Xây dựng hệ thống cửa hàng
chuyên bán đặc sản Việt Nam
Nhóm tác giả của dự án “Hệ thống nhượng quyền thương mại cửa hàng
đặc sản vùng miền Trầu Cau” gồm 15 sinh viên các ngành Quản trị kinh
doanh, Kinh tế đối ngoại, Trồng trọt của các trường Đại học Ngoại
thương, Đại học Nông nghiệp Hà Nội Khi bắt tay vào thực hiện, cả nhóm
xác định mục đích của dự án là nhằm xây dựng một hệ thống cửa hàng
chuyên bán đặc sản Việt Nam.
Người nảy ra ý tưởng này chính là “chủ xị” Bùi Hằng Phương, Phương cho
biết: “Khi đi khảo sát, chúng tôi thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của
người dân là rất lớn, trong khi hệ thống các cửa hàng rau quả đều thiếu nguồn
cung sản phẩm sạch. Để có nguồn hàng bán, họ thậm chí phải nhập khẩu,
chấp nhận bù lỗ. Như vậy, nguyên nhân chính là nguồn cung thiếu trầm trọng
hoặc không ổn định, mặc dù Việt Nam có rất nhiều loại rau củ quả, trái cây
thuộc hàng đặc sản”.
Lợi ích dự án mang lại là người dân được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo
vệ sinh trong khi vẫn có thể phát triển kinh tế nông thôn và bảo vệ môi
trường. Chính ý tưởng này đã giúp dự án của Phương và các đồng tác giả
được Ban giám khảo cuộc thi Festival Khởi nghiệp đánh giá cao.
Điểm nổi trội của dự án chính là cung cấp chỉ dẫn địa lý cho các loại sản
phẩm. Nguyễn Duy Hiếu, một thành viên của nhóm, phân tích: “Ở nhiều vùng
nông thôn hiện nay có tình trạng thương lái mua hàng từ nơi này mang tới nơi
khác bán sang tay kiếm lời. Để mua được hàng thật chỉ có cách duy nhất là
liên hệ trực tiếp với người sản xuất tại địa phương. Khi được cấp chứng nhận
chỉ dẫn địa lý, nơi sản xuất sẽ ghi lại quá trình sản xuất và cam kết về quy
trình sản xuất. Chính phủ sẽ thấy được lợi ích kinh tế của việc làm này và
người tiêu dùng sẽ an tâm hơn”.
Nhóm có lợi thế là hầu hết các thành viên đều đang làm việc tại Trung tâm
Casrad, nơi điều tra, nghiên cứu và đề nghị cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho
các mặt hàng đặc sản nền đầu vào của sản phẩm rất đáng tin cậy.
Dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hệ thống cửa hàng, mà còn
cho người nông dân trực tiếp sản xuất các mặt hàng đặc sản, người tiêu dùng
cũng được cung cấp nguồn thực phẩm bảo đảm sạch và chất lượng.
Theo phân tích của các tác giả, một cửa hàng rau sạch có thể đem lại lợi
nhuận 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết các chi phí.
Các tác giả cũng xác định sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu tại châu Âu và
Bắc Mỹ, còn thị trường trong nước được tổ chức thông qua ba kênh: chuỗi
cửa hàng nhượng quyền, kênh xúc tiến interner và kinh doanh trực tiếp.
Bùi Hằng Phương cho biết: “Hiện đã có 24 sản phẩm phù hợp với dự án của
chúng tôi, dự kiến số lượng sẽ còn tăng thêm, qua đó khẳng định hiệu quả và
mục tiêu hướng đến một nền sản xuất, chế biến và tiêu thụ chất lượng cao của
dự án này”.