt nào dành cho
phần lớn các ca viêm cầu thận mạn. Một số trường hợp có thể được ngăn
chặn bằng cách tránh hay hạn chế tiếp xúc với các dung môi hữu cơ, thủy
ngân hay các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid.